Giáo dục giới tính: Những trang 'giáo án' dạy trẻ học… xấu hổ

23/03/2012 10:42
Từ Khánh Ly (Lớp Báo in K29a2, HVBC)

(GDVN) - Giáo dục giới tính đang trở thành vấn đề “nóng” tại các trung tâm, các trường dạy trẻ khuyết tật và thiểu năng trí tuệ.

“Dạy con biết xấu hổ cũng là khó lắm rồi!”

Trung tâm giáo dục Phúc Tuệ, Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Hà Nội (66 Phó Đức Chính, HN) hàng năm vẫn đón nhận các em học sinh chậm phát triển trí tuệ. Năm nay, trung tâm có 82 học sinh; trong đó, có hơn 50 em ở độ tuổi dậy thì, cơ thể có những biến đổi về mặt sinh lý. Cô Giang Thị Nhiên, giáo viên tại Trung tâm chia sẻ: “Trẻ chậm phát triển trí tuệ, chỉ chậm về nhận thức chứ vẫn phát triển sinh lý bình thường, thậm chí ham muốn tình dục của các cháu còn phát triển rất mạnh”.

Ở độ tuổi dậy thì, các em có những nhu cầu tự nhiên và cũng không xấu hổ “thỏa mãn” ngay giữa nơi đông người. Cô Nhiên kể, biểu hiện đơn giản nhất của các em là thích chạm tay vào bộ phận sinh dục, thậm chí “sờ mó” ngay trong lớp học. Nhiều bạn gái đến chu kỳ kinh nguyệt, thấy khó chịu liền tháo BVS ra để… “khoe” với các bạn trai. Có em trai hồn nhiên “xuất binh” ngay giữa lớp. Một số em có hành vi bắt chước y chang người lớn như thích hôn bạn khác giới…

Tới thăm lớp học của cô Nhiên trong giờ dạy giới tính, hôm nay cô kiểm tra bài cũ về phân biệt con trai, con gái. “Cô hỏi bạn Nam Anh, bạn Phương là con gái hay con trai?”. Từ cuối lớp, một em trai rụt rè đứng dậy: “Con trai”. “Thật không? Bạn Phương là con trai hay con gái”. “Con gái”. Em Nam Anh vẫn chưa nhận thức được ngoài việc đáp lại từ cuối cùng trong câu hỏi của cô giáo.

Cô giáo Nhiên trầm buồn nói: “Tiết giáo dục giới tính được đưa vào giảng dạy trong chương trình kỹ năng sống. Một tuần có 2 tiết thôi, nhưng thực tế việc dạy các em về giới tính phải là việc làm luôn luôn. Bài học con trai, con gái cô đã dạy từ tuần trước. Nhưng đến hôm nay kiểm tra lại thì nhiều em quên hết. Để các em nhớ bài thì phải mất rất nhiều thời gian, thậm chỉ cả hàng tháng trời”.

Trường tiểu học Bình Minh cũng là nơi đang giáo dục hơn 180 em thiểu năng trí tuệ. Theo cô Đặng Bích Thảo, Tổ trưởng Tổ dạy trẻ em khuyết tật, việc trang bị kiến thức về giới tính cho các em là rất cần thiết để tránh những hệ lụy xấu, giúp các em tự bảo vệ mình khỏi bị xâm hại tình dục rồi có thai…

Dạy giới tính cho trẻ bình thường đã khó, dạy cho trẻ chậm phát triển trí tuệ còn khó gấp nhiều lần. “Dạy con biết xấu hổ cũng là khó lắm rồi!” – Bà Minh Hương, giám đốc Trung tâm giáo dục Phúc Tuệ cho biết.

Những trang “giáo án” đặc biệt

Nói nghe thì tưởng dễ nhưng thực hiện giáo dục kiến thức giới tính lại là cả một quá trình gian khổ. Với những trẻ em chậm hiểu, chóng quên này, giáo viên phải dùng “giáo án” nào, để giúp các em có thể hiểu bài? Theo cô Hương, chỉ có một “giáo án” duy nhất, đó là sự tận tụy hết lòng với học trò của các thầy cô.

