Quên bệnh ung thư, cô giáo gom tất cả thương yêu gieo chữ cho học sinh miền núi

17/10/2020 06:41
Cao Kim Anh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- “Đối với cô Nga, công tác giáo dục miền núi chính là sinh mệnh của mình”.

Mang trong mình nỗi đau đớn của căn bệnh ung thư nhưng vượt lên số phận nghiệt ngã cô giáo Đỗ Thị Nga vẫn say sưa với công tác giáo dục nơi vùng sâu, vùng xa của Tổ quốc, với ước mong thay đổi cuộc sống nơi đây bằng con chữ.

Vươn lên từ sỏi đá để được đến trường

Được kể về con đường đi vào xã Tô Múa (huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La) khúc khuỷu, khó đi lắm, ấy thế mà câu chuyện về cô giáo Đỗ Thị Nga, Phó hiệu trưởng Tiểu học và Trung học cơ sở Tô Múa làm lòng tôi thấy phấn khích nên chặng đường đó như xa mà gần.

Tôi đặt chân đến bản Mến, đúng như tên gọi của điểm trường tiểu học trung tâm của xã Tô Múa, thiên nhiên và con người nơi đây dung dị, gây thiện cảm đến lạ.

Từ thầy cô giáo đến các em học sinh, ai cũng chân chất và có sức sống mạnh mẽ vốn có của núi rừng.

Chắc có lẽ cũng bởi thế mà sức sống mãnh liệt ấy ngấm vào máu của những con người nhỏ bé nơi đây như cô Đỗ Thị Nga.

Sống giữa núi rừng, nhưng gốc gia đình cô giáo Nga lại là người dân tộc Kinh. Những năm 1978, khi cô Nga được sinh ra thì những thủ tục lạc hậu vẫn bấu víu vào thẳm sâu gốc rễ của con người nơi đây.

Suy nghĩ trọng nam khinh nữ khiến việc đến trường của một đứa con gái trong gia đình là điều không thể. Con gái sinh ra bé chỉ làm việc nhà, lớn lấy chồng sinh con, vẫn tiếp tục công việc gia đình, nội trợ, bị khinh rẻ và không bao giờ được có ý kiến mưu cầu hạnh phúc riêng.

“Chị không chấp nhận số phận bó buộc như thế nên đã trốn để được đi học. Lúc đầu bố mẹ chị cấm không cho đi, nhưng sau rất nhiều lần chị trốn và biết không cản được nên bố mẹ đành ra điều kiện.

Mỗi một ngày nếu chị không làm hết việc nhà sẽ không được học. Khi kết thúc hết việc nhà cũng là lúc tất cả mọi người chìm vào giấc ngủ.

Một đứa trẻ là chị lúc đó, vì quá ham học nên quyết định thức một mình và đắm chìm vào các con số, bảng chữ trong lọ mọ đêm khuya”, cô Nga tâm sự.

Đã 22 năm gắn bó với những điểm trường sau khi tốt nghiệp đại học, cô Nga nhận thấy rằng, những đứa trẻ nơi đây cũng chính là hình ảnh của mình năm xưa. (Ảnh C.K.A)

Đã 22 năm gắn bó với những điểm trường sau khi tốt nghiệp đại học, cô Nga nhận thấy rằng, những đứa trẻ nơi đây cũng chính là hình ảnh của mình năm xưa. (Ảnh C.K.A)

Theo lời cô Nga kể, khoảng cách từ trường đến nhà chị 7km, đường khó đi, trơn trượt lắm.

Cứ suy nghĩ, cách đây bấy nhiêu năm thì khoảng cách này lớn biết bao khi đường sá chưa được xây dựng, điện đường trường trạm đúng nghĩa “xóa mù chữ” đã thấy con đường đến trường của cô Nga vất vả cỡ nào.

“Thời đó nhà nước nuôi ăn, nuôi học, nhưng thứ tôi ám ảnh nhất là nghèo đói. Nếu đi học đồng nghĩa với việc mang cái bụng đói meo đến trường, vì đã không làm việc nhà thì lấy đâu ra cơm để ăn lấp cơn đói.

Có thể vì đó mà nó trở thành thói quen làm việc xuyên bữa cơm của tôi”, cô Nga tâm sự.

Khi kể lại cuộc đời của mình, có những lần tôi thấy giọng cô nghẹn lại, mắt cô đỏ hoe, chắc rồi có lẽ, đâu đó trong cô nỗi tủi nhục của một đứa trẻ sâu xa ở bản làng, quyết vươn lên đi tìm con chữ để rồi thành công, khi nhìn lại thấy mình mạnh mẽ biết bao mà chùng lòng lắng đọng.

Cảm xúc đó tôi xin đặt tên kiên cường. Dáng người cô bé nhỏ, nhưng đôi mắt to và sâu thẳm, tràn đầy nhiệt thành và chân tình, chắc có lẽ đó có phần ít nhiều lý do khi cô chọn điểm trường bản Mến là nơi công tác lâu năm của mình.

Dù có chết thì vẫn muốn tiếp tục làm giáo dục

Cách đây hơn 1 năm, kết thúc năm học, nhà trường tổ chức cho giáo viên toàn trường đi nghỉ hè cùng nhau một dịp, cô Nga cảm thấy cơ thể không được khỏe.

Sau khi đi kiểm tra sức khỏe, cuộc đời vốn dĩ không mấy bằng phẳng của cô lại thêm phần sóng gió. Cô bị chẩn đoán mắc căn bệnh ung thư dạ dày giai đoạn 4.

Tôi gặp cô vào đầu tháng 10, khi những cơn gió se lạnh thổi qua những câu chuyện, chút gì đó thương cảm vương vấn giữa tôi và cô tự dưng vì thế mà chùng xuống.

Tâm sự với tôi, cô nói, “cuộc đời này ngắn lắm, vốn ngắn mà chúng ta không thể lường trước được bất cứ điều gì. Bố tôi mới mất cách đây gần hai tuần, bị ung thư phổi, khi phát hiện đến khi bố tôi ra đi chỉ 9 ngày.

Những vấn đề có thể xảy đến với tôi, tôi đã lường trước được hết, nhưng riêng đối với ông, đó là một sự bàng hoàng đối với bản thân tôi và gia đình.

Vốn dĩ, sinh, lão, bệnh tử là do số mệnh nhưng chính tôi cũng đang từng ngày chiến đấu với số mệnh của mình”.

Đối với cô Nga, công tác giáo dục miền núi chính là sinh mệnh của mình. (Ảnh C.K.A)

Đối với cô Nga, công tác giáo dục miền núi chính là sinh mệnh của mình. (Ảnh C.K.A)

Dù có chuẩn bị trước những cảm xúc để không làm cô suy nghĩ, nhưng nói chuyện với cô, những lời cô nói, những nốt thăng trầm trong cuộc đời cô không ít lần làm người đối diện nói chuyện là tôi nhói lòng.

Cô Nga trước là Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tô Múa, sau khi sáp nhập liên cấp tiểu học và trung học cơ sở, cô chuyển sang làm Hiệu phó phụ trách tiểu học Tô Múa.

Đã 22 năm gắn bó với những điểm trường sau khi tốt nghiệp đại học, cô Nga nhận thấy rằng, những đứa trẻ nơi đây cũng chính là hình ảnh của cô năm xưa.

Dù bây giờ nhận thức về đến trường học chữ đã khác xưa nhưng vẫn còn khó khăn do điều kiện kinh tế, địa phương nên việc đến trường cũng chưa thật sự dễ dàng.

Có thể đến Sơn La, yêu nơi đây vẻ đẹp hùng vĩ của núi rừng, thấm đượm tình người chân chất nơi đây, và nghe kể công tác giáo dục của cô Đỗ Thị Nga làm lòng tôi cảm mến, ấm áp lạ thường.

Khi nói về người bạn cùng mình trải qua những cay đắng ngọt bùi, cô Hoàng Xuân, giáo viên Tiểu học Tô Múa nói về cô Nga với giọng điệu bùi ngùi xen lẫn niềm tự hào:

“Nếu nói về Nga, giữa hai người không là tình bạn đơn thuần mà là tri kỉ.

Tôi và Nga cùng khóc, cùng cười, cùng công tác và làm việc với nhau thân hơn chị em ruột, có những thứ tôi chỉ chia sẻ với Nga mà không một ai có thể hiều được tôi hơn thế.

Nga mắc bệnh nhưng chưa một lần tôi thấy Nga kêu than, trách phận. Đến bây giờ, giáo viên cầm cuốc, cầm xẻng đi đào đường, trồng cây, dù ở cấp quản lý nhưng Nga cũng làm tất cả các việc.

Mỗi ngày, từ nhà tới trường làm công tác dạy học, tôi và Nga phải đi 55 km, chỉ trừ những ngày do truyền hóa chất quá mệt hoặc đi xuống viện thăm khám thì tôi mới phải đi một mình. Nếu nói cuộc đời tôi tấm gương vượt khó chẳng ở đâu, chỉ chẳng nhìn ai ngoài bạn mình”.

Lúc tôi có mặt tại trường, cũng là lúc cô Nga đang tiếp đón một đoàn làm dự án chương trình nào đó về học đường. Thế nhưng, dáng người nhỏ bé, thoăn thoắt việc gì ra việc nấy, gọn gàng, nhanh nhẹn chẳng ai nghĩ cô đang mang trọng bệnh trong người.

Cô Nga có chia sẻ với tôi rằng: “Nếu cho chị lựa chọn lại, cuộc đời chị vẫn lựa chọn làm công tác giáo dục miền núi. Nó không phải là một công việc, một lựa chọn, một kế sinh nhai đơn thuần, mà đó là cả đam mê và mơ ước của chị.

Chị biết bệnh của chị cũng khó qua lắm, nên sống vui và cống hiến được ngày nào chị sẽ làm hết mình ngày đó”.

Với tôi, bản năng chiến đấu của cô Nga chắc chắn được tôi luyện bởi cuộc đời không có màu hồng của cô, cô tự biến cuộc đời đó có những nét xanh lam, dù nguệch ngoạc, dù không tròn nét, nhưng chắc chắn đó là màu của hi vọng, của cả ước mơ sống là có ích của cô Nga.

Tôi rời Tô Múa, cũng rời mảnh đất Sơn La nhưng vẫn lắng lại trong lòng ấm áp lời của thầy Ngô Tiến Thự, Hiệu trưởng trường Tiểu học và Trung học cơ sở Tô Múa về cô Đỗ Thị Nga: “Đối với cô Nga, công tác giáo dục miền núi bằng cả sinh mệnh của mình”.

Sự gần gũi, chân thành, điềm đạm, nhiệt thành của cô Nga cũng để lại trong tôi những ấn tượng tốt đẹp về một câu chuyện vượt lên số phận để cống hiến cho công tác giáo dục miền núi.

Nếu có những điều ước dành cho người phụ nữ nhỏ bé ấy, tôi xin dành trọn tất cả để mong cô thật khỏe mạnh, kiên cường như cô vốn thế, để chống chọi, chiến thắng bệnh tật, tiếp tục với đam mê bằng cả cuộc đời của mình.

Cao Kim Anh