Tọa đàm góp ý cho Dự thảo Thông tư Quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh

04/06/2021 06:49
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Buổi tọa đàm nhằm góp ý cho Dự thảo Quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non; trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ.

Ngày 03/6, Câu lạc bộ khối trường đại học, cao đẳng tư thục đã tổ chức tọa đàm trực tuyến về việc góp ý Dự thảo Quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non; trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ.

Tham sự chương trình có bà Hoàng Thúy Nga, đại diện Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), lãnh đạo Ban thường vụ và đại diện Văn phòng Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cùng lãnh đạo của hơn 30 trường đại học, cao đẳng trên cả nước.

Cuộc họp góp ý Dự thảo Quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh được tổ chức trực tuyến.

Cuộc họp góp ý Dự thảo Quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh được tổ chức trực tuyến.

Chủ trì cuộc họp là Tiến sĩ Lê Trường Tùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, Chủ nhiệm Câu lạc bộ khối trường đại học, cao đẳng tư thục.

Chia sẻ tại chương trình, Tiến sĩ Lê Trường Tùng cho biết, Dự thảo năm 2021 Quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non; trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ về cơ bản có nội dung giống với Thông tư năm 2018. Bên cạnh đó cũng có một số điểm mới.

Trên góc độ quản trị của các trường đại học, đặc biệt các trường khối ngoài công lập, cuộc họp sẽ ghi nhận những ý kiến chia sẻ của lãnh đạo các trường về góp ý cho Dự thảo Thông tư năm 2021.

"Chúng ta cần xem xét trong dự thảo, điều khoản nào hợp lý cần duy trì thực hiện, điều khoản nào còn bất cập và cần sửa đổi.

Những bất cập có thể là không hỗ trợ cho sự phát triển của các trường, không phát huy tinh thần tự chủ, hay không mang ý nghĩa giúp phát triển hệ thống giáo dục đại học, Tiến sĩ Lê Trường Tùng nhấn mạnh.

Theo chia sẻ góp ý của lãnh đạo các trường đại học, cao đẳng, Dự thảo Quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non; trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ vẫn còn một số vấn đề bất cập, trong đó có nội dung về xác định chỉ tiêu tuyển sinh; xác định giảng viên cơ hữu, giảng viên thỉnh giảng quy đổi; Tiêu chí và cách tính tiêu chí xác định chỉ tiêu tuyển sinh chính quy của cơ sở đào tạo,....

Tiến sĩ Nguyễn Văn Ngữ, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Hòa Bình cho rằng: "Việc xác định chỉ tiêu trong các trường đại học để đảm bảo chuẩn chất lượng đào tạo đại học, chứ không phải theo chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật.

Hiện nay, việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh trong Dự thảo còn dựa theo những văn bản cũ mà chưa có nhiều đổi mới. Việc xây dựng tiêu chí phải cụ thể cho các trường đại học nghiên cứu và các trường đại học ứng dụng. Những quy định cũ đã không còn phù hợp với thời đại công nghệ số hiện nay cần thay đổi".

Tiến sĩ Ngữ cùng đề xuất cần thay đổi về tỉ lệ giảng viên cơ hữu và giảng viên thỉnh giảng các trường đại học ứng dụng. Về ngành đào tạo được áp dụng cơ chế đào tạo ưu tiên, phải xem xét các ngành ưu tiên gắn với nhu cầu xã hội.

Theo Dự thảo Thông tư 2021, số sinh viên chính quy/1 giảng viên quy đổi ở các ngành trung bình là 20, một số ít ngành là 15 và 25.

Theo Tiến sĩ Lê Trường Tùng, số sinh viên chính quy/1 giảng viên quy đổi như vậy là quá thấp so với thế giới và thiếu cơ sở thực tế. Việc tính toán con số này phải xem xét ở nhiều khía cạnh khác nhau như về học thuật, quy chế xã hội, hội nhập quốc tế,...

Về Quy định định mức sinh viên trên giảng viên nhìn từ góc độ thu nhập giảng viên và chuyển đổi số, một số trường đại học kiến nghị, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có chính sách ủng hộ các trường chuyển đổi số, đưa công nghệ học online tham gia một phần vào dạy và học chính quy. Mức độ online do các trường đại học giải trình, có thể trên 30% theo quy định. Dùng công nghệ cũng góp phần tăng hệ số sử dụng giảng viên, tức tăng định mức sinh viên/giảng viên theo tỷ lệ tương ứng.

Về vấn đề giảm trừ chỉ tiêu so với năng lực đào tạo, một số trường cũng kiến nghị bỏ các quy định giảm chỉ tiêu theo năng lực đào tạo.

Trong Điều 4 của dự thảo về Nguyên tắc xác định chỉ tiêu tuyển sinh có nội dung: "Trường hợp cơ sở đào tạo vi phạm quy định hiện hành về đối tượng, điều kiện và chỉ tiêu tuyển sinh theo kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì không được tự chủ xác định chỉ tiêu tuyển sinh trong thời hạn 05 năm kể từ ngày ban hành kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền".

Một số trường đồng quan điểm kiến nghị bỏ các quy định phạt bổ sung này trong Dự thảo Thông tư Quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non; trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ.

Kết thúc chương trình, Tiến sĩ Lê Trường Tùng cho biết, những kiến nghị, góp ý cho Dự thảo sẽ được tổng kết theo văn bản của Câu lạc bộ và văn bản của Hiệp hội để gửi đến Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Phạm Minh