Giáo sư Nguyễn Đình Đức: Đề án 89 giúp nguyện ước của chúng tôi thành hiện thực

27/05/2021 06:40
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Giáo sư Nguyễn Đình Đức cho rằng, tiến sĩ ở trong nước hay ở nước ngoài đều có thể đóng góp và phụng sự cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Dư luận đang băn khoăn về việc nhà nước tiếp tục đầu tư ngân sách để gửi giảng viên đại học ra nước ngoài đào tạo tiến sĩ trong khi không có chế tài đủ mạnh buộc họ quay về nước.

Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Đình Đức - Trưởng ban đào tạo (Đại học Quốc gia Hà Nội) để lắng nghe ý kiến của ông về vấn đề này.

Phóng viên: Nghiên cứu dự thảo thông tư hướng dẫn triển khai đào tạo trình độ tiến sĩ, thạc sĩ bằng nguồn ngân sách nhà nước năm 2021 và 2022 theo Quyết định số 89/QĐ-TTg ngày 18/1/2019 của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt Đề án 89), Giáo sư có đánh giá như thế nào về những cải tiến trong dự thảo so với Đề án 322 và Đề án 911?

Giáo sư Nguyễn Đình Đức: Đề án 911 trước đây chủ trương gửi công dân Việt Nam đi đào tạo ở nước ngoài. Đề án 322 đào tạo nguồn giảng viên cho các trường đại học được làm luận án thạc sĩ và tiến sĩ ở nước ngoài, đáp ứng cho nhu cầu đào tạo nguồn 20.000 tiến sĩ làm giảng viên cho các trường đại học. Tóm lại là tất cả các đề án trên đều hỗ trợ cho người học ra nước ngoài học tập.

Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Đình Đức - Trưởng ban đào tạo (Đại học Quốc gia Hà Nội) (ảnh: NVCC)

Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Đình Đức - Trưởng ban đào tạo (Đại học Quốc gia Hà Nội) (ảnh: NVCC)

Khác với tất cả các đề án trước, đề án này rất linh hoạt, cho phép được hỗ trợ nghiên cứu sinh hoặc đào tạo toàn thời gian ở nước ngoài, hoặc liên kết với nước ngoài theo mô hình có thời gian trong nước, thời gian ở nước ngoài; hoặc cũng có thể đào tạo toàn thời gian trong nước và đối tượng là các giảng viên hoặc tạo nguồn giảng viên đại học. Một điểm khác biệt rất lớn nữa của Đề án này là trao toàn quyền tự chủ rất cao cho cơ sở giáo dục đại học, từ khâu tuyển chọn nguồn cũng như chịu trách nhiệm cho đến khi người học hoàn thành chương trình đào tạo.

Đây là một đề án rất tích cực và phù hợp với thực tiễn và đáp ứng rất cao nhu cầu của các trường đại học ở Việt Nam, vì hiện nay, mặc dù trong thời gian qua đã có nhiều nỗ lực và thành tựu, nhưng đến nay tỷ lệ trung bình tiến sĩ trong đội ngũ giảng viên các trường đại học Việt Nam mới đạt khoảng 28%.

Ngay từ năm 2013, với tư cách là Trưởng Ban Đào tạo của Đại học Quốc gia Hà Nội, tôi đã chủ trì xây dựng Đề án đào tạo tiến sĩ đạt chuẩn quốc tế ở Đại học Quốc gia Hà Nội, mục tiêu lựa chọn một số ngành xuất sắc như toán học, vật lý, hóa học, cơ học, công nghệ sinh học,… đào tạo các nghiên cứu sinh từ các nguồn khác nhau trong cả nước về Đại học Quốc gia Hà Nội làm luận án tién sĩ với 3 hình thức như trên, với chuẩn đầu ra có công bố quốc tế như nghiên cứu sinh được đào tạo hoàn toàn ở nước ngoài, nhưng rất tiếc Đề án này không có nguồn kinh phí hỗ trợ để triển khai thực hiện. Đề án 89 này đã giúp cho nguyện ước bấy lâu nay của chúng tôi, nay có thể trở thành hiện thực

Phóng viên: Những ngày qua câu chuyện tiến sĩ được cử đi đào tạo nhưng lại không về nước đang gây chú ý ở dư luận. Theo Giáo sư, nếu họ không trở về thì có coi là “chảy máu chất xám” không? Nhà nước cần có cơ chế như thế nào để thu hút họ trở về?

