Để chấm dứt tình trạng học sinh bỏ học sau Tết, cần nhiều biện pháp quyết liệt

25/01/2025 06:48
Trung Dũng
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Trước tình trạng học sinh bỏ học sau Tết, một số địa phương đã có phương án ứng phó khi đợt nghỉ Tết Nguyên đán dài ngày sắp diễn ra.

Tết Nguyên đán 2025 đã cận kề, lãnh đạo ngành giáo dục tại các địa phương miền núi lại canh cánh nỗi lo học sinh bỏ học sau Tết.

Cần sự quyết liệt và có sự phối hợp của nhiều bên

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Phan Trọng Trung - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Con Cuông (tỉnh Nghệ An) cho biết, tình trạng này tại địa phương hiện nay tuy đã giảm mạnh so với trước đây. Tuy nhiên, công tác tuyên truyền kết hợp với các biện pháp có tính quyết liệt cũng vẫn tiếp tục được ngành giáo dục huyện này áp dụng trước, trong và sau Tết Nguyên đán.

Qua đó, thầy Phan Trọng Trung nhấn mạnh: "Những năm gần đây trên địa bàn số lượng học sinh bỏ học sau Tết cũng ít. Để giảm thiểu tình trạng qua từng năm, tiến tới chấm dứt thì khâu xử lý trước Tết Nguyên đán vô cùng quan trọng.

Điều này đã được ngành giáo dục huyện Con Cuông quán triệt rất cụ thể. Đặc biệt là đẩy mạnh kết hợp với chính quyền các xã trong việc vận động phụ huynh.

Trong đó, chúng tôi cũng áp dụng nhiều biện pháp tích cực để vận động phụ huynh có con em đi làm ăn xa trở về không được lôi kéo các em hoặc các cháu của mình bỏ học để đi làm công nhân.

Ngoài ra chúng tôi cũng tuyên truyền để các gia đình đang có người đi làm công nhân từ các địa phương khác chuyển hướng về đi làm công nhân tại các nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn. Trên thực tế, huyện Con Cuông ngày nay cũng đã có nhiều thay đổi, phát triển hơn ngày xưa nên hoàn toàn có đủ điều kiện, cơ sở để mọi người yên tâm làm việc tại quê nhà".

Ngoài biện pháp tuyên truyền, lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Con Cuông cho biết thêm, địa phương này cũng kết hợp với vai trò của lực lượng công an các xã để nắm bắt tình hình, tâm tư, nguyện vọng của các học sinh. Hạn chế thấp nhất việc các học sinh nghe theo lời rủ rê của các thanh niên đã từng bỏ học để đi làm công nhân ở các địa phương khác.

Nêu lên kỳ vọng của địa phương trong việc kéo giảm tình trạng học sinh bỏ học sau Tết thời gian tới, thầy Phan Trọng Trung bày tỏ: "Những năm gần đây, tâm lý và ý thức của các phụ huynh trên địa bàn đối với việc cho con đi học để có kiến thức cũng đã có nhiều thay đổi. Phụ huynh cũng tin tưởng hơn với việc gửi con đi học bán trú, nội trú tại các trường học. Đó là yếu tố quyết định để kéo giảm bền vững với tình trạng này.

Ngoài ra, chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước với học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh dân tộc thiểu số cũng tích cực, kịp thời. Đó là việc hỗ trợ hoàn toàn chi phí tiền ăn, tiền ở để các học sinh và gia đình yên tâm".

"Để làm được hiệu quả, vai trò của việc phối hợp giữa Nhà trường, chính quyền địa phương và phụ huynh là rất cần thiết. Đối với chính quyền cấp xã trong những năm gần đây cũng đã có sự vào cuộc rất quyết liệt với việc này.

