Cô giáo trẻ tái chế vỏ mì tôm, kiếm tiền ủng hộ người nghèo

03/10/2020 08:47
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Câu lạc bộ Mì Tôm Xanh do cô Vũ Thị Thảo thành lập đã tái chế hàng ngàn vỏ mì tôm trở thành túi xách, đồ dùng để bán và quyên góp tiền ủng hộ người khó khăn.

Không muốn những chiếc vỏ mì tôm kết thúc “số phận” trong thùng rác hay “lang thang” ngoài môi trường, cô Vũ Thị Thảo, giáo viên thể dục Trường Trung học phổ thông Vinschool Time City đã mày mò, sáng tạo, tái chế vỏ mì tôm trở thành những sản phẩm hữu ích và đầy tính nghệ thuật.

Những sản phẩm ấy được cô bán để quyên góp tiền cho những hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống và ủng hộ quỹ chống dịch Covid-19.

Những sản phẩm đặc biệt từ “rác thải”

Từ khi câu lạc bộ Mì Tôm Xanh được thành lập, cứ mỗi tuần 2 buổi, sau giờ học, cô Thảo và các thành viên trong nhóm lại tập trung tại phòng thể chất của trường để bắt đầu hành trình tái chế.

Là một người yêu thích sản phẩm tái chế, cô đã bắt đầu mày mò sáng tạo với vỏ mì tôm từ tháng 01/2020. Sản phẩm đầu tay của cô là những chiếc đế lót cốc nhỏ xinh với màu sắc sặc sỡ.

Từ tháng 2/2020, hưởng ứng sự kiện "Tuần lễ bảo vệ môi trường" do trường phát động trong thời gian giãn cách xã hội, cô bắt tay vào làm các sản phẩm từ chai nhựa, vỏ bánh kẹo, vỏ mì tôm... Mặc dù vậy, sản phẩm mà cô tâm đắc nhất chính là những vật dụng được đan từ vỏ mì tôm.

Câu lạc bộ Mì Tôm Xanh do cô Vũ Thị Thảo thành lập đã tái chế hàng ngàn vỏ mì tôm trở thành túi xách, đồ dùng để bán và quyên góp tiền cho chương trình Cặp lá yêu thương cùng quỹ chống dịch Covid-19. Ảnh: Phạm Minh.

Câu lạc bộ Mì Tôm Xanh do cô Vũ Thị Thảo thành lập đã tái chế hàng ngàn vỏ mì tôm trở thành túi xách, đồ dùng để bán và quyên góp tiền cho chương trình Cặp lá yêu thương cùng quỹ chống dịch Covid-19. Ảnh: Phạm Minh.

Cô Vũ Thảo chia sẻ: “Mì tôm là thực phẩm được sử dụng rất nhiều trong đời sống. Mình có thể tận dụng số lượng lớn rác thải này để tái chế.

Sau khi thử làm nhiều vật liệu khác nhau, mình nhận thấy vỏ mì tôm đáp ứng được những yêu cầu về độ bền, độ dẻo và tính thẩm mỹ nên rất phù hợp để tạo ra các sản phẩm đồ dùng”.

Khi sáng tạo thành công đa dạng các sản phẩm, nữ giáo viên ấp ủ việc mở rộng và lan tỏa hoạt động tái chế bảo vệ môi trường, hướng đến lối sống xanh.

Cô đăng tin tuyển thành viên và kêu gọi mọi người cùng tham gia vào dự án của mình.

Thời gian đầu, số lượng thành viên tham gia chỉ có 10 bạn nên hoạt động của câu lạc bộ gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, càng về sau, hoạt động đã truyền cảm hứng đến nhiều người.

Từ học sinh, phụ huynh đến những đồng nghiệp trong trường đều giúp cô Thảo thu gom vật liệu.

“Khi gom vỏ mì tôm để trong bếp, đồng nghiệp của mình từng bị người thân mắng và vứt đi. Chỉ đến khi họ trực tiếp xem hình ảnh sản phẩm của mình và biết đến mục đích hoạt động của Câu lạc bộ thì mọi người mới đồng ý thu gom rác.

