Giáo viên thắc mắc đề thi môn Ngữ văn ra văn bản ngoài SGK dựa trên căn cứ nào?

14/08/2022 06:52
Hương Ly
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nhiều giáo viên đang băn khoăn không biết đề kiểm tra, đề thi môn Ngữ văn (câu nghị luận văn học) ra văn bản ngoài sách giáo khoa thế nào cho hợp lí.

Ngày 13/8/2022, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải bài viết Năm 2023, đề thi tốt nghiệp môn Ngữ văn đã ra văn bản ngoài sách giáo khoa hay chưa? nhận được sự quan tâm đông đảo của giáo viên giảng dạy môn Ngữ văn và các em học sinh cuối cấp (lớp 9, 12).

Bài báo giúp thầy cô và các em học sinh giải tỏa băn khoăn, lo lắng với câu hỏi không biết từ năm học 2022-2023 đề thi môn Ngữ văn đã ra văn bản ngoài sách giáo khoa hay chưa.

Nội dung bài viết nêu căn cứ cho rằng chưa có quy định sử dụng văn bản ngoài sách giáo khoa để ra đề thi tuyển sinh 10 hay đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông và theo đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, khi học sinh lớp 12 bắt đầu học chương trình mới là năm 2025 thì sẽ có phương thức thi mới.

Ảnh minh họa: Hoài Ân (giaoduc.net.vn)

Ảnh minh họa: Hoài Ân (giaoduc.net.vn)

Kiểm tra, đánh giá khác với kì thi

Tuy vậy, vẫn có một số giáo viên thắc mắc xung quanh việc đề thi tốt nghiệp môn Ngữ văn đã ra văn bản ngoài sách giáo khoa hay chưa. Người viết xin có đôi điều chia sẻ với thầy cô về đề kiểm tra và hướng ra đề thi môn Ngữ văn theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Cô N.T., giáo viên môn Ngữ văn ở Hải Dương (và nhiều giáo viên khác) cho rằng đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông môn Ngữ văn năm 2022-2023 có thể ra văn bản (nghị luận văn học) ngoài sách giáo khoa vì nội dung Công văn 3175/BGDĐT-GDTrH ghi:

"Trong quá trình đánh giá kết quả học tập cuối kì, cuối năm học, cuối cấp học, tránh dùng lại các văn bản đã học trong sách giáo khoa làm ngữ liệu xây dựng các đề kiểm tra đọc hiểu và viết để đánh giá chính xác năng lực học sinh, khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn". [1]

Người viết cho rằng, Công văn 3175/BGDĐT-GDTrH của Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn ở trường phổ thông - không liên quan đến việc thi tuyển sinh, thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Cụ thể, Bộ Giáo dục và Đào tạo "khuyến khích giáo viên xây dựng và sử dụng các đề mở trong kiểm tra, đánh giá để phát huy cao nhất khả năng sáng tạo của học sinh. Xây dựng bộ công cụ đánh giá để hạn chế tính chủ quan, cảm tính của người chấm".

Hơn nữa, việc kiểm tra đánh giá hoàn toàn khác với thi cử, vì kiểm tra, đánh giá được thực hiện cho các cột điểm: miệng; 15 phút; kiểm tra định kì (giữa kì, cuối kì). Còn thi cử, theo Luật Giáo dục 2019, bậc phổ thông chỉ có 2 kì thi, đó là kì thi tuyển sinh (9 lên 10) và kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Theo người viết, hiện, trên các phương tiện thông tin truyền thông, kể cả nhiều giáo viên vẫn nhầm lẫn kì kiểm tra định kì của học sinh phổ thông là kì thi nên nói và viết không chính xác, chẳng hạn như: "học sinh chuẩn bị thi học kì 2", "học sinh vừa thi xong cho các em nghỉ xả hơi"...

Nên ra tác phẩm văn học ngoài sách giáo khoa thế nào cho hợp lí?

Cô N. T., giáo viên dạy môn Ngữ văn ở Bắc Giang nêu ý kiến: nếu câu nghị luận văn học lấy đề ngoài sách giáo khoa thì ngữ liệu đấy lấy ở đâu? Ai sẽ là người kiểm tra và thẩm định nguồn ngữ liệu ấy? Căn cứ vào đâu, cho rằng đáp án đưa ra là đúng hoặc chưa đúng?

Tương tự, cô H. H., giáo viên môn Ngữ văn ở Hải Dương lo lắng, nếu cho câu nghị luận văn học là tác phẩm ngoài chương trình thì điểm thi tốt nghiệp môn Ngữ văn sẽ thấp hơn nhiều so với các năm qua.

"Phải thay đổi cấu trúc đề: phần đọc hiểu nhiều điểm hơn và nghị luận văn học thay bằng nghị luận xã hội", cô H. đề xuất.

