Sĩ tử rủ nhau đi xem bói, đoán đề thi

20/05/2011 00:14
(GDVN) - “Tao đã biết đề rồi. Hôm trước thầy đã chỉ cho tao chỗ ôn rồi”. Thế nhưng, đâu phải học sinh nào cũng tôn thờ các thầy bói hơn thầy giáo mình như vậy.

(GDVN) - Ngạc nhiên vì thấy đứa bạn sát kỳ thi cuối kỳ rồi mà vẫn ung dung, hỏi ra thì nàng phá lên cười: “Tao đã biết đề rồi. Hôm trước thầy đã chỉ cho tao chỗ ôn rồi”. Và càng ngạc nhiên hơn khi cô bạn đó cho biết: Người chỉ chỗ ôn không phải là thầy giáo trên lớp mà là… thầy bói.

{iarelatednews articleid='2205'}

Cống tiền cho thầy bói còn hơn cho thầy giáo

Thoáng nghe lũ bạn bàn tán về chuyện đi xin thầy bói đề thi kết thúc môn học. Ngạc nhiên về chuyện này, tôi liền nài nỉ cô bạn cho mình cùng tới gặp “thầy”.

 “Thầy này cao tay lắm, kì trước may mà nhờ có thầy mà tớ đã qua hết được tất cả các môn. Chỉ có chỗ quen thân thầy mới xem cho thôi”. Ngân hớn hở kể.

Đi theo Ngân qua những ngõ ngách trong một con phố của quận Cầu Giấy, tôi đã đến được nhà thầy. Khi thấy Ngân lôi tờ đề cương ôn tập môn “Chủ nghĩa Mac-Lenin ra”, sau vài khoản “thủ tục” thầy liền “làm phép”.

Hương khói nghi ngút, thầy hươ hươ bó hương trước tờ đề cương, miệng lẩm rẩm đọc lời cầu khấn. Sau đó, quay sang Ngân và nói “Con về học câu 12, 19 và 31. Chắc chắn sẽ thi vào mấy câu đó”.

Mỗi lần vào xem bói tốn 100.000 đồng. Hương bảo: “Thế còn đỡ tốn bằng việc đến nhà thầy xin điểm. Các thầy giáo bây giờ kiêu lắm, đã đến nhà xin điểm là phải… tiền triệu.

Những tưởng hiện tượng này chỉ phổ biến ở sinh viên, ai dè ngay cả học sinh cũng đi xem “nhiệt tình” không thua kém.

Ngay khi có lịch thi môn Lịch sử, Mai - học sinh lớp 11 ( trường THPT Trương Định - Hà Nội) liền rủ lũ bạn cùng nhóm đi “săn thầy giỏi” để nhờ thầy chỉ điểm cho vài chỗ.

“Kì trước em có nhờ một thầy ở Mai Dịch nhưng thầy ấy xem không trúng lắm. Em được các anh chị khóa trên dưới thiệu cho một thầy ở ngay gần trường. Lần này đến thầy xem có…trúng không” - Mai chia sẻ.

Tôi cùng với Mai và nhóm bạn của Mai đi diện kiến thầy. Ngay khi ra mở cổng cho bọn tôi, thầy đã hỏi: “Các con định nhờ thầy xem đề thi cho phải không? Tìm đến đây là “chuẩn” rồi đấy. Thầy cô mày cứ bắt học nhiều làm gì cho đầu to, mắt cận, cứ bảo các bạn đến đây, thầy xem cho!”

Mờ ảo trong làn khói hương dày đặc là điện thờ của nhà thầy. Xung quanh các loại bùa, ngải đủ màu sắc được dán, treo chắng chịt ở khắp nơi.

Sau khi đặt cuốn sách Lịch Sử lên điện thờ, thầy liền lẩm nhẩm khấn và xoa tay lên cuốn sách. Xong xuôi, thầy quay lại nói với Mai và nhóm bạn: “Các con cứ về học từ trang 121 đến 125 cho thầy nhé. Chắc chắn đề thi sẽ rơi vào đó”.

Ảnh minh họa
 Ảnh minh họa

Có mỗi một đề thi văn của Sở, mỗi thầy lại “đặt tủ” một chỗ

Thế nhưng, đâu phải học sinh nào cũng tôn thờ các thầy bói hơn thầy giáo mình như vậy.

Tùng, cựu học sinh trường THPT Chu Văn An phàn nàn: “Không biết các thầy có thờ chung một thánh hay không mà mỗi người nói mỗi kiểu”.

 “Hồi ôn thi tốt nghiệp phổ thông, mình cũng đi xin thầy K. ở gần nhà chỉ cho chỗ “đặt tủ” môn văn. Mình vốn học khối A mà, nên rất lười hoc văn. Cùng thời điểm đó, con bạn thân cũng mang đề đi hỏi một thầy khác, thì thầy lại chỉ chỗ khác.

“Người nào cũng nhận thầy của mình cao tay nên em và nó cãi nhau. Cuối cùng đề thi chẳng rơi vào chỗ mà hai ông thầy đã chỉ, còn hai đứa thì điêu đứng với bài văn dưới điểm trung bình".
 
Không chỉ dừng lại ở chỗ đi xem bói đề thi, các bạn trẻ còn lạm dụng hoặc là mê tín quá mức khi  nhờ thầy xem cho số mình có đậu được Đại học hay không. 

Chẳng biết thầy bói nào xem cho Hùng – học sinh trường THPT Trần Phú trở nên chây lười và nghịch ngợm. Những giờ lên lớp chỉ là những phút trêu ghẹo bạn bè và để ngủ. Hỏi ra thì Hùng cho biết: “Thầy phán tớ chắc chắn sẽ đậu Đại học và đậu với kết quả cao. Vì thế tớ chẳng việc gì phải học hành làm gì cho mệt người”.

Cứ theo đà này thì sẽ chẳng biết kết quả Đại học có “rơi” xuống đầu Hùng hay không nhưng mà chắc chắn Hùng sẽ khó khăn khi “leo” qua kì thi tốt nghiệp sắp tới.

Thạch Sơn