Thầy và trò Bắc Giang sáng chế bê tông chịu mặn từ rác thải nhựa

01/09/2019 07:51
Công Tiến
(GDVN) -Đề tài “Tạo bê tông từ rác thải nhựa và túi nilon” của 3 học sinh cấp 2 ở Bắc Giang có ý nghĩa góp phần giảm thiểu lượng nhựa thải, tránh gây ô nhiễm môi trường

Tại “Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Bắc Giang năm 2019” sáng chế “Tạo bê tông từ rác thải nhựa và túi nilon” của nhóm tác giả: Lê Hoàng Khoa, Đoàn Bình An - Lớp 8A2; Nguyễn Ngọc Sơn - Lớp 5A1; giáo viên hướng dẫn: Thạc sĩ Dương Quốc Trọng - Trường trung học cơ sở Lê Qúy Đôn, tỉnh Bắc Giang đã đoạt giải Ba và được Ban Tổ chức chọn gửi tham gia dự thi cấp trung ương.

Công trình được hoàn thành từ sự cố gắng của nhóm học sinh và sự giúp đỡ tận tình của các thầy cô giáo, bạn bè và những người thân.

Tác giả Lê Hoàng Khoa, Đoàn Bình An - Trường trung học cơ sở Lê Qúy Đôn, Bắc Giang thuyết minh về sản phẩm Tạo bê tông từ rác thải nhựa và túi nilon (Ảnh: baobacgiang.com.vn).
Tác giả Lê Hoàng Khoa, Đoàn Bình An - Trường trung học cơ sở Lê Qúy Đôn, Bắc Giang thuyết minh về sản phẩm Tạo bê tông từ rác thải nhựa và túi nilon (Ảnh: baobacgiang.com.vn).

Sáng chế tâm huyết đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn

Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta thường bắt gặp những hình ảnh chưa đẹp mắt khi chứng kiến những đống rác thải nhựa và túi nilon chất cao như núi xuất hiện ngày càng nhiều ở các khu dân cư, nơi công cộng hay ở các bãi tập kết rác...

Vấn nạn rác thải nhựa và túi nilon hiện nay đang gióng lên hồi chuông cảnh báo đối với cuộc sống con người, sự nguy hại và hiểm hoạ của nó đã và đang đe doạ nghiêm trọng tới môi trường sống của chúng ta.

Loại rác thải này khi thải ra môi trường phải mất vài trăm năm mới có thể phân huỷ được. Mặt khác, khi nằm trong đất, chúng làm ô nhiễm nguồn nước ngầm, cản trở quá trình sinh trưởng của thực vật…

Xử lí loại rác thải này như thế nào? Nếu đem đốt thì sẽ gây ô nhiễm bầu không khí, tạo ra các chất gây ung thư như dioxin, chôn xuống đất thì ô nhiễm nguồn nước, đất…

Để xây dựng một xã hội sử dụng tiết kiệm nguồn tài nguyên plastic và thân thiện với môi trường, cần phải có những biện pháp hiệu quả trong việc quản lý và xử lý lượng plastic thải ra môi trường.

Sáng chế bê tông từ rác thải nhựa và túi nilon của thầy trò ở Bắc Giang

Rác thải nhựa thường được làm từ các nguyên liệu khác nhau nhưng chủ yếu được sản xuất từ hạt nhựa polyetilen, polipropilen, polistiren…thường được chia làm ba loại và có tính chất khác nhau.

Nguyên liệu gồm rác thải nhựa và túi nilon, cát, sỏi phơi khô để đảm bảo nguyên liệu không bị ẩm, có độ bền sản phẩm cao, sắt thép dạng thanh các hộp bánh bằng kim loại, bếp lò, ống dẫn khí, khuôn tạo khối theo các kích cỡ chuẩn bằng thép và dung dịch nước vôi trong.

Rác thải nhựa, túi nilon sau khi được thu gom về cắt nhỏ, để khô và trộn với cát, sỏi theo tỉ lệ 1:1 sau đó đun nóng ở nhiệt độ 80 độ C - 120 độ C.

Chuẩn bị các khuôn tạo khối, sử dụng thích hợp cho từng mục đích cụ thể. Khuôn ép được chế tạo từ thép tấm rồi cho hỗn hợp bê tông tạo ra từ rác thải nhựa và túi nilon vào khuôn ép sau đó sử dụng bay để nén và làm phẳng bề mặt.

Sản phẩm bê tông được tạo ra từ rác thải nhựa, túi nilon và các chất phụ gia có có khả năng chịu mặn và các lực tác động lớn (Ảnh: Công Tiến).
Sản phẩm bê tông được tạo ra từ rác thải nhựa, túi nilon và các chất phụ gia có có khả năng chịu mặn và các lực tác động lớn (Ảnh: Công Tiến).

Đại diện nhóm tác giả, em Đoàn Bình An cho biết về nguồn gốc hình thành sáng chế:

“Khi được xem 1 tài liệu về rác thải nhựa chúng em thấy tình trạng đó quá nguy cấp nên trong đầu chúng em mới nảy ra suy nghĩ làm thứ gì đó từ lượng rác thải nhựa hiện đang có rồi sau đó vào tiết hoá của thầy Trọng chúng em mới xin ý kiến thầy để làm.

Từ đó dẫn đến ý tưởng tạo ra một loại vật liệu xây dựng thay thế cho vật liệu truyền thống mà vẫn tái chế được rác thải nhựa”.

Bê tông được tạo ra từ rác thải nhựa, túi nilon và các chất phụ gia (cát, sỏi, sắt thép…) tận dụng được vật liệu, làm giảm nguy cơ gây ô nhiễm môi trường từ rác thải nhựa và túi nilon, dễ làm và tốn ít thời gian có thể thay thế được vật liệu truyền thống.

Thạc sĩ Dương Quốc Trọng giáo viên hướng dẫn nhóm đề tài cho biết: “Sau khi các em trao đổi ý kiến, tôi đánh giá rất cao tinh thần và ý tưởng của các em.

Tôi xin ý kiến lãnh đạo nhà trường và cùng các em bắt tay vào thực hiện. Để có sản phẩm mang tới hội thi thì các em cũng có tới 3 lần thất bại và một thời gian dài thử nghiệm ở các môi trường bình thường cũng như môi trường, nhiệt, nước mặn.

Sau 6 tháng với rất nhiều thử nghiệm thì sản phẩm của các em chính thức thành công và đem đi dự thi. Các em đều rất say mê, nhiệt tình làm việc. Tôi đánh giá rất cao tinh thần của các em”. 

Thầy cô đã truyền cảm hứng học tập và là người chắp cánh ước mơ cho em

Tính ứng dụng của sáng chế vào cuộc sống

Sản phẩm bê tông được tạo ra từ rác thải nhựa, túi nilon và các chất phụ gia (cát, sỏi…) có thể được sử dụng để làm: Tấm bê tông để lát vỉa hè, kè bờ biển… có thể đúc thành ống cống, cọc tiêu, các khối bê tông dạng thanh… có khả năng chịu mặn và các lực tác động lớn.

Nghiên cứu việc sử dụng rác thải nhựa, túi nilon và các chất phụ gia để sản xuất bê tông đã góp phần giảm thiểu lượng nhựa đưa vào dòng thải tránh gây ô nhiễm môi trường.

Sản phẩm bê tông từ chất thải nhựa, túi nilon mở ra triển vọng mới trong tái chế và sử dụng rác thải tạo vật liệu xây dựng mới phù hợp theo định hướng của quốc gia về phát triển vật liệu thân thiện với môi trường, đồng thời giảm thiểu lượng nhựa đưa vào dòng thải tránh gây ô nhiễm môi trường.

Nói về mong muốn của sản phẩm đối với cuộc sống, em Đoàn Bình An bộc bạch rằng:

“Em mong muốn rằng trong tương lai có thể giảm thiểu được lượng rác thải nhựa trong môi trường và tạo ra vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường có thay thế được vật liệu truyền thống, tiết kiệm được cả tiền cho xây dựng vì bây giờ bê tông do nhật sản xuất là bê tông duy nhất chịu được môi trường nước mặn”.

Xuất phát từ nhu cầu sử dụng bê tông ngày càng nhiều với các mục đích khác nhau thì sáng chế sẽ mở ra một hướng mới cho một ngành công nghiệp về sản xuất bê tông từ chất thải nhựa.

Công Tiến