Cần thấy rằng, mỗi trường học lựa chọn một bộ sách Ngữ văn Chương trình mới khác nhau. Vậy nên, tới đây việc ra đề kiểm tra, đề thi môn Ngữ văn sẽ ra tác phẩm ngoài sách giáo khoa là không có gì phải bàn cãi.

Có thể khẳng định, yêu cầu không sử dụng lại ngữ liệu sách giáo khoa trong kiểm tra cuối cấp, cuối học kỳ là rất đúng đắn, bởi sẽ hạn chế tình trạng học sinh học tủ, học vẹt, đoán đề và buộc giáo viên phải đổi mới phương pháp giảng dạy.

Vấn đề cần bàn là, nên ra tác phẩm văn học ngoài sách giáo khoa thế nào cho hợp lí?

Theo tôi, có hai vấn đề cần quan tâm đó là sự thay đổi phương pháp giảng dạy của giáo viên và sự chỉ đạo chuyên môn nhất quán của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Cụ thể, cần chấm dứt việc thầy đọc/chiếu, trò chép; việc truyền đạt một chiều, thay vào đó học sinh phải chủ động, tích cực trong việc học. Giáo viên phải thay đổi hình thức ra đề kiểm tra theo lối mòn, thay đổi cách đánh giá, trong đó ghi nhận sự tiến bộ của học sinh qua những phát hiện mới mẻ, thậm chí với cả những quan điểm trái chiều của học sinh.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có sự chỉ đạo rõ ràng về chuyên môn giúp thầy cô, học sinh không bỡ ngỡ khi đề Ngữ văn ra tác phẩm ngoài sách giáo khoa. Ví dụ, cách thức ra đề kiểm tra thường xuyên, định kỳ, cấu trúc đề thi tuyển sinh, đề thi tốt nghiệp. Cùng với đó là các tiêu chí đánh giá có liên quan.

Quan điểm cá nhân tôi cho rằng, ngành giáo dục nên tham khảo cách ra đề thi tuyển sinh 10 của Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh những năm qua thì việc lấy tác phẩm ngoài sách giáo khoa không có gì khó khăn cả.

Ví dụ, đề thi năm 2020, câu nghị luận văn học yêu cầu: từ những trải nghiệm trong quá trình đọc tác phẩm văn học, hãy viết bài văn với nhan đề: Lắng nghe tác phẩm - Hiểu về cuộc sống.

Đáp án đề thi cũng rất mở, có nhiều "đất" cho học sinh sáng tạo mà không cần phải học thuộc lòng văn mẫu, cụ thể như sau:

Đáp án môn Ngữ văn thi tuyển sinh 10 năm 2020 của Sở Giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Hương Ly)Đáp án môn Ngữ văn thi tuyển sinh 10 năm 2020 của Sở Giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Hương Ly)

Hay đề thi năm 2022: Từ tin nhắn của thời gian (tuổi trẻ ơi, trong hành trang của tuổi thanh xuân không thể thiếu những quyển sách giúp bạn hiểu thêm về chính mình) và những trải nghiệm trong quá trình đọc, hãy viết bài văn nghị luận về một quyển sách hoặc một tác phẩm văn học đã giúp em hiểu thêm về chính mình.

Đáp án đề văn này như sau:

Đáp án môn Ngữ văn thi tuyển sinh 10 năm 2022 của Sở Giáo dục Thành phố. (Ảnh: Hương Ly)

Đáp án môn Ngữ văn thi tuyển sinh 10 năm 2022 của Sở Giáo dục Thành phố. (Ảnh: Hương Ly)

Trong một diễn biến khác có liên quan, ngày 11/8, trong buổi bồi dưỡng giáo viên sử dụng sách giáo khoa Ngữ văn 10 diễn ra tại Trường Trung học phổ thông Nguyễn Thượng Hiền, quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh, Tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Thúy (Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, thành viên biên soạn bộ sách Chân trời sáng tạo) cho biết:

“Thắc mắc của thầy cô về cách thức đánh giá chưa thể giải đáp ở đây được. Theo kế hoạch, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tổ chức hội thảo về kiểm tra đánh giá, dự kiến tổ chức tại Hải Phòng trong ngày 14 và 15/8”. [2]

Tài liệu tham khảo:

[1] https://thuvienphapluat.vn/cong-van/Giao-duc/Cong-van-3175-BGDDT-GDTrH-2022-doi-moi-phuong-phap-day-va-kiem-tra-mon-Ngu-van-522950.aspx

[2] https://thanhnien.vn/tap-huan-su-dung-sach-giao-khoa-moi-nhung-giao-vien-chua-co-sach-post1487554.html

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Hương Ly