“Tôi nhớ lớp 6 tôi dạy bộ môn có hai bạn xảy ra xích mích trong giờ chơi, lúc đó tôi thì đang ở lớp khác thì bạn lớp trưởng có chạy lên báo rằng tôi phải xuống ngay vì hai bạn đang đánh nhau.
Tôi lo lắng chạy đến thì thấy hai em học sinh nam đang trong tình trạng rất căng thẳng, mặt mũi đỏ phừng phừng, mồ hôi nhễ nhại, quần áo xộc xệch, qua tìm hiểu tôi được biết hai em tranh nhau quả cầu và ai cũng cho là mình đúng.
Việc đầu tiên là phải hạ cái bực tức trong người các em trước đã, tôi liền kéo hai em ngồi xuống và hoàn toàn không nói gì đến nguyên nhân xích mích.
Tôi nói sang một câu chuyện rất bâng quơ không liên quan: Thế hôm nay hai bạn đã ngủ trưa chưa? Thái độ hai em đó rất ngạc nhiên vì câu hỏi của tôi.
Tôi nói tiếp: Thế sáng nay trong giờ sinh hoạt lớp thì bạn Hải Anh cho các bạn hát bài gì nhỉ? Hai em vẫn cứ nhìn tôi và một em nói: Bạn í cho hát bài lớp chúng mình ạ.
Tôi hỏi tiếp: Thế hôm nay lớp mình có tiết thể dục không thì cả hai em đều trả lời là không có ạ.
Lúc đó tôi mới nói là không có tiết thể dục thì tại sao các em lại mang vợt cầu lông ra để làm gì, để mà rồi hai bạn cãi nhau? Vậy ai sai trong chuyện này?
Tôi sử dụng một phương pháp trong giá trị sống nhằm kéo các em sang một câu chuyện hoàn toàn khác, và trong lúc các em đang bực tức thì tôi không nhắc đến nguyên nhân cãi nhau.
Còn nếu hỏi ngay tại sao lại đánh nhau thì chỉ làm các em bực tức thêm và có thể không chịu giảng hòa.
Khi hai em đã qua cơn nóng giận thì tôi mới lựa lời phân tích để hai em hiểu được đúng sai trong hành động của mình, khi hiểu được thì các em sẽ thay đổi và không lặp lại những sự việc tương tự”, cô Thủy nói.
Cô giáo Nguyễn Thu Thủy: Trong năm đầu tiên đi dạy tôi cảm thấy chưa đạt được hiệu quả trong công việc, một phần vì mới ra trường, phần là với suy nghĩ cứ bê hết những kiến thức mình được học ra để áp dụng. Ảnh: T.D |
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, cô giáo Nguyễn Thu Thủy dạy môn lịch Sử - Trường trung học cơ sở & trung học phổ thông Nguyễn Bỉnh Khiêm, chia sẻ: “Năm 2007 tôi bắt đầu đi dạy sau khi ra trường được 1 năm, thời gian này tôi dạy cấp 2 và được nhà trường giao cho làm Phó chủ nhiệm với mục đích phụ giúp cô chủ nhiệm và học hỏi kinh nghiệm.
Rời khỏi giảng đường đại học thì tôi luôn có quan điểm thầy cô lúc nào cũng phải có cái uy và nghiêm khắc, luôn có một khoảng cách với học sinh. Khi mình uy nghiêm và có khoảng cách thì học sinh sẽ sợ và nghe theo.
Một phần suy nghĩ như vậy cũng là do tôi bị ảnh hưởng từ những thầy cô dạy cấp 3 của mình, nên tôi không gần gũi hay cười với học sinh.
Ngày đầu tôi bước chân vào lớp với nét mặt nghiêm nghị, không tươi cười và cố tạo một “hàng rào”, các em học sinh thấy tôi cũng đến chào và làm quen nhưng tôi rất lạnh lùng.
Có một em học sinh làm tôi nhớ mãi cho đến giờ, lúc đó các em ôm lấy tôi và tỏ ra thân thiện, nhưng thấy tôi không tỏ thái độ gì nên các em dãn ra và nói: Sao cô giáo kiểu gì í nhỉ, không giống các thầy cô khác? Các em xì xào và nhìn ánh mắt các em tôi cảm nhận được một cái gì đó không vui. Tôi mặc kệ”.
Trong năm đầu tiên đi dạy tôi cảm thấy chưa đạt được hiệu quả trong công việc, một phần vì mới ra trường, phần là với suy nghĩ cứ bê hết những kiến thức mình được học ra để áp dụng.
“Vào tiết học là tôi cứ “chạy” một mạch cho hết chương trình và không hề quan tâm đến cảm xúc của học sinh, tôi đứng trên bục giảng và hầu như cả tiết học không hề xuống dưới lớp, tôi nghĩ đó cũng là “bệnh” chung của những giáo viên trẻ mới ra trường.
Trong suốt một thời gian dài tôi cảm thấy học sinh không hứng thú với tiết học của tôi, lúc đó tôi cũng đặt ra câu hỏi là mình đã rất kì công chuẩn bị giáo án nhưng tại sao học sinh lại có thái độ như vậy?
Trong công tác làm Phó chủ nhiệm tôi tự thấy mình làm rất trách nhiệm, luôn đi sớm về muộn chăm lo cho học sinh nhưng không hề nhận thấy sự kết nối, hưởng ứng từ phía các em.
Có nhiều lúc tôi cảm thấy rất là ghen tỵ với những thầy cô giáo khác trong trường khi thấy học sinh hỏi chuyện, cười nói với họ.
Thậm chí là vẫn học sinh lớp đó nhưng khi tôi vào lớp thì không khí như trùng xuống, đối ngược với những giáo viêc khác cũng dạy lớp đó thì các em vui tươi hẳn. Lúc này tôi đặt ra câu hỏi với chính bản thân mình rằng tại sao lại như thế?
Sau đó tôi đi tìm lời giải và quá trình đó chính là con đường tôi đã thay đổi chính mình. Tôi nhận thấy mình không nên thay đổi người khác mà phải tự thay đổi chính mình, và đó cũng là lời giải đáp thích hợp nhất”, cô Thủy cho biết.
Tôi thấy mình xưng hô một cách ngọt ngào, gần gũi với học sinh thì chính các em sẽ gần gũi với mình. Ảnh: Tùng Dương. |
Giáo viên tự thay đổi chính mình.
Trong gần 2 năm đầu tiên đi dạy tôi có cảm giác hơi hẫng hụt và sốc, tôi quan sát mọi vấn đề và nhận thấy mọi đồng nghiệp trong trường làm rất tốt, mà cũng không phải mình không chịu học hỏi, nhưng tại sao mình không làm được? Vậy điều đó xuất phát từ đâu?
“Cho đến một buổi trưa cách đây 13 năm tôi không bao giờ quên được, khi từ trong lớp bước ra thì tôi có gặp thầy Hòa và cảm nhận thấy thầy có gì đó rất là khác.
Hai hàng lông mày của thầy nhíu lại và thầy nói: Cô Thủy ơi cho tôi hỏi câu chuyện, tôi nghe học sinh lớp cô nói là cô lạnh lùng lắm, cô còn xưng hô với học sinh là anh với chị?
Lúc đó như có một luồng điện chạy thẳng vào người tôi, dường như tôi quên mất mình phải tạo một sự gần gũi bắt đầu từ cách xưng hô với học sinh.
Tôi sững người không nói được câu gì vì chính mình là người thực hiện điều đó, còn thầy Hòa lại là người phát hiện ra điều đó.
Đến lúc này tôi mới chợt hiểu học sinh rất là gần gũi với các thầy cô trong trường, và các em cần một người để chia sẻ mọi việc đang diễn ra trong lớp.
Sau khi gặp và nghe thầy Hòa nói thì trong tôi có một cảm giác rất chán nản, chán ở đây vì tự nhận thấy mình đã vi phạm vào những điều giáo viên không được làm”, cô Thủy nói.
Học sinh ở Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm rất đặc biệt và khác với học sinh ở những trường khác, trong một tập thể lớp có nhiều tính cách nhưng vô tình cô giáo không làm hài lòng một vài bạn thì đó cũng là điều thất bại.
“Cả buổi chiều hôm đó tôi rất chán nản, hụt hẫng và mệt mỏi, tôi nghĩ rất nhiều và đã biết được vì sao ở trong mắt học trò mình không tìm được sự gần gũi.
Lúc này tôi đã gọi “tên” được cái mà mình đã sai, ngay trong những giờ học buổi chiều hôm đó tôi đã luôn tâm niệm không được gọi học sinh nào là anh hay chị nữa.
Tôi đã suy nghĩ lại về bản thân mình và quyết tâm thay đổi, gần như có hiệu ứng ngay lập tức và học sinh nói với tôi rằng: Ơ hôm nay cô lạ thế, cô không xưng hô anh chị nữa à? Hôm nay em thấy cô rất là nhẹ nhàng.
Tôi nhận thấy mình thay đổi cách nói chuyện một chút thôi nhưng đã làm cho học sinh cảm thấy hạnh phúc, và nghe học sinh nói vậy thì mình có thực sự là lạ hay không? Hay chính mình đang đi tìm sự khác biệt cho mọi người”, cô Thủy chia sẻ.
Để kết nối với học sinh các lớp bộ môn và lớp tôi chủ nhiệm thì tôi đã dành nhiều thời gian cho các em hơn. Ảnh: T.D |
Tôi thấy mình xưng hô một cách ngọt ngào, gần gũi với học sinh thì chính các em sẽ gần gũi với mình, nhìn ánh mắt của các em lúc đó tôi thấy mình đã gỡ được nút thắt đầu tiên khúc mắc giữa cô và trò.
“Tôi nhận thấy việc tự thay đổi bản thân nó đến từ những việc nho nhỏ, tôi bắt đầu thay đổi từ việc dạy, ở trên lớp tôi giao cho các em những dự án nhỏ để từng bạn thuyết trình về một nhân vật lịch Sử, thay vì việc cô nói thì bây giờ các bạn sẽ làm.
Có những bạn trong nhóm sẽ phân công lại cho các bạn một phần những câu hỏi nhỏ trong bài, hôm sau tập hợp lại cho một em thuyết trình trước lớp.
Tôi bắt đầu học cách nói những lời khen và động viên, khen ý thức các em trong việc tự giác học tập và làm việc nhóm, khen nộp bài đúng hạn và sự kết nối tập thể.
Tôi quan tâm hơn với học sinh, đến tận nơi chỉ chỗ này con ghi chưa được, chỗ kia con phải có dấu chấm, con ngồi thẳng lên một chút nhé, hay con ngồi chỗ này có nhìn rõ trên bảng không? Với những câu hỏi và cử chỉ quan tâm như vậy đã giúp cải thiện rõ tình cảm giữa cô và trò.
Đối với học sinh nói chuyện trong lớp thì tôi sẽ không nhắc nhở, mà thay vào đó mình sẽ thu hút các em bằng nhiều phương pháp tổ chức các hoạt động thì học sinh sẽ không còn thời gian nói chuyện riêng nữa
Để kết nối với học sinh các lớp bộ môn và lớp tôi chủ nhiệm thì tôi đã dành nhiều thời gian trong giờ ra chơi, những giờ cuối buổi, thậm chí là trước giờ ăn trưa tôi đều nán lại một chút với các em.
Thấy có gì đó hoặc có bạn nào buồn buồn thì tôi sẽ ôm em vào lòng và hỏi: Sao trông con buồn thế, có thể chia sẻ với cô không?
Tôi bắt đầu gợi mở từ những câu hỏi rất đơn giản, có thể hôm đầu em học sinh đó chưa thực sự muốn chia sẻ nhưng dần dần thấy sự thiện cảm và gần gũi của tôi nên các em đều chia sẻ và muốn tôi cho ý kiến về việc này, việc kia.
Đôi khi chỉ cần một vài câu nói: Thôi đi ăn cơm rồi lên đây nói chuyện với cô, hoặc em có bất cứ điều gì muốn nói thì hãy gặp cô, những câu nói như vậy làm cho học sinh cảm thấy dễ chịu.
Tôi tìm sự kết nối từ những câu chuyện, qua tâm sự hàng ngày của chính các em và dành thời gian cho các em nhiều hơn”, cô Thủy nêu quan điểm.
Trong nhiều năm đi dạy với rất nhiều kỷ niệm, nhưng có lẽ tôi là giáo viên chủ nhiệm đặc biệt nhất ở Trường Nguyên Bỉnh Khiêm, đặc biệt vì tôi không bao giờ chủ nhiệm lớp 6.
Và hơn nữa tôi thường đón những “chuyến đò” dang dở từ những lớp có vấn đề, lớp có đồng nghiệp nghỉ sinh, nghỉ ốm… có một số những lớp cuối cấp cũng được chuyển sang tôi dạy.
“Tôi nhớ có lần đón ngang một lớp 8 mà học sinh lớp đó đang được giáo viên giỏi số 1 của trường dạy và cô giáo đó rất tận tâm với học sinh, đây có thể coi là lớp chọn của trường với nhiều học sinh giỏi.
Khi nghe tin sẽ nhận lớp đó tôi hết sức lo lắng vì chỉ làm chủ nhiệm ở đây là một việc rất khó, nay lại tiếp nhận một lớp của một giáo viên giỏi thì không biết mình có đảm nhiệm được không?
Đêm hôm trước tôi mất ngủ vì lo lắng, không biết khi nhà trường đọc tên tôi sẽ chủ nhiệm lớp đó thì phản ứng của học sinh sẽ ra sao?
Cả sân trưởng rộng vào sáng hôm đó nhưng tôi cảm thấy ngột ngạt vì tâm lý trong tôi vui buồn, lo sợ lẫn lộn.
Sau khi cô Tổng phụ trách có thông báo tên tôi sẽ chủ nhiệm lớp 8A đó thì tôi thấy ở dưới sân trường các em học sinh tung hô và tỏ thái độ vui mừng, các em vỗ tay ầm ầm.
Bản thân tôi cũng cảm thấy rất là bất ngờ vì tôi mới chỉ là giáo viên bộ môn của lớp đó được 2 năm nên cô trò cũng đã quen nhau.
Lúc đó cảm giác lo lắng trong tôi đã được tháo gỡ, tôi thấy sự vui sướng của học sinh rất là rõ ràng khi tôi làm chủ nhiệm, nhưng bản thân tôi vẫn rất lo lắng vì khi có được tình cảm của học sinh nhưng vẫn còn phải tìm sự đồng hành của phụ huynh.
Tôi ý thức được rằng thành công chỉ đến với giáo viên khi được phụ huynh tin tưởng, cũng như họ đã tin tưởng với giáo viên chủ nhiệm trước đó”, cô Thủy cho biêt.