Quan ngại kiểu "tích hợp" sách giáo khoa mới

16/09/2017 06:16
Nguyễn Trọng Bình
(GDVN) - Với cách tư duy và nhận thức về dạy học “tích hợp” kiểu “thịt bò xào thập cẩm” hay “thịt chó – nước chè” như thế này thì khó mà “giảm tải”.

LTS: Sau bài Phó giáo sư Bùi Mạnh Hùng trao đổi ý kiến với thầy Nguyễn Trọng Bình xung quanh chuyện làm sách giáo khoa mới, nhà giáo Nguyễn Trọng Bình có bài trao đổi lại với thầy Hùng.

Để vấn đề được đông đảo bạn đọc và dư luận quan tâm được thảo luận đa chiều, rộng rãi, Tòa soạn xin giới thiệu bài viết này và trân trọng cảm ơn nhà giáo Nguyễn Trọng Bình, Phó giáo sư Bùi Mạnh Hùng.

Văn phong và nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả. Tiêu đề bài viết do Tòa soạn đặt.

Tòa soạn trân trọng kính mới các nhà nghiên cứu giáo dục, các thày cô giáo và những ai quan tâm đến giáo dục nước nhà tham gia viết bài trao đổi về chương trình, sách giáo khoa mới cũng như các vấn đề nóng của giáo dục, đào tạo.

Bài viết xin vui lòng gửi về Tòa soạn theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn, xin trân trọng cảm ơn.

Ngày 11/9/2017, tôi có đọc bài của Phó giáo sư Bùi Mạnh Hùng trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam. 

Bài viết này, Phó giáo sư Bùi Mạnh Hùng trao đổi lại ý kiến và quan điểm của tôi trong bài viết: “Những yêu cầu vô lý, bất khả thi với người biên soạn sách giáo khoa mới” cũng đăng trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam trước đó. 

Ảnh minh họa, nguồn: Báo Giáo dục và Thời đại / Tạp chí Tia sáng.
Ảnh minh họa, nguồn: Báo Giáo dục và Thời đại / Tạp chí Tia sáng.

Trước hết, tôi cũng xin cảm ơn Phó giáo sư Bùi Mạnh Hùng đã dành thời gian đọc bài và trao đổi lại những vấn đề mà tôi đã đặt ra trong bài viết của mình. 

Tôi cho rằng, đây là một dấu hiệu đáng mừng. 

Vì ít nhất nó cho thấy một sự cầu thị, chấp nhận trao đổi và tương tác giữa những người trong tư cách của những chuyên gia (đang trực tiếp triển khai đề án liên quan đến sự nghiệp “trồng người” của dân tộc) với bạn đọc và công chúng. 

Tuy vậy, đọc bài viết trao đổi này của Thầy Hùng (sau đây cho phép tôi xưng hô như vậy cho gọn) tôi thấy có nhiều điểm cần phải trao đổi và tương tác tiếp. 

Và để không mất thời gian của bạn đọc, tôi xin đi thẳng vào từng vấn đề cụ thể như sau:

1. Vấn đề thứ nhất: Tại sao tôi lại đề nghị Thầy Hùng “làm rõ quan điểm, cách thức giúp học sinh đạt được “5 phẩm chất  và 10 năng lực” trong bài viết trước đó của Thầy?

Về chuyện này, Thầy Hùng cho rằng bài viết trước đó của Thầy chỉ nằm trong phạm vi “Biên soạn sách giáo khoa theo định hướng phát triển năng lực và tích hợp: từ góc độ môn Ngữ văn”;

Cho nên việc tôi yêu cầu Thầy phải “làm rõ quan điểm, cách thức giúp học sinh đạt được “5 phẩm chất  và 10 năng lực” là vấn đề quá lớn, một đòi hỏi “vô lý, bất khả thi”.

Tôi lại không nghĩ thế. Vì sao? Xin trao đổi với Thầy như sau:

Một là, bài viết của Thầy theo tôi hiểu, Thầy muốn trình bày những vấn đề mang tính nguyên tắc chung nhằm gợi ý, định hướng cho việc biên soạn sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới.

