Giáo dục khai phóng sẽ buộc các trường đại học cải tiến chương trình đào tạo

12/12/2017 07:09
Giáo sư Lâm Quang Thiệp
(GDVN) - Để triển khai giáo dục khai phóng ở bậc đại học cần lưu ý đến tất cả các thành phần của phát triển chương trình đào tạo: mục tiêu, nội dung, phương pháp...

LTS: Nếu trong kỳ 1 của chủ đề “giáo dục khai phóng” gửi tới Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư Lâm Quang Thiệp – nguyên Vụ trưởng vụ giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) nêu cụ thể giáo dục khai phóng trong giáo dục đại học các nước trên thế giới để độc giả hiểu rõ về nguồn gốc của vấn đề này. 

Thì trong kỳ 2 của chủ đề này, tác giả có đánh giá cụ thể về Giáo dục khai phóng trong quá trình đổi mới giáo dục đại học và phương hướng phát triển của nó tại nước ta.

Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả. 

Giáo dục khai phóng trong quá trình đổi mới giáo dục đại học nước ta

Chương trình đào tạo liền một mạch theo chuyên ngành hẹp như mô hình Liên Xô trước đây chỉ thích hợp với nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, người sinh viên ra trường được sắp xếp chỗ làm việc theo “kế hoạch”, không phải lo tìm việc trong thị trường lao động. 

Khi chuyển sang nền kinh tế thị trường, mô hình chương trình đào tạo phải thay đổi.

Trong kinh tế thị trường, để dễ tìm việc, người có bằng cử nhân phải được đào tạo theo diện rộng, sau khi có chỗ làm việc và có định hướng chuyên môn họ có thể quay lại trường để học chuyên sâu hơn.  

Với quan niệm đó, chương trình cử nhân ở nước ta từ thời đổi mới đã được thay đổi, được quy định gồm có hai phần: phần giáo dục đại cương (general education) và phần giáo dục chuyên nghiệp (professional education). 

Việc thiết kế chương trình cử nhân có hai phần như trên ở nước ta, ngoài việc nhằm mục đích phù hợp với kinh tế thị trường, cũng phần nào chịu ảnh hưởng của mô hình giáo dục đại học Hoa Kỳ [A. Levin, 1985].  

Phần giáo dục đại cương đảm bảo cho người tốt nghiệp đại học có tầm nhìn, có phương pháp tư duy, có tình cảm nhân văn. 

Theo giáo sư Lâm Quang Thiệp: "Giáo dục khai phóng sẽ thôi thúc trường đại học cải tiến chương trình đào tạo" (Ảnh: Thùy Linh)
Theo giáo sư Lâm Quang Thiệp: "Giáo dục khai phóng sẽ thôi thúc trường đại học cải tiến chương trình đào tạo" (Ảnh: Thùy Linh)

Nói cách khác, bậc đại học không chỉ đào tạo con người như một công cụ, mà còn giáo dục con người như một mục đích, đó là con người nhân văn. 

Mặt khác, đào tạo đại học không nên quan niệm chỉ là đào tạo nghề, dù là một nghề cao cấp. Như vậy từ khi đổi mới giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chủ trương đưa giáo dục khai phóng vào chương trình cử nhân. 

Ý tưởng về cấu trúc chương trình giáo dục đại học gồm hai thành phần như trên biểu hiện rõ nhất ở Quyết định 2677/GD-ĐT năm 1993, quy định thời lượng cho phần giáo dục đại cương bao gồm khoảng 0,4 khối lượng chương trình cử nhân (90/210 đơn vị học trình). [Hiệp hội .., 2017; Lâm Quang Thiệp, 2017].

Đồng thời với việc đổi mới chương trình đào tạo bậc cử nhân như trên, Bộ Giáo dục và Đào tạo còn chủ trương phân chia chương trình đào tạo cử nhân thành hai giai đoạn, giai đoạn 1 cung cung cấp  phần giáo dục đại cương, giai đoạn 2 cung cấp phần giáo dục chuyên nghiệp.  

Mục tiêu chính của việc phân chia hai giai đoạn là: 

Giáo dục khai phóng sẽ buộc các trường đại học cải tiến chương trình đào tạo ảnh 2Bức tranh về giáo dục khai phóng dưới góc nhìn của Giáo sư Lâm Quang Thiệp

1) Hợp lý hóa và nâng cao chất lượng đào tạo phần giáo dục đại cương ở các đại học đa lĩnh vực (tổ chức một trường Đại học đại cương chung để mọi sinh viên học giai đoạn đầu);

2) Tạo điều kiện để sinh viên có thể học chuyển tiếp sau giai đoạn 1 trong hệ thống giáo dục đại học, đặc biệt là giữa các trường cao đẳng cộng đồng và các trường đại học khác. Mô hình đào tạo nhiều giai đoạn đã được nhiều nước thực hiện: Pháp, Nhật, Mỹ…

Chẳng hạn, ở Pháp, sau giai đoạn đầu sinh viên được cấp bằng Đại học đại cương DEUG (diplôme d’ études universitaires générales - DEUG).  

