Câu chuyện Giáo sư Đỗ Đức Thái cho rằng: "Sách Toán hiện hành ở bậc phổ thông, đặc biệt với tiểu học, quá nặng.
Giáo dục toán học ở phổ thông hiện hành, nhất là với tiểu học, là quá tải và rất nặng. Nó khó đến mức phải là những giáo sư toán học có trình độ tốt mới hiểu hết được" đang thu hút sự chú ý của dư luận.
Nhận định của Giáo sư Đỗ Đức Thái không gây bất ngờ về nội dung vì từ lâu phụ huynh và học sinh đã kêu than về những khó khăn, áp lực học tập khi học chương trình năm 2000.
Tuy nhiên, cái mà dư luận chú ý là việc Giáo sư Đỗ Đức Thái đưa ra nhận định này không phải trong một hội thảo khoa học mà trong ngày Nhà xuất bản Đại học Sư phạm phối hợp cùng Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh ra mắt bộ sách giáo khoa lớp 1 mang tên “Cánh Diều”. Bộ sách này ông Thái đóng vai trò là chủ biên sách giáo khoa Toán lớp 1.
Giáo sư Đỗ Đức Thái đang nói về sách do mình tham gia biên soạn (ảnh T.L). |
Chính vì vậy những người tinh ý khi theo dõi nhận định của ông thấy rằng ý kiến cá nhân của vị giáo sư này dường như có dụng ý “tả mây nẩy trăng” - tức nói về sách toán trong chương trình hiện hành để nâng cao giá trị của sách "Cánh Diều".
Cũng tại buổi nói chuyện đó, ông Thái đã nói về sách Toán lớp mà ông tham gia biên soạn. Theo đó, sách Toán 1 của bộ sách "Cánh Diều" được thiết kế đáp ứng yêu cầu phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh, bao gồm 4 chủ đề: các số đếm đến 10; phép cộng, phép trừ trong phạm vi 10; các số trong phạm vi 100; cộng trừ trong phạm vi 100.
Mỗi chủ đề được bắt đầu bằng một tranh vẽ mô tả một tình huống hướng đến những kiến thức trọng tâm trong chủ đề và mỗi chủ đề được chia thành nhiều bài học.
Mỗi bài học gồm nhiều dạng câu hỏi, bài tập hoặc hoạt động sắp xếp từ dễ đến khó hướng đến khám phá, phát hiện, thực hành, vận dụng giải quyết vấn đề trong thực tiễn.
Các nhà xuất bản đang tăng tốc quảng bá bộ sách giáo khoa mới của mình |
“Văn ta, vợ người” - vốn là cái tật tồn tại dai dẳng trong tầng lớp nho sĩ Việt Nam từ lâu vì thế việc khen chê nhiều khi mang tính khiên cưỡng, chưa thực sự khách quan, công tâm và phù hợp bối cảnh.
Nếu những nhận định của Giáo sư Đỗ Đức Thái được thực hiện trong một cuộc hội thảo khoa học, có đầy đủ của những người có chuyên môn và tác giả của các cuốn sách toán trong chương trình 2000 thì rất đáng hoan nghênh.
Tuy nhiên, trong bối cảnh đang có tranh luận việc ai được chọn sách giáo khoa, nên chọn sách giáo khoa nào thì những phát biểu của Giáo sư Đỗ Đức Thái cũng rất khó để đong đếm độ tin cậy.
Giả sử như sách Toán 1 của “Cánh Diều” khắc phục được những hạn chế của sách Toán chương trình 2000 vậy có cần thiết phải nhấn mạnh đến những hạn chế của chương trình toán năm 2000 đến như vậy không?
Liệu sách Toán “Cánh Diều” có kế thừa những giá trị mà chương trình sách giáo khoa năm 2000 đã làm được không?
Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, cải cách giáo dục không phải đập đi làm lại mà kế thừa được những mặt tích cực và khắc phục được những hạn chế của chương trình trước đó.
Chính vì thế, ngoài vấn đề bán sách thì các nhà soạn sách giáo khoa cũng cần có những đánh giá khách quan để phụ huynh và giáo viên tránh hoang mang, mất phương hướng khi tham gia ý kiến chọn sách giáo khoa cho chương trình phổ thông mới.