Đó là chia sẻ của giáo sư Ngô Bảo Châu tại buổi giao lưu với hàng trăm sinh viên, giảng viên của Đại học Đà Nẵng vào cuối tháng 4 vừa qua.
Việt Nam xứng đáng có nền giáo dục đại học tiên tiến
Đánh giá về vị trí giáo dục đại học Việt Nam hiện nay, giáo sư Châu cho rằng, có một khoảng cách khá lớn với đại học nước ngoài. Nhưng nếu xem xét lại thì chúng ta có rất nhiều tiền đề tốt để có được nền đại học tiên tiến.
Giáo sư Ngô Bảo Châu có phần lo lắng về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra. Ảnh: TT |
Đó là con người Việt Nam hiếu học, mức đầu tư của gia đình người Việt cho đại học rất lớn. Họ dành đến 60% thu nhập cho việc học hành của con cái, đó là sự coi trọng tri thức.
Giáo sư Ngô Bảo Châu: Ở ta, Giáo sư được nhà nước phong, nhưng không có quyền(GDVN) - Giáo sư ở ta được xem như là một chức danh danh dự được nhà nước phong, được sự trọng vọng của xã hội, nhưng không có quyền hạn rõ ràng. |
Trong một phạm vi nhỏ hơn thì việc học hành, nghiên cứu ở nước ta đang vươn lên và đứng ở một vị trí không đáng hổ thẹn trong khu vực.
“Ví dụ nền toán học Việt Nam 20 năm trước đã có những tiếng kêu cứu và nếu không làm gì thì sẽ tiêu vong. Đó là thời điểm rất nhiều bộ phận nhà toán học ra đi, bế tắc.
Nhưng nhờ sự sống chết vì nghề của những người làm toán và sự quan tâm, đầu tư của nhà nước nên ngành toán học đã vượt qua khó khăn, tạo sức bật rất lớn, đáng để ý tới.
Theo thống kê năm 2015, trong vùng Đông Nam Á, Việt Nam đứng đầu bảng, vượt qua những nước có nguồn lực tài chính gấp 10-15 lần Việt Nam như Singapore.
“Chúng ta đã vượt qua họ về số lượng công bố, đồng thời cũng không thua kém họ về chất lượng. Bỏ xa những nước khác như: Malaysia, Indonesia…
Chúng ta đã giành được một vị thế nào đó trong bảng xếp hạng thế giới. Nhưng nếu so với Châu Á thì chúng ta còn có khoảng cách khá xa với các nước như: Trung Quốc, Nhật Bản…”.
Giáo sư Châu nói cũng chia sẻ mong muốn trong vòng 15-20 năm nữa, đại học Việt Nam sẽ tìm được vị trí mà đáng lẽ đất nước phải có. Đó là vị trí cao về giáo dục đại học, toán học…
Giáo sư Châu lo lắng về cuộc cách mạng 4.0
Trả lời câu hỏi của sinh viên về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ ảnh hưởng đến cơ hội việc làm của sinh viên như thế nào, giáo sư Châu cho rằng, thực tế đang diễn ra một cuộc cách mạng về công nghiệp lần thứ 4 (cách mạng 4.0).
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Thời đại 4.0 là kết nối, của hàng tỷ thứ(GDVN) - Nếu từng người đứng riêng thì làm sao chúng ta thấy được hết ý nghĩa của kết nối, thấy được trách nhiệm của một công dân Việt Nam và của một công dân toàn cầu. |
Nó đánh dấu sự chuyển biển sâu sắc trong phương tiện sản xuất, khi so sánh với cuộc cách mạng công nghiệp thế kỷ XIX, thời điểm máy hơi nước ra đời.
“Ngày xưa, khi máy hơi nước ra đời đã thay thế những công việc mà con người phải dùng đến cơ bắp, sức khỏe, về mặt vật lý.
Bây giờ là cách mạng về công nghệ thông tin, về trí tuệ nhân tạo cũng sẽ làm thay đổi tính chất công việc, sản xuất thông minh sẽ dựa trên công nghệ”.
Giáo sư Châu phân tích, trong cuộc cách mạng này tiềm ẩn rủi ro nhưng cũng chứa cơ hội rất lớn. Bởi khi thay đổi phương tiện sản xuất một cách sâu sắc như vậy thì sẽ có rất nhiều người mất việc làm, sẽ có rất nhiều những người khốn khổ. Cuộc sống của họ không thể theo kịp phương tiện sản xuất mới.
Ngược lại, rất nhiều người sẽ có nhiều cơ hội giàu lên rất nhanh. Thay vì nhiều người phải làm một công việc thì chỉ cần một người họ làm bằng phần mềm nên tiết kiệm được thời gian, tiền bạc.
“Cá nhân tôi có nhiều lo lắng hơn bởi một phần do tuổi tác. Nếu như bằng vào tuổi các bạn (sinh viên) thì chắc chắn sẽ háo hức hơn, chờ đón hơn.
Khi mà cách mạng công nghiệp hơi nước ra đời đã xáo trộn hoàn toàn cấu trúc xã hội. Nhưng nó cũng liên quan đến chiến tranh thế giới thứ nhất, chiến tranh thế giới thứ hai. Và cuộc cách mạng công nghệ trí tuệ nhân tạo diễn ra như thế nào sẽ rất khó để nhận định được” giáo sư Châu nói.
Ông Châu cho rằng, đối với những người còn trẻ thì đây là cơ hội vô cùng lớn để tìm ra chỗ đứng của mình trong xã hội, tìm ra những cái mới. Tất cả như là một ván cờ đang xóa hết để chơi lại nên có rất nhiều cơ hội cho người mới vào cuộc.
Giáo sư Châu cũng lấy dẫn chứng về một cuộc khảo sát ở Mỹ rất đáng chú ý, dù rằng kết quả cũng rất buồn. Cụ thể, tỷ lệ về tuổi trường thọ của con người tăng lên nhưng riêng với người da trắng không được học đại học thì giảm xuống đáng kể.
“Đối với những người đó (người không học đại học), họ cảm thấy bị gạt ra khỏi sự phát triển của xã hội. Nếu như ngày trước thì những người làm việc lâu năm, dù rằng là làm việc chân tay thì họ vẫn được tôn trọng. Kể cả những công việc như bốc vác trong siêu thị.
Mặc dù họ không có cuộc sống dễ dàng như nhiều người khác nhưng họ vẫn cảm thấy cuộc sống ngày càng đi lên và tuổi thọ họ càng cao.
Nhưng với sự xáo trộn hiện tại (khi xảy ra cuộc cách mạng công nghiệp 4.0) thì họ không cảm thấy như thế nữa. Họ cảm thấy cuộc sống bế tắc bởi những kinh nghiệm của họ tích lũy không còn giá trị nữa.
Những kinh nghiệm mà tuổi trẻ họ có được không bằng những tìm kiếm trên google. Dẫn đến dấu hiệu người ta đo được bằng thống kê về tuổi thọ của người da trắng giảm xuống. Đó là dấu hiệu cảnh báo sự thay đổi xã hội nghiêm trọng và còn có thể nghiêm trọng hơn nữa” ông Châu cho hay.