Giáo viên dạy chính khóa giỏi thì học sinh không có lý do gì phải đi học thêm

02/02/2025 07:31
Minh Khoa

GDVN - Giáo viên dạy chính khóa giỏi thì học sinh không có lý do gì để học thêm, nên cấm dạy thêm thu tiền học sinh chính khóa là điều vô cùng đúng đắn.

Ngày 30/12/2024, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ký ban hành Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm có hiệu lực từ 14/02/2025.

Thông tư 29 có những nội dung mới được chú ý và quan tâm rất lớn trong đó như: Tiếp tục cấm dạy thêm ở tiểu học (trừ bồi dưỡng về nghệ thuật; thể dục thể thao; rèn luyện kĩ năng sống); dạy thêm trong nhà trường không thu phí; không được dạy thu tiền học sinh chính khóa,…

gdvn-day-them-hoc-them-tai-truong-tieu-hoc-ngoc-khanh-14-9963-1-515-2597.jpg
Một lớp dạy thêm học sinh tiểu học ở ngoài trường. Ảnh: Mạnh Đoàn

Không có lý do gì lo lắng khi học sinh không học thêm với giáo viên giỏi dạy chính khóa

Đối với việc dạy thêm không thu tiền học sinh mà giáo viên đang dạy chính khóa là nội dung đang thu hút được rất nhiều sự quan tâm của giáo viên. Theo khảo sát của người viết, nhiều giáo viên, học sinh và phụ huynh cơ bản đồng tình cao với quy định này, trừ một số ít đang có nguồn thu rất tốt từ việc dạy thêm học sinh chính khóa.

Một số ít giáo viên này băn khoăn là điều không thể tránh khỏi khi họ có thể mất một phần nguồn thu nhập từ dạy thêm nhưng lợi ích của việc không cho dạy thêm học sinh chính khóa sẽ có tác dụng vô cùng lớn, tích cực, lâu dài, sẽ chấm dứt được tình trạng giáo viên dạy trên lớp dạy tàng tàng giấu kiến thức để dạy thêm; giáo viên dạy trên lớp dùng chiêu trò để o ép, ép buộc học sinh học thêm thu tiền;…

Tuy vậy, có ý kiến phụ huynh băn khoăn là học sinh sẽ không được học thêm với giáo viên giỏi đang dạy chính khóa.

Ví dụ, giáo viên M được gọi là giáo viên giỏi, được học sinh yêu mến, đang dạy lớp A, học sinh lớp A sẽ không được học thêm với giáo viên giỏi đó mà phải học thêm với giáo viên khác mà học sinh không thích học, phụ huynh lo lắng học sinh sẽ thiệt thòi khi không được học thêm với giáo viên giỏi đó.

Thoạt nghe lý do có lý nhưng thực tiễn thì học sinh đó không cần thiết phải học thêm, nếu giáo viên M trên là giáo viên giỏi, dạy tốt, được học sinh yêu mến thì đã dạy hết kiến thức trên lớp, học sinh tiếp thu trên lớp, học sinh có vấn đề gì không rõ có thể liên hệ giáo viên đó tại lớp hoặc qua nhiều phương tiện khác như điện thoại, zalo,…mà không phải tốn tiền học thêm. Nó vừa phát huy tính tự học của học sinh, cũng không cần học thêm với giáo viên khác mà học sinh không thích vì điều đó không cần thiết.

Suy cho cùng, giáo viên dạy chính khóa giỏi thì học sinh không có lý do gì để học thêm, nên cấm dạy thêm thu tiền học sinh chính khóa là điều vô cùng đúng đắn.

Nếu giáo viên chưa giỏi dạy o ép dạy nhiều học sinh chính khóa sẽ không có học sinh lớp khác học thêm, giáo viên này phải cố gắng phấn đấu trở thành giáo viên tốt, có điều kiện để tự nhận lại mình mà điều chỉnh, phấn đấu, dạy từ o ép, ép buộc phải chấm dứt và người hưởng lợi là học sinh.

Thông tư 29 cấm dạy thêm học sinh chính khóa là quy định vô cùng đúng đắn, hợp lý, cả giáo viên dạy giỏi và chưa giỏi đều hướng đến điều tốt đẹp, người hưởng lợi là học sinh.

Học sinh loại đạt, khá, tốt không được học thêm trong nhà trường cũng là quy định phù hợp

Một nội dung tiếp theo cũng nhận được nhiều ý kiến băn khoăn là việc quy định học sinh loại từ mức đạt, khá, tốt không được học thêm trong nhà trường.

Tại khoản 1 Điều 5 quy định về dạy thêm trong nhà trường quy định:

“1. Việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường không được thu tiền của học sinh và chỉ dành cho các đối tượng học sinh đăng kí học thêm theo từng môn học như sau:

a) Học sinh có kết quả học tập môn học cuối học kì liền kề ở mức chưa đạt;

b) Học sinh được nhà trường lựa chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi;

c) Học sinh lớp cuối cấp tự nguyện đăng kí ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.”

Nhiều ý kiến cho rằng, việc dạy thêm trong nhà trường không thu tiền là hợp lý nhưng chỉ dạy đối tượng chưa đạt còn gây nhiều băn khoăn, học sinh loại đạt, khá, tốt cũng có nhu cầu học thêm trong nhà trường, vì sao lại không được học?

Tuy vậy, chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 đã chuyển sang đánh giá năng lực và phẩm chất người học, học sinh học thông qua trải nghiệm, thực tế nhiều hơn là học nhồi nhét kiến thức, học sinh có thể có năng lực này không có năng lực khác là điều phải chấp nhận trong tình hình mới.

Giai đoạn hiện nay, chương trình mới đã thực hiện toàn bộ bậc phổ thông từ lớp 1 đến lớp 12 nên các quy định trong Thông tư 29 để quản lý chặt chẽ, hạn chế tiêu cực dạy thêm là hoàn toàn đúng đắn và phù hợp.

Dạy học sinh học tiến bộ là nhiệm vụ giáo viên, không để tình trạng có việc dạy học sinh học chưa đạt, tổ chức dạy thêm để thu tiền.

Nên, quy định dạy thêm trong nhà trường chỉ dành cho học sinh chưa đạt theo người viết đánh giá là phù hợp.

Các em học sinh xếp loại đạt, khá, tốt tức là được đánh giá có năng lực, các em hoàn toàn có thể tự học dưới sự hướng dẫn của giáo viên mà không cần phải học thêm.

Các em tự học chắn chắn sẽ ghi nhớ lâu hơn việc học thêm gây mất thời gian, mất đi khả năng tư duy, tự học.

Các em có năng lực cũng không cần học thêm ngoài nhà trường nhiều, các em có thời gian học tập, rèn luyện và trải nghiệm sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn, các em cũng có thể tham gia học thêm ngoài nhà trường tại các trung tâm nhưng việc này cũng nên hạn chế ở mức phù hợp, tránh quá tải.

Thông tư 29 được ban hành ở thời điểm chương trình giáo dục phổ thông mới đã thực hiện toàn bộ ở bậc phổ thông với nhiều quy định hết sức phù hợp, hợp tình hợp lý, kỳ vọng sẽ hạn chế dạy thêm tiêu cực, o ép học thêm, kỳ vọng học sinh học tốt hơn nhờ tự học và trải nghiệm, không lạm dụng dạy thêm.

Khi học thêm giảm thì chất lượng thật sẽ nâng lên, học sinh vừa học tốt vừa rèn luyện tốt, có phẩm chất và cha mẹ các em sẽ không tốn quá nhiều tiền để học thêm vô bổ, học theo phong trào, khiến các em mất thời gian và thụ động hơn, tiến tới giáo dục công bằng và phát triển bền vững.

Vấn đề quan trọng nhất là thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm việc dạy thêm trái phép như dạy thêm học sinh tiểu học, dạy học sinh chính khóa, dạy không báo cáo hiệu trưởng,…để xử lý nghiêm minh, giáo viên là người giảng dạy, giáo dục cho học sinh nếu cố tình vi phạm dạy thêm trái phép thì cần xử lý nghiêm.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Minh Khoa