Giáo sư, phó giáo sư cùng được kéo dài tuổi nghỉ hưu thêm 5 năm có hợp lý?

22/01/2024 06:46
PGS.TS Ngô Tứ Thành
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Thực tế, phấn đấu để đủ điều kiện, tiêu chuẩn xét công nhận giáo sư đã không dễ nhưng để "giữ" được chức danh đó cũng cần sự nỗ lực của các nhà khoa học.

Đề xuất tuổi nghỉ hưu của giáo sư dài hơn phó giáo sư

Do lịch sử để lại, từ năm 1975 đến nay, chức danh giáo sư có nhiều thay đổi. Mỗi lần thay đổi đều mang yếu tố tích cực có tác dụng động viên đội ngũ trí thức nước nhà vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Đặc biệt Quyết định 37/2018/QĐ-TTg đã nâng chất lượng giáo sư của Việt Nam tiệm cận với thế giới.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Giáo sư, phó giáo sư là chức danh khoa học cao nhất của nhà giáo giảng dạy bậc đại học, sau đại học. Nhưng giáo sư và phó giáo sư khác nhau về thứ bậc, tiêu chí, điều kiện, cách làm cũng như quy định về trách nhiệm. Theo Quyết định 37, yêu cầu tiêu chuẩn để được công nhận đạt chuẩn giáo sư cao hơn và khác xa với phó giáo sư.

Đơn cử, đối với ứng viên giáo sư phải có ít nhất 20,0 điểm công trình khoa học, …trong đó ít nhất 05 bài báo trên các tạp chí khoa học quốc tế có uy tín …. hướng dẫn chính ít nhất 02 nghiên cứu sinh được cấp bằng tiến sĩ. Trong khi, ứng viên phó giáo sư chỉ cần: 10,0 điểm công trình khoa học,… trong đó 02 bài trên các tạp chí khoa học quốc tế có uy tín ….. hướng dẫn 02 học viên được cấp bằng thạc sĩ.

Qua tìm hiểu của người viết, giảng viên tiến sĩ trong trường đại học trước sau gì nếu cố gắng cũng có thể phấn đấu lên giảng viên cao cấp, nhưng từ tiến sĩ lên giáo sư là một chặng đường vất vả khó khăn. Tiến sĩ phải phấn đấu lên phó giáo sư, sau khi được phó giáo sư mới phấn đấu tiếp lên giáo sư. Thực tế, giảng viên tiến sĩ phấn đấu cả đời cũng chưa chắc có thể được công nhận đạt chuẩn chức danh giáo sư. Hiện nay tỷ lệ giáo sư/giảng viên là 0,89%, nghĩa là trung bình cứ 100 giảng viên đại học chỉ có 01 giáo sư [1]

Mặc dù giáo sư khác phó giáo sư khác nhau về tiêu chuẩn như vậy, nhưng theo người viết, Nghị định 50/2022/NĐ-CP và Thông tư 40/2020/TT-BGDĐT “vô tình” đã “cào bằng” giáo sư như phó giáo sư.

Tiến sĩ giảng viên cao cấp, phó giáo sư và giáo sư cùng hưởng ưu đãi, cùng “hệ quy chiếu”, chế độ đãi ngộ giống nhau, cụ thể: Cùng xếp bảng lương như nhau, mã số: V.07.01.01 hệ số lương từ 6.2 đến 8.0; Cùng được kéo dài tuổi nghỉ hưu tối đa: 5 năm.

Thực tế, phấn đấu để đủ điều kiện, tiêu chuẩn xét công nhận giáo sư đã không dễ nhưng để "giữ" được chức danh đó cũng cần sự nỗ lực của các nhà khoa học.

Bởi tại Khoản 5, Điều 20 của Quyết định 37 ghi rõ: ”Hết thời hạn 05 năm kể từ ngày có quyết định công nhận đạt tiêu chuẩn giáo sư, nếu ứng viên không được bổ nhiệm chức danh giáo sư tại cơ sở giáo dục đại học thì quyết định này hết hiệu lực”.

