Tranh luận nảy lửa việc thêm F, J, W, Z vào bảng chữ cái

11/08/2011 00:26
(GDVN) - Các ý kiến này chưa được đưa ra thảo luận trong Ban soạn thảo, càng không phải là chủ trương, ý kiến của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

((GDVN) - Việc đề xuất “Thêm ký tự F, J, W, Z cho bảng chữ cái tiếng Việt” chỉ là ý kiến cá nhân một số cán bộ nghiên cứu của Cục Công nghệ Thông tin. Các ý kiến này chưa được đưa ra thảo luận trong Ban soạn thảo, càng không phải là chủ trương, ý kiến của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Đó là phản hồi chính thức của Bộ GD&ĐT đối với các cơ quan thông tấn, báo chí, phát thanh và truyền hình trước thông tin về việc trong dự thảo “Thông tư Ban hành Quy định về sử dụng font chữ tiếng Việt trên máy tính trong hệ thống giáo dục quốc dân” của Bộ Giáo dục và Đào tạo có nội dung: “thêm ký tự F, J, W, Z trong bảng chữ cái tiếng Việt” mà một số báo đưa trong hai ngày vừa qua.

Về việc này, Bộ GD&ĐT cũng cho biết, theo quy định, trong quy trình xây dựng Thông tư, có việc xin ý kiến rộng rãi qua mạng. Nhưng đến nay, bản dự thảo vẫn chưa có được phiên bản đầu tiên, chưa có nội dung cụ thể để phát triển thành văn bản của Thông tư, nên chưa đến giai đoạn công bố để xin ý kiến rộng rãi.

Trước vấn đề này, PGS.TS Phạm Văn Tình (Viện Từ điển học và bác khoa thư VN) cho rằng, cho đến nay, hệ thống giáo dục phổ thông chưa chấp nhận cách viết nguyên dạng các từ nước ngoài (chỉ làm quen và sử dụng từ bậc đại học trở lên) và phải Việt hóa bằng cách phiên âm cách đọc, cách viết.

 

Vì vậy, nếu bổ sung bốn ký tự trên vào bảng chữ cái, đương nhiên khi mới học, ngoài 29 chữ cái vốn có của tiếng Việt dựa trên mẫu tự Latin, các em học sinh sẽ phải làm quen với tự dạng, học thêm cách đọc, cách viết bốn con chữ này. Quỹ thời gian học chữ cho học sinh tiểu học (cụ thể là lớp 1) sẽ tăng chút ít, sách giáo khoa cũng phải điều chỉnh cho phù hợp.

Tuy nhiên, cần phải lưu ý điều này: chấp nhận đưa thêm bốn ký tự trên để mở rộng khả năng xử lý văn bản, chứ không điều chỉnh hệ thống con chữ biểu thị âm vị tiếng Việt đã thống nhất và quen dùng từ lâu (“f” không thể thay thế “ph”, “j”, “z” không thể thay “d, gi, r”... trong cách viết âm tiết tiếng Việt). Đây là vấn đề khá hệ trọng mà chúng ta phải cân nhắc, trao đổi thêm. Song, tôi nghĩ sự điều chỉnh này không ảnh hưởng nhiều lắm và sẽ chỉ có lợi cho học sinh sau này.

Trong khi đó, PGS.TS Bùi Mạnh Hùng (Đại học Sư phạm TP.HCM) thì lại cho rằng, làm cho bảng chữ cái tiếng Việt không phản ánh đúng đặc trưng của ngữ âm tiếng Việt. Trong ngôn ngữ học, khi miêu tả hệ thống ngữ âm của một ngôn ngữ, nhà nghiên cứu phải gạt bỏ các cứ liệu ngoại biên, trong đó có các từ vay mượn. Vì vậy, trong khi nói và viết, tuy người Việt có dùng những từ như (cục) pin, (thuốc) pê-nê-xi-lin, nhưng âm p vẫn không được coi là phụ âm đầu trong tiếng Việt.

PV