Ở Mỹ, trong từng trường đại học không có phân chia 2 giai đoạn vì hệ thống tín chỉ được áp dụng, nhưng trong cả hệ thống giáo dục đại học có khoảng 1700 trường cao đẳng cộng đồng đào tạo chương trình đại học 2 năm cấp bằng American Asociate Degree, tạo cơ hội để mọi sinh viên có bằng đó có thể học hai năm giáo dục chuyên nghiệp ở các trường đại học có chương trình cử nhân.  

Khi hướng dẫn các trường đại học xây dựng chương trình đào tạo có thành phần giáo dục đại cương, Bộ Giáo dục và Đào tạo thường bị phản ứng từ những người đã quen xây dựng chương trình theo kiểu Liên Xô. 

Việc đưa phần giáo dục đại cương vào chương trình đào tạo, chẳng hạn một số môn khoa học xã hội – nhân văn vào các ngành khoa học tự nhiên - kỹ thuật; cũng như một số môn khoa học – công nghệ  vào các ngành khoa học xã hội, thường rất khó khăn. 

Môn Tiếng Việt thực hành được dự kiến đưa vào phần giáo dục đại cương cũng không thành công, tuy năng lực viết và nói đúng tiếng Việt của sinh viên tốt nghiệp ở nước ta rất kém. Dễ chấp nhận nhất là môn Văn hóa Việt Nam và môn Tin học. 

Khi áp dụng quy trình đào tạo hai giai đoạn, vì một số trường đại học tổ chức thi chuyển giai đoạn quá căng thẳng gây nhiều phản ứng trong xã hội nên Chính phủ đã ra văn bản quy định “bỏ kỳ thi chuyển giai đoạn như một kỳ thi quốc gia” và bỏ mô hình trường đại học đại cương trong các đại học đa lĩnh vực. 

Đây là một điều đáng tiếc cho một chủ trương đúng trong quá trình đổi mới giáo dục đại học. (*)

Tuy chủ trương xây dựng phần giáo dục đại cương và quy trình hai giai đoạn trong chương trình cử nhân gặp nhiều trở ngại do có sự khác nhau về nhận thức, nhưng ở một số bộ phận nó đã bắt đầu phát huy tác dụng. 

Rõ nhất là đối với các trường quân đội: vào thập niên 1990 hai Đại học mở đã đào tạo một vài khóa giáo dục đại cương cho các trường quân đội, giúp đảm bảo chất lượng đào tạo giai đoạn 1 và tạo điều kiện giúp các trường quân đội đại học hóa trong các thời kỳ sau. 

Ngoài ra, từ một số trường cao đẳng và đại học ở Thanh Hóa cũng đã tổ chức được việc chuyển tiếp liên thông với Đại học Quốc gia Hà Nội nhờ chương trình giáo dục đại cương.

Như vậy, trong giai đoạn đầu đổi mới giáo dục đại học nước ta, phần giáo dục đại cương theo tinh thần giáo dục khai phóng đã được đưa vào chương trình cử nhân. 

Dù dịch sang tiếng Việt là giáo dục đại cương, giáo dục tổng quát (general education) hoặc giáo dục khai phóng (liberal education hoặc liberal arts education) thì nội dung cũng như nhau.

Đó là giáo dục “giúp sinh viên phát triển ý thức về trách nhiệm xã hội cũng như các kỹ năng thực tiễn và tri thức mạnh mẽ như giao tiếp, phân tích và giải quyết vấn đề, cũng như thể hiện một năng lực áp dụng kiến thức và kỹ năng vào đời sống thực tế”. 

Giáo dục khai phóng sẽ buộc các trường đại học cải tiến chương trình đào tạo ảnh 3Thế nào là "giáo dục đại học khai phóng"?

Những trở ngại trong quá trình đổi mới là không tránh khỏi, nhưng dù sao một dấu mốc về giáo dục khai phóng đã được ghi nhận.

Tuy nhiên, sau đó đã diễn ra sự dằng co giữa giáo dục khai phóng và đào tạo nghề theo diện hẹp trong nhiều trường đại học, và có thể nói tinh thần giáo dục khai phóng chưa được khẳng định một cách vững chắc. 

