Thủ khoa ĐH Sư phạm Hà Nội không thích bon chen, chỉ làm thầy giáo

26/10/2012 06:52
Kim Ngân
(GDVN) - Giành điểm cao nhất 28,5 điểm vào ĐH Sư Phạm Hà Nội, chàng trai Lê Thành Đạt (Quảng Ninh) hóm hỉnh nói rằng, dù biết lương giáo viên thấp nhưng cậu không hối hận khi chọn con đường trở thành người thầy đứng bục giảng.
“Siêu” cả Toán và Lý

Nụ cười tươi và luôn vui vẻ là ấn tượng chung của bạn bè khi tiếp xúc với Lê Thành Đạt – chàng trai thủ khoa đầu vào ĐH Sư phạm năm nay. Đạt khoe, có ba thứ trên đời cậu “mê” nhất đó là Toán, Vật lý và bóng đá. Càng trò chuyện nhiều hơn với cậu, tôi thấy Đạt khá thú vị và nhiều tài năng.
Thủ khoa ĐH Sư phạm, SV Lê Thành Đạt giành 28.5 điểm kỳ thi đại học vừa qua. Đạt tươi cười nói rằng mình học không nhiều và nổi tiếng nghịch ngợm trong lớp cấp 3 (ảnh Kim Ngân).
Thủ khoa ĐH Sư phạm, SV Lê Thành Đạt giành 28.5 điểm kỳ thi đại học vừa qua. Đạt tươi cười nói rằng mình học không nhiều và nổi tiếng nghịch ngợm trong lớp cấp 3 (ảnh Kim Ngân).
Lê Thành Đạt nói rằng, cậu học tốt môn Toán chỉ đơn giản là thích nên đã mải miết theo đuổi từ hồi còn học tiểu học. Năm lớp 9, Đạt có đoạt giải khuyến khích môn máy tính Casino và giải nhất môn Toán trong cuộc thi học sinh giỏi của tỉnh Quảng Ninh.

Để có điều kiện tốt theo đuổi môn Toán và vì có người nhà trên Hà Nội nên Đạt quyết tâm ôn thi vào chuyên Toán, Trường THPT Chuyên ĐH Sư phạm. Thật may mắn, năm ấy Lê Thành Đạt đỗ cả Trường THPT Chuyên Tự nhiên, nhưng vẫn chọn THPT Chuyên Sư phạm.

Trong kỳ thi đại học vừa rồi, Đạt đỗ vào Khoa Sư phạm Vật lý với số điểm 28,5 (trong đó Toán: 9,5 điểm; Vật lý: 9,5 điểm và Hóa: 9, 25 điểm). Khi biết mình đỗ thủ khoa, Đạt rất bất ngờ và vui mừng, nhưng vẫn rất khiêm tốn nói rằng còn nhiều bạn giỏi hơn mình.
Không chỉ “siêu” Toán, Đạt còn quyết tâm giỏi cả Lý vì thầy giáo của cậu nói rằng, “học tốt Toán, sẽ học được Lý”. Đạt tươi cười bật mí không sợ môn nào cả và thấy môn nào cũng thú vị. Ngoài 3 môn Toán, Lý, Hóa, Đạt nói rằng: “Từ cấp 2 em đã đọc gần hết những tác phẩm văn học Việt Nam, tiểu thuyết văn học nước ngoài và em thích nhất truyện của Nam Cao. Qua những cuốn truyện đó em hiểu về cuộc sống, cách cảm nhận văn học phong phú hơn và từ đó em học Văn tốt hơn mà không cần dành nhiều thời gian”.

Đạt nhớ lại, lúc thi vào trường THPT Chuyên Tự nhiên, môn Văn cậu giành được 9 điểm, còn khi thi vào Trường THPT Chuyên Sư phạm thì được 7,5 điểm Văn mặc dù không ôn thi quá nhiều.

Mặc dù biết ngành Sư phạm hiện nay không thực sự hút như nhiều ngành khác, thậm chí nhiều bạn bè khuyên không nên thi, nhưng Đạt vẫn quyết tâm trở thành thầy giáo. Đạt kể lại thời điểm chọn trường nộp hồ sơ: “Lúc đó, hầu hết cả lớp em đều nghĩ là sẽ đỗ đại học, chỉ băn khoăn định hướng nghề để chọn trường cho phù hợp. Em làm bộ hồ sơ dự thi ĐH Bách Khoa, Kinh tế… Đắn đo, suy nghĩ rất lâu và rất khó khăn cho em để chọn. Và cuối cùng em nghĩ mình hợp làm thầy giáo”.

