Giáo viên được tập huấn ra đề trắc nghiệm môn Ngữ văn thế nào?

20/08/2022 06:36
Cao Nguyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Đến thời điểm này, giáo viên Ngữ văn các tỉnh thành đã được tập huấn chương trình mới, trong đó có hình thức ra đề tự luận kết hợp trắc nghiệm.

Ngày 18/8/2022, Vụ Giáo dục trung học - Bộ Giáo dục và Đào tạo, khẳng định: không có văn bản nào hướng dẫn hoặc chỉ đạo việc bắt buộc sử dụng hình thức trắc nghiệm khách quan kết hợp tự luận trong kiểm tra đánh giá định kì đối với môn Ngữ văn. [1]

Như thế, Bộ Giáo dục và Đào tạo không cấm sử dụng hình thức trắc nghiệm trong kiểm tra môn Ngữ văn.

Giáo viên đã được tập huấn cách thức ra đề trắc nghiệm môn Ngữ văn

Thực ra, về hình thức kiểm tra, đánh giá và thi cử đối với môn Ngữ văn đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Cụ thể, Chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn ban hành kèm theo Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định cách thức đánh giá môn học này như sau (trích):

"Đánh giá định kì thường thông qua các đề kiểm tra hoặc đề thi viết. Đề thi, kiểm tra có thể yêu cầu hình thức viết tự luận (một hoặc nhiều câu); có thể kết hợp hình thức trắc nghiệm khách quan (câu hỏi trắc nghiệm khách quan) và hình thức tự luận (câu hỏi mở) để đánh giá đọc hiểu và yêu cầu viết bài văn về một chủ đề nào đó theo từng kiểu văn bản đã học trong chương trình". [2]

Một phần nội dung tập huấn về việc ra đề trắc nghiệm môn Ngữ văn. (Ảnh: Cao Nguyên)

Một phần nội dung tập huấn về việc ra đề trắc nghiệm môn Ngữ văn. (Ảnh: Cao Nguyên)

Cùng với đó, giáo viên bậc trung học cơ sở, trung học phổ thông đã được tập huấn hình thức ra đề tự luận kết hợp trắc nghiệm đối với môn Ngữ văn.

Người viết được gửi tài liệu "Xây dựng ma trận, đặc tả đề kiểm tra định kì môn Ngữ văn" (Lưu hành nội bộ), trong đó có nội dung "Một số lưu ý đối với việc viết câu hỏi trắc nghiệm khách quan nhiều lựa chọn và tự luận" (nội dung 3).

Ví dụ, phần đọc hiểu lớp 9, số câu hỏi theo mức độ nhận thức được quy định: nhận biết (3 câu trắc nghiệm); thông hiểu (4 trắc nghiệm, 1 tự luận); vận dụng (2 tự luận).

Đề tham khảo kiểm tra cuối học kì 1 - Chương trình Ngữ văn 9 như sau:

Đề kiểm tra môn Ngữ văn 9. (Ảnh: Cao Nguyên)

Đề kiểm tra môn Ngữ văn 9. (Ảnh: Cao Nguyên)

Ý kiến trái chiều ra đề kiểm tra Ngữ văn theo hình thức trắc nghiệm

Giáo viên môn Ngữ văn trên cả nước đang tranh cãi không hồi kết, có nên ra đề kiểm tra, đề thi môn Ngữ văn theo hình thức trức nghiệm hay không.

Ủng hộ cách ra đề trắc nghiệm, cô Trần Hằng Ngân (bài viết đã đổi tên các nhân vật theo yêu cầu), giáo viên tỉnh Nghệ An cho biết:

Quan điểm tôi thì muốn ra đề trắc nghiệm nhưng là trắc nghiệm điền kết quả chứ không chọn đáp án A, B vì chọn có xác suất ăn may. Còn viết bài luận phải là từ một câu nói, một tình huống, 1 câu chuyện... học sinh bàn luận chứ không hỏi rõ ra vấn đề.

Còn nghị luận văn học thì ra ngoài sách giáo khoa, ví dụ như là trong sách có tác giả Nam Cao và tác phẩm "Chí Phèo" thì giờ sẽ ra tác phẩm khác như "Đời thừa", "Trăng sáng". Hay buộc giáo viên phải dạy kỹ năng cảm thụ văn chương mà học sinh thì phải biết kỹ năng đã đành nhưng phải học và đọc, tìm tòi rộng hơn. Như thế đề sẽ không còn tủ không còn văn mẫu nữa".

Cùng chung quan điểm, cô Phương Thúy ở Hà Nội chia sẻ, còn nhớ năm 2003 thí điểm sách giáo khoa mới, kiểm tra có sử dụng trắc nghiệm. Sau đó, khi đã đưa vào đại trà thì hạn chế và bỏ hẳn trắc nghiệm.

Nếu làm đề cẩn thận và chất lượng, trắc nghiệm khách quan có thể đánh giá tốt phần đọc hiểu và kiến thức tiếng Việt của học sinh. Phần viết sẽ đánh giá năng lực sử dụng ngôn ngữ, tư duy giải quyết vấn đề, khả năng tạo lập văn bản theo yêu cầu".

