Phụ huynh đề xuất đánh giá học sinh cuối năm chỉ nên 2 mức: lên lớp hoặc lưu ban

17/09/2021 06:49
Rạng Đông
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nên chăng, đánh giá kết quả học tập cuối năm của học sinh chỉ theo 2 mức "Hoàn thành" và "Chưa hoàn thành" để xét lên lớp hoặc lưu ban.

LTS: Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được bài viết của một vị phụ huynh học sinh chia sẻ quan điểm, góc nhìn của mình về việc đánh giá kết quả học tập của học sinh từ chính thực tế con em mình. Để nói thật, nói hết suy nghĩ mà không gây phiền phức cho con, vị này đề nghị không nêu thông tin cá nhân.

Nhận thấy đây là nội dung được nhiều thầy cô, cha mẹ học sinh quan tâm, Tòa soạn Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc bài viết này và mong tiếp tục nhận được nhiều bài viết chia sẻ góc nhìn, quan điểm của các bậc cha mẹ học sinh và thầy cô giáo về cách giáo dục, đánh giá kết quả học tập và rèn luyện của học sinh, sinh viên hướng tới mục tiêu thay đổi căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo nước nhà. Bài viết cộng tác quý bạn đọc vui lòng gửi về Tòa soạn theo địa chỉ toasoan@giaoduc.net.vn, nếu phù hợp chúng tôi sẽ biên tập, đăng tải.

Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả. Tiêu đề bài viết do Tòa soạn đặt.

Kỳ kiểm tra cuối năm học thời covid

Ngày 6/8, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã quyết định học sinh lớp 1, lớp 2 không phải làm bài kiểm tra học kỳ 2 năm học 2020-2021 dưới bất kỳ hình thức nào, dù trực tiếp hay trực tuyến.

Tuy nhiên, có vẻ như quyết định trên không còn cần thiết nữa bởi, đến thời điểm đó, hầu hết các trường tiểu học trên địa bàn Hà Nội đã hoàn thành kỳ kiểm tra cuối năm?

Bệnh hình thức và chạy theo thành tích đã “quá nặng” tới mức các trường không đủ kiên nhẫn chờ quyết định từ Sở Giáo dục và Đào tạo cũng như không đủ dũng cảm tự quyết định không tổ chức kiểm tra trực tuyến đối với khối lớp 1 và lớp 2?

Trường N.G.T trên địa bàn quận Long Biên (Hà Nội) không phải ngoại lệ? Hơn ai hết, đội ngũ giáo viên và cha mẹ học sinh cảm nhận sâu sắc áp lực phải “cấp bách” cũng như sự phiền phức, mệt mỏi mà kỳ kiểm tra này mang đến!

Phải chăng các Phòng giáo dục, Ban giám hiệu các trường đều chạy đua, không muốn tụt lại phía sau trong việc giành “thành tích” tổ chức “thành công” kỳ kiểm tra cuối năm học dù trong suy nghĩ đa số cho rằng việc thi trực tuyến đối với khối lớp 1 và lớp 2 là không khả thi?

Cha mẹ học sinh bị thúc ép phải chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị phục vụ kiểm tra trực tuyến như smartphone cài zalo, camera giám sát, máy tính để truy cập internet.

Ảnh minh hoạ: Bnews.vn

Ảnh minh hoạ: Bnews.vn

Khoảng giữa tháng 7, học sinh khối lớp 1 làm bài kiểm tra thử trực tuyến môn Toán và môn Tiếng Việt.

Ngày 23 và 24/7 học sinh khối lớp 1 làm bài kiểm tra chính thức trực tuyến môn Toán và môn Tiếng Việt.

Nhà trường không tổ chức phòng kiểm tra trực tiếp hoặc trực tuyến tại trường, trên nguyên tắc đảm bảo giãn cách xã hội, đối với một số học sinh mà phụ huynh không có điều kiện mua sắm các trang thiết bị phục vụ bài kiểm tra trực tuyến.

Điều này cho thấy sự thiếu chuẩn bị trong khâu tổ chức kỳ kiểm tra cuối năm cũng như sự thiếu cảm thông, chia sẻ, hỗ trợ của trường N.G.T với phụ huynh học sinh trong thời dịch giã. Giáo dục phải luôn đề cao tính nhân văn, nhân đạo!

Trong cuộc họp phụ huynh trực tuyến qua Zoom ngày 7/8, giáo viên chủ nhiệm một lớp khối 1 trường N.G.T nêu bật “thành tích” nhà trường cũng như lớp của cô tổ chức “thành công” kỳ kiểm tra cuối năm!

Cũng tại cuộc họp phụ huynh đó, cô chủ nhiệm cho biết có tình trạng phụ huynh hỗ trợ học sinh làm bài kiểm tra và cô đã phải trao đổi lại với một số phụ huynh có học sinh đạt điểm kiểm tra “quá, quá cao” so với năng lực mà những học sinh đó thể hiện trong quá trình học tập.

Đánh giá kết quả giáo dục học sinh

Đánh giá kết quả giáo dục, ghi Học bạ học sinh tiểu học được hướng dẫn theo Thông tư số 27/2020/TT-BGDĐT ngày 4/9/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Tuy nhiên, nội dung Thông tư có phần sơ sài, tiêu chí định tính lấn át tiêu chí định lượng, đặc biệt đối với khối lớp 1 và lớp 2 dẫn đến tình trạng đánh giá nặng về cảm tính, thiếu khách quan ảnh hưởng đến tâm lý học sinh cũng như không khuyến khích nỗ lực tự hoàn thiện của học sinh.

