Sách giáo khoa mới không nên áp đặt cách dạy cho giáo viên

13/05/2015 07:55
PHAN TUYẾT
(GDVN) - Vài năm trở lại đây, sách giáo khoa chỉ dùng để tham khảo nhưng khi dự giờ, một số ban giám hiệu vẫn cứng nhắc, yêu cầu phải theo về nội dung và cách dạy.

LTS: Quý vị đang theo dõi bài viết của cô giáo Phan Tuyết, gửi về Tòa soạn từ Bình Thuận. Hôm nay, cô giáo góp ý cho việc làm sách giáo khoa mới.

Những vấn đề cô nêu ra, quan trọng nhất là sách phải giúp giải phóng người thầy ra khỏi khuôn phép để sáng tạo, dạy học được tốt hơn.

Những năm trước đây, quy chế chuyên môn của ngành quy định “Sách giáo khoa là pháp lệnh”.

Vì thế, giáo viên khi dạy phải tuân thủ tuyệt đối vào những kiến thức sách giáo khoa biên soạn.

Trong tiết học, giáo viên nào có sự sáng tạo nhưng không hợp ý với người dự, họ thường đem sách giáo khoa ra “săm soi”.

Vài năm trở lại đây, tuy có đổi khác về quan điểm coi sách giáo khoa chỉ dùng để tham khảo nhưng khi dự giờ, một số ban giám hiệu vẫn cứng nhắc, nhất nhất phải tuân theo một số gợi ý về nội dung và cách dạy.

Sách giáo khoa mới đừng áp đặt cách dạy cho giáo viên

Chẳng hạn khi dạy Toán lớp hai, những dạng bài: 9 cộng với một số 9+5; 8  cộng với một số 8+5; 7cộng với một số 7+5…hoặc các dạng phép như 11 trừ đi một số 11-5; 13 trừ đi một số 13 – 5…Sách giáo khoa hướng dẫn cách dạy bằng que tính (theo hình bên).

Ảnh minh hoạ. Nguồng: Internet
Ảnh minh hoạ. Nguồng: Internet

Khi dạy, giáo viên bắt buộc phải tuân thủ đúng theo quy trình ấy. Nhưng trong thực tế, dù chưa hướng dẫn các em cách tính bằng que tính, giáo viên mới viết đề bài lên bảng thì phân nửa lớp đã nói ngay kết quả là rồi…

Nếu tiết dạy không có người dự giờ thì giáo viên cứ để tự các em tính, dù tính cách nào miễn các em làm đúng đáp số là được.

Nhưng có người dự, thầy cô phải làm lơ như học sinh chưa biết gì để hướng dẫn các em từng thao tác làm bằng que tính. Thật tội, các em biết mà giáo viên cứ phải tảng lờ là không biết.

Ở phân môn Tập làm văn cũng thế, vì sao mọi người cứ thắc mắc, học sinh tiểu học làm văn thường na ná giống nhau, điều này cũng không có gì lạ. Sau đề bài tập làm văn là những câu gợi ý một cách khô khan cứng nhắc.

Ví dụ: Kể về một người hàng xóm mà em quý mến (Đề Tập làm văn lớp 3 tuần 8) và phần gợi ý:

a. Người ấy tên là gì, bao nhiêu tuổi?

b. Người đó làm nghề gì?

c. Tình cảm của gia đình em đối với người hàng xóm như thế nào?

d. Tình cảm của người hàng xóm đối với gia đình em như thế nào?

Một số giáo viên dạy cứ bám vào những gợi ý này để bắt học sinh làm bài. Có cô còn máy móc đến độ, bài viết của các em không đủ những gợi ý như trên sẽ bị trừ điểm dù các em viết có cảm xúc, viết hay thế nào…

Sách giáo khoa mới, cần có luôn các bài thuộc chủ đề cần lồng ghép, tích hợp.

Môn tiếng Việt, môn Tự nhiên và Xã hội thường có nội dung lồng ghép nhiều nhất. Nếu nói nội dung từng bài học trong sách giáo khoa của chúng ta là sự chắp vá của nhiều nội dung lồng ghép, tích hợp cũng chẳng sai.

Có bài được lồng ghép rất nhiều yêu cầu như giáo dục kĩ năng sống, biển đảo, biến đổi khí hậu, giáo dục môi trường, tư tưởng Hồ Chí Minh…Dù giáo viên cũng đi tập huấn về cách lồng ghép những nội dung này vào bài học nhưng phần lớn đang dừng ở mức đối phó…

Vì thế, những bài học được biên soạn trong bộ sách giáo khoa mới phải phong phú và phù hợp với từng chủ điểm. Tránh biên soạn xong lại lồng ghép hết nội dung này đến nội dung khác thì chẳng có kết quả gì.

PHAN TUYẾT