Nếu như trước đây, chính quyền địa phương vẫn thờ ơ và coi đây là trách nhiệm của giáo viên thì hiện nay có những nơi, chính quyền địa phương còn cử người đến tận các bản xa và đến tận từng nhà để tuyên truyền, vận động phụ huynh, học sinh", lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Con Cuông nhấn mạnh.

z6252668788154_bcf9be36c5321c3f0876ee8858279555.jpg
Thầy Vũ Văn Tùng, hiện là giáo viên Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Đinh Núp trong một lần vào tận rẫy để vận động học sinh quay trở lại trường học. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Chia sẻ về vấn đề này, thầy Vũ Văn Tùng, hiện là giáo viên Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Đinh Núp, xã Pờ Tó, huyện la Pa, tỉnh Gia Lai cho biết, đặc thù của trường học tại vùng có nhiều học sinh đồng bào dân tộc thiểu số, địa bàn lại rộng nên công tác vận động cũng gặp nhiều thách thức.

Theo thầy Tùng, việc này buộc giáo viên phải thực hiện liên tục và cần có sự phối hợp của nhiều bên liên quan.

"Thông thường học sinh trên địa bàn vào dịp nghỉ Tết cũng là đúng dịp bà con vào vụ thu hoạch nông sản. Vì thế, có những em phải theo bố mẹ vào các vùng xa xôi, cách xa trung tâm. Nếu không có người vào tận nơi để tuyên truyền, vận động thì hầu như các em không có tâm lý quay trở lại trường học.

Vì thế, để đạt hiệu quả vận động thì cần có sự kết hợp với các vị chức sắc của cộng đồng, đó có thể là các thôn trưởng hoặc già làng. Đặc biệt, một yếu tố không thể thiếu đó là yếu tố động viên, hoặc hỗ trợ vật chất đối với các học sinh để các em thấy rằng việc đến trường sẽ mang lại nhiều ý nghĩa và có ích cho tương lai hơn so với việc bỏ học", giáo viên Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Đinh Núp cho hay.

Ngoài việc đi vận học sinh, thầy Tùng nhấn mạnh, trước các đợt nghỉ dài ngày, nhất là dịp nghỉ Tết Nguyên đán, Nhà trường và các lớp phải chủ động để tổ chức các buổi họp phụ huynh.

Trong các buổi họp phụ huynh đó, ngoài việc thông báo kết quả học tập của học sinh đến các phụ huynh thì việc nhắc nhở để phụ huynh đảm bảo kỳ nghỉ an an toàn và động viên học sinh quay trở lại trường học dịp sau Tết Nguyên đán cũng được giáo viên thường xuyên nhắc nhở.

Tuy nhiên, theo thầy Tùng, cái khó nhất để phụ huynh hiểu đó là nhận thức của một số người về tầm quan trọng của việc học hành của các con chưa thật sự đúng đắn. Ngoài ra, có một số phụ huynh hạn chế về mặt ngôn ngữ giao tiếp bằng tiếng phổ thông nên việc truyền đạt và định hướng của các giáo viên chưa thực sự thẩm thấu.

"Việc khó khăn nhất mà chúng tôi phải đối diện khi đi vận động học sinh quay trở lại trường học có lẽ là do địa bàn quá rộng, giáo viên lại ít, các học sinh khi theo bố mẹ đi rẫy thường không ở một vị trí cố định mà rải rác ở khắp mọi nơi.

Việc này còn nhân lên gấp bội đối với các giáo viên là nữ vì họ rất khó để có thể đến tận nơi các học sinh đang ở để đưa về trường. Có những trường hợp quá xa, nếu phải ở lại qua đêm thì các giáo viên nữ cũng không thể ở lại được", giáo viên giáo viên Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Đinh Núp bày tỏ.

Chia sẻ thêm với phóng viên về tín hiệu tích cực, đó là trong mấy năm trở lại đây tình trạng này tại địa phương thầy Tùng đang công tác đã có chiều hướng giảm. Tuy nhiên, thầy Tùng nhấn mạnh rằng, để có thể chấm dứt tình trạng này thì các giáo viên và Nhà trường vẫn cần phải cố gắng nhiều hơn nữa.

