Từ thư gửi lãnh đạo Trung Quốc bàn về cách dạy và học

12/04/2013 14:01
Văn Lâm
(GDVN) - "Vấn đề quan trọng nhất vẫn là sự dạy của người thầy".
Bức thư HS lớp 4 gửi lãnh đạo Trung Quốc
Bức thư HS lớp 4 gửi lãnh đạo Trung Quốc

Nhân nói chuyện dạy và học môn lịch sử trong trường phổ thông, tôi nhớ lại sự kiện gần đây nhất, gây dư luận xôn xao trong toàn quốc là bức thư của em học sinh lớp 4 gửi lãnh đạo Trung Quốc. Nhiều người coi đó là cách dạy học có hiệu quả cao nhất. Thế thì sách chỉ là những kiến thức thuần túy mà thôi!

Sách lớp 4 nào cũng học văn viết thư, nhưng giảng văn và đề văn thì không phải ai cũng làm được điều mà cô giáo Đặng Nguyệt Anh đã làm. Nên vấn đề quan trọng nhất vẫn là sự dạy của người thầy.

Cái yếu nhất của giáo dục của ta hiện nay là từ lâu chưa có những chính sách để thu hút nhân tài cho ngành. Phần lớn học sinh khá giỏi chạy theo các ngành có thu nhập cao. Theo dõi việc đăng kí dự thi vào đại học hàng năm, tôi thấy có rất ít học sinh có lực học trên trung bình xin thi vào ngành Sư phạm. Có năm cả trường chỉ duy nhất một em học lực khá ghi đơn vào sư phạm nhưng chỉ là nguyện vọng 2.

Thực tế chúng ta thiếu các giáo viên có chất lượng tốt bổ sung cho đội ngũ giáo viên của ngành, đặc biệt là đối với giáo viên các môn khoa học xã hội. Điều đó đặt ra một nhiệm vụ hàng đầu và nan giải nhất, để thực hiện cải cách giáo dục là vấn đề đội ngũ, khi thời gian đến mốc 2015 còn quá ít. 

Còn việc dạy sử thì có nhiều cách. Từ xưa đến khoảng trước 1954, người dân Việt Nam mấy người được đi học và phần lớn trường lớp là của bọn phong kiến, thực dân xâm lược, nhưng những truyền thống và bản sắc tốt đẹp của dân tộc vẫn được gìn giữ, truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Khi cần những truyền thống, bản lỉnh quý báu của dân tộc lại bùng lên, kết thành một sức mạnh phi thường, chiến thắng mọi kẻ thù. Thế thì cha ông ta đã dạy con cháu như thế nào về lịch sử? Điều đó chúng ta cần nghiên cứu, chứ không tranh luận về môn chính, môn phụ, thi hay không thi để học sinh thế này thế nọ...
Văn Lâm