Giáo sư Trần Hồng Quân đã dành trọn cuộc đời cho sự nghiệp giáo dục nước nhà

26/08/2023 06:55
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Giáo sư Trần Hồng Quân là người khởi sự công cuộc đổi mới cho giáo dục Việt Nam. Sự ra đi của Thầy là mất mát to lớn đối với nền giáo dục nước nhà.

Cả một đời đau đáu đi tìm lối đi đổi mới cho nền giáo dục Việt Nam, đến những năm tháng cuối đời, Giáo sư Trần Hồng Quân vẫn chưa thôi trăn trở về con đường phát triển giáo dục.

Biết bao thế hệ nhà giáo vẫn luôn nhớ về Giáo sư Trần Hồng Quân - vị Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đáng kính, một nhà giáo dục tận tụy, tâm huyết, với khát khao đổi mới giáo dục nước nhà. Thầy cũng là người đặt nền móng đầu tiên cho công cuộc đổi mới giáo dục đại học thời kỳ đất nước mở cửa.

Người “nặng lòng” với giáo dục đại học Việt Nam

Là người đồng hành, sát cánh cùng nhau trong những năm tháng thực hiện đổi mới giáo dục, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ (nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện là Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) luôn dành nhiều tình cảm trân trọng nhất khi kể về Giáo sư Trần Hồng Quân. Trong cuộc sống hằng ngày, thầy Nhĩ gọi Giáo sư Trần Hồng Quân bằng một tiếng “Anh” thân tình, quý mến.

Giáo sư Trần Hồng Quân là người khởi sự công cuộc đổi mới cho giáo dục Việt Nam. Sự ra đi của Thầy là mất mát to lớn đối với nền giáo dục nước nhà. (ảnh: Thùy Linh)

Giáo sư Trần Hồng Quân là người khởi sự công cuộc đổi mới cho giáo dục Việt Nam. Sự ra đi của Thầy là mất mát to lớn đối với nền giáo dục nước nhà. (ảnh: Thùy Linh)

Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ chia sẻ, từ năm 1983, Giáo sư Trần Hồng Quân đã là Thứ trưởng Bộ Đại học và Trung học Chuyên nghiệp.

Đến năm 1987, Giáo sư giữ chức Bộ trưởng Bộ Đại học Trung học Chuyên nghiệp Và Dạy Nghề. Năm 1990, khi hợp nhất hai bộ thành Bộ Giáo dục và Đào tạo, Giáo sư Trần Hồng Quân giữ chức vụ Bộ trưởng. Đến năm 1998, Giáo sư là Phó ban Dân vận Trung ương.

“Suốt những năm tháng ấy và cả cuộc đời mình, anh Trần Hồng Quân luôn “nặng lòng” với giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học. Anh mong muốn hệ thống giáo dục đại học của Việt Nam là một khối thống nhất, để tạo nên sức mạnh tổng hợp và cùng nhau phát triển.

Anh cũng luôn quan tâm đến vấn đề xã hội hóa giáo dục. Chính Giáo sư Trần Hồng Quân là người khởi xướng để mở ra hệ thống các trường đại học ngoài công lập.

Những năm đầu của thời kỳ đổi mới, giáo dục ngoài công lập chưa dễ dàng được chấp nhận. Thế nhưng, vượt qua bao khó khăn, thử thách, Giáo sư Trần Hồng Quân đã đặt nền móng thành công cho hệ thống trường đại học ngoài công lập tại Việt Nam.

Trường Đại học Thăng Long là trường đại học ngoài công lập đầu tiên được thành lập, và sau đó là sự ra đời của hàng loạt trường đại học ngoài công lập khác. Anh Quân luôn tâm niệm: Chỉ có phát triển hệ thống giáo dục ngoài công lập thì mới đỡ được gánh nặng cho cả hệ thống và phát triển được một cách đa dạng các mô hình giáo dục đại học, đảm bảo đáp ứng được yêu cầu của xã hội.

