Thi Intel Isef, hành trình gian nan của cô và trò

17/10/2019 08:50
Tùng Dương
(GDVN) - Để có được một học sinh đạt giải đi thi ở Mỹ thì hoàn toàn không đơn giản chút nào, nó là sự gian khổ, vất vả, cố gắng của cả cô và trò trong suốt 1 năm trời.

Cuộc thi Intel Isef là cuộc thi Khoa học Kỹ thuật dành cho học sinh từ lớp 9 đến lớp 12 lớn nhất thế giới có lịch sử hơn 60 năm, được tổ chức tại Mỹ với tổng giá trị học bổng hàng năm hơn 4 triệu đô la Mỹ.

Đây là sân chơi thú vị cho học sinh phổ thông trên khắp thế giới, là cơ hội kết nối các em với nhiều nhà khoa học đã đoạt giải thưởng Nobel.

Học sinh nào được đi thi Intel Isef tại Mỹ thì theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, sẽ được vào thẳng đại học.

Khi đi du học, các trường đại học sẽ đánh giá cao hơn giấy khen thi học sinh giỏi, đặc biệt nếu đi học tại Mỹ thì các bạn ấy sẽ được học bổng rất cao.

Nhưng để có được một học sinh đạt giải đi thi ở Mỹ thì hoàn toàn không đơn giản chút nào, nó là sự gian khổ, cố gắng của cả cô và trò trong suốt 1 năm trời không ngừng nghỉ.

Cô giáo Dương Hồng Hạnh: Để có được một học sinh đạt giải được đi thi ở Mỹ thì hoàn toàn không đơn giản chút nào, nó là sự gian khổ, cố gắng của cả cô và trò trong suốt 1 năm trời.
Cô giáo Dương Hồng Hạnh: Để có được một học sinh đạt giải được đi thi ở Mỹ thì hoàn toàn không đơn giản chút nào, nó là sự gian khổ, cố gắng của cả cô và trò trong suốt 1 năm trời.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Dương Hồng Hạnh - giáo viên dạy môn Tin học Trường trung học phổ thông Kim Liên, quận Đống Đa, Hà Nội, chia sẻ: “ Không như dạy thi học sinh giỏi, có mỗi bảng với phấn, sách giáo khoa và giờ đấy, ngày đấy đến thi.

Dạy một học sinh đi thi Intel Isef, là giáo viên đang biến một học trò ngơ ngác thành nhà khoa học trẻ. Thời hạn 1 năm cho dự án này, giáo viên phải dạy em đó biết tìm hiểu xung quanh đang có gì, cần gì, thiếu gì?

Cùng học sinh nhanh chóng tìm ra một ý tưởng nhưng phải đảm bảo tính mới, tính sáng tạo, tính nhân văn có tầm và chưa có ai làm vấn đề đó trên toàn thế giới.

Một học sinh 15 -16 tuổi đang chân ướt chân ráo bước vào lớp 10, bạn phải làm cho em đó hiểu ra rằng: Việc em đó làm là rất quan trọng. Làm được điều này, bạn cầm chắc 50% thành công em đó có giải.

Dạy học sinh tra tài liệu từ Intel, thư viện, từ các nguồn miễn sao học sinh có thông tin về dự án chúng sẽ làm là dự án mới, chưa ai làm.

Giờ là lúc cô trò dạy nhau kiến thức để làm, phải tập thuyết trình sao cho giám khảo thấy thuyết phục, rồi còn tập “cãi” giám khảo quốc tế bằng tiếng Anh cho sắc bén.

Tôi xác định cứ lúc ngủ là được yên, còn thì phải tận dụng thời gian để làm việc với học sinh, nên giờ tập trung cao nhất là từ 23h - 2h sáng cô trò làm việc online.

Ban ngày tôi còn phải dắt em đó đi khắp các trường đại học để tìm hiểu…ngoài ra phải mang báo cáo đi xin các nhà khoa học đọc và nhận xét giúp.

Rồi đi xin tài trợ cho dự án, cái này rất quan trọng vì có ai làm khoa học bằng mỗi trí tưởng tượng đâu.

3 ngày học sinh thi cấp quận, rồi cấp quốc gia là mỗi ngày tôi mất 10 tiếng đồng hồ để ngồi bên ngoài, học sinh vào khu vực thi cách ly.

Và sau tất cả, khi học sinh thành công trở về từ cuộc thi, sẽ chỉ 20% phụ huynh biết đến mình”, cô Hạnh chia sẻ nhưng mắt ánh lên niềm tự hào.

Khi học sinh đăng ký dự thi Intel Isef, Ban tổ chức sẽ quy định dự án của học sinh đó được nghiên cứu trong vòng 1 năm.

Cuộc thi này có 22 lĩnh vực nghiên cứu khoa học gồm: Khoa học động vật; Khoa học xã hội và hành vi; Hoá sinh; Sinh học Tế bào và Phân tử…

“Ví dụ học sinh có ý tưởng về xử lý rác thải nhưng phải chứng minh là chưa ai nghĩ ra, và phải chứng minh được phương pháp của mình có ưu thế hơn những phương pháp khác.

Sau khi học sinh chọn được ý tưởng để dự thi, các em phải chọn giáo viên hướng dẫn và người giáo viên đó đồng ý đi suốt cả quá trình thực hiện dự án cùng với mình.

Đây cũng là điều không dễ vì việc dẫn dắt học sinh thi Intel Isef này ảnh hưởng rất nhiều đến thời gian, kinh tế của giáo viên.

Sau khi đã chắc rằng ý tưởng đó chưa có ai làm thì lúc này cô và trò đến bước triển khai dự án, với năng lực của các em thì không có em nào làm được ngay cả.

Cuộc thi Intel này không đòi hỏi phải ra một sản phẩm hoàn thiện, mà nó chỉ dừng ở mức ý tưởng, nhưng dù là ý tưởng thì đây cũng là một con đường rất khó đi”, cô Hạnh cho biết.

Học sinh sau khi đăng ký ý tưởng sẽ thi trong trường, sau đó thi cấp cụm gồm rất nhiều trường. Sở Giáo dục sẽ chấm và lựa chọn 90 trên 400 hồ sơ tham dự, sau khi đủ điều kiện thì 90 em này sẽ thi với nhau cấp thành phố.

“Năm 2018, học sinh của tôi có đăng ký dự thi Intel Isef với đề tài thiết kế một chiếc điện thoại có khả năng đo nhiệt độ cơ thể người khi bị sốt.

Cả thầy và trò vất vả suốt 3 tháng trời nhưng đề án vẫn giậm chân tại chỗ và cái khó là không tìm được con chíp cho sản phẩm.

Sau khi cân nhắc và nhận thấy ý tưởng sản phẩm này khó có thể đoạt được giải, tôi nêu ý tưởng công nghệ 3D và mức độ học sinh phổ thông không mấy em lập trình được, vậy là em học sinh đó đồng ý chuyển sang dự án mới là xây dựng một phòng thí nghiệm ảo 3D hóa sinh.

Tôi liên hệ với Aptech để em đó theo học một khóa lập trình Android, khóa học này tôi xin được tài trợ nên hoàn toàn miễn phí.

Em đó bắt đầu ngồi viết lập trình trên điện thoại, ban đầu mới chỉ là 2D và mô phỏng một vài phản ứng, để giúp cho em đó có thiết bị, tôi lấy chiếc điện thoại thông minh của mẹ tôi cho em dùng, điện thoại này cài phần mềm demo và ứng dụng.

Với ý tưởng mới 3D thì học sinh đó đã bắt đầu đi thi cấp thành phố, cùng lúc tôi hướng dẫn em viết báo cáo về đề tài phòng thí nghiệm ảo hóa sinh này.

Để chuẩn bị cho cuộc thi nên tôi dạy em về kỹ năng thuyết trình, viết báo cáo khoa học về đề tài đó dài khoảng 30 trang, bố cục viết, cách hành văn và điểm nhấn trong báo cáo.

