Tất cả quyết sách lớn, nhỏ của ngành sẽ được thảo luận công khai

17/02/2014 07:28
Xuân Trung
(GDVN) - Nói với lãnh đạo các Sở GD&ĐT, BT Phạm Vũ Luận cho biết: “Để lấy được niềm tin của người dân một sách trọn vẹn đòi hỏi chúng ta phải phấn đấu và kiên trì”.

Trong Hội nghị quán triệt Nghị quyết Trung ương 8 và triển khai nhiệm vụ học kỳ II khối Sở GD&ĐT trong cả nước năm học 2013 – 2014, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã có một bài “thuyết trình” về nhiệm vụ mà ngành giáo dục sẽ triển khai trong thời gian tới.

Dự Hội nghị là những giám đốc các Sở GD&ĐT trong cả nước. Nội dung chính là các nội dung về Nghị quyết Trung ương 8 mà Bộ trưởng Luận có nhiệm vụ giải thích rõ với cơ sở.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trao đổi với lãnh đạo các Sở GD&ĐT về tinh thần của Nghị quyết Trung ương 8. Ảnh Xuân Trung
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trao đổi với lãnh đạo các Sở GD&ĐT về tinh thần của Nghị quyết Trung ương 8. Ảnh Xuân Trung

Trong nhiệm vụ và giải pháp thực hiện được Trung ương đề cập trong Nghị quyết số 29 có khẳng định: Đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông theo hướng giảm áp lực và tốn kém cho xã hội mà vẫn bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh, làm cơ sở cho việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học.

Đổi mới phương thức đánh giá và công nhận tốt nghiệp giáo dục nghề nghiệp trên cơ sở kiến thức, năng lực thực hành, ý thức kỷ luật và đạo đức nghề nghiệp. Có cơ chế để tổ chức và cá nhân sử dụng lao động tham gia vào việc đánh giá chất lượng của cơ sở đào tạo.

Đổi mới phương thức tuyển sinh đại học, cao đẳng theo hướng kết hợp sử dụng kết quả học tập ở phổ thông và yêu cầu của ngành đào tạo. Đánh giá kết quả đào tạo đại học theo hướng chú trọng năng lực phân tích, sáng tạo, tự cập nhật, đổi mới kiến thức; đạo đức nghề nghiệp; năng lực nghiên cứu và ứng dụng khoa học và công nghệ; năng lực thực hành, năng lực tổ chức và thích nghi với môi trường làm việc…

Chia sẻ về những ý kiến đóng góp cho dự thảo đổi mới thi và công nhận tốt nghiệp THPT sắp tới, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, sẽ có tiếp thu và xử lý nghiêm túc.

Vì thực tế đã có những ý kiến khác nhau, thậm chí trái ngược nhau, nhưng đều dựa trên thực tiễn đúng, đó là một phần vì nền giáo dục trải dài trên nhiều vùng đất, điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội rất khác nhau. Từ đó mới có góc nhìn khác nhau, tất cả đó chỉ là phong phú và có phần phức tạp khi tiến hành đổi mới.

Bộ trưởng Luận đồng tình với quan điểm với phương án 4 môn thi tốt nghiệp THPT (2 môn bắt buộc và 2 môn tự chọn), đối với môn tự chọn nếu các môn còn lại không thi sẽ có nhiều học sinh không học.

Ông Luận cũng nói rằng, có một sự thật trò và thầy đối phó với nhau khi Bộ công bố môn thi sớm, các môn còn lại thường là không dạy, về nguyên tắc sẽ công bố sớm trước tháng 3 hay để học sinh học xong các môn mới công bố? Điều đó như một trò ú tim.

Người đứng đầu ngành giáo dục và đào tạo nhắn nhủ với lãnh đạo các Sở GD&ĐT trong cả nước rằng, quan điểm giáo dục toàn diện trong Nghị quyết 29 khẳng định một điều bất di bất dịch rằng, xuất phát từ truyền thống giáo dục Việt Nam, xuất phát từ quan điểm của Đảng: Vừa Hồng vừa Chuyên, Đức – Trí – Thể - Mỹ, dạy chữ, dạy nghề, dạy người, những việc này người làm giáo dục dứt khoát phải làm.

