Sáng ngày 10/6, thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh lớp 10 trung học phổ thông năm học 2023-2024 tại Hà Nội đã hoàn thành bài thi môn Ngữ văn. Môn thi được thi theo hình thức tự luận, thời gian làm bài 120 phút.
Nhận định về đề thi Ngữ văn, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, nhà giáo Bùi Thị Minh Hồng – Tổ trưởng Tổ Xã hội và Năng khiếu Trường Trung học cơ sở Phú Diễn (Hà Nội) cho biết, đề thi môn Ngữ văn vào lớp 10 trung học phổ thông năm 2023-2024 của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội không quá khó nhưng cũng không hề dễ đối với đại đa số học sinh. Dự đoán phổ điểm trung bình 7-7,5 điểm sẽ nhiều.
Nhà giáo Bùi Thị Minh Hồng – Tổ trưởng Tổ Xã hội và Năng khiếu Trường Trung học cơ sở Phú Diễn (Hà Nội). Ảnh: NVCC. |
Cụ thể, cô Hồng phân tích, ở Phần I, đề ra vào đoạn trích văn bản nằm trong chương trình học: “Những ngôi sao xa xôi” của nhà văn Lê Minh Khuê.
Ở câu 1 và 2 Phần I, nội dung không khó nhưng đòi hỏi học sinh phải nhớ/thuộc dẫn chứng và phải biết suy luận mới trả lời đúng. Còn câu 4 Phần I hỏi về việc kể tên một văn bản khác cũng viết về thế hệ trẻ Việt Nam thời chống Mĩ thì dạng câu này đã quen và các em được luyện nhiều nên đa số trả lời đúng.
Có một điểm khác là ở câu 3 Phần I yêu cầu viết đoạn văn (Nghị luận văn học) dung lượng nhiều hơn năm ngoái (khoảng 15 câu), nội dung về tình đồng chí đồng đội của ba cô nữ Thanh niên xung phong nên cũng khá khó với những học sinh nếu không học kĩ và không nhớ kiến thức, dẫn chứng để đảm bảo đủ dung lượng. Kiến thức Tiếng Việt vận dụng trong đoạn văn là phép nối và câu cảm thán thì đã quen thuộc với học sinh.
Ở Phần II Nghị luận xã hội, các câu 1 và 2 cách hỏi cũng không quá khó để học sinh nhận biết và trả lời đúng.
Câu 3 yêu cầu viết đoạn văn Nghị luận xã hội về ý nghĩa của việc làm chủ cảm xúc bản thân.
“Ở câu 3 này, theo tôi, trước hết, học sinh nếu đọc kĩ yêu cầu của đề, nắm vững dàn mục của đoạn văn Nghị luận xã hội đã được luyện khá nhiều thì sẽ viết được từng ý. Sẽ không khó với những học sinh học khá, chắc kiến thức và biết phân tích, suy luận, biết nêu dẫn chứng chọn lọc tiêu biểu về cả hai mặt: làm chủ cảm xúc và không làm chủ cảm xúc thì sẽ có ý nghĩa/tác hại như thế nào và nêu được bài học nhận thức và hành động của bản thân. Còn đối với học sinh trung bình sẽ khó viết tốt được ở câu 3”, cô Hồng chia sẻ.
Đánh giá chung về đề thi Ngữ văn vào lớp 10 năm học 2023-2024 của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, cô Hồng cho biết, nhìn chung, đề thi năm nay vẫn theo mô típ cấu trúc đề như các năm qua, không có nhiều thay đổi, không đánh đố học trò, chỉ có dung lượng yêu cầu viết đoạn văn Nghị luận văn học ở Phần I là số câu có tăng hơn so với năm trước. Đề thi đòi hỏi học sinh phải có các kĩ năng như: đọc, phân tích đề, xử lí đề; kĩ năng trả lời các câu hỏi nhỏ; kĩ năng viết đoạn văn nghị luận văn học và nghị luận xã hội. Đề đã bám sát kiến thức cơ bản trong chương trình Ngữ văn 9 và viết đoạn văn Nghị luận xã hội khá ý nghĩa, thiết thực vì ai cũng cần làm chủ cảm xúc của bản thân trong nhiều hoàn cảnh.
