Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đón Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee thăm Việt Nam. Ảnh: Thanhnien News |
The Diplomat ngày 11/12 đăng bài phân tích của giáo sư Carl Thayer từ học viện Quốc phòng Úc bình luận, Ấn Độ và Việt Nam đang mở rộng quan hệ đối tác chiến lược từ năng lượng cho tới thương mại, quốc phòng, không gian và hơn thế nữa. Năm 2015 Việt Nam sẽ trở thành điều phối viên quan hệ ASEAN - Ấn Độ trong 3 năm. Đây sẽ là một đối tác quan trọng vì các lợi ích chiến lược của cả 2 nước đã hội tụ rõ rệt trong năm 2014 và có khả năng tiếp tục phát triển theo quỹ đạo này.
Tân Chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi xác định Việt Nam là đối tác quan trọng trong chiến lược hướng Đông của mình. Ông Modi đã nỗ lực thúc đẩy và tạo thêm động lực mới cho quan hệ Việt-Ấn được xác định là đối tác chiến lược từ năm 2007. Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee thăm Việt Nam từ 14-17/9, Thủ tướng Việt Nam Ngyễn Tấn Dũng cũng đã thăm chính thức Ấn Độ từ 27-28/10.
Tuyên bố chung Việt-Ấn trong chuyến thăm của Tổng thống Ấn Độ nhấn mạnh, hợp tác quốc phòng là trụ cột quan trọng trong quan hệ đối tác chiến lược song phương. Để nhấn mạnh điều này, Ấn Độ đã ký hiệp định cung cấp gói tín dụng 100 triệu USD cho Việt Nam vỡi lãi suất 2% một năm để tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam hiện đại hóa năng lực phòng thủ của mình trong 15 năm tới. Tổng thống Mukharjee cũng nhất trí mở rộng đào tạo quân sự và hỗ trợ Việt Nam nâng cao khả năng tác chiến cho hải quân.
Khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm chính thức Ấn Độ, Thủ tướng Narendra Modi cũng khẳng định: Hợp tác quốc phòng với Việt Nam là một trong những nội dung quan trọng nhất của chúng tôi. Ấn Độ cam kết hỗ trợ Việt Nam hiện đại hóa lực lượng quốc phòng, an ninh. Điều này sẽ bao gồm việc mở rộng các chương trình đào tạo của chúng tôi đã rất đáng kể, tổ chức các cuộc tập trận chung và hợp tác trong việc lĩnh vực trang bị quốc phòng.
New Delhi sẽ nhanh chóng giải ngân 100 triệu USD tín dụng để Việt Nam có thể mua tàu tuần tra mới từ Ấn Độ. Hai nước cũng nhất trí tăng cường hợp tác an ninh, bao gồm chống khủng bố. Hai Thủ tướng cũng đồng ý sẽ làm việc với Nhật Bản để phối hợp lập trường 3 bên về an ninh và chính sách kinh tế.
Tuyên bố chung ghi nhận sự hài lòng trước những tiến bộ trong quan hệ quốc phòng qua 2 đời Thủ tướng và cam kết đẩy mạnh hơn nữa. Hiện nay hợp tác quốc phòng Việt - Ấn bao gồm trao đổi các chuyến thăm cấp cao, đối thoại an ninh thường niên, tương tác lẫn nhau về các dịch vụ, thăm viếng quân cảng của nhau, chế tạo tàu quân sự, đào tạo và xây dựng năng lực, hỗ trợ duy trì bảo dưỡng vũ khí trang bị, tập trận đa phương và hợp tác tại các diễn đàn khu vực như hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN+.
Việt Nam sẽ sử dụng 100 triệu USD tín dụng để mua sắm mới 4 tàu tuần tra biển loại OPVs có khả năng thực hiện nhiệm vụ tuần tra, giám sát, chống cướp biển và các nhiệm vụ quân sự. Việt Nam đang xem xét liệu có nên tiếp cận các nhà máy đóng tàu của chính phủ hay tư nhân để chế tạo các tàu mới.
Đồng thời Việt Nam cũng đang thăm dò khả năng mua các thiết bị giám sát do Ấn Độ chế tạo như máy bay không người lái. Đêm trước chuyến thăm New Delhi của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chakravorty, cố vấn của hãng BrahMos Aerospace tiết lộ rằng, Nga đã đồng ý bán các tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos cho Việt Nam. Tên lửa BrahMos do liên doanh Nga - Ấn chế tạo nên đòi hỏi có sự đồng thuận của cả 2. Ấn Độ cũng đồng ý tiếp tục hỗ trợ Việt Nam duy trì bảo dưỡng các vũ khí khí tài do Nga sản xuất.
Hai nước đang thảo luận việc mở rộng hoạt động đào tạo quân sự chung, gồm đào tạo phi công cho chiến đấu cơ Sukhoi Su-30MK. Một nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết thỏa thuận này có khả năng hoàn thiện trong tương lai gần. Từ tháng 10 năm ngoái, Ấn Độ bắt đầu chương trình đào tạo giúp Việt Nam lực lượng thủy thủ tàu ngầm với đội ngũ 500 người.
Ấn Độ cũng cung cấp dịch vụ đào tạo công nghệ thông tin, kỹ năng ngoại ngữ (tiếng Anh) cho quân đội Việt Nam cũng như đào tạo lực lượng quân sự Việt Nam tham gia gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc.
Trả lời một cuộc phỏng vấn của tờ Press Trust của Ấn Độ hôm 27/10, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kêu gọi Ấn Độ đóng một vai trò ngoại giao tích cực hơn trong việc giải quyết các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông. Tuyên bố chung Việt-Ấn sau đó cũng cơ bản nhắc lại những nội dung về Biển Đông trong tuyên bố trước đó khi Tổng thống Ấn Độ thăm Việt Nam.
Cả hai tuyên bố chung đểu khẳng định: Tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông không nên bị cản trở, các bên phải kiềm chế, tránh đe dọa sử dụng vũ lực hoặc dùng vũ lực, giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, phù hợp luật pháp quốc tế.