Trước đó, chúng ta chỉ đào tạo theo kế hoạch hóa, nhưng Bộ trưởng Trần Hồng Quân khi ấy đã mở ra hệ thống giáo dục đại học ngoài công lập, song song sánh bước, phát triển cùng hệ thống trường công cho đến ngày hôm nay.

Giống như đôi cánh của một con chim, chỉ khi hệ thống giáo dục công lập và hệ thống giáo dục ngoài công lập cùng phát triển, thì nền giáo dục đại học mới thực sự cất cánh bay cao. Đây là đóng góp rất to lớn của Giáo sư Trần Hồng Quân”, Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ chia sẻ.

Cùng với đó, khi trên cương vị Bộ trưởng, Giáo sư Trần Hồng Quân cũng chủ trương một số chương trình mục tiêu để tập trung nguồn kinh phí nhằm giải quyết các vấn đề giáo dục, như: Chương trình Nghiên cứu khoa học; Nhà trường gắn với xã hội và lao động sản xuất; Xây dựng hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú, Xây dựng hệ thống trường sư phạm; Xây dựng cơ sở vật chất; Xây dựng các trường chuẩn cho phổ thông cơ sở vùng khó khăn; Xây dựng trường cho vùng bão lụt; Xây dựng ký túc xá sinh viên,...

Nhờ những chương trình mục tiêu đó, giáo dục của chúng ta đã có những bước khởi sắc.

Giáo sư Trần Hồng Quân còn đóng góp cho sự phát triển của hệ thống trung tâm học tập, các trường cao đẳng cộng đồng ở các địa phương để đào tạo nhân lực cho các địa phương.

Giáo sư Trần Hồng Quân khi ấy cũng chính là người đặt ra vấn đề về tự chủ đại học. Ngày nay, tự chủ đại học là yêu cầu cấp thiết và là chuyện đương nhiên, nhưng thời điểm đó, tự chủ đại học vẫn còn là một khái niệm xa lạ, việc đưa ra vấn đề này cũng gặp rất nhiều rào cản, khó khăn.

Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ kể lại: “Sau khi thôi công tác ở Ban Dân vận Trung ương, Giáo sư Trần Hồng Quân đã đề xuất với tôi và một số đồng chí có kiến nghị xin thành lập Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập Việt Nam.

Sau một thời gian hoạt động, năm 2007, anh Quân có ý tưởng thành lập Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, không tách riêng khối ngoài công lập nữa, để tạo nên một khối thống nhất vững mạnh.

Dẫu vậy, phải đến năm 2014, sau thời gian dài kiên trì, quyết tâm với mục tiêu này, Hiệp hội mới chính thức trở thành Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, là mái nhà chung của các trường đại học, cao đẳng, không phân biệt trường công lập hay ngoài công lập. Giáo sư Trần Hồng Quân tiếp tục được bầu làm Chủ tịch Hiệp Hội.

Trong thời gian đó cũng có nhiều khó khăn, nhưng với tình yêu dành cho giáo dục, chưa bao giờ tôi thấy anh nản lòng trước thử thách. Anh luôn quyết tâm, kiên định, lãnh đạo, chỉ đạo Hiệp hội có nhiều đóng góp cho giáo dục đại học trong giai đoạn này.

Năm 2021, do vấn đề về sức khỏe, anh Quân xin thôi giữ chức Chủ tịch Hiệp hội, nhưng mọi người vẫn tha thiết đề nghị anh tiếp tục công việc với tư cách Chủ tịch Hội đồng cố vấn của Hiệp hội.

Anh đã tập hợp những nhà giáo dục giàu tâm huyết, nhiều kinh nghiệm vào Hội đồng cố vấn Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam để tiếp tục đóng góp cho sự nghiệp giáo dục.

Những năm tháng cuối đời, dù sức khỏe yếu, anh vẫn dành nhiều tâm tư với giáo dục, vẫn đau đáu suy nghĩ về con đường phát triển giáo dục đại học Việt Nam.

