Sau một học kì, quá nhiều lo lắng cho chương trình mới

16/01/2021 07:15
Sơn Quang Huyến
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Kì vọng chương trình phổ thông mới sẽ xóa bỏ tệ nạn dạy thêm, học thêm tràn lan đã không đạt được.

Chương trình giáo dục phổ thông mới góp phần đổi mới căn bản toàn diện giáo dục theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW cũng như Nghị quyết 88/2014/QH13 là chú trọng hơn vào việc dạy người chứ không chỉ chú tâm vào dạy chữ và tập trung phát triển năng lực, phẩm chất của người học.

Kế hoạch đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, thực hiện chương trình mới 2018 đã nhận được kì vọng của xã hội. Phụ huynh, học sinh, giáo viên đều mong chờ chương trình mới sẽ chấn hưng giáo dục nước nhà, xóa bỏ bệnh ngụy thành tích trong giáo dục.

Đặc biệt, cả xã hội đang mong chờ chương trình mới sẽ xóa được tệ nạn dạy thêm, học thêm tràn lan, gây nhức nhối cho rất nhiều gia đình. Bên cạnh đó xã hội cũng mong chờ sẽ có những thế hệ học sinh mới, được bồi dưỡng phẩm chất, năng lực; học sinh sẵn sàng hội nhập trở thành công dân toàn cầu.

Vẫn còn nhiều lo lắng về chương trình mới, ảnh chỉ mang tính chất minh họa: Lã Tiến)

Vẫn còn nhiều lo lắng về chương trình mới, ảnh chỉ mang tính chất minh họa: Lã Tiến)

Chương trình giáo dục phổ thông mới chưa thể xóa tệ nạn dạy thêm, học thêm tràn lan

Việc dạy thêm ở học sinh tiểu học Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cấm, cụ thể tại Điều 4, Thông tư 17 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành năm 2012 quy định các trường hợp không được dạy thêm, học thêm gồm:

1. Không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.

2. Không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống.

Thế nhưng tệ nạn dạy thêm, học thêm ngay ở lớp 1 chương trình mới vẫn xảy ra tràn lan.

Báo Thanh niên trong bài “Lớp 1 cũng phải đi học thêm” có viết “Chỉ một con hẻm nhỏ gần trường tiểu học tại Q.12, TP.HCM, có 3 - 4 lớp dạy thêm của giáo viên trong trường, và không khó để tìm kiếm những lớp học do giáo viên của các trường mở dạy gần đó”.[1]

Báo Vnexpress.net trong bài “Học sinh lớp 1 học thêm tối ngày” có viết “Bên cạnh những tranh cãi về bộ sách giáo khoa lớp 1 cải cách, nhiều bậc phụ huynh cũng bày tỏ nỗi trăn trở khi học sinh phải học thêm quá nhiều”.[2]

Như vậy, kì vọng chương trình phổ thông mới sẽ xóa bỏ tệ nạn dạy thêm, học thêm tràn lan đã không đạt được.

Không những thế, lo ngại chương trình lớp 1 nặng, không ít phụ huynh học sinh đã phải bất đắc dĩ cho con trong độ tuổi mầm non học chữ trước lớp 1, dù biết đây là việc không nên làm.[3]

Chưa tập trung phát triển năng lực, phẩm chất của người học

Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư Phạm Hồng Tung – Chủ biên môn Lịch sử của chương trình giáo dục phổ thông mới đã nói:

“Việc tập huấn để đưa vào triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới cho giáo viên toàn quốc, các cơ sở giáo dục, cơ quan quản lý trên toàn quốc cũng như sự nỗ lực biên soạn sách giáo khoa và các học liệu đi kèm thời gian qua cho thấy chúng ta chưa quan tâm phát triển phẩm chất của người học”.

“Hiện mới chỉ có một số trường tư thục ở Hà Nội có phòng tư vấn tâm lý học đường còn trường công thì rất ít. Trong khi cha mẹ cuốn vào công việc khiến trẻ bị bỏ rơi nhiều lắm.

Do đó cần phải có tư vấn tâm lý chuyên nghiệp mới giúp được các em thoát ra khỏi những trạng thái tâm lý bất thường đó.

Đó là trong trường học còn ngoài xã hội cũng không tìm thấy bất cứ một tổ chức xã hội, thiết chế xã hội hay tài liệu hướng dẫn tư vấn nào để khi cần cha mẹ có thể tìm đến”.[4]

Như vậy, chương trình mới vừa triển khai được 1 học kì, thế nhưng có thể nói không đạt được như kì vọng của xã hội, ngoài việc học sinh lớp 1 vẫn phải học thêm thì việc triển khai vẫn chưa chú trọng vào "dạy người", hình thành phẩm chất và năng lực cho người học.

Nhà nước và nhân dân đã đổ ra rất nhiều của cải, tâm sức, để mong chương trình phổ thông 2018 thành công, hi vọng tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội nước ta bền vững.

Mong rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ kịp thời có các giải pháp kĩ thuật cần thiết, để đảm bảo chương trình phổ thông mới đạt được mục đích, đổi mới căn bản, toàn diện như đã đề ra.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://thanhnien.vn/giao-duc/lop-1-cung-phai-di-hoc-them-1315729.html

[2]https://vnexpress.net/hoc-sinh-lop-1-hoc-them-toi-ngay-4169889.html

[3]https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/ma-tran-lop-day-chu-truoc-cho-tre-vao-lop-1-nam-hoc-2021-2022-post214829.gd

[3]https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/phu-huynh-chay-dua-cho-con-hoc-truoc-chuong-trinh-lop-1-post214687.gd

[4]https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/1-nam-chuong-trinh-pho-thong-moi-pham-chat-nguoi-hoc-chua-duoc-quan-tam-post214788.gd

Sơn Quang Huyến