Chương trình này vừa được thông qua trong toàn bộ đề án “Đổi mới căn bản và toàn diện” nền giáo dục. 

Mà mục tiêu cao nhất của việc “Đổi mới chương trình giáo dục phổ thông tổng thể” lần này là phải giúp các em học sinh có được “5 phẩm chất và 10 năng lực” (điều này thì mọi người đều đã biết nên cho phép tôi không nhắc lại). 

Thế nên, tôi cho rằng việc tôi đề nghị Thầy Hùng phải làm rõ quan điểm này là không có gì là “quá lớn” hay “đòi hỏi vô lý”

Nói cách khác, thực ra ý của tôi ở đây là: 

Thầy Hùng giới thiệu cách viết sách giáo khoa mới nhưng tại sao chỉ chú ý đến việc phát triển năng lực của các em học sinh mà không đề cập gì đến việc xây dựng “phẩm chất” cho các em? 

Hơn nữa, Thầy chỉ chú ý đến duy nhất một năng lực giao tiếp vậy "9 năng lực” còn lại trong mục tiêu của chương sách giáo khoa tổng thể mới thì sao? 

Hai là, trong bài viết của tôi còn một yêu cầu nữa là, nếu viết sách giáo khoa mới theo quan điểm của Thầy thì chỗ nào là cụ thể hóa quan điểm mà xã hội đang yêu cầu:

Quan ngại kiểu "tích hợp" sách giáo khoa mới ảnh 2

Những yêu cầu vô lý, bất khả thi cho người viết sách giáo khoa mới

“Giáo dục phổ thông nên chú trọng đến việc dạy người hơn dạy chữ (kiến thức nói chung)"

Sở dĩ tôi đặt ra vấn đề này là vì, tôi cho rằng “5 phẩm chất” trong mục tiêu chung của đề án chính là mong muốn giáo dục phổ thông phải hướng tới việc việc dạy người cho các em học sinh. 

Mà để làm được này thì vai trò của những môn khoa học xã hội đặc biệt là môn Ngữ văn trong nhà trường là quan trọng nhất! 

Cho nên, theo ý tôi bài viết của Thầy hoặc là đã bỏ sót “5 phẩm chất”“9 năng lực” còn lại mà mục tiêu của đề án yêu cầu; hoặc Thầy cho rằng những điều này không là quan trọng chăng!? 

Ba là, theo chỗ tôi được biết Thầy Hùng hiện là “Điều phối viên chính của Ban Phát triển chương trình giáo dục phổ thông thể”

Nên cá nhân tôi với tư cách vừa là bạn đọc vừa là người dân quan tâm đến vấn đề này nên tôi đặt ra và trao đổi lại những điều Thầy nói là hoàn toàn phù hợp và rất bình thường, có gì vượt qua phạm vi quan tâm cũng như trách nhiệm của Thầy Hùng? 

2. Vấn đề thứ hai: về chuyện “giảm tải” kiến thức trong chương trình sách giáo khoa mới.

Trước hết tôi cũng đồng ý với Thầy Hùng về quan điểm: 

Nên hiểu “giảm tải” ở đây là bỏ bớt những “kiến thức không cần thiết”“sắp xếp lại” các kiến thức sao cho phù hợp với định hướng và mục tiêu của đề án đổi mới giáo dục lần này. 

Tuy nhiên, tôi rất quan ngại là, không biết Thầy và các chuyên gia khác trong đề án đổi mới nghĩ gì về quan điểm dạy học “tích hợp” mà lại “kết nối” môn Ngữ văn với không biết bao nhiêu kiến thức từ các môn khoa học khác (như trong bài viết Thầy đã trình bày) một cách cơ học như thế? 

Tôi cho là với cách tư duy và nhận thức về dạy học “tích hợp” kiểu “thịt bò xào thập cẩm” hay “thịt chó – nước chè” như thế này thì khó mà “giảm tải” hay loại bỏ “những kiến thức không cần thiết” như thầy nói! 