Sự ra đi của Giáo sư Trần Hồng Quân là mất mát to lớn đối với nền giáo dục nước nhà, là sự mất mát to lớn với Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam”.

Bộ trưởng Trần Hồng Quân và dấu ấn tại Hội nghị Nha Trang năm 1987

Nhớ về Giáo sư Trần Hồng Quân, Giáo sư Nguyễn Lộc - nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam lại nhớ đến dấu ấn của vị Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ở Hội nghị Hiệu trưởng các trường đại học tại Nha Trang năm 1987 (còn gọi là Hội nghị Nha Trang năm 1987).

Hội nghị Nha Trang năm 1987 tổ chức sau Đại hội Đảng lần thứ VI là một bước ngoặt quan trọng của giáo dục đại học nước ta.

Hội nghị Hiệu trưởng các trường Đại học tại Nha Trang năm 1987 là điểm xuất phát của hàng loạt chủ trương đổi mới hệ thống đại học Việt Nam.

Bên cạnh đó, nhiều văn bản của Đảng, của Nhà nước đã ban hành kịp thời tạo cơ sở pháp lý và xác định hướng đi cho giáo dục đại học Việt Nam.

Một trong những sự kiện quan trọng nhất đối với giáo dục đại học Việt Nam sau đó là việc Chính phủ ban hành Nghị quyết số 14/2005/NQ-CP ngày 2/11/2005 về đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006 - 2020.

“Cách đây không lâu, tôi có buổi trò chuyện cùng Giáo sư Trần Hồng Quân, tôi may mắn có dịp lắng nghe những tâm tư, chia sẻ của Giáo sư về các vấn đề giáo dục.

Và Hội nghị Nha Trang 1987 vẫn luôn là một kỷ niệm sâu sắc trong cuộc đời của Bộ trưởng Trần Hồng Quân, là một sự kiện đầy tâm huyết của Thầy, một Hội nghị lịch sử, có ý nghĩa đột phá đối với giáo dục đại học Việt Nam”, thầy Lộc chia sẻ.

Đại hội Đảng lần thứ VI năm 1986 là một dấu mốc đổi mới đường lối phát triển kinh tế xã hội nước ta, chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung bao cấp sang nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Theo đường lối đổi mới chung đó, hệ thống giáo dục đại học nước ta cũng đã triển khai những đổi mới căn bản.

Dẫu vậy, thập niên đầu tiên của quá trình đổi mới giáo dục đại học (1987-1997) là giai đoạn khởi đầu cơ bản và phức tạp nhất, vì đó là giai đoạn phải thay đổi nhiều khái niệm, triết lý và thể chế, chuyển từ hệ thống cũ sang hệ thống mới.

“Trong bối cảnh đầy khó khăn, thách thức đó, Bộ trưởng Trần Hồng Quân khi đó đã làm được một việc phi thường, là định hướng đường lối đổi mới giáo dục đại học và thuyết phục mọi người đi theo con đường đổi mới đó, để giải phóng giáo dục đại học Việt Nam, để đưa các trường đại học Việt Nam phát triển.

Giáo sư Trần Hồng Quân là người đầu tiên đưa ra 4 tiền đề đổi mới giáo dục đại học, đặt nền móng cho nền giáo dục đại học hiện nay:

Thứ nhất, giáo dục đại học không chỉ đáp ứng nhu cầu của biên chế nhà nước và kinh tế quốc doanh, mà còn phải đáp ứng nhu cầu của các thành phần kinh tế khác và nhu cầu học tập của nhân dân;

Thứ hai, giáo dục đại học không chỉ dựa vào ngân sách nhà nước mà còn dựa vào các nguồn lực khác

