Tổ chức dạy học trực tuyến cần có đầu mối chịu trách nhiệm

20/08/2020 06:36
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Việc triển khai dạy học trực tuyến muốn đạt được sự thống nhất, đồng bộ và hiệu quả thì cần xây dựng hệ thống quản lý chặt chẽ theo từng cấp.

Dự thảo thông tư ban hành quy định quản lý tổ chức dạy học trực tuyến đối với các cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên đang được các nhà giáo quan tâm, chia sẻ.

Cùng với những kỳ vọng về một phương pháp dạy học tiềm năng, nhiều thầy cô bày tỏ không ít băn khoăn về các quy định tại dự thảo.

Dạy học trực tuyến là phương pháp tiềm năng nhưng còn nhiều khó khăn trong công tác quản lý, tổ chức (Ảnh minh họa: Phạm Minh)

Dạy học trực tuyến là phương pháp tiềm năng nhưng còn nhiều khó khăn trong công tác quản lý, tổ chức (Ảnh minh họa: Phạm Minh)

Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Mai Đình Nhường (Trường Trung học phổ thông Lục Nam, Bắc Giang) cho rằng:

Dự thảo thông tư ban hành quy định quản lý tổ chức dạy học trực tuyến đã nêu bật được nhiều nội dung quan trọng. Tuy nhiên các quy định chưa thực sự rõ ràng, cụ thể, đặc biệt là về công tác quản lý dạy học.

Việc xây dựng hệ thống các cấp đối với công tác quản lý sao cho đồng bộ, thống nhất là một vấn đề cấp thiết hiện nay.

“Tổ chức dạy học trực tuyến, đơn vị nào sẽ chịu trách nhiệm? Điều này cần được quy định rõ trong một văn bản mang tính pháp quy. Việc giao gần như toàn quyền cho phía cơ sở giáo dục, từ xây dựng kế hoạch, triển khai đến đánh giá ... liệu có đảm bảo công bằng giữa nhà trường, địa phương?”, thầy Nhường đặt vấn đề.

Theo thầy Nhường, nếu để cơ sở giáo dục tự thực hiện tổ chức dạy học trực tuyến thì sẽ gây ra nhiều vấn đề bất cập, khó khăn. Bởi lẽ, nhiều cơ sở không đủ tài lực, vật lực, nhân lực cũng như các vấn đề bảo mật thông tin,…

Liên hệ với dự án xây dựng hệ thống trường học thông minh mà nhiều tỉnh đang triển khai thí điểm, thầy Mai Đình Nhường cho rằng:

Cũng là mô hình quản lý, tổ chức dạy và học trong trường, hoạt động trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin nhưng việc triển khai mô hình trường học thông minh lại đảm bảo đồng bộ tất cả các khâu, đặc biệt là công tác quản lý.

Do đó, muốn triển khai dạy học trực tuyến một cách thống nhất, đồng bộ, Bộ Giáo dục và Giáo dục nên đứng ra làm đầu mối, xây dựng nền tảng phục vụ công tác quản lý. Bên cạnh đó, cần quy định cụ thể trách nhiệm của các cấp địa phương và cơ sở giáo dục.

Về ba hình thức dạy học trực tuyến, thầy Mai Đình Nhường góp ý, dự thảo nên đưa ra những quy định cụ thể đối với mỗi loại hình.

“Ngoài hình thức dạy học trực tuyến thay thế hoàn toàn dạy học trực tiếp được quy định chỉ áp dụng khi học sinh không thể đến trường thì hai hình thức còn lại (Dạy học trực tuyến hỗ trợ dạy học trực tiếp; Dạy học trực tuyến thay thế một phần dạy học trực tiếp) chưa có quy định cụ thể nào.

Ví dụ, dạy học trực tuyến là mang tính chất bắt buộc hay chỉ khuyến khích. Ứng với mỗi hình thức sẽ phân chia tỷ lệ thời gian, chương trình bao nhiêu là hợp lý?”, thầy Nhường chia sẻ.

Về vấn đề này, cần có sự nghiên cứu, phân tích dựa trên học liệu dạy học trực tuyến cũng như chương trình đào tạo của mỗi cấp học.

Một trong những vấn đề được nhiều thầy cô giáo quan tâm hiện nay là dạy học trực tuyến như thế nào để đảm bảo an toàn và bảo mật thông tin. Đây cũng là một yếu tố quan trọng mang lại hiệu quả, chất lượng giảng dạy qua môi trường internet.

Theo chia sẻ của cô Nguyễn Thị Loan (giáo viên Trường Trung học phổ thông Nguyễn Văn Trỗi, Hà Tĩnh), trong đợt dịch từ tháng 3, nhà trường đã bắt đầu triển khai dạy học trực tuyến.

Giáo viên Trường Trung học phổ thông Nguyễn Văn Trỗi kêu gọi quên góp để hỗ trợ học sinh khó khăn mua dụng cụ học trực tuyến (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Giáo viên Trường Trung học phổ thông Nguyễn Văn Trỗi kêu gọi quên góp để hỗ trợ học sinh khó khăn mua dụng cụ học trực tuyến (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Trong quá trình giảng dạy với ứng dụng zoom, một số thành phần xấu đã lợi dụng, xâm nhập và có nhiều hành vi quấy rối. Chính điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng dạy và học.

Bàn về dự thảo quy định quản lý tổ chức dạy học trực tuyến, cô Loan cho rằng cần quy định thống nhất và đồng bộ một phần mềm dạy học trực tuyến an toàn bảo mật, đảm bảo quá trình dạy học hiệu quả nhất.

Cùng chung quan điểm với cô Loan, thầy Mai Đình Nhường cũng khẳng định cần một đầu mối xây dựng hệ thống triển khai đối với ứng dụng dạy học trực tuyến.

Theo thầy Nhường, đây cũng là một vấn đề liên quan mật thiết đến công tác quản lý và đồng bộ dữ liệu.

Tại Trường Trung học phổ thông Lục Nam, thời gian mới triển khai dạy học trực tuyến do dịch Covid-19, ứng dụng zoom là lựa chọn đầu tiên. Tuy nhiên, do một số vấn đề về bảo mật, trường đã đăng ký tài khoản Office “Microsoft Team”.

Thầy Nhường chia sẻ: “Đối với tài khoản Office này, tính bảo mật cao hơn, vấn đề quản lý cũng dễ dàng hơn và phù hợp với công tác dạy học, giao việc. Tuy nhiên, nó cũng có những hạn chế về thống kê kết quả”.

Đó cũng là lý do cần nghiên cứu và quy định, triển khai đồng bộ về ứng dụng dạy học trực tuyến, không thể gây khó khăn cho các cơ sở giáo dục khi bắt họ tự tìm kiếm, triển khai các phần mềm dạy học.

Bên cạnh quy định về cách thức tổ chức, trách nghiệm dạy học, các thầy cô cũng bày tỏ nguyện vọng về việc xây dựng chế độ cho giáo viên, nhân viên thực hiện công tác dạy học trực tuyến.

Việc quy đổi giờ dạy như thế nào, chế độ của giáo viên ra sao nên được quy định rõ trong dự thảo.

Trên thực tế, trong quá trình dạy học trực tuyến từ đợt dịch đầu tiên, nhiều thầy cô đã phải tự mua, đăng ký phần mềm dạy học.

Một số giáo viên còn phải đi giao bài tận nhà cho các học sinh vì điều kiện kinh tế gia đình không đảm bảo.

Thậm chí khi học sinh không có thiết bị học trực tuyến, các thầy cô đã kêu gọi hỗ trợ, quyên góp để mua thiết bị giúp các em đảm bảo việc học tập.

Nếu không có một quy định cụ thể nào, công sức các thầy cô bỏ ra không được ghi nhận.

Dù là dạy học trực tuyến hay trực tiếp, nếu không có sự cống hiến, tận tâm và nỗ lực của các thầy cô thì chất lượng giáo dục cũng không thể đảm bảo.

Phạm Minh