Tại Khoản 4, 5, Điều 27 cũng ghi rõ: “Ứng viên chỉ được công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư sau khi có quyết định bổ nhiệm của người đứng đầu cơ sở giáo dục đại học…..Nhiệm kỳ bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư là 05 năm. Kết thúc nhiệm kỳ, người đứng đầu cơ sở giáo dục đại học tổ chức rà soát, đánh giá theo các quy định về cơ cấu vị trí, số lượng, tiêu chuẩn và điều kiện bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư để quyết định việc bổ nhiệm lại. Việc đánh giá hàng năm đối với giáo sư, phó giáo sư thực hiện như quy định hiện hành đối với giảng viên”.

Theo Nghị định 141/2013/NĐ-CP, giáo sư được kéo dài tuổi nghỉ hưu 10 năm, phó giáo sư kéo dài 5 năm, nhưng sang Nghị định 50, các giáo sư, phó giáo sư cùng được kéo dài tuổi nghỉ hưu không quá 5 năm. Nếu tiếp tục duy trì như Nghị định 50, nhiều giảng viên đạt được chức danh giáo sư cũng vừa đủ tuổi về hưu.

Nhập giáo sư với phó giáo sư gọi chung là giáo sư được không?

Theo tìm hiểu của người viết, trên thế giới cũng đang có những cách xét chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư khác nhau. Có nước tồn tại 02 chức danh phó giáo sư (associate professor) và giáo sư (professor) như ở Việt Nam, nhưng phần đông các nước có tiềm lực khoa học lớn thống nhất một chức danh giáo sư. Theo người viết, đã đến lúc chúng ta nên xem xét hội nhập với thế giới trong xét phong giáo sư.

Trường hợp không thể kéo dài tuổi nghỉ hưu của giáo sư mà bắt buộc tuổi nghỉ hưu của giáo sư và phó giáo sư là như nhau, cùng kéo dài tối đa là 5 năm thì tác giả xin đề xuất nhập giáo sư và phó giáo sư gọi chung là giáo sư như một số nước: Mỹ, Đức, Pháp…

Trong giai đoạn chuyển tiếp, những giáo sư cũ (số này không nhiều, đều lớn tuổi sắp nghỉ hưu) gọi là giáo sư cao cấp (hay là giáo sư khoa học). Khi nhập và gọi phó giáo sư là giáo sư, đương nhiên việc xét chức danh giáo sư mới cũng phải khác. Công bố khoa học, thành tích khoa học … của giáo sư mới sẽ nằm trung gian giữ phó giáo sư cũ và giáo sư cũ. Nếu làm được như vậy sẽ giảm bớt thủ tục thời gian xét duyệt giáo sư, không gây tốn kém cho xã hội và các nhà giáo.

Ý tưởng nhập giáo sư với phó giáo sư của tác giả xuất phát từ lịch sử tên gọi phó tiến sĩ và tiến sĩ. Phó tiến sĩ là tên của một học vị cấp tiến sĩ được gọi ở Việt Nam trước thời điểm có hiệu lực của Luật Giáo dục năm 1998. Học vị này tương ứng với học vị Kandidat nauk, vì khi đó Việt Nam có hệ thống văn bằng sau đại học giống với hệ thống của Liên Xô và các nước Đông Âu cũ. Hiện nay, học vị này được gọi là tiến sĩ trong khi học vị tiến sĩ theo kiểu cũ được gọi là tiến sĩ khoa học.

Mới đầu việc gọi phó tiến sĩ thành tiến sĩ, còn tiến sĩ cũ gọi là tiến sĩ khoa học cũng gây nhiều tranh cãi, nhưng sau 25 năm thực hiện đã cho thấy không còn vướng mắc gì. Trước năm 1998, những nhà khoa học sau khi bảo vệ luận án phó tiến sĩ thường ấp ủ tiếp tục nghiên cứu làm tiếp luận án tiến sĩ thêm thời gian và tốn kém. Gần như cả cuộc đời chỉ lo hoàn thành luận án, hết luận văn cao học, đến luận án phó tiến sĩ, cuối cùng là luận án tiến sĩ. Sau năm 1998, sau khi nhập phó tiến sĩ và tiến sĩ gọi chung là tiến sĩ, rất ít người tiếp tục làm tiến sĩ khoa học mà tập trung nghiên cứu cống hiến cho xã hội trong môi trường học thuật.

Tài liệu tham khảo

[1] https://vietnamnet.vn/ty-le-giang-vien-dai-hoc-co-chuc-danh-giao-su-o-viet-nam-chi-dat-0-89-2059801.html

PGS.TS Ngô Tứ Thành