Thứ ba, giáo dục đại học không chỉ theo chỉ tiêu kế hoạch tập trung như một bộ phận của kế hoạch Nhà nước, mà còn phải theo những đơn đặt hàng, những xu thế dự báo, những nhu cầu học tập từ nhiều phía trong xã hội;

Thứ tư, giáo dục đại học không nhất thiết phải gắn chặt với việc phân phối công tác cho người tốt nghiệp theo cơ chế hành chính bao cấp; người tốt nghiệp có trách nhiệm tự tìm việc làm, tự tạo việc làm trong mọi thành phần kinh tế; những nơi sử dụng lao động được đào tạo sẽ tuyển dụng theo cơ chế chọn lọc, nhà trường giúp họ nâng cao trình độ, tiếp tục bồi dưỡng để thích nghi với những yêu cầu cơ động về ngành nghề trong thực tiễn.

Những quan điểm đó vẫn đang được triển khai thực hiện cho đến tận ngày hôm nay. Và đó cũng chính là những tiền đề quan trọng để giáo dục đại học Việt Nam từng bước phát triển.

Cho đến những năm tháng cuối đời, Thầy Trần Hồng Quân vẫn luôn hoài niệm, nhớ về Hội nghị lịch sử năm ấy. Trên trang cá nhân facebook của Giáo sư Trần Hồng Quân vẫn đầy ắp những kỷ niệm, những câu chuyện của một giai đoạn khởi đầu cho công cuộc đổi mới đầy gian nan nhưng vô cùng đáng tự hào, một sự kiện đổi mới mang đậm dấu ấn của Bộ trưởng Trần Hồng Quân.

Tôi đã chép lại tất cả những bài chia sẻ của Giáo sư Trần Hồng Quân về Hội nghị Nha Trang 1987 để giảng lại cho các nghiên cứu sinh của mình.

Tôi luôn dặn các học trò: Giáo sư, Bộ trưởng Trần Hồng Quân là vị Bộ trưởng xuất sắc nhất trong vài thập kỷ gần đây”, Giáo sư Nguyễn Lộc tâm sự.

Một nhà giáo chân chính, tâm huyết, tận tụy

Nhớ về nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Trần Hồng Quân, Nhà giáo Nhân dân, Giáo sư - Tiến sĩ Võ Tòng Xuân (nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ) chia sẻ, Giáo sư Trần Hồng Quân là một Bộ trưởng tâm huyết, dành trọn tình yêu cho giáo dục, một nhà giáo dục chân chính, người đã chèo lái con thuyền giáo dục vượt qua nhiều gian nan, thử thách trong những ngày đầu đổi mới.

Giáo sư Võ Tòng Xuân tâm sự: “Khi còn làm việc ở Trường Đại học Cần Thơ, tôi vinh dự, may mắn được nhiều lần gặp gỡ Giáo sư Trần Hồng Quân - khi ấy Thầy đang trên cương vị Bộ trưởng.

Thầy là một người có tầm nhìn rộng, tư duy nhạy bén về giáo dục, cũng là người luôn luôn theo sát, hỗ trợ các trường đại học. Các trường vùng Đồng bằng Sông Cửu Long thuở đó nhận được nhiều sự quan tâm của Bộ trưởng Trần Hồng Quân, được tạo điều kiện để phát triển.

Nhớ lại khi ấy, Trường Đại học Cần Thơ đang còn gặp nhiều khó khăn trong hoạt động nghiên cứu khoa học vì thiếu kinh phí, trang thiết bị, nhưng nhà trường tranh thủ được nhiều viện trợ, hợp tác quốc tế (từ các nước Hà Lan, Thụy Điển, Úc,... và các tổ chức phi chính phủ) để thực hiện các dự án nông nghiệp. Bộ trưởng Trần Hồng Quân với tầm nhìn chiến lược, đã ủng hộ, tạo điều kiện để nhà trường đổi mới hoạt động và triển khai các dự án đó.