Điều làm mình hạnh phúc nhất là nhiều học sinh ở các trường học khác đã chủ động liên hệ và xin được tham gia câu lạc bộ. Nhiều em học sinh tiểu học đã cùng bố mẹ tham gia thu gom vỏ mì để ủng hộ dự án”, cô Thảo chia sẻ.

Sáng kiến tái chế vỏ mì tôm của Câu lạc bộ đã xuất sắc giành Giải Ba trong vòng Chung kết cuộc thi Sáng kiến Thanh niên “Trả xanh cho biển” (To blue the blue) do VNMAM và Quỹ ASEAN tổ chức. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Sáng kiến tái chế vỏ mì tôm của Câu lạc bộ đã xuất sắc giành Giải Ba trong vòng Chung kết cuộc thi Sáng kiến Thanh niên “Trả xanh cho biển” (To blue the blue) do VNMAM và Quỹ ASEAN tổ chức. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Sản phẩm tái chế của Mì Tôm Xanh rất đa dạng, đó là những chiếc hộp bút, hộp phấn, giỏ đựng đồ, đĩa hoa quả, túi xách, miếng lót cốc, lọ hoa, đồng hồ treo tường…

Riêng với túi xách, cô Thảo và học sinh liên hệ với các chủ tiệm may xin lại vải thừa, tận dụng tối đa rác thải để tái chế. Cô Thảo chia sẻ: “Điều mình trăn trở nhất chính là vấn đề rác thải và môi trường hiện nay. Đó là lý do mình không bao giờ muốn lấy rác trở lại thành rác.

Những vật liệu thừa từ hoạt động của nhóm sẽ được công ty Rác là vàng tiếp nhận để xử lý và tiếp tục tái chế, hạn chế tối đa việc xả rác thải ra môi trường.

Chúng mình cũng thiết kế những sản phẩm thiết thực, hữu dụng với độ bền cao, đảm bảo mục tiêu bảo vệ môi trường”.

Hoạt động tái chế thiết kế sản phẩm khá phức tạp và đòi hỏi mỗi người cần có sự kiên trì, tỉ mỉ, khéo léo.

Đến thời điểm hiện tại, mặc dù có hơn 30 thành viên và hơn 100 cộng tác viên nhưng các công đoạn tạo khuôn, đan lát đều do một tay cô Thảo thực hiện vì học sinh chưa quen việc.

Các em trong câu lạc bộ cùng đội ngũ cộng tác viên sẽ chịu trách nhiệm chính việc thu gom, xử lý, làm sạch vật liệu. Nhiều thành viên trong nhóm đã tích cực học hỏi cô giáo cách làm và bắt đầu thiết kế được những sản phẩm đơn giản nhất.

Đan từng sợi yêu thương

Đã hơn 9 tháng kể từ ngày câu lạc bộ Mì Tôm Xanh chập chững những bước đi đầu tiên, giờ đây, sản phẩm tái chế của cô Thảo được nhiều người đặt mua với số lượng lớn.

Những ngày này, cả cô và trò vẫn đang miệt mài với công việc để đảm bảo tiến độ cho những đơn đặt hàng sắp tới.

“Mặc dù làm những sản phẩm này mất khá nhiều thời gian nhưng mình vẫn say mê và thích thú với công việc. Bởi lẽ, khi mỗi sản phẩm được hoàn thành và trao đến khách hàng là lúc mình góp một phần công sức để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn.

Thiết kế mỗi sản phẩm cũng giống như mình đang đan cài từng sợi yêu thương, gửi gắm tình cảm, sự sẻ chia đến với những mảnh đời bất hạnh, đan càng nhiều thì tình yêu thương trao nhau càng thêm lớn”, cô Thảo tâm sự.

Số tiền bán sản phẩm đều được quyên góp, ủng hộ những hoàn cảnh bất hạnh trong chương trình “Cặp lá yêu thương” và ủng hộ cho quỹ chống dịch Covid-19.

“Vì thời gian giãn cách xã hội bởi Covid-19 là thời điểm mình bắt đầu sáng tạo nên những sản phẩm này. Mình muốn góp một phần nhỏ vào công cuộc chống dịch của đất nước.