Trong bộ hồ sơ gửi đi thi có cả phần báo cáo chi tiết, nên từ 30 trang đó tôi đã giúp em thu gọn lại còn 200 từ cho cô đọng. Bản thân tôi đã được các chuyên gia của Intel huấn luyện trực tiếp về vấn đề này rất bài bản.

Cô Dương Hồng Hạnh và học sinh dự thi thi Intel Isef năm 2016.
Cô Dương Hồng Hạnh và học sinh dự thi thi Intel Isef năm 2016.

Nâng tầm dự án, cô và trò quyết tâm đạt giải.

Sau khi đạt giải cấp thành phố, để chuẩn bị cho kỳ thi cấp quốc gia thì cô và trò phải nâng dự án này lên một tầm khác, chính vì vậy em đó sẽ phải học lập trình trên kính 3D VR.

Để đáp ứng lập trình cao hơn, tôi lại tìm được một công ty chuyên về công nghệ 3D để cho em theo học. Lại một lần nữa tôi đi xin tài trợ. Cứ như vậy từng bước em đó đã trải qua 2 khóa học về 3D công nghệ cao.

Tất cả những khóa học về lập trình 3D thì các công ty đều không dạy vì đây là bí mật của họ, tôi phải thuyết phục và cuối cùng họ cũng nhận lời và 2 công ty cũng chỉ dạy trong thời gian ngắn.

Cũng nhờ có nhưng khóa học lập trình này mà em học sinh đó đã hoàn thiện được dự án 3D về phòng thí nghiệm ảo.

Học sinh thì học lập trình nhưng bên ngoài tôi vẫn phải đi tìm kiếm thông tin, để chứng minh được đề tài của mình chưa có ai làm, và chỉ ra được điểm mới khác biệt, đó là một quá trình rất khó khăn”, cô Hạnh nói.

Để nói là lập trình 3D thì ai học được cũng có thể lập trình được, vì vậy học sinh phải chứng minh được sản phẩm của mình là mới lạ, có tính nhân văn, hiệu quả kinh tế và tiện lợi ra sao.

Để chuẩn bị cho phần thuyết trình, tôi mời một số chuyên gia về 3D để giúp phản biện, cũng là để cho học sinh có trải nghiệm thực tế về phần thuyết trình của mình khi đi thi cấp quốc gia.

“Biết tin là sẽ được đi thi cấp quốc gia, lúc này tôi cũng đã tiên lượng được khả năng có thể sẽ được đi thi ở Mỹ nên đã lập tức chuẩn bị cho em đó theo học thêm khóa tiếng Anh chuyên ngành kỹ thuật.

Nếu đi thi ở Mỹ thì phần thuyết trình bằng tiếng Anh hoàn toàn khác, không chỉ đơn thuần là giao tiếp. Lúc này tôi lại đi xin tài trợ 3 khóa học tiếng Anh.

Cuộc thi toàn quốc tổng số hơn 500 đề tài với 22 giải nhất cho 22 lĩnh vực, em đó nằm trong số 22 bạn đoạt giải nhất.

Để lựa chọn, 22 bạn giải nhất đó bước vào phần thuyết trình bằng tiếng Anh, và cuối cùng Ban tổ chức đã chọn ra 8 bạn để tiếp tục đi thi ở Mỹ vào tháng 5/2019, trong đó có học sinh tôi hướng dẫn.

Khi được chọn đi dự thi, bên Mỹ có yêu cầu chúng tôi gửi hồ sơ online, qua đó họ sẽ kiểm duyệt xem học sinh đó có đủ tiêu chuẩn hay không, chứ không phải cứ Bộ Giáo dục cử đi là họ đồng ý.

Sau khi bên Mỹ xét hồ sơ và đồng ý, chúng tôi làm thủ tục bay sang, khi vừa xuống đến sân bay Chicago thì chúng tôi nhận được thông báo trên hệ thống của cuộc thi Intel Isef rằng dự án của chúng tôi có vấn đề.

