Thầy cô đang bị biến thành công cụ kiếm tiền cho ai đó

02/03/2019 07:53
Hoa Hạ
(GDVN) - Kiểu dạy thêm hợp pháp đã biến học sinh và những thầy cô đang trực tiếp giảng dạy trở thành công cụ kiếm tiền cho Ban giám hiệu nhà trường...

Gần 1000 học sinh Trường Trung học cơ sở 719 xã Eakaly, Krông Pắk, Đắk Lắk đi học thêm trong nhà trường đã làm dư luận khá bất ngờ.

Chuyện dạy phụ đạo, bồi dưỡng núp bóng dạy thêm hợp pháp trong nhà trường hiện nay đã và đang diễn ra công khai và khá phổ biến ở nhiều trường học trong cả nước.

Không huy động 100% học sinh tham gia như Trường Trung học cơ sở 719, xã Eakaly thì ít nhất cũng có 50, 60 thậm chí hơn thế nữa không phải là chuyện hiếm.

Có thể nói, kiểu dạy thêm hợp pháp này đã biến học sinh thậm chí là những thầy cô trực tiếp giảng dạy trở thành công cụ kiếm tiền cho Ban giám hiệu nhà trường và một số bộ phần liên quan.

Các em học sinh sau giờ tan lớp tại một trung tâm dạy thêm (Ảnh minh họa: nld.com.vn).
Các em học sinh sau giờ tan lớp tại một trung tâm dạy thêm (Ảnh minh họa: nld.com.vn).

Không ít học sinh mệt mỏi nhưng vẫn phải tham gia học, phụ huynh bức xúc nhưng chẳng dám lên tiếng vì sợ con bị để ý, giáo viên bất bình vì thù lao bị cắt xén nhưng chẳng dám mạnh dạn phản ứng.

Những nỗi sợ ấy đã bị khai thác triệt để và rồi chuyện cứ thế xảy ra hết năm này đến năm khác.

Dạy thêm với đủ tên gọi

Tổ chức dạy thêm trong nhà trường hiện nay được ngụy trang bởi khá nhiều tên gọi, nào là dạy tăng cường, dạy phụ đạo cho học sinh yếu - kém, dạy bồi dưỡng nâng cao cho học sinh khá - giỏi, dạy bồi dưỡng cho đội tuyển đi thi, dạy ôn thi vào 10, dạy ôn luyện kiến thức căn bản để thi tốt nghiệp, dạy học 2 buổi/ngày

Phong phú tên gọi là thế nhưng khi học sinh đi học rồi, nhiều trường học vẫn để nguyên sĩ số học sinh của lớp chính khóa để dạy.

Bởi, nếu phân các lớp riêng biệt theo từng nhóm đối tượng sẽ gặp phải tình trạng lớp chỉ có mươi em học nhưng lớp gần trăm em sẽ vô cùng khó khăn cho việc chia tiền thù lao.

Thầy cô đang bị biến thành công cụ kiếm tiền cho ai đó ảnh 2Nhà trường mà trung thực, tử tế thì người đời làm sao biết sự thật

Bởi thế, lớp chính khóa học sao, lớp học thêm cứ y chang như thế.

Họ lý giải, giáo viên sẽ dạy phân hóa theo từng đối tượng học sinh ngay trong lớp.

Nghĩa là ngoài những kiến thức chung, thầy cô sẽ lưu ý đến một số kiến thức riêng cho từng đối tượng.

Phân chia thù lao dạy thêm cũng tùy tâm hiệu trưởng

Học phí quy định cũng đủ loại giá, trường thu trọn gói cả học kì mỗi em từ 500-600 ngàn đồng, có nơi thu đến triệu đồng.

Có trường thu theo môn 150 ngàn-200 ngàn/môn học và đóng từng tháng. Tiền phụ huynh nộp về thủ quỹ nhà trường và phân chia theo quy định của hiệu trưởng.

Cá biệt có những trường giao toàn bộ việc thu chi tiền cho giáo viên toàn quyền xử lý.

Nhà trường chỉ nhận lại 20% trong số ấy. Với quy định này, có thể nói giáo viên khá vui mừng vì bản thân thu lợi nhiều.

Mỗi trường có một cách chi trả thù lao cho người giảng dạy khác nhau mà nhiều giáo viên nói rằng "tùy tâm hiệu trưởng".

Hiệu trưởng tham, giáo viên ngậm ngùi nhận phần thiệt mà chẳng dám "ho he", có chăng cũng chỉ dám xì xào to nhỏ nơi vỉa hè.

Hiệu trưởng rộng lòng, thầy cô đỡ khổ và đương nhiên bầu không khí trong trường cũng vô cùng vui vẻ.

Trường thì chi cho giáo viên trực tiếp giảng dạy đến 80%, trường chi 60%, trường cưa đôi 50-50 và có những trường, giáo viên chỉ còn 40% trong tổng số tiền 100% thu được.

Phần trăm còn lại có trường trích lại một ít trả tiền điện, nước, tiền khấu hao tài sản công.

Có trường không để lại cho trường đồng nào mà lấy ra chia nhau cho bằng hết.

Thầy cô đang bị biến thành công cụ kiếm tiền cho ai đó ảnh 3Khi học trò trở thành nạn nhân của việc dạy thêm, học thêm

Bộ phận được hưởng ké là kế toán, thủ quỹ, bảo vệ, giám thị…Riêng hiệu trưởng sẽ được chia 2 phần (% quản lý quỹ và % quản lý), hiệu phó được chia % tiền phụ trách chuyên môn.

Đa phần thầy cô không muốn dạy thêm ở trường vì số tiền mình bỏ công sức ra dạy phải chia năm xẻ bảy.

Có thầy cô cho biết “bán cháo phổi cả ngày đã mệt, tối về còn lăn mình dạy thêm nhưng thù lao chỉ là con kiến”.

Nhưng dù không muốn thì thầy cô vẫn buộc phải dạy khi nhà trường tổ chức. Dù bất bình vẫn cứ phải “ngậm bồ hòn làm ngọt”.

Giáo viên và học sinh trở thành “công cụ” kiếm tiền

Tiền lương một tháng của một giáo viên hợp đồng hiện nay chỉ ở mức chưa tới 3 triệu đồng.

Thế nhưng tiền thù lao một hiệu trưởng nhận được khi nhà trường tổ chức dạy thêm có khi lên đến hàng chục triệu đồng/tháng. Riêng giáo viên người nhiều cũng chỉ hơn dăm, bảy triệu, người ít chỉ vài ba triệu đồng.

Thử hỏi với số thù lao hấp dẫn ấy, những hiệu trưởng có lòng tham có chịu bỏ qua chăng? Chắc chắn câu trả lời sẽ là không!

Thế nên phần lớn nhà trường sẽ tận dụng nhiều lợi thế để mở lớp dạy thêm.

Có thể kể đến Công văn số: 7291/BGDĐT-GDTrH V/v: Hướng dẫn dạy học 2 buổi/ngày đối với các trường trung học hay các kế hoạch dạy phụ đạo, bồi dưỡng, tổ chức ôn tập…cho học sinh ở các trường.

Cùng với sự “tiếp tay” của phần lớn Hội cha mẹ học sinh nhà trường bất kể trường học nào có ý định tổ chức dạy thêm cũng đều thành công.

Hoa Hạ