Bên cạnh đó, sản phẩm của mình không chỉ hướng tới việc bảo vệ môi trường, giáo dục lối sống xanh mà còn hướng tới mục đích thiện nguyện”, cô Thảo chia sẻ.

Đến thời điểm hiện tại, Mì Tôm Xanh đã bán được hơn 40 sản phẩm khác nhau cho khách hàng ở khắp mọi miền đất nước.

Chia sẻ về hoạt động thiện nguyện của mình, cô Vũ Thảo cho biết: “Câu lạc bộ không thu tiền trực tiếp của khách hàng. Thay vào đó, chúng mình sẽ lựa chọn những hoàn cảnh đặc biệt trong chương trình “Cặp lá yêu thương”, khách hàng chuyển khoản trực tiếp vào số tài khoản hoàn cảnh cần được giúp đỡ.

Ngoài ra, nhiều sản phẩm được gửi đi khi khách hàng đã đóng góp vào quỹ chống dịch Covid”.

Tạo nên những sản phẩm ấn tượng, cô Thảo còn có cách bán hàng đặc biệt. Cũng chính vì hoạt động thiện nguyện ý nghĩa, nhiều người đã ủng hộ cho những hoàn cảnh khó khăn số tiền nhiều hơn cả giá trị của sản phẩm mà họ mua.

Các sản phẩm do các thành viên Câu lạc bộ Mì Tôm Xanh làm ra. Ảnh: Phạm Minh.

Các sản phẩm do các thành viên Câu lạc bộ Mì Tôm Xanh làm ra. Ảnh: Phạm Minh.

Chính điều này là niềm vui, động lực để cô giáo cùng những học trò của mình tiếp tục đan cài những sợi yêu thương trao tặng những hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh.

Cô Thảo tâm sự: “Một hoàn cảnh mà Mì Tôm Xanh nhận giúp đỡ là em Trương Gia Tú, ở Đồng Nai. Qua chương trình Cặp lá yêu thương, mình biết đến em là một cô gái có hoàn cảnh đáng thương nhưng rất kiên cường.

Ba em mất sớm, mẹ bị bạo bệnh nên không thể ở bên cạnh, năm 7 tuổi, em bị ung thư xương và buộc phải cắt bỏ đi một chân, em sống một mình nhưng vẫn rất nghị lực, học giỏi.

Nhiều khách hàng mua sản phẩm của mình chỉ cần chuyển khoản giúp đỡ em Tú. Mặc dù chưa có cơ hội gặp em nhưng mình vẫn thường xuyên trò chuyện cùng Tú, mình xem em như một học trò của mình, chia sẻ và động viên em.

Mình cảm thấy chính dự án tái chế rác thải đã cho mình cơ hội để sống trong tình yêu thương nhiều hơn”.

Chia sẻ về kế hoạch của câu lạc bộ, cô Thảo cho biết: “Mình sẽ đào tạo cho các học sinh, các thành viên trong nhóm làm thành thạo các sản phẩm. Sau đó, Câu lạc bộ Mì Tôm Xanh sẽ đến các trung tâm bảo trợ xã hội và dạy cách tái chế, sáng tạo những sản phẩm này cho các em nhỏ.

Mình nghĩ rằng, đây sẽ là công việc giúp các em có thêm nguồn thu, lại góp phần bảo vệ môi trường và truyền tải những thông điệp ý nghĩa, tích cực trong cuộc sống”.

Đặc biệt, ngày 5/9 vừa qua, sáng kiến tái chế vỏ mì tôm của câu lạc bộ đã xuất sắc giành Giải Ba tại vòng Chung kết cuộc thi Sáng kiến Thanh niên “Trả xanh cho biển” (To blue the blue) do VNMAM và Quỹ ASEAN tổ chức.

Giải thưởng là nguồn khích lệ rất lớn dành cho cô giáo trẻ và các học sinh tiếp tục hành trình bảo vệ môi trường và lan tỏa tình yêu thương.

Phạm Minh