Sự việc thầy giáo Phan Khắc Nghệ - giáo viên luyện thi môn Sinh tại Hà Tĩnh tổ chức luyện thi online, trong buổi tổng ôn cuối cùng có những câu hỏi giống đến 80% đề thi chính thức môn Sinh học kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông 2021 đang tạo ra nhiều ý kiến tranh luận của nhiều người.
Đúng sai thế nào, có lẽ cần có câu trả lời từ cơ quan chức năng. Nhưng từ sự việc này, chúng tôi nhận thấy một hiện thực "thầy đoán đề, trò ôn tủ" đã tồn tại bao nhiêu năm nay đối với những thầy cô đã và đang ôn thi cho học sinh cuối cấp như thi tuyển sinh 10 hay thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Bởi vì với cấu trúc đề và hướng dẫn của các kỳ thi cố định như hiện nay thì chỉ có những thầy cô ít kinh nghiệm mới không biết “đoán đề” còn những thầy cô ôn thi lâu năm thì họ đã có những trải nghiệm và nghiên cứu rất kỹ lưỡng cách ra đề để hướng cho học trò của mình đạt được điểm cao.
Có điều, giáo viên đoán đúng đề đến 80% đề thi chính thức như thầy giáo Phan Khắc Nghệ thì hiếm gặp, chứ đúng cỡ tầm vài chục phần trăm đề thi thì không hiếm trong quá trình ôn tập cho học trò chuẩn bị thi cuối cấp.
Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021, ảnh: Phương Linh |
“Đoán đề” thi đại trà hiện nay không khó
Việc đoán đề thi học sinh giỏi văn hóa cuối cấp mới khó đối với giáo viên, còn đoán đề thi đại trà như thi tốt nghiệp trung học phổ thông, thi tuyển sinh 10 thì thực ra không khó với những thầy cô dạy và ôn thi lâu năm ở cuối các cấp học.
Bởi, với chủ trương của Bộ, của các Sở Giáo dục hiện nay là học đâu, thi đó, không ra đề ngoài kiến thức sách giáo khoa, nhất là 2 năm nay do dịch bệnh Covid-19 nên nhiều kiến thức bài học đã được tinh giản thì việc ôn tập cho học trò cuối cấp không phải là công việc quá khó đối với giáo viên.
Nhất là đối với đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông thì năm nào Bộ cũng đều công bố đề thi minh họa trước kỳ thi nên các dạng câu hỏi, dạng đề, đáp án đã trở nên quá quen thuộc với giáo viên và học sinh ôn thi.
Vì thế, hiện tượng giáo viên dự đoán được nhiều nội dung giống đề thi chính thức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông là bình thường (mặc dù "đoán" giống đến 80% đề thi môn Sinh như thầy Phan Khắc Nghệ, quả là một chuyện hy hữu), nó phản ánh thực tế việc học và ôn thi hiện nay ở các nhà trường.
Nếu không đổi mới cách thi cử thì hiện tượng “đoán đề” sẽ thường xuyên xảy ra
Từ lâu, Bộ Giáo dục đã triển khai việc dạy học, kiểm tra theo hướng phát triển năng lực của học trò. Tuy nhiên, công cụ, tiêu chí đánh giá phẩm chất và năng lực học trò như thế nào, đến nay người viết chưa thấy.
Thực tế các bài thi, kiểm tra hiện nay vẫn là kiểm tra khả năng ghi nhớ (học thuộc) những đơn vị kiến thức và mẹo giải bài, có chăng chỉ là thay đổi tên bài thi, kiểm tra trước đây thành "bài kiểm tra đánh giá năng lực".
Cứ nhìn vào đề bài "kiểm tra đánh giá năng lực" của các trường phổ thông tuyển sinh đầu cấp (lớp 6, lớp 10) có đông thí sinh đăng ký tại Hà Nội hay thành phố Hồ Chí Minh, có thể thấy rất rõ điều này.
Ngay cả kỳ thi trung học phổ thông quốc gia trước đây và bây giờ là kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông cũng chưa làm rõ được khái niệm phát triển năng lực. Đề thi năm nay cũng vậy, chẳng hạn như khi Bộ công bố đáp áp môn Ngữ văn thì có tới 2 câu chỉ cần chép lại đề bài thì thí sinh cũng đã có 1,5 điểm.
Đề bài yêu cầu: “cảm nhận của trò” nhưng đáp án là của thầy, thí sinh làm sai đáp án của người ra đề rất khó được điểm cao, cho dù là bài làm hay, sáng tạo. Bởi, điểm sáng tạo cho toàn bài văn chỉ có 0,75 điểm.
Vì thế, nếu Bộ vẫn giữ cách thi cử như hiện nay thì giáo viên sẽ còn đoán đề một cách dễ dàng và tỉ lệ chính xác sẽ không phải là thấp. Không chỉ đoán đề mà giáo viên ôn thi còn phải chỉ ra cả những “mẹo” cho học sinh khi làm bài thi như thế nào để đạt được điểm cao.
Muốn thay đổi việc thi cử và hướng tới việc phát triển phẩm chất, năng lực cho học trò, cho thí sinh thì đề thi phải mở, phải có nhiều câu hỏi vận dụng cho từng tình huống, từng sự việc, vấn đề cụ thể.
Nhưng, nhìn chung các đề thi chưa làm tốt công việc này.
Trong khi, thí sinh ôn thi, tham gia thi thì mục tiêu cuối cùng là điểm số của kỳ thi, giáo viên ôn thi không đạt chỉ tiêu của nhà trường thì tất nhiên sẽ ảnh hướng tới công việc. Người thầy dạy thêm nếu không biết định hướng, không biết đoán đề thì uy tín sẽ không cao, không có người theo học.
Vì vậy, khi nào mà Bộ còn vận hành cách thi cử như hiện nay thì việc đoán đề thi, học lệch, học tủ sẽ còn xảy ra, tình trạng dạy thêm, học thêm sẽ còn tiếp diễn.
Tài liệu tham khảo:
https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/bo-gd-dt-xac-minh-vu-de-on-tap-mon-sinh-hoc-o-ha-tinh-giong-den-80-de-thi-tot-nghiep-thpt-755837.html
https://tuoitre.vn/bo-gd-dt-noi-gi-ve-de-sinh-tot-nghiep-thpt-giong-noi-dung-on-tap-cua-mot-giao-vien-2021071413151745.htm
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.