Cô Dương Hồng Hạnh và các em học sinh tại kỳ thi cấp thành phố năm 2014.
Cô Dương Hồng Hạnh và các em học sinh tại kỳ thi cấp thành phố năm 2014.

Có nghĩa là trong bản hồ sơ chúng tôi gửi sang bị thiếu chữ ký xác nhận của giám đốc công ty 3D khi học sinh học lập trình tại đó.

Lúc này ở Mỹ là 10h sáng, mẹ em học sinh đó có gọi điện về Việt Nam nhờ người nhà trợ giúp, nhưng lúc đó ở Việt Nam lại là buổi đêm, mọi người đang ngủ nên không ai giúp được.

Mà nếu không xử lý nốt việc thiếu chữ ký trong hồ sơ đó thì đồng nghĩa với việc sẽ không được thi và quay trở về Việt Nam.

Tôi gọi điện thoại về nước, huy động các mối quan hệ, dựng tất cả mọi người dậy và xử lý hoàn thiện xong hồ sơ đó ngay trong đêm, hồ sơ đã đạt yêu cầu và em đó có thể bước vào phòng thi.

Đến khâu ban tổ chức cuộc thi kiểm tra các thiết bị mà học sinh mang vào phòng thi như máy tính, dây điện, ổ cắm điện, kính VR, tài liệu, poster…

Thi Intel Isef, hành trình gian nan của cô và trò ảnh 4

Với tôi thì không có học sinh nào là cá biệt

Máy tính xách tay cấu hình cao mang vào phòng thi cũng được quét kiểm tra xem có dùng phần mềm bản quyền hợp pháp hay không, poster có đúng kích thước quy định, có lô gô quảng cáo hay mặt người hay không. Nếu vi phạm những điều đó thì học sinh đó sẽ bị loại luôn.

Tại ngày thi chính thức này, tất cả các dự án của học sinh trên toàn thế giới được để chung, giám khảo thích đề tài nào thì chọn và xem đề tài đó, sau đó sẽ đặt câu hỏi với thí sinh.

Đề tài của một học sinh Mỹ được 23 người chọn, học sinh Việt Nam tôi đưa đi được 18 người chọn, còn trung bình các đề khác chỉ được từ 4 đến 10 người chọn.

Điều đó khẳng định đề tài của học sinh Việt Nam mang đi thi đã tạo được sự quan tâm của ban giám khảo và nhiều nhà khoa học tại Mỹ”, cô Hạnh cho biết.

Tôi cũng cảm thấy rất tự hào vì thành tích mà em học sinh đó đạt được và em cũng không phụ công sức của cả cô và trò trong suốt một năm trời.

“Được đi thi tại Mỹ nhưng để có tiền mua vé máy bay, đi lại, ăn ở của học sinh trong 10 ngày cũng làm tôi khá đau đầu, biết được khó khăn đó, cô Nguyễn Thị Hiền - Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Kim Liên đã gửi công văn xin Tập đoàn Vingroup tài trợ 100 triệu đồng, tôi thì xin bạn Nguyễn Anh Linh - cựu học sinh của Trường trung học phổ thông Kim Liên, 50 triệu đồng. 

Từ lúc có ý tưởng đề tài cho đến lúc đi thi tại Mỹ thì em đó phải trải qua 3 khóa học lập trình, 2 khóa học tiếng Anh chuyên ngành một thầy 1 trò với giáo viên nước ngoài.

Mời các nhà khoa học phản biện thử trước khi thi, chi phí cho giáo viên nước ngoài dạy thuyết trình bằng tiếng Anh…tất cả tôi đều tự đi xin tài trợ, đó là một số tiền rất lớn mà không phải gia đình nào cũng có điều kiện để sẵn sàng chi trả.

Bản thân tôi cũng không thể tưởng tượng được là có thể xin được rất nhiều tài trợ cho 1 em học sinh đến như vậy, chuẩn bị hoàn tất mọi thủ tục và kiến thức để em có thể tự tin bước vào kỳ thi Intel Isef tại Mỹ”, cô Hạnh chia sẻ.

Tùng Dương