Giáo sư Nguyễn Đình Đức: Theo tôi, Nhà nước đã có quyết định cử đi học, đi học bằng kinh phí của Nhà nước thì người học phải thực hiện theo quyết định, hết hạn phải về nước, là hợp lẽ.

Tuy nhiên, nếu hết hạn mà người học mà không về nước, hoặc chưa về nước ngay sau khi nhận bằng, cũng chưa hẳn là chảy máu chất xám và nên xem xét từng trường hợp cụ thể để có phương án giải quyết thỏa đáng.

Thực tế cho thấy chính thời gian nghiên cứu sau tiến sĩ (postdoc) của các tiến sĩ trẻ mới là thời gian có gia tốc lớn cho năng suất và hiệu quả nghiên cứu. Vì vậy, nếu tiến sĩ trẻ sau khi bảo vệ luận án lại xin được thực tập sau tiến sĩ một vài năm ở các phòng thí nghiệm tiên tiến của nước ngoài hoặc một nước thứ ba khác trước khi trở về nước, theo tôi đó là điều rất tốt, nên khuyến khích tạo điều kiện và thậm chí là rất cần thiết với sự trưởng thành của một nhà khoa học trẻ.

Theo tôi, ở trong nước hay ở nước ngoài đều có thể đóng góp và phụng sự cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bài học của một số quốc gia cho thấy họ đã mạnh dạn cử một loạt thanh niên trẻ đi học tập ở nước ngoài và cho phép có thể ở lại làm việc dài hạn, thậm chí nhập quốc tịch. Sau 10-20 năm, những trí thức kiều bào thành danh này sẽ có thể có những đóng góp rất lớn cho Tổ quốc.

Phóng viên: Rõ ràng, việc cử người đi đào tạo để tăng cường tiềm lực khoa học công nghệ quốc gia là cần thiết. Nhưng theo Giáo sư, liệu có cần phải áp dụng chính sách đào thải tức là nếu 3-5 năm mà không có nghiên cứu khoa học hoặc kết quả không đạt thì bị đào thảo chứ không phải nhà khoa học là vào biên chế và hưởng lương đó suốt đời?

Giáo sư Nguyễn Đình Đức: Chúng ta đã có quy định của Nhà nước về chế độ làm việc của giảng viên. Trên cơ sở đó từng trường đại học cũng có những chính sách và quy định riêng về định mức giảng dạy và nghiên cứu khoa học với từng ngạch bậc giảng viên, phù hợp với thực tế và yêu cầu của nhà trường.

Các trường đại học ở nhiều nước trên thế giới cũng vậy, khi ký hợp đồng với giảng viên kèm theo mức lương là định mức giảng dạy và nghiên cứu, công bố. Nếu không đạt yêu cầu, giảng viên được cảnh báo và đến kỳ kế tiếp nữa nếu không đạt yêu cầu nhà trường sẽ chấm dứt hợp đồng.

Vì vậy, việc khuyến khích và khen thưởng kịp thời những giảng viên có thành tích giảng dạy và nghiên cứu khoa học xuất sắc, cũng như đào thải những cá nhân không đáp ứng yêu cầu là lẽ đương nhiên phải làm. Có như vậy mới tạo được động lực phấn đấu cho giảng viên và tạo được động lực cho sự phát triển của trường đại học.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Giáo sư!

Thùy Linh