Trong cuộc họp phụ huynh trực tuyến lớp khối 1 nói trên, giáo viên chủ nhiệm tổng kết: khoảng 1/3 số học sinh được đánh giá "Hoàn thành xuất sắc", không học sinh nào "Hoàn thành tốt", các học sinh còn lại được đánh giá "Hoàn thành", không có học sinh nào "Chưa hoàn thành".

Thông thường, số học sinh được đánh giá "Hoàn thành" chiếm đa số, số học sinh được đánh giá "Hoàn thành tốt" chiểm tỷ lệ thấp hơn, số học sinh được đánh giá "Hoàn thành xuất sắc" sẽ ít hơn nữa, thậm chí có thể không có.

Theo suy luận đó, tỷ lệ 1/3 số học sinh được đánh giá "Hoàn thành xuất sắc" trong khi không học sinh nào "Hoàn thành tốt" liệu có hợp lý? Khối lớp 1 chỉ môn Toán và môn Tiếng Việt có bài kiểm tra cuối kỳ 2 dẫn đến việc đánh giá kết quả học tập còn nặng cảm tính!?

Trong thời gian học trực tiếp trên lớp, một học sinh hăng hái phát biểu hầu hết các môn học, nhiều lần được cô chủ nhiệm tặng "mặt cười", được cô gọi đọc bài lưu loát trong giờ Thao giảng, được cô treo tên ở góc lớp cùng một số rất ít bạn khác như một hình thức biểu dương và làm gương cho lớp, điểm thi môn Toán và môn Tiếng Việt cuối kỳ 2 không môn nào dưới 9 nhưng lại được đánh giá kết quả "Hoàn thành" trong khi 1/3 số học sinh trong lớp được đánh giá "Hoàn thành xuất sắc".

Nhận thông báo đánh giá kết quả học tập cuối năm, học sinh chỉ biết khóc vì sự hụt hẫng và bẽ bàng!

Một giáo viên chủ nhiệm chưa được đánh giá là giỏi, xuất sắc của trường mà có tới 1/3 số học sinh của lớp được đánh giá kết quả xuất sắc thì những giáo viên giỏi chắc phải đạt một nửa thậm chí gần 100% số học sinh xuất sắc?

Các giáo viên chủ nhiệm có “chạy hết công suất” tỷ lệ học sinh xuất sắc? Bao nhiêu học sinh trong lớp học thêm của cô chủ nhiệm nằm trong nhóm 1/3 số học sinh được đánh giá xuất sắc?

Dư luận đã từng dậy sóng về trường hợp một học sinh lớp 4 không biết đọc, viết, tự bản thân em không biết tại sao lại được lên lớp?

Đánh giá kết quả học tập cuối năm, ghi Học bạ đòi hỏi sự nghiêm cẩn, công tâm! Nhân vô thập toàn, hiếm người giỏi xuất sắc toàn diện cả lĩnh vực tự nhiên, văn học, âm nhạc, mỹ thuật, thể thao…

Trong số khoảng 2 triệu học sinh từng khối mỗi năm trên 63 tỉnh thành, tìm chọn được 100 học sinh thực sự xuất sắc toàn diện như thế cũng đã khó lắm thay!?

Nên chăng, đánh giá kết quả học tập cuối năm của học sinh chỉ theo 2 mức "Hoàn thành" và "Chưa hoàn thành" để xét lên lớp hoặc lưu ban.

Học bạ ghi cụ thể kết quả các kỳ kiểm tra quan trọng như kiểm tra giữa kỳ, cuối kỳ của từng môn học, ưu điểm, nhược điểm trong năng lực nhận thức, rèn luyện thể chất, rèn luyện nhân cách đạo đức, năng lực đặc biệt… Học sinh tốt mặt nào thì khen thưởng, biểu dương mặt đó.

Trong số 2 triệu học sinh sẽ phát hiện, rèn luyện và bồi dưỡng được nhiều tài năng trên nhiều lĩnh vực hơn là chỉ tìm chọn được 100 người xuất sắc toàn diện!?

Như thế cũng tránh việc giáo viên chạy đua giành thành tích tỷ lệ học sinh "Hoàn thành xuất sắc", "Hoàn thành tốt".

Thiết nghĩ cải cách giáo dục trước hết cần cải cách khâu đánh giá kết quả học tập, giảng dạy theo hướng loại bỏ bệnh hình thức, thành tích vì đó chính là căn nguyên của hầu hết các bất cập hiện nay, đặc biệt trong bối cảnh phải phát huy cao nhất tinh thần tự giác, tự học của học sinh cũng như sự chung tay, đồng hành của cha mẹ học sinh như trong thời dịch giã này.

Thế hệ học sinh hôm nay sẽ là lực lượng lao động nòng cốt mai sau. Nếu không triệt bỏ được căn bệnh hình thức, thành tích trong ngành giáo dục thì sẽ không thể dẹp được nạn “chạy thành tích”, “chạy bằng khen” như hiện nay!

Rạng Đông