Sự thật sau câu nói: "Phụ huynh biết gì mà chọn sách giáo khoa?"

01/03/2020 06:30
Mai Hoa
(GDVN) - Nhà trường có thể chọn một phụ huynh trong trường không nhất thiết phải chọn Ban đại diện cha mẹ học sinh tham gia Hội đồng bình chọn sách sẽ hiệu quả hơn.

Thông tư 01/2020/TT-BGDĐT hướng dẫn lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông nêu rõ: thành phần Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa bao gồm:

Hiện nay nhiều địa phương đang tiến hành việc bình chọn sách giáo khoa mới(Ảnh: Báo Hải Quan online)
Hiện nay nhiều địa phương đang tiến hành việc bình chọn sách giáo khoa mới(Ảnh: Báo Hải Quan online)

Người đứng đầu cơ sở giáo dục, cấp phó người đứng đầu, tổ trưởng tổ chuyên môn, đại diện giáo viên dạy các môn học, hoạt động giáo dục có sách giáo khoa được lựa chọn, đại diện Ban đại diện cha mẹ học sinh.

Việc quy định trong Hội đồng tham gia lựa chọn sách giáo khoa có đại diện Ban cha mẹ học sinh đang nhận được khá nhiều ý kiến trái chiều của giáo viên và nhiều phụ huynh.

Biết gì mà có ý kiến?

Khi nghe Hội đồng bình chọn sách có đại diện Ban đại diện cha mẹ học sinh không ít thầy cô giáo cho biết cơ cấu vào cho đủ thành phần chứ có phụ huynh biết gì mà bình chọn.

Sự thật sau câu nói: "Phụ huynh biết gì mà chọn sách giáo khoa?" ảnh 2
Ban phụ huynh thì biết gì mà tham gia chọn sách giáo khoa?

Nhiều phụ huynh khi được mời cũng đã giãy nảy lên rằng: “Tôi có biết gì đâu mà chọn lựa, các thầy cô làm gì đó thì làm và tỏ ra không mặn mà lắm”.

Có thật phụ huynh không biết gì?

Nói phụ huynh không biết gì là hoàn toàn sai nhưng vì sao vẫn có người nói ra những câu như thế này?

Xuất phát từ thực tế ở từng địa phương, dù có làm một số người phật ý nhưng cũng xin được nói thẳng có những phụ huynh thật sự không biết gì.

Một số giáo viên tại những huyện miền núi Kỳ Sơn, Tương Dương hay tận vùng rừng núi cao Lào Cai, Sơn La… xa xôi cho biết Ban đại diện cha mẹ học sinh của trường phần đông là người dân tộc thiểu số, có người không biết chữ hoặc chỉ học chưa hết tiểu học.

Còn một số trường học khác ở miền xuôi phụ huynh được mời vào Hội phụ huynh vì năng nổ nhiệt tình là chính cứ mấy ai xét đến trình độ học vấn.

Ngay tại một số địa phương thành thị vẫn còn không ít phụ huynh học chưa hết cấp 2, cá biệt có người mới qua tiểu học, thậm chí còn mù chữ.

Những phụ huynh này mà được mời (họ nằm trong Ban đại diện cha mẹ học sinh) sẽ biết gì để nghiên cứu và nhận xét ngoài việc nói theo, đồng ý theo những giáo viên trong hội đồng?

Không nhất thiết phải là người của Ban đại diện cha mẹ học sinh

Sự thật sau câu nói: "Phụ huynh biết gì mà chọn sách giáo khoa?" ảnh 3
Tâm tư của những thầy cô tham gia bình chọn sách giáo khoa lớp 1

Quy định buộc phải chọn một đại diện nằm trong Ban đại diện cha mẹ học sinh của trường sẽ có khá nhiều hạn chế và không thật sự thỏa đáng.

Vì sao nói hạn chế và không thỏa đáng?

Vì, tiêu chí chọn Ban đại diện cha mẹ học sinh ở nhiều lớp, nhiều trường học hiện này phải là những phụ huynh có “máu mặt”, có tiềm lực kinh tế để có tiếng nói, tiện cho việc hô hào ủng hộ, quyên góp khi nhà trường cần.

Vì thế, trong thực tế có không ít trường hợp người trong Ban đại diện cha mẹ học sinh là những người mới bập bẹ dăm bảy chữ, học hành chưa tới đâu, trình độ hiểu biết có hạn…mà được cơ cấu vào Hội đồng chọn sách sẽ chọn thế nào đây?

Bởi vậy, giải pháp tốt nhất là chọn một đại diện phụ huynh trong nhà trường là được.

Nhà trường có thể chọn phụ huynh ấy là giáo viên cấp đang chọn sách hoặc chọn người có trình độ chuyên môn cao ở lĩnh vực nào tùy thích.

Như thế, những góp ý cho việc chọn sách của họ cũng khách quan và thuyết phục hơn.

Mai Hoa