Giáo viên sẽ không còn được nhận các loại phụ cấp nào từ 01/7 tới?

04/04/2024 06:42
Bùi Nam
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Từ 01/7, tiền lương được xác định là khoản thu nhập chính của giáo viên, các khoản phụ cấp được xác định là phụ, không còn việc tiền phụ cấp cao hơn tiền lương.

Theo Nghị quyết 104/2023/QH15 thì từ ngày 01/7/2024, thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII (Nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương bảo đảm từ nguồn cải cách tiền lương tích lũy của ngân sách trung ương, ngân sách địa phương và một phần bố trí trong dự toán chi cân đối ngân sách nhà nước); điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công và một số chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở.

Ngoài mức lương cơ bản, chế độ tiền lương mới còn sắp xếp lại các loại phụ cấp chiếm tối đa 30% tổng quỹ lương (trong đó có trường hợp cao hơn 30% hoặc thấp hơn 30%) và 10% tiền thưởng.

gdvn-Lã Tiến.jpg
Ảnh minh họa: Giaoduc.net.vn

Giáo viên sẽ không còn các khoản phụ cấp này từ 01/7

Từ 01/7, theo quyết định của các cấp có thẩm quyền và thực hiện theo Nghị quyết 27-NQ/TW sẽ sắp xếp lại các chế độ phụ cấp hiện hành sẽ bãi bỏ các khoản phụ cấp, theo đó, giáo viên sẽ không còn được nhận các loại phụ cấp dưới đây:

Thứ nhất, không còn phụ cấp thâm niên nghề cho nhà giáo

Hiện nay, giáo viên được hưởng phụ cấp thâm niên, sau 5 năm công tác đủ 5 năm (60 tháng) được tính hưởng phụ cấp thâm niên bằng 5% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có). Từ năm thứ sáu trở đi, mỗi năm (đủ 12 tháng) được tính thêm 1%.

Nghị quyết 27-NQ/TW sẽ bãi bỏ phụ cấp thâm niên nghề (trừ quân đội, công an, cơ yếu để bảo đảm tương quan tiền lương với cán bộ, công chức).

Như vậy, nhà giáo (kể cả cán bộ quản lý giáo dục) sẽ là đối tượng không được hưởng phụ cấp thâm niên từ 01/7 tới.

Không còn phụ cấp thâm niên, giáo viên công tác lâu năm sẽ mất đi một khoản thu nhập đáng kể, tuy nhiên khi chuyển từ lương hiện hành sang lương mới từ 01/7 đảm bảo sẽ không thấp hơn lương cũ. Nên, nhà giáo yên tâm về việc không còn phụ cấp thâm niên.

Thứ hai, không còn phụ cấp chức vụ

Hiện nay, hiệu trưởng, hiệu phó, tổ trưởng, tổ phó chuyên môn các trường mầm non, phổ thông được hưởng phụ cấp chức vụ với hệ số từ 0,15-0,7 nhân với mức lương cơ sở.

Từ 01/7 tới, cũng theo Nghị quyết 27-NQ/TW, sẽ sắp xếp lại phụ cấp, trong đó sẽ không còn mức lương cơ sở, cũng không còn phụ cấp chức vụ.

Tức, các vị trí tổ trưởng, tổ phó chuyên môn sẽ không được hưởng phụ cấp chức vụ. Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng nếu xếp vào bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ cũng không còn hưởng phụ cấp chức vụ.

Tuy nhiên, do thực hiện nhiệm vụ, có trách nhiệm trong việc giải quyết các công việc liên quan do cấp có thẩm quyền phân công, quyết định, điều động, bổ nhiệm nên những đối tượng này có thể được bổ sung vào đối tượng được hưởng phụ cấp trách nhiệm bằng mức tiền cụ thể hàng tháng khi thực hiện nhiệm vụ.

Thứ ba, không còn phụ cấp công tác đảng, đoàn thể chính trị - xã hội

Hiện nay, giáo viên kiêm nhiệm công tác đảng, đoàn thể chính trị - xã hội tùy theo cấp học, loại hình trường sẽ được hưởng các khoản phụ cấp bằng mức hệ số nhân với mức lương cơ sở.

Từ 01/7 tới sẽ sắp xếp lại các khoản phụ cấp, những người kiêm nhiệm các vị trí này cũng sẽ không còn được hưởng các khoản phụ cấp do kiêm nhiệm các công việc trên. Tuy nhiên, giống như phụ cấp chức vụ, họ có thể chuyển sang hưởng phụ cấp trách nhiệm bằng lượng tiền cụ thể hàng tháng.

Thứ tư, không còn phụ cấp độc hại, nguy hiểm

Hiện nay, một số nhà giáo dạy thực hành, tích hợp, ngành, nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc nhân viên thư viện, thiết bị,…công tác có yếu tố độc hại, nguy hiểm theo quy định của cấp có thẩm quyền được hưởng phụ cấp độc hại, nguy hiểm.

Tuy nhiên, từ 01/7 tới, sẽ không còn phụ cấp độc hại, nguy hiểm do đã đưa điều kiện lao động có yếu tố độc hại, nguy hiểm vào phụ cấp theo nghề.

Bên cạnh đó, sẽ gộp, sáp nhập các loại phụ cấp như sau:

Gộp phụ cấp ưu đãi theo nghề, phụ cấp trách nhiệm theo nghề và phụ cấp độc hại, nguy hiểm (gọi chung là phụ cấp theo nghề) áp dụng đối với công chức, viên chức của những nghề, công việc có yếu tố điều kiện lao động cao hơn bình thường và có chính sách ưu đãi phù hợp của Nhà nước (giáo dục và đào tạo, y tế, toà án, kiểm sát, thi hành án dân sự, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, hải quan, kiểm lâm, quản lý thị trường,...).

Gộp phụ cấp đặc biệt, phụ cấp thu hút và trợ cấp công tác lâu năm ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thành phụ cấp công tác ở vùng đặc biệt khó khăn.

Những điểm mới khi cải cách tiền lương từ 01/7, giáo viên cần biết

Theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018, giáo viên là viên chức được xây dựng 02 bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo thay thế bảng lương hiện hành. Việc thực hiện chuyển xếp lương cũ sang lương mới phải bảo đảm không được thấp hơn tiền lương hiện hưởng.

Bên cạnh đó, một trong các yếu tố cụ thể để xác định thiết kế bảng lương mới theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 là mở rộng quan hệ tiền lương làm căn cứ để xác định mức tiền lương cụ thể trong hệ thống bảng lương.

Theo đó, chính sách tiền lương mới mở rộng quan hệ tiền lương từ 1 - 2,34 - 10 hiện nay lên 1 - 2,68 - 12.

Một số điểm mới về trả lương mới từ 01/7 tới theo Nghị quyết 27-NQ/TW cần biết.

Thứ nhất, nguyên tắc trả lương mới

Bảng lương giáo viên được xây dựng theo vị trí việc làm dựa trên nguyên tắc: Cùng mức độ phức tạp công việc thì mức lương như nhau; Điều kiện lao động cao hơn bình thường và ưu đãi nghề thì thực hiện bằng chế độ phụ cấp theo nghề. Sắp xếp lại nhóm ngạch và số bậc trong các chức danh nghề nghiệp viên chức, khuyến khích viên chức nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Việc bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp viên chức phải gắn với vị trí việc làm và cơ cấu chức danh nghề nghiệp viên chức do cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý viên chức thực hiện.

Thứ hai, giáo viên có thâm niên công tác vẫn được trả lương cao hơn giáo viên mới

Đối với giáo viên khu vực công được xây dựng 1 bảng lương giáo viên chuyên môn, nghiệp vụ theo ngạch công chức và chức danh nghề nghiệp viên chức áp dụng chung đối với công chức, viên chức không giữ chức danh lãnh đạo; mỗi ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức có nhiều bậc lương (gọi chung là bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ)

Bảng lương mới vẫn có nhiều bậc lương, nên dù không còn phụ cấp thâm niên, giáo viên công tác lâu năm nếu hoàn thành nhiệm vụ vẫn được hưởng lương cao hơn giáo viên mới ra trường, không có việc trả lương cào bằng.

Thứ ba, không còn tính lương theo hệ số và lương cơ sở

Tại Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 có nêu rõ như sau:

Bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương hiện nay, xây dựng mức lương cơ bản bằng số tiền cụ thