Thi Văn lớp 10: Thí sinh "lên thác xuống ghềnh"

23/06/2011 00:33
Chánh văn phòng Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết: "Năm nay là năm thứ 3 Hà Nội (mở rộng) thực hiện tuyển sinh vào lớp 10 theo hình thức thi tuyển kết hợp với xét tuyển.

Sáng 22/6, hơn 80.000 học sinh Thủ đô bước vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10. Ông Nguyễn Hiệp Thống - Chánh văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết: "Năm nay là năm thứ 3 Hà Nội (mở rộng) thực hiện tuyển sinh vào lớp 10 theo hình thức thi tuyển kết hợp với xét tuyển.”

{iarelatednews articleid='5397,5368,5292'}

Đề không khó nhưng khó đạt điểm cao

Theo ghi nhận của phóng viên Vietnam+, các phòng thi sáng 22/6 thực sự nghiêm túc. Trong buổi thi sáng nay, các thí sinh thi môn ngữ văn.

Cô giáo Lê Mai Anh, dạy môn ngữ văn ở trường Trung học cơ sở Ngô Sĩ Liên, nhận định: “Đề văn năm nay không khó. Một đề văn khó là một đề thí sinh đọc xong không biết đề hỏi gì hoặc là khi làm, thí sinh không biết trả lời thế nào. Đề năm nay không hề 'thử thách' thí sinh theo cách đó. Nhưng công bằng mà nói, đề văn năm nay không khó nhưng khó đạt điểm cao."

Cô Mai Anh phân tích: với đề văn này, khi các thí sinh đọc đề thì biết ngay đề yêu cầu gì và khi viết thì biết giới hạn là nên viết gì. Tuy nhiên cũng có hai câu khó khiến cho thí sinh không dễ “ẵm” điểm cao. Đó là câu do trình độ của các em là ở cấp trung học cơ sở nên rất có thể các em hiểu “đơn sơ” một số khái niệm mà thiếu rộng mở - đó là phần yêu cầu nói về “người đồng mình” là những ai.

Dù đã được thầy cô giáo giảng nhưng rất có thể học sinh sẽ cho “người đồng mình” là người cùng đồng ruộng, cùng làng nên cùng cày cấy trên một cánh đồng. Nhưng thực ra các trò cần nói được người đồng mình là người cùng quê hương, đất nước.

Ngoài ra ở phần khác của bài, phần phân tích mấy câu thơ trích trong bài học sinh sẽ dễ bị diễn xuôi mà không hiểu hết ý nghĩa cũng như nghệ thuật thơ. Ví dụ “lên thác xuống ghềnh” là gian truân cực nhọc của đời sống với những thử thách “chân cứng đá mềm,” có ý chí và nghị lực. Chứ không chỉ là “lên thác xuống ghềnh” theo cách hiểu “trèo đèo lội suối.”

Các thí sinh dễ bị cụ thể hóa hành trình cuộc sống, tiếp nối thế hệ thành một hành trình theo nghĩa hẹp, nghĩa đơn giản của từ này…

Xôn xao với câu hỏi đối thoại hay độc thoại

Nhiều thí sinh thừa nhận bị “căng thẳng” khi đọc yêu cầu của đề là nhận diện câu độc thoại hay đối thoại trong  một đoạn văn của truyện “Chuyện người con gái Nam Xương” (Nguyễn Dữ). Câu này nếu trả lời sai sẽ mất 1 điểm.

Đoạn văn như sau: “Đoạn rồi nàng tắm gội chay sạch, ra bến Hoàng Giang ngửa mặt lên trời mà than rằng: - Kẻ bạc mệnh này duyên phận hẩm hiu, chồng con rẫy bỏ, điều đâu bay buộc, tiếng chi nhuốc nhơ, thần sông có linh, xin ngài chứng giám. Thiếp nếu đoan trang giữ nết, trinh bạch giữ gìn…Nhược bằng… xin chịu khắp mọi người phỉ nhổ.”

Đáp án được cô giáo Mai Anh đưa ra là: “Đó là lời độc thoại. Vì nhân vật than thân. Tuy ngửa mặt lên trời nhưng không có lời đáp đối thoại từ trời. Về dấu hiệu thì có một gạch đầu dòng, và trước đó là cuộc đối thoại với nhân vật Trương Sinh.”

Tuy nhiên, một số phụ huynh đứng ở chờ con ở trường Phổ thông Trung học Việt Đức, bàn bạc với nhau: “tâm linh người Việt luôn coi trời là một nhân vật, khi than, khi nguyện cầu đều nghĩ trời sẽ thấu. Mình đang cầu xin  trời, đối thoại với trời. Đối thoại không phải là cứ có nói có đáp, một người nói, một người lắng nghe cũng là đối thoại.”

Còn có những ý kiến thêm rằng: theo câu chuyện thì cuối cùng “Trời cũng có mắt” vì Trương Sinh đã biết vợ mình bị oan ức mà quyên sinh…Chị Vân, một phụ huynh đi đón con thi ở trường Nguyễn Trãi về cho biết: "Nhiều học sinh đã chọn là đối thoại."

Một cô giáo dạy trung học phổ thông khi mới "liếc qua" đề cũng cho rằng: Đây không phải là nhân vật tâm tình với ngọn đèn hay đóa hoa mà là Trời nên dễ coi là đối thoại. Bởi chúng ta khi than trời luôn nghĩ  trời chính là nhân vật để sẻ chia.

 



Sức ép trên vai thí sinh

Sau nhiều năm xét điểm vào lớp 10, đây là năm thứ ba, Hà Nội thực hiện tuyển sinh vào lớp 10 theo hình thức thi tuyển kết hợp với xét tuyển.

Theo ông Nguyễn Hiệp Thống: “Việc làm này thúc đẩy học sinh phải có ý thức cố gắng học tập tốt ngay từ năm đầu tiên của năm học trung học cơ sở và quyết tâm nỗ lực hơn nữa tại kỳ thi vào trung học phổ thông.”

Để thực hiện kỳ thi nghiêm túc, khách quan, ngoài các quy định, quy chế nghiêm ngặt từ công tác thi, coi thi, thanh tra thi, chấm thi..., Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã đưa thêm quy định không lấy giáo viên trung học phổ thông dạy hai bộ môn Văn, Toán đi tham gia coi thi.

Các giáo viên trung học cơ sở nào dạy Văn hoặc Toán của năm lớp 9 vừa qua cũng không được tham gia coi thi. Sở Giáo dục và Đào tạo cũng yêu cầu trong giờ thi Toán, giáo viên trung học cơ sở dạy môn Toán không được làm giám thị 1, trong giờ thi Văn, giáo viên trung học cơ sở dạy môn Văn không được làm giám thị 1 để đảm bảo giáo viên đó không được tiếp xúc với đề thi.

Theo chỉ tiêu tuyển sinh thì năm nay sẽ có khoảng 70% số học sinh sẽ được vào học tại các trường công lập. Chính vì thế mà kỳ thi khá căng thẳng với thí sinh cũng như phụ huynh. Ước mong chính đáng được vào học trường công lập, nhất là công lập “có tiếng tăm” khiến kỳ thi trở nên rất căng thẳng.

Không khí căng thẳng này đã diễn ra ở tất cả các Hội đồng thi. Do đó, với những câu hỏi gây tranh cãi như "đối thoại hay độc thoại," khi biết trả lời sai một câu, dù chỉ mất 1 điểm thì nhiều học sinh và phụ huynh tỏ ra rất lo lắng vì theo quy chế xét tuyển thì 1 điểm thi được nhân đôi thành 2 điểm.

Thế mới hay “tấm vé” vào trường trung học phổ thông công lập nhất là “công lập đầu cao” gian nan làm sao! Việc vào được trường học nào sẽ quyết định cả một cấp học trước khi vào đời. Thế nên đúng như một phụ huynh than "đối thoại" chứ không phải "độc thoại": "Chính thí sinh cũng đang 'lên thác xuống ghềnh' trong một kỳ thi không hề có thể xem nhẹ".

Theo Vietnam+