Cho đến sau này, khi đã nghỉ hưu, Giáo sư Trần Hồng Quân chưa một giây phút nào thôi trăn trở về đổi mới giáo dục đại học, thầy vẫn dành thời gian để nghiên cứu con đường đổi mới giáo dục, đặc biệt là vấn đề mà mọi trường đại học đều quan tâm như tự chủ đại học. Thầy đã có những đề xuất, hướng đi rất hợp tình, hợp lý.

Khi là Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, Thầy cũng đã có nhiều ý kiến, đề xuất lên các cơ quan quản lý để tháo gỡ khó khăn cho các trường đại học, thực hiện đổi mới giáo dục đại học và để tự chủ đại học đi vào thực chất.

Tôi được tham gia họp với lãnh đạo Hiệp hội nhiều lần, được lắng nghe những tâm tư, chia sẻ của Giáo sư Trần Hồng Quân, càng trân trọng biết bao về một tư tưởng lớn, nhân cách đáng quý của một nhà giáo chân chính, tâm huyết, tận tụy.

Đặc biệt, Giáo sư luôn đặt trọn tình yêu cho giáo dục đại học, luôn đau đáu con đường đổi mới giáo dục đại học Việt Nam, trăn trở về con đường tự chủ đại học, Giáo sư đặt vấn đề về Hội đồng trường, trường công lập có hướng tự chủ như thế nào, các trường ngoài công lập phải tự chủ ra sao,...

Giáo sư qua đời là một sự mất mát quá lớn đối với nền giáo dục Việt Nam chúng ta. Thật tiếc khi Giáo sư không thể tiếp tục đồng hành cùng chúng ta, nhưng những nhà giáo hôm nay vẫn sẽ tiếp tục noi gương Giáo sư Trần Hồng Quân, để tiếp tục những chính sách đổi mới, thực hiện thành công đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục”.

Giáo sư - Tiến sĩ Trần Hồng Quân (sinh ngày 15/02/1937), quê Xã Mỹ Quới, huyện Ngã Năm, Tỉnh Sóc Trăng, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Đại học, Trung học chuyên nghiệp và Dạy nghề, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, nguyên Phó ban Dân vận Trung ương, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, huy hiệu 60 năm tuổi Đảng đã từ trần vào hồi 13h02 ngày 25/8/2023 (tức 10/7/2023 năm Qúy Mão), hưởng thọ 86 tuổi.

Tóm lược tiểu sử, sự nghiệp của Giáo sư Trần Hồng Quân:

Từ năm 1961 - 1975: Giáo sư Trần Hồng Quân giảng dạy tại Đại học Bách Khoa Hà Nội.

Từ năm 1975 - 1976: Giáo sư là Trưởng Khoa Cơ khí Đại học Bách Khoa Thành phố Hồ Chí Minh.

Từ năm: 1976 - 1982: Giáo sư là Hiệu trưởng Trường Đại học Bách Khoa Thành phố Hồ Chí Minh.

Từ năm 1982 - 1987: Giáo sư là Thứ trưởng Bộ Đại học và Trung học Chuyên nghiệp.

Từ năm 1987 - 1990: Giáo sư Trần Hồng Quân giữ chức Bộ trưởng Bộ Đại Học Trung học Chuyên nghiệp Và Dạy Nghề

Từ năm 1990 - 1997: Giáo sư là Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo

Từ 1998 - về hưu: Giáo sư Trần Hồng Quân là Phó Ban Dân vận Trung ương

Từ năm 2005 - 2015: Giáo sư là Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Ngoài công lập Việt Nam.

Từ năm 2015 - 2021, Giáo sư Trần Hồng Quân là Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam.

Từ năm 2021 – nay: Giáo sư là Chủ tịch Hội đồng cố vấn Hiệp hội Các trường Đại học, cao đẳng Việt Nam.

Giáo sư Trần Hồng Quân là Ủy viên Trung ương Đảng các khóa 6, 7 và 8; Đại biểu Quốc hội khóa 8, khóa 10.

Phạm Minh