Vào những năm đầu thế kỷ 21, nhu cầu về những “kỹ năng mềm” đối với sinh viên tốt nghiệp đã nổi lên, và nhiều trường đại học đã đưa vào chương trình chính khóa cũng như ngoại khóa một số nội dung về giáo dục khai phóng. 

Phương hướng phát triển Giáo dục khai phóng ở nước ta

Việc Đại học Fulbright – Việt Nam và Đại học Việt - Nhật, hai đại học quốc tế hàng đầu ở nước ta tuyên bố sẽ áp dụng mô hình giáo dục khai phóng khi đào tạo đại học là một tín hiệu quan trọng. Tín hiệu đó thôi thúc các trường đại học nước ta đưa ra những biện pháp mạnh mẽ hơn để cải tiến chương trình đào tạo. 

Để triển khai giáo dục khai phóng ở bậc đại học cần lưu ý đến tất cả các thành phần của việc phát triển chương trình đào tạo: mục tiêu, nội dung, phương pháp và đánh giá. 

Giáo dục khai phóng sẽ buộc các trường đại học cải tiến chương trình đào tạo ảnh 4Chúng ta học được gì từ Đại học Fulbright Việt Nam?

Trong định nghĩa giáo dục khai phóng ở phần đầu bài viết đã nêu mục tiêu là “tạo năng lực và chuẩn bị cho từng cá thểngười học ứng phó với sự phức tạp, đa dạng và thay đổi”, và nội dung là “cung cấp cho người học một nền kiến thức bao quát về thế giới rộng lớn (khoa học, văn hóa và xã hội).

Đồng thời đi sâu nghiên cứu một lĩnh vực xác định; giúp người học phát triển ý thức về trách nhiệm xã hội cũng như tri thức khả dụng mạnh mẽ và các kỹ năng thực tiễn như giao tiếp, phân tích và giải quyết vấn đề, cũng như thể hiện một năng lực áp dụng kiến thức và kỹ năng vào đời sống thực tế”. 

Muốn thực hiện được nội dung vừa nêu để đạt được mục tiêu đề ra, một vấn đề rất quan trọng – nếu không nói là quan trọng nhất trong tình hình cụ thể của giáo dục đại học nước ta, là đổi mới phương pháp học, phương pháp dạy, phương pháp đánh giá. 

Rõ ràng phương pháp truyền thụ một chiều không thể chuyển tải được nội dung để đạt mục tiêu của giáo dục khai phóng.

Phải đổi mới phương pháp học và dạy ở đại học theo phương châm 3C: chú trọng dạy Cách học, phát huy tính Chủ động của người học và tận dụng Công nghệ thông tin và truyền thông mới trong việc học và dạy [Lâm Quang Thiệp, 2005].

Phương pháp đánh giá phải toàn diện, cần chú ý cả đánh giá trong tiến trình lẫn đánh giá tổng kết với các công nghệ hiện đại.

Chúng ta có thể tin rằng khi xã hội biến đổi nhanh chóng theo hướng công nghệ số cùng với toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, thì tinh thần giáo dục khai phóng sẽ càng được khẳng định trong chương trình giáo dục đại học nước ta, và xu hướng đó sẽ đưa giáo dục đại học đạt nhiều thành tựu mới.

Tài liệu trích dẫn: 

1.      Association of American Colleges & Universities (AAC&U), 2017.What Is a 21st Century Liberal Education?https://www.aacu.org/leap/what-is-a-liberal-education

2.      Patti McGill Peterson, 2011.Liberal Education in the Global Perspective
International Higher Education, No. 62, 2011.

3.      Philip G. Altbach, 2016. The Many Traditions of Liberal Arts—and Their Global Relevance. International Higher Education, No. 84, 2016.

4.      Arthur Levine, 1985. Handbook on Undergraduate Curriculum,San Francisco: Jossey Bass, 1985.

5.      Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, 2017.Một số tư liệu về đổi mới giáo dục đại học Việt Nam, giai đoạn 1987-1997, NXB Giáo dục.

6.      Lâm Quang Thiệp, 2017. Nghiệp vụ sư phạm đại học.Chương 2: Quy trình và chương trình đào tạo đại học. NXB Giáo dục Việt Nam, 2017.

7.      Furuta Motoo, 2017. Tại sao trường Đại học Việt - Nhậtcoi trọng Giáo dục Khai phóng?, Hội thảo “Giáo dục khai phóng, hướng đi mới cho giáo dục Việt Nam’, Hà Nội. 16/11/2017

8.      Lâm Quang Thiệp,2005.Về mục tiêu, nội dung, phương pháp dạy và học ở đại học trong thời kỳ mới. "Tạp chí Giáo dục", số 120, 6/2005.

Giáo sư Lâm Quang Thiệp