Đạt nghĩ rằng mình không phù hợp với ngành kinh tế vì theo cậu thì nghề này phải bon chen, cạnh tranh, đôi khi sống không đúng bản thân; còn ngành kỹ thuật đòi hỏi sự khéo léo nhưng cậu nhận mình lại khá vụng về. Cũng lo lắng việc ra trường khó xin việc, nhưng Đạt lạc quan tâm niệm, “mình giỏi sẽ có đầu ra tốt”.

Đạt tâm sự rằng, một lí do khác cậu chọn ĐH Sư phạm là vì cậu đã gắn bó với trường THPT chuyên ĐHSP ba năm cấp 3, cậu quen thuộc và rất yêu nơi này. Hơn nữa, mẹ cậu cũng là giáo viên nên Đạt khao khát được đứng trên bục giảng.

Người thầy phải có tâm với nghề

Trở thành tân sinh viên, còn 4 năm để cậu phấn đấu để trở thành người thầy. Đạt chia sẻ, trong những buổi đầu học đại học, cậu thấy rất thú vị với các môn học và phương pháp tự học là chính đã lôi kéo sự hào hứng với mong muốn trở thành thủ khoa kép, được giữ lại trường để giảng dạy của Đạt.

Lê Thành Đạt nghĩ rằng mình có chút tố chất để trở thành giáo viên và Đạt biết rằng nghề giáo còn nhiều chông gai nhưng cậu luôn phấn đấu hết mình.
Lê Thành Đạt nghĩ rằng mình có chút tố chất để trở thành giáo viên và Đạt biết rằng nghề giáo còn nhiều chông gai nhưng cậu luôn phấn đấu hết mình.
Là một thầy giáo tương lai, theo Đạt cần phải giỏi, không ngừng trau dồi kiến thức để dạy cho học sinh. Và điều quan trọng là cái tâm của người thầy và sự yêu thương học trò. Hiện nay, dư luận phản ánh một bộ phận thầy cô giáo biến chất, không có tâm với nghề, đánh đập học sinh, nhận hối lộ….Nhưng, Đạt khẳng định còn có rất nhiều nhà giáo tốt, được kính trọng tôn vinh, được yêu mến. Đó là những tấm gương của Đạt giúp cậu nỗ lực hơn.

Thẳng thắn nói thực trạng nghề giáo hiện nay, lương của người thầy hơi thấp, mỗi người thầy phải phấn đấu nhiều năm để cống hiến cho ngành và có công rất lớn để đưa nền giáo dục tốt hơn nên Đạt mong muốn nhà nước tăng lương cho giáo viên, có nhiều chế độ cũng như tôn trọng nghề giáo hơn.

“Mẹ em là giáo viên cấp 1 và em cũng được nghe nhiều câu chuyện về cô giáo dạy hợp đồng chỉ có mấy trăm nghìn/ tháng nhưng họ vẫn đầy nhiệt huyết. Em nghĩ một người giáo viên trẻ phải cố gắng từ 5 – 10 năm mới đỡ vất vả. Theo em, điều quan trọng đối với em khi trở thành người thầy là phải có kiến thức, bản lĩnh và cái tâm với nghề”, Đạt bộc bạch.

Luôn quan niệm “khổ trước sướng sau” nên Đạt không chùn chân trước khó khăn phía trước và mong càng ngày nghề giáo càng được trân trọng, đề cao bởi “đầu từ giáo dục là quốc sách hàng đầu”. 

Nói về những ước mơ của mình, Đạt nói từ lúc nhỏ em thích làm cầu thủ bóng đá, rồi cấp 2 là trở thành nhà nghiên cứu khoa học Vật lý và bây giờ là mong muốn là người thầy. “Đơn giản đó chỉ là thích, thực hiện được niềm yêu thích, đam mê là điều hạnh phúc nhất”, Đạt cười cho biết.
Kim Ngân