Quan ngại kiểu "tích hợp" sách giáo khoa mới ảnh 3

Phó giáo sư - chuyên gia chương trình mới bày cách viết sách giáo khoa

Nói khác đi, bài viết của Thầy chỉ mới đặt vấn đề biên soạn sách giáo khoa theo định hướng phát triển một năng lực duy nhất là giao tiếp (đặc biệt là giao tiếp đa phương tiện như Thầy đã nhấn mạnh).

Tuy mới chỉ có năng lực giao tiếp, thế nhưng học sinh và giáo viên đã phải khổ sở “tích hợp”, “kết nối”, “cộng hưởng” với không biết bao nhiêu là kiến thức từ các môn học khác.

Thử hỏi, để cùng lúc đạt được “5 phẩm chất” cùng “9 năng lực” còn lại (trong đề án) thì các Thầy còn yêu cầu “tích hợp”, “kết nối”, “cộng hưởng” với những vấn đề gì nữa? 

3. Vấn đề thứ ba: Xin được trao đổi kỹ hơn về ví dụ mà Thầy đã phân tích nhằm chứng minh cho quan điểm “tích hợp” giữa môn Ngữ văn với môn…Mĩ thuật mà Thầy đã trình bày trong bài viết của mình liên quan đến bài thơ “Bơi vào đi” và bức ảnh đi kèm.

Thứ nhất,  xin phép đính chính với Thầy luôn, ở chỗ này Thầy đã nhầm lẫn giữa môn “Mĩ thuật” và môn “Nhiếp ảnh” rồi.  

Vì bức ảnh về những chú chó ở Trường Sa mà cựu binh Lê Bá Dương chụp được là sản phẩm của bộ môn nhiếp ảnh chứ không phải Mĩ thuật. 

Bộ môn Mĩ thuật theo tôi được biết là những tác phẩm thuộc về “nghệ thuật thị giác” như:

Hội họa, điêu khắc, kiến trúc, đồ họa, hay gần đây người ta có bổ sung thêm một số môn nghệ thuật về “trình diễn”, “sắp đặt”… nhưng tuyệt nhiên không có môn nhiếp ảnh.

Thứ hai, tôi lấy làm lạ là trong bài viết của mình Thầy Hùng đã thừa nhận với tôi “nếu xét về chất lượng nghệ thuật của một bài thơ thì có thể “Bơi vào đi” chưa đạt được mức có thể đưa vào dạy học.” 

Nhưng ngay sau đó Thầy lại chống chế rằng: 

“Bài thơ không đặc sắc nhưng rất thú vị khi nó được gợi cảm hứng từ tấm ảnh. Điều quan trọng là dẫn chứng của tôi là “người thật, việc thật”. 

Nội dung bài thơ và nhiều chi tiết trong bức ảnh rất đẹp và gây nhiều xúc động, ít nhất là đối với tôi, phù hợp để nói về văn bản đa phương thức.”

Tôi cho rằng cách lập luận của Thầy ở trên là rất không ổn về thao tác lẫn tư duy của người nghiên cứu khoa học. 

Bài viết của Thầy, tôi hiểu đó là bài báo khoa học nhằm trình bày và công bố quan điểm của một nhà khoa học, liên quan đến vấn đề gợi mở và định hướng cho việc biên soạn sách giáo khoa theo chương trình mới. 

Điều đó cũng có nghĩa, lẽ ra các ví dụ mà Thầy dẫn ra để minh chứng cho luận điểm của mình phải có cơ sở khoa học cả về lý luận lẫn thức tiễn. 

Có như thế may ra mới thuyết phục được người khác. 

Quan ngại kiểu "tích hợp" sách giáo khoa mới ảnh 4

3 thầy 1 sách và nguy cơ tích hợp “thịt chó - nước chè”

Thế nhưng, ví dụ mà Thầy đưa ra chỉ là một trường hợp đơn lẻ, hiếm hoi và rất không phổ quát. 