Tuy vậy, cô Võ Viên ở Nghệ An nói rằng, nếu ra đề trắc nghiệm thì học sinh sẽ dần mất đi cái khái niệm viết cảm thụ. Đơn giản giáo viên muốn dạy phải soạn bài, chuẩn bị bài trong khi học sinh bắt cảm thụ một vấn đề mà các em chưa được đọc qua và chuẩn bị trước thì nan giải lắm.

"Văn học là để được cảm thụ, được viết, được hình dung, đánh thức cảm xúc trong người đọc. Đề mà có trắc nghiệm thì chẳng khác nào lại biến học trò thành cái máy học, còn giáo viên lại thành những người thợ luyện chứ không phải là những người truyền cảm hứng học văn cho học sinh", cô Quỳnh Giao ở Hà Nội nêu ý kiến.

Mỗi dạng trắc nghiệm đều có những ưu khuyết nhất định

* Ưu điểm và nhược điểm của câu trắc nghiệm nhiều lựa chọn

- Ưu điểm: Có thể đo được khả năng tư duy khác nhau... Có thể dùng loại này để kiểm tra, đánh giá những mục tiêu giảng dạy khác nhau; Nội dung đánh giá được nhiều, có thể bao quát được toàn bộ chương trình học;

Độ tin cậy cao hơn, yếu tố đoán mò may rủi giảm hơn so với câu hỏi có 2 lựa chọn... (câu hỏi đúng sai); Độ giá trị cao hơn nhờ tính chất có thể dùng đo những mức nhận thức và tư duy khác nhau và ở bậc cao; Việc chấm bài nhanh hơn, khách quan hơn; Khảo sát được số lượng lớn thí sinh.

- Hạn chế: Khó và tốn thời gian soạn câu hỏi/các phương án nhiễu; Các câu hỏi dễ rơi vào tình trạng kiểm tra việc ghi nhớ kiến thức nếu viết hời hợt; Các câu trắc nghiệm nhiều lựa chọn có thể khó đo được khả năng phán đoán tinh vi, khả năng giải quyết vấn đề một cách khéo léo và khả năng diễn giải một cách hiệu nghiệm bằng câu hỏi loại tự luận.

* Ưu điểm và hạn chế của câu trắc nghiệm tự luận

- Ưu điểm: Đánh giá được những năng lực nhận thức và tư duy bậc cao, như năng lực thảo luận về một vấn đề, năng lực trình bày quan điểm, năng lực miêu tả và trình bày theo quy trình hoặc hệ thống, năng lực nhận diện nguyên nhân và trình bày giải pháp… Phù hợp để đánh giá quá trình tư duy và lập luận của thí sinh.

Mang lại trải nghiệm thực tế cho thí sinh: câu hỏi tự luận thường mang lại bối cảnh để thí sinh thể hiện năng lực gần với đời sống hơn là câu trắc nghiệm. Những kỹ năng phù hợp với đánh giá qua trắc nghiệm tự luận như kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng ra quyết định, kỹ năng lập luận bảo vệ quan điểm… đều là những kỹ năng mang ý nghĩa sống còn với cuộc sống.

Có thể đánh giá được thái độ của người học thông qua việc trả lời câu trắc nghiệm tự luận, điều này rất khó thực hiện khi sử dụng câu trắc nghiệm khách quan.

Hạn chế: chỉ đánh giá được một phạm vi nội dung nhất định, khó đảm bảo tính đại diện cho nội dung cần đánh giá: bởi vì câu trắc nghiệm tự luận cần có thời gian để thí sinh trả lời câu hỏi, nên một đề kiểm tra không thể bao gồm quá nhiều câu tự luận, từ đó dẫn đến không thể bao phủ toàn bộ những nội dung cần đánh giá, và khó đảm bảo độ giá trị của câu hỏi.

Với loại câu hỏi này, thông thường viết câu hỏi thì nhanh nhưng việc chấm điểm thì tốn thời gian và đòi hỏi người chấm điểm phải thành thạo chuyên môn.

Việc chấm điểm cũng khó tránh khỏi chủ quan của người chấm, ảnh hưởng đến độ tin cậy của kết quả đánh giá. Trình độ, năng lực, hiểu biết về thí sinh, thậm chí cả trạng thái tâm lý của người chấm điểm đều có thể ảnh hưởng đến điểm số.

Nhìn chung, câu trắc nghiệm tự luận sử dụng phù hợp nhất để: (i) đánh giá mức độ nắm vững một nội dung kiến thức thuộc môn học; (ii) đánh giá khả năng lập luận của người học, sử dụng kiến thức môn học.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://giaoduc.net.vn/bo-giao-duc-khong-bat-buoc-kiem-tra-mon-ngu-van-tu-luan-hay-trac-nghiem-post228939.gd

[2] http://rgep.moet.gov.vn/chuong-trinh-gdpt-moi/chuong-trinh-cac-mon-hoc/chuong-trinh-mon-ngu-van-4729.html?fbclid=IwAR3fwYAnaFlOqXL5qrecq9P_D_rPQQe3eHQZrOQ6SD12crf9YZx08V069dY

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Cao Nguyên