Thầy tôi

20/11/2011 08:02
Theo Tuổi Trẻ
Quãng đời cắp sách đến trường của mọi người gắn liền với quá trình dạy dỗ của rất nhiều thầy cô giáo.
Trong đó có những người thầy, người cô đã khắc sâu hình ảnh của mình vào tâm trí học trò qua cách dạy, cách hành động và cả tấm lòng.

Học sinh Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1, TP.HCM) chúc mừng cô Nguyễn Thị Phi nhân Ngày nhà giáo VN 20-11-2011- h: Như Hùng
Học sinh Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1, TP.HCM) chúc mừng cô Nguyễn Thị Phi nhân Ngày nhà giáo VN 20-11-2011- h: Như Hùng

Những câu cách ngôn ngắn gọn

Bài học từ quày chuối

Thầy không là chủ nhiệm lớp tôi, cũng không dạy tôi ở trường. Thầy chỉ dạy thêm tôi môn ngữ văn. Thế nhưng những bài giảng, những câu chuyện của thầy lại theo tôi đến suốt cuộc đời.

Còn nhớ, dạo ấy chúng tôi đang là học sinh lớp 11. Nhiều bạn cũng bắt đầu tập tành yêu đương. Một số bạn bắt đầu sao nhãng chuyện học hành. Thầy nhắc nhở khéo nhưng nhiều bạn không nghe. Có bạn còn tranh luận với thầy chuyện tình yêu nam nữ không có gì xấu, không nên cấm cản.

Hôm đó, thầy không nói gì. Sang buổi học sau, trước khi vào lớp, thầy dắt cả lớp học thêm ra sau vườn nhà mình, tay cầm theo con dao lớn. Cả đám học trò chúng tôi đều rất ngạc nhiên, không biết thầy định làm gì. Không để chúng tôi đợi lâu, thầy chỉ tay vào quày chuối sống đang ở trên cây rồi nói thầy sẽ chặt chuối cho các em ăn.

Cả nhóm nhao nhao lên giải thích cho thầy nghe chuối sống không thể ăn được. Sau khi bị cả nhóm ra sức ngăn cản, có vẻ thầy đã “tiếp thu” và quay trở về lớp học.

Khi đó, thầy mới giảng giải cho chúng tôi tại sao chuối sống lại không ăn được. Thầy tiếp nối câu chuyện yêu đương sớm. Thầy cho chúng tôi thấy yêu đương không có gì xấu nhưng nếu không đúng lúc, không đủ độ chín chỉ ảnh hưởng và cho kết quả không tốt đẹp gì.

B.Đ. (Tiền Giang)

Cách đây 80 năm, tôi học ở Trường tiểu học Phủ Diên Khánh, nay là Trường tiểu học Diên An I (huyện Diên Khánh, Khánh Hòa). Giờ đây tôi đã hơn 90 tuổi nhưng vẫn còn nhớ mãi những bài địa lý, luân lý, bài văn và nhất là những bài học sử ký (nay gọi là lịch sử) mà thầy Bùi Tiến Công đã giảng với nhiều ấn tượng khó phai.

Vào những buổi sáng thứ hai đầu tuần, thầy lấy phấn viết lên bảng thứ ngày tháng năm và bên dưới là câu cách ngôn tiếng Việt, hai ngày sau thay bằng câu cách ngôn tiếng Pháp. Những câu cách ngôn thầy chọn ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, có nội dung giáo dục ý nghĩa sâu xa. Chẳng hạn, tôi còn nhớ có câu như: “Cơm cha, áo mẹ, chữ thầy. Gắng công học tập có ngày thành công” và hai hôm sau thầy thay câu cách ngôn tiếng Pháp: “L’union fait la force - Đoàn kết là sức mạnh”.

Vào giờ học luân lý thầy thường nêu lên những gương tốt, lòng hiếu thảo của con cháu đối với ông bà cha mẹ, anh em hòa thuận, nêu gương những học trò nghèo hiếu học... Cứ mỗi giờ học thầy Công lại giảng dạy cho chúng tôi về những bài học lịch sử kiên cường, bất khuất, rất đỗi tự hào của các bậc cha ông và nước nhà.