Các cô truyền tải những trang “giáo án” không chỉ bằng lời nói, mà cả bằng tranh ảnh, video… để minh họa. Bởi theo cô, dạy bằng trực quan là một trong những phương pháp hiệu quả nhất. Nếu nói bằng lí thuyết khô khan, phải rất lâu các em mới thấm vào đầu một ít, nhưng nếu dạy bằng các hình ảnh sống thì các em tiếp thu rất nhanh vì trẻ con thường thích bắt chước người khác. Ngoài việc bao quát lớp, các cô còn đặc biệt quan tâm tới các cá nhân. Thấy cháu nào biểu hiện rõ ràng hơn thì cô gọi riêng ra và nói chuyện riêng biệt.

Cô giáo Nhiên bên một học sinh bị thiểu năng trí tuệ
Cô giáo Nhiên bên một học sinh bị thiểu năng trí tuệ

Cô giáo Nhiên không ngại ngần kể, mới đây thôi, học sinh nam tên V. - 16 tuổi đã “thủ dâm” ngay trong lớp học. Cô đã nhẹ nhàng gọi em ra một góc riêng, giải thích cho em đây là việc tế nhị và hay làm nó ở chỗ kín đáo, không để người khác nhìn thấy. Bởi nếu cấm đoán, quát tháo sẽ càng khiến các em bức bối, nổi loạn. Từ hôm sau đó, em V. đã hạn chế được hành vi đó hơn. “Tôi cũng mừng vì lời dạy của mình đã ngấm vào các em ít nhiều” – Cô Nhiên cười.

Sự khác biệt giữa bộ phận sinh dục nam và nữ, chu kỳ kinh nguyệt, cơ chế xuất tinh… đó là những khái niệm mà các cô giáo đã dạy đi dạy lại hàng tháng trời. Cô Hương còn tỉ mỉ dạy cho học sinh nữ cách vệ sinh khi “đến tháng”, trực tiếp dẫn học trò vào nhà vệ sinh và dạy thật chậm các thao tác đóng, thay băng vệ sinh như thế nào.

Với những học sinh mức độ khuyết tật nhẹ hơn, tiếp thu nhanh hơn, các cô dạy cả khái niệm tình bạn và tình yêu để các em tránh được các hành vi “hôn” bừa băi, hay bắt chước “hoạt động thầm kín” của người lớn…

“Cảm ơn lời dạy của cô”


Bài giảng Bảo vệ bản thân mình: “người lạ rủ đi đâu thì không được đi cùng”, “con trai, con gái gặp nhau phải giữ khoảng cách”, “không được để bạn khác giới chạm vào chỗ kín”… của cô Giang Thị Nhiên đã giúp học sinh H. – 13 tuổi – Tránh được một hành vi lạm dụng tình dục.

Lần đó, em H. đang chơi trước cửa nhà ở phố Âu Cơ (HN) thì có hai anh thanh niên đến hỏi đường tới bụi tre gần đó. H. trả lời: “Không có bụi tre nào cả”. Một anh thanh niên liền vác H. đi, còn anh kia chạy theo. Lập tức, em H. đã hét lớn lên và được bà bán nước gần đó gọi người cứu giúp. Đến lớp, em đã “khoe” với cô Nhiên: “Vì cô dặn phải hét thật to khi có con trai động vào người!”

Cô M. (mẹ của em H.) nói: “Nhờ có lời dạy và sự quan tâm, ân cần, tỉ mỉ của cô giáo mà con gái tôi đã may mắn thoát được hai tên người xấu lợi dụng bệnh tình của cháu. Tôi vô cùng cảm kích và cảm ơn lời dạy của cô”.

“Trẻ chậm phát triển trí tuệ cần được trang bị các kiến thức về giới tính để tự bảo vệ mình khỏi bị xâm hại tình dục, tránh những hậu quả đáng tiếc. Chúng tôi mong sẽ sớm có chương trình chính thức để giúp các cô giáo tập huấn bài bản về kỹ năng giáo dục giới tính cho trẻ khuyết tật trí tuệ” – Bà Minh Hương, Giám đốc Trung tâm chia sẻ…
Từ Khánh Ly (Lớp Báo in K29a2, HVBC)