Chia sẻ kinh nghiệm chấm dứt tình trạng học sinh bỏ học sau Tết từ một huyện miền núi Tây Bắc

Là một địa phương miền núi có nhiều học sinh thuộc đồng bào dân tộc thiểu số, tuy nhiên, thầy Phạm Thiết Chùy – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Nhé (tỉnh Điện Biên) cho biết, từ năm học 2021 - 2022 đến nay, tình trạng học sinh bỏ học sau Tết đã không còn nữa.

Chia sẻ cách làm của địa phương, thầy Chùy cho hay: "Đầu tiên chính là việc đảm bảo nề nếp của học sinh trong năm học để hình thành thói quen học tập liên tục cho các em, tránh tư tưởng "nghỉ xả hơi".

Bên cạnh đó là tạo dựng thật tốt và gắn kết mối quan hệ giữa Nhà trường, chính quyền địa phương và gia đình học sinh. Đặc biệt, trước khi chuẩn bị nghỉ Tết, Phòng Giáo dục và Đào tạo cũng đã làm việc với các xã. Bàn giao toàn bộ học sinh tại các trường về cơ sở, các điểm bản, gia đình để quản lý và giám sát học sinh.

Ngoài ra, chúng tôi cũng yêu cầu các Nhà trường cho phụ huynh cam kết (không bằng văn bản) vào cuộc họp phụ huynh vào cuối học kỳ về việc, hết kỳ nghỉ Tết thì có trách nhiệm đưa các con quay trở lại trường".

gdvn-thietchuy-8515.jpg
Thầy Phạm Thiết Chùy – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Nhé. Ảnh: Lại Cường

Qua đó, vị lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Nhé cho rằng, vai trò gắn kết giữa chính quyền địa phương, Nhà trường và các gia đình học sinh là rất quan trọng trong việc quản lý học sinh để góp phần giảm thiểu việc học sinh bỏ học sau Tết.

Ngoài ra, tại khu vực miền núi thì vai trò của cấp cơ sở, đặc biệt là Bí thư chi bộ thôn, bản và các Già làng, Trưởng bản là vô cùng cần thiết.

Bên cạnh đó, theo thầy Chùy, các năm gần đây đã có mặt của lực lượng công an chính quy được bố trí về các xã, một số địa phương tiếp giáp biên giới còn có lực lượng bộ đội biên phòng cũng đã đóng góp rất nhiều trong việc duy trì tỷ lệ học sinh đi học đều đặn sau các kỳ nghỉ dài.

"Ngoài việc phối hợp giữa các bên liên quan thì chính các giáo viên cũng phát huy vai trò của mình. Đó là bám sát liên tục các học sinh dịp trước, trong và sau Tết thông qua các nhóm Zalo. Thông qua đó, các giáo viên cũng sẽ nắm được tình hình an toàn của học sinh, đồng thời ghi nhận những yếu tố bất thường và báo lãnh đạo Nhà trường để kịp thời đưa ra các phương án xử lý.

Bên cạnh đó, tại huyện Mường Nhé trong những năm gần đây, việc tổ chức các lễ hội trước và sau Tết Nguyên đán cũng đã có sự điều chỉnh. Đó là việc tổ chức các lễ hội sẽ tránh thời điểm các học sinh đã quay trở lại trường học để các em chuyên tâm vào học hành.

Ví dụ, nếu học sinh quay trở lại trường vào ngày Mồng 6 Tết thì các lễ hội cũng chỉ diễn ra đến hết ngày Mồng 3 Tết. Điều này là để các em loại bỏ được tư tưởng nghỉ Tết dài và luôn sẵn sàng quay lại trường học theo đúng thời gian đã định sẵn", lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Nhé nhấn mạnh.

Trung Dũng