Đề thi đảm bảo tính phân hóa phân loại học sinh, phát huy năng lực và phẩm chất người học, từng bước đáp ứng yêu cầu của đổi mới. Là cơ sở, tiền đề cho sự đổi mới hoàn toàn cách kiểm tra và đánh giá năng lực học sinh vào các năm tới, khi học sinh lớp 9 thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Giáo viên, học sinh, phụ huynh cũng không bị bất ngờ và hoàn toàn nhất trí với cấu trúc đề thi môn Ngữ văn vào lớp 10 của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội năm nay.
“Năm tới đây là năm cuối cùng của lớp 9 thi vào 10 học theo chương trình năm 2006, mong rằng, đề thi vào 10 môn Ngữ văn cũng sẽ giữ được cấu trúc như năm nay, không có sự xáo trộn quá nhiều, gây sự hoang mang lo lắng cho người dạy và người học”, nhà giáo Bùi Thị Minh Hồng cho biết.
Cùng chia sẻ với phóng viên, nhà giáo Hoàng Thị Thúy Hằng – giáo viên môn Ngữ văn, Trường Trung học cơ sở Hồng Thái (Hà Nội) cho biết, so với các năm trước, đề thi vào lớp 10 trung học phổ thông năm học 2023-2024 của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội không có nhiều thay đổi.
Điểm mới về cấu trúc của đề thi Ngữ văn năm nay là Nghị luận văn học ở Phần I, Nghị luận xã hội ở Phần II.
Chi tiết, ở Phần I, đề ra vào đoạn trích trong Truyện ngắn “Những ngôi sao xa xôi” của nhà văn Lê Minh Khuê. Đây là văn bản nằm trong chương trình học, học sinh chắc chắn được ôn tập kỹ nên sẽ dễ dàng có điểm. Đặc biệt, câu 4 Phần I, học sinh sẽ dễ dàng có điểm khi nhắc đến tên bài “Bài thơ Tiểu đội xe không kính” của tác giả Phạm Tiến Duật.
Nhà giáo Hoàng Thị Thúy Hằng – giáo viên môn Ngữ văn, Trường Trung học cơ sở Hồng Thái (Hà Nội) cùng các em học sinh. (Ảnh: NVCC). |
Theo cô Hằng, về Phần II, ở câu 2, phần đưa ngữ liệu rất hay. Bởi, xưa nay, các đề thi nếu có thì đều nhắc về tình mẫu tử, ít khi khai thác về cảm xúc, tình cảm của người cha. Đề Ngữ văn thi vào lớp 10 của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội năm học 2023-2024 khai thác được điều này.
Câu 3, Phần II yêu cầu học sinh bộc lộ suy nghĩ, cảm xúc của bản thân trước vấn đề: cảm xúc của bản thân vui, buồn, yêu, ghét thể hiện một cách bộc phát đôi khi lại trở thành sự lo lắng của người thân quanh ta… Câu này mang tính phân loại được học sinh rất cao.
“Nhìn chung, với đề thi môn Ngữ văn vào lớp 10 trung học phổ thông năm học 2023-2024 của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, học sinh có thể làm tốt vì nội dung quen thuộc và đã được ôn tập. Tôi đánh giá cao phần ngữ liệu và cách hỏi ở Phần II của đề thi Ngữ văn năm nay”,
_Nhà giáo Hoàng Thị Thúy Hằng chia sẻ_
Cũng theo cô Hằng, với kỳ vọng của giáo viên về đổi mới kiểm tra đánh giá thì đề thi môn Ngữ văn vào lớp 10 năm nay xứng đáng được khen ngợi. Bởi, đề không chỉ đáp ứng được về kĩ năng nhận biết, thông hiểu, vận dụng mà còn rất hay trong cách đặt vấn đề cho học sinh bộc lộ cảm xúc, nhìn nhận lại bản thân từ thái độ đến hành vi ở Phần II.
“So với các đề năm trước, thì đề thi vào 10 môn Ngữ văn năm nay của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội có tính chất mở rõ hơn và các thí sinh sẽ có cảm xúc viết tốt hơn”, nhà giáo Hoàng Thị Thúy Hằng nhận xét