Thông tin với cơ sở, ông Luận cho biết, sứ mạng của bậc THPT tới đây sẽ không như cũ nữa (lớp 10-11-12 sẽ phân hóa cao và tự chọn, trên nền tảng cơ bản đó là tôn trọng, khơi gợi, nuôi dưỡng những năng khiếu, thiên hướng, nếu có thể có tài năng thì nuôi dưỡng). Điều đó dẫn đến việc đưa môn tự chọn sẽ  đi theo hướng một tự nhiên và một xã hội hay không? Vấn đề này cần thảo luận thêm.

“Bộ sẽ sẵn sàng từ bỏ ý kiến của mình nếu các ý kiến khác tốt hơn, đúng hơn, hiệu quả hơn” Bộ trưởng Luận nhấn mạnh.

Băn khoăn về việc có nên đưa môn Ngoại ngữ trở thành môn khuyến khích hay là môn tự chọn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT? Ông Luận bày tỏ quan điểm cá nhân trước 100 nhà lãnh đạo ngành giáo dục rằng, nhiều học sinh học ngoại ngữ giỏi ở những nơi có điều kiện, có các chứng chỉ tin cậy về ngoại ngữ lại bắt các em thi ngoại ngữ trình độ phổ thông thì có nên không? Vấn đề này Bộ GD&ĐT sẽ cân nhắc và xin ý kiến thêm.

Nói tiếp với lãnh đạo các cơ sở ngành giáo dục ở địa phương, ông Luận cho biết, về phương án thi tốt nghiệp THPT sẽ được bàn thêm. Và những học sinh học chương trình mới sẽ thi khác, lúc đó chú trong phát triển năng lực, hình thành phẩm chất và không chú trọng vào kiến thức. 

Kéo theo đó, sẽ không có dạng đề Toán, đề Văn ra theo kiểu như hiện nay, muốn làm được những dạng đề dó thì cần phải tập dượt ngay từ bây giờ, từ lớp 2, lớp 3, lớp 4…, rồi mới tới kỳ thi tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH, CĐ (nếu có).

Ông Luận cũng lưu ý, đổi mới thi và chương trình không chỉ đổi mới để “lãng quên” những học sinh đang học chương trình còn dở dang, điều đó là không phải. Chủ trương của lãnh đạo Bộ, tất cả những quyết sách lớn, nhỏ của ngành sẽ được tiến hành thảo luận rộng rãi, công khai, dân chủ, không chỉ trong ngành mà tiến hành trên phạm vi toàn xã hội.

Tinh thần của Bộ trưởng Luận là để thu hút được hết các ý tưởng, sáng kiến, tình hình thực tế, nắm bắt hết được những lo lắng, băn khoăn, khó khăn để khi ra những quyết định sẽ sát với tình hình, thống nhất trong chỉ đạo, cũng như triển khai được thuận lợi hơn. Điều này nhận được sự ủng hộ của dư luận.

Theo thông tin mới nhất từ ông Luận, sắp tới sẽ ra Nghị quyết về Đề án đổi mới chương trình và sách giáo khoa sau 2015, tuy nhiên đây là một bộ phận của đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo, Bộ GD&ĐT đã soạn thảo xong từ ngay sau hoàn thiện đề án đổi mới căn bản toàn diện. Cũng đã lấy ý kiến của các chuyên gia, bộ ngành, rộng rãi hơn, đề án này cần sẽ cần phải chờ một số thủ tục mới chính thức ban hành.

Ông Phạm Vũ Luận cũng cho rằng, để lấy được niềm tin của người dân một sách trọn vẹn đòi hỏi chúng ta phải phấn đấu, kiên trì. 

Được biết, những dự thảo về đổi mới thi và công nhận tốt nghiệp, những thay đổi trong kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014 cũng sẽ được Bộ GD&ĐT thông báo trong thời gian sớm nhất. 

Xuân Trung