Thầy đã gieo vào lòng non trẻ của chúng tôi những bài học truyền thống và mầm mống yêu nước, lòng tự hào dân tộc và lòng kiên quyết chống ngoại xâm từ những năm tháng ở tuổi học trò ấy.

Bác sĩ KIỀU XUÂN CƯ (Nha Trang)

Chiếc khăn của thầy

13 tuổi, tôi từ giã gia đình, làng quê ra TP Vinh học trường chuyên của tỉnh. Ở mảnh đất “trong gió có cát bay, trong nắng có lửa thiêu” ấy, ngôi trường lợp mái tranh, che liếp cót của tôi trông đơn sơ đến tội nghiệp. Chúng tôi học trong cát, ăn cơm trộn cát và ngủ trong những căn phòng, hay nói đúng hơn là những cái lán dựng trên cát.

Ngày ấy, thầy giáo chủ nhiệm lớp tôi nghèo lắm. Suốt ba mùa đông ở trường, tôi để ý thấy thầy chỉ có mỗi một chiếc áo len màu xanh cổ trái tim đã sờn và một chiếc khăn quàng màu xám. Lũ học trò chúng tôi lại càng khốn khó hơn. Một lần thấy tôi ho rũ rượi trên lớp vì lạnh, thầy ngưng giảng bài, cởi chiếc khăn của mình nhẹ nhàng quấn lên cổ tôi. Thầy lại tiếp tục say sưa phân tích những vần thơ ngợi ca Tổ quốc.

Còn tôi, nước mắt nhạt nhòa.

Nguyễn Khánh Vân

Lá thư của cô

Năm lớp 9, tôi nằm trong đội tuyển học sinh giỏi văn của trường. Với sự dạy dỗ tận tình của thầy cô, năng khiếu môn văn lúc đó cộng với niềm đam mê môn học khiến tôi lúc nào cũng háo hức học tập môn này. Tuy nhiên, tôi lại có tính hiếu thắng của một học sinh khi cảm thấy sung sướng phô bày những kiến thức mình có, còn bạn bè thì không.

Một ngày kia, khi lớp học tan, cô hiệu trưởng cũng là giáo viên dạy bồi dưỡng văn của tôi trong lớp học sinh giỏi đã ôn tồn mời tôi nán lại để cô gặp một chút. Và cô đã trao tôi lá thư tay bên ngoài chú thích “về nhà hãy đọc”.

Về nhà chưa kịp thay quần áo, tôi đã lấy thư ra đọc ngấu nghiến. Thư cô viết: “H., Trước khi đọc hết những dòng chữ này, chắc em sẽ ngạc nhiên lắm thì phải? H.! Cô định khuyên em từ lâu, nhưng cô bận, vả lại, đối với em có nhiều điều tốt đáng quý mà các thầy cô đều công nhận, chỉ còn lại một vài sai sót nhỏ thôi.

Với tư cách người giáo viên dạy bồi dưỡng văn, cô phải có trách nhiệm bồi dưỡng tâm hồn em phong phú để tiếp nhận cuộc sống đa dạng, bên cạnh đó em phải có đời sống nội tâm trong sáng, giản dị, khiêm tốn để học tập, rèn luyện. Cô muốn nói nhiều hơn nữa, nhưng cô nói gọn lại em nên “khiêm tốn học tập trong các giờ chính khóa” để làm gương cho các bạn khác, đồng thời phẩm chất người học sinh giỏi xứng đáng hơn...”.

Đọc thư cô, tôi cảm động vô cùng và tạc lòng những lời dạy bảo ân cần của cô. Tôi giữ mãi lá thư của cô và dù đã thuộc gần như từng chữ, thi thoảng tôi lấy thư ra đọc lại để như mãi được hơi ấm tình thương bao la của cô. Hơn 20 năm đã trôi qua, hình ảnh của cô, hơi ấm tình thương của cô mãi lan tỏa trong tôi. Cô là Trầm Thị Kim Hoàng, nguyên hiệu trưởng Trường cấp I-II An Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre.

Theo Tuổi Trẻ