Trẻ em 30 tỉnh chất vấn Thứ trưởng Bộ GD về bạo lực học đường

11/08/2011 00:40
(GDVN) – Diễn đàn trẻ em 2011 thu hút hơn 180 em tham gia. Đã có nhiều câu hỏi “hóc búa” được gửi tới lãnh đạo Đảng và Nhà nước.

(GDVN) – Các câu hỏi “chất vấn” chẳng khác nào một phiên họp Quốc hội của trẻ em 30 tỉnh - thành liên tiếp được gửi tới khiến lãnh đạo Đảng và Nhà nước trả lời không kịp. Nhiều câu hỏi mang tính chất đối thoại, có lúc khiến “nghị trường” sôi nổi bất ngờ.

{iarelatednews articleid='10000,9905'}

Diễn đàn trẻ em năm 2011 có chủ đề “Trẻ em với môi trường an toàn và thân thiện” được tổ chức 2 năm một lần, đây là năm thứ 3 diễn đàn được mở ra để cho trẻ em nói lên tiếng nói của mình, những thắc mắc trước đó không biết chia sẻ cùng ai.

hgh
Diễn đàn trẻ em 2011 là lần thứ 3 được tổ chức, sau 2 năm một lần. Ảnh Xuân Trung

“Chúng cháu rất buồn vì vẫn có thầy cô giáo dùng bạo lực với HS”

Với hơn 180 trẻ em tham gia diễn đàn năm nay, đại diện cho gần 24 triệu trẻ em trong cả nước nói lên tiếng nói về quyền và những thắc mắc, kiến nghị của trẻ em tại các vùng miền khác nhau, từ thành thị cho tới nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Buổi đối thoại với lãnh đạo Đảng và Nhà nước xoay quanh các vấn đề liên quan tới như xâm phạm trẻ em, sao nhãng trẻ em, bóc lột trẻ em, nguy cơ gây thương tích trẻ em. Những câu hỏi chủ yếu xoáy vào vấn đề xâm phạm đạo đức giáo dục trong trường học. Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển đứng ngồi không yên khi nhận được rất nhiều những câu hỏi liên quan.

Mở đầu buổi “chất vấn” Thứ  trưởng Nguyễn Vinh Hiển, em Chu Quang Đạo đến từ tỉnh Phú Thọ làm nóng hội trường khi nêu vấn đề: “Chúng cháu rất buồn vì hiện nay vẫn còn hiện tượng nhiều giáo viên trong trường còn sử dụng bạo lực như đánh đập, sử dụng lời nói thiếu văn hóa để dạy dỗ và trừng phạt học sinh, điều này ảnh hưởng rất lớn về tinh thần, đạo đức cũng như về nhân cách của chúng cháu. Vậy bác (Thứ trưởng Hiển) đã có những giải pháp gì để khắc phục tình trạng này, bác có thể chia sẻ?".

Ngay sau đó, vấn đề được Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển trả lời, trong tất cả các điều lệ của nhà trường có quy định, giáo viên, cán bộ nhân viên trong nhà trường có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục các em. Cấm không được xâm phạm tình cảm và sức khỏe của các em. Ông Hiển cho biết: “Tất nhiên với hiện tượng đó là phải xử lí. Đây là một hành vi nghiêm khắc quá gây ra bạo lực ở các em. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng mong các em cần phải chủ động hơn trong các mối quan hệ giữa giáo viên và nhân viên trong nhà trường”.

Một trong những hoạt động của Diễn đàn trẻ em là khu triển lãm tranh vẽ về mơ ước của trẻ em trong thế giới hòa  bình. Ảnh Xuân Trung
Một trong những hoạt động của Diễn đàn trẻ em là khu triển lãm tranh vẽ về mơ ước của trẻ em trong thế giới hòa bình. Ảnh Xuân Trung

Chưa hài lòng với phần trả lời của Thứ trưởng Hiển, em Đạo tiếp tục đặt câu hỏi. Theo Đạo, mọi hình thức vi phạm của giáo viên đối với học sinh dù nặng hay nhẹ đều bị nghiêm cấm, vì giáo viên là người dạy dỗ học sinh về văn hóa ứng xử. “Với cách trả lời của Thứ trưởng, cháu thấy chưa được thỏa đáng, vì chúng cháu và các bạn khác hay như các em nhỏ không thể chấp nhận được chuyện ấy, chúng cháu có quyền riêng, chúng cháu cần phải nói”, em Chu Quang Đạo khiến cả hội trường chú ý.

Ai bảo vệ con, khi con bị chính gia đình ngược đãi?

Tiếp tục với câu hỏi “chất vấn”, em Nguyễn Thị Lý ở Quảng Ngãi băn khoăn: “Ai là người bảo vệ chúng con, khi chúng con bị chính gia đình mình ngược đãi?”.

Trả lời câu hỏi này, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp thừa nhận rằng, tình hình xâm hại và bạo lực trẻ em những năm gần đây có xu hướng tăng: “Chúng tôi đang xây dựng một hệ thống bảo vệ trẻ em, với sự tham gia của các bộ ngành như Công an, Hội phụ nữ, Tư pháp. Qua đó, bất kể ở đâu, các cháu thấy hoặc rơi vào trường hợp bị ngược đãi và xâm phạm có thể báo ngay cho những người có trách nhiệm. Hiện nay, Bộ Lao động có đường dây tư vấn (19001567) về bạo hành, xâm phạm trẻ em 24/24 giờ, các em phát hiện có thể gọi tới đường dây này để được hướng dẫn và giúp đỡ”.

Trả lời thêm về sự xâm phạm, bạo hành và sao nhãng trẻ em tại gia đình trong thời gian gần đây, TS Trần Thị Thanh Thanh, Chủ tịch Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cho biết, yếu tố đầu tiên, các em  nên chủ động nêu nguyện vọng và yêu cầu của mình với cha mẹ. Hãy so sánh và nói thẳng với bố mẹ, tiền rất quan trọng, nhưng con cần tình thương, cần bố mẹ lắng nghe con dù chỉ là một chút. Theo bà Thanh, trong trường hợp trẻ bị sao nhãng, bạo hành, các em phải là chủ thể để nói lên nguyện vọng của mình, thậm chí là đề đạt và đấu tranh cho nguyện vọng đó.

Buổi
Buổi "chất vấn" lãnh đạo Đảng và Nhà nước được các em quan tâm nhiều nhất. Trong ảnh em Pờ Chí Hoa, dân tộc Hà Nhì (Mường Nhé, Điện Biên) đang đối thoại với các Bộ, ngành. Ảnh Xuân Trung

Những cây cầu sang sông của chúng cháu đâu?

Qua tình hình thực tế tại các địa phương vùng sâu, vùng xa. Nhiều hạ tầng cơ sở vật chất phục vụ cho nhu cầu  tối thiểu của trẻ em không được đầu tư đúng mức. Trong khi đó, những nơi có điều kiện lại được tích cực đầu tư hơn.

Tham gia diễn đàn, em Phương Quỳnh, đến từ tỉnh Quảng Bình thắc mắc: “Như các bác cũng biết, xã Quảng Hải, huyện Quảng Trạch vừa xảy ra vụ đắm tàu rất đau thương, khiến nhiều trẻ em thiệt mạng, điều xót xa này không chỉ ở giới hạn là trẻ em mà còn nhiều gia đình đau khổ. Tại đoạn sông đó, trước đó đã có kế hoạch xây một cây cầu cho người dân đi lại, trẻ em đi học được thuận tiện. Cháu muốn các bác trả lời cho cháu và toàn thể nhân dân ở đó biết vì đâu thời gian bị trì trệ lâu như vậy, nếu được xây xong sớm, chắc người dân ở đó không phải đón nhận kết quả đau thương như vây”em Quỳnh đặt câu hỏi.

Theo ý kiến của em Phương Quỳnh, nhiều hạng mục cần cấp bách thì không được đầu tư làm, trong khi đó, những công trình không cấp bách lại được đầu tư rất tích cực, đó là điều không đúng với chủ trương.

Đến từ huyện miền núi xa xôi của tỉnh Điện Biên, em Pờ Chí Hoa, dân tộc Hà Nhì (huyện Mường Nhé) so sánh: “Tại các địa bàn, nhất là các xã vùng cao, trẻ em như chúng cháu không được tiếp cận với internet để học tập, trong khi đó, tại trung tâm thành phố, internet phát triển mạnh, nhiều em bỏ học, bỏ nhà đi chơi game. Sự đầu tư như thế các bác có thấy hợp lí không?” em Pờ Chí Hoa thắc mắc.

hfhf
Bộ trưởng Bộ LĐ TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền và Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục,Thanh niên,Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội Đào Trọng Thi nhận thông điệp từ trẻ em năm nay. Ảnh Xuân Trung
Trả lời những thắc mắc của các em, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương cho biết, riêng chuyện xây cầu chậm tiến độ có trách nhiệm của nhà nước, trong đó có trách nhiệm của địa phương và ngành Giao thông vận tải. Theo ông Phương, không chỉ người dân mà các học sinh cũng cần phải lên tiếng về những hiện tượng như thế này, thắc mắc với chính quyền địa phương để sớm có giải pháp kịp thời.

Về câu hỏi đầu tư internet ở vùng cao, ông Phương thừa nhận: “Đúng là có thực tế đó. Nhà nước đang triển khai xây dựng đưa thông tin về cơ sở như điện thoại, internet về tận tuyến xã. Không phải trong thời gian ngắn mà triển khai được, hy vọng từ năm 2011-2015 các xã vùng sâu, vùng xa như của Mường Nhé sẽ được “phổ cập” internet.

Còn rất nhiều những thắc mắc của trẻ em tham gia diễn đàn, như tạo sự an toàn trong khi đi bơi, những sáng kiến nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông ở  trẻ em, thắc mắc về dụng cụ thực hành tại các trường quá cũ nát, trường xa so với nơi ở…Những thắc mắc của các em đã được lãnh đạo, các cơ quan ban, ngành giải thích và được Bộ Lao động thương binh và Xã hội cùng với Ủy ban Văn hóa giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổng hợp và theo dõi quá trình thực hiện của các Bộ, ngành, sau hai năm sẽ báo cáo lại kết quả thực hiện.

Cần công khai trong quá trình thực hiện

Theo bà Trần Thị Thanh Thanh, Chủ tịch Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cho biết, so với các diễn đàn trước, trẻ em năm nay đặt ra các câu hỏi rất phong phú, thiết thực hơn. Tuy nhiên, các câu trả lời của lãnh đạo Bộ, ngành năm nay chưa được sát, chưa thực tiễn khiến các em chưa thỏa  mãn. Đây là lần thứ 3 nên tôi mong rằng, các bộ, các cơ quan phải trả lời cho các em biết xem kết quả những lần trước thực hiện đến đâu. Chứ năm nào cũng phản ánh rồi ghi nhận, thí sụ như đã có vấn đề gì cho vào chính sách chưa, cho vào chương trình chưa. Đã có địa phương nào chuyển biến nhờ ý kiến các em chưa?

Xuân Trung