Quan trọng hơn, chất lượng và giá trị của nó cũng rất kém (mà chính Thầy cũng thừa nhận dù chỉ nửa vời) thì liệu có ổn không?

Những người biên soạn sách giáo khoa có nên tin và làm theo Thầy  không?   

Thứ ba, tôi cho rằng dù Thầy có biện giải thế nào thì cũng không thể thay đổi một sự thật về sự khiêng cưỡng trong nhận thức và tư duy của Thầy liên quan đến việc phân tích bức ảnh con chó rồi “áp sang” luôn cho bài thơ theo quan điểm dạy học “tích hợp”

Bởi lẽ, ví dụ của Thầy là nhằm minh chứng cho việc liên hệ, “tích hợp” giữa môn Ngữ văn với các môn học khác. 

Điều đó cũng có nghĩa là mọi vấn đề liên quan đến việc phân tích bài thơ “Bơi vào đi” phải trên cơ sở mục tiêu dạy học của môn Ngữ văn nói chung. 

Nói khác đi, ở đây môn Ngữ văn là đối tượng và mục tiêu chính phải hướng tới chứ không phải các môn học khác. 

Thế nhưng Thầy lại làm ngược lại.

Thầy đi phân tích nội dung bức ảnh (bối cảnh, màu sắc chủ đạo, hoạt động, vị trí đặt máy ảnh, tiêu điểm…) rồi “áp” sang cho nội dung của bài thơ là nghĩa làm sao? 

Tóm lại, liên quan đến vấn đề này cũng như qua những gì các Thầy đề cập đến chuyện “tích hợp” tôi cho rằng các Thầy đang làm cái việc “vẽ rắn thêm chân” rất không cần thiết. 

Quan điểm dạy học “tích hợp” mà như các Thầy nói và thực hành thì nguy hiểm quá. 

Xin chia sẻ thật với Thầy, một người bạn vong niên của tôi (hiện là giáo viên sắp về hưu) sau khi đọc những gì các Thầy viết về “tích hợp” có nhận xét đùa (nhưng với tôi là rất chua chát) rằng: 

"Dạy học “tích hợp” mà nói như mấy ổng thì có khác gì mấy chị, mấy cô đi mua đồng nát (người miền Nam gọi là mua ve chai, lông vịt), gặp thứ gì cũng mua và chất đầy vào hai cái quang gánh!? 

Nhưng chị mua đồng nát về vẫn phải phân ra để bán và được kiếm tiền, chứ dạy học mà tùm lum kiểu đó thì chỉ làm khổ bọn trẻ”.

4. Vấn đề cuối cùng thay lời kết cho bài trao đổi

Kết luận bài trao đổi của mình Thầy Hùng có nói rằng: 

Quan ngại kiểu "tích hợp" sách giáo khoa mới ảnh 5

Tích hợp “1 sách 3 thày”, Ban soạn thảo càng ngày càng rối

“Bài viết đăng trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam của tôi không nói về vấn đề dạy thơ theo chương trình mới như thế nào.” 

Vì lẽ nếu “đề cập đến “cái hay, cái đẹp, cái độc đáo của bài thơ (hình thức nghệ thuật, tính thẩm mỹ…) ở góc độ ngôn từ nghệ thuật” như yêu cầu của thầy Bình thì hóa ra tôi lạc đề. 

Bài viết trước của Thầy bàn về “Biên soạn sách giáo khoa theo định hướng phát triển năng lực và tích hợp: từ góc độ môn Ngữ văn”

Vậy xin hỏi Thầy, mục đích của Thầy khi giới thiệu cách biên soạn sách giáo khoa để làm gì nếu không phải dùng làm tài liệu phục vụ cho dạy và học của giáo viên và học sinh? 

Và chính Thầy là người lựa chọn bài thơ “Bơi vào đi” để làm ví dụ nhằm minh chứng cho quan điểm dạy học “tích hợp” giữa môn Ngữ văn và môn Mĩ thuật (mà như tôi đã nói ở trên đúng phải gọi là nhiếp ảnh mới chính xác) nhưng sao giờ Thầy lại nói như vậy? 

Kính thưa Thầy Hùng, tôi nghĩ trong chuyện này quan điểm của tôi và Thầy vẫn còn sờ sờ ra đó, tôi tin là bạn đọc sẽ kiểm chứng được vấn đề này.

Cuối cùng, nhân đây cũng xin thú thật với Thầy là, bản thân tôi vốn không được may mắn như Thầy và nhiều chuyên gia khác khi liên tiếp có những chuyến xuất ngoại để tham quan và học tập kinh nghiệm về các mô hình giáo dục của các nước tiên tiến trên thế giới. 

Vì vậy, khi nghe Thầy nói những vấn đề mà Thầy đặt ra trong bài viết của mình vốn “được đúc rút từ kinh nghiệm biên soạn sách giáo khoa của Mỹ, Australia, Anh,…”  làm tôi càng hoang mang và xấu hổ với bản thân hơn. 

Vì lẽ sao mình chậm trễ và lạc hậu quá? Tuy vậy, riêng chỗ này cũng cho phép tôi mạo muội gửi đến Thầy một lời khuyên chân thành là: 

Học tập những điều hay của bè bạn quốc tế dĩ nhiên là rất tốt. 

Nhưng trong cái nhìn của tôi, đặt trong cái nhìn chung về mọi lĩnh vực của đời sống văn hóa, xã hội, kinh tế… của con người và đất nước ta hiện nay thì tôi cho rằng:

Cái “tấm áo giáo dục” của những “người khổng lồ” như Mỹ, Australia, Anh… “đang mặc” nếu chúng ta mang/mượn về và mặc vào e là sẽ rất “khó coi”. 

Vì lẽ, nó “quá rộng” so với “thể trạng” văn hóa, xã hội của người Việt trong thời điểm hiện tại. 

Tôi nghĩ, chắc Thầy Hùng cũng đã và đang theo dõi chuyện “cãi nhau” của dư luận xã hội liên quan đến chương trình giáo dục VNEN do các “chuyên gia cấp cao” của Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng nguyên Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nhập về từ Colombia năm nào!? 

Và Thầy sẽ không phản đối nếu tôi nói rằng nền giáo dục của Comlobia dĩ nhiên vẫn còn kém xa nền giáo dục của những nước Mỹ, Australia, Anh… mà Thầy đang học tập kinh nghiệm?   

Trước khi dứt lời, một lần nữa tôi xin cảm ơn Thầy Hùng đã có bài trao đổi với cá nhân tôi. Bài viết này nếu có gì sơ suất mong thầy bỏ qua và chỉ giáo thêm. 

Kính chúc thầy sức khỏe và công tác tốt!
--------
Nguồn tham khảo:

[1]. “Phó giáo sư – chuyên gia chương trình mới bày cách viết SGK” . Xem tại: http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Pho-giao-su--chuyen-gia-chuong-trinh-moi-bay-cach-viet-sach-giao-khoa-post179226.gd

[2] “Những yêu cầu vô lý, bất khả thi với người biên soạn sách giáo khoa mới”. Xem tại: http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Nhung-yeu-cau-vo-ly-bat-kha-thi-cho-nguoi-viet-sach-giao-khoa-moi-post179295.gd

[3]: “Phó Giáo sư Bùi Mạnh Hùng trao đổi ý kiến với thầy Nguyễn Trọng Bình”. Xem tại: http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Pho-giao-su-Bui-Manh-Hung-trao-doi-y-kien-voi-thay-Nguyen-Trong-Binh-post179592.gd

[4]: “3 thầy 1 sách và nguy cơ tích hợp thịt chó – nước chè”. Xem tại: http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/3-thay-1-sach-va-nguy-co-tich-hop-thit-cho--nuoc-che-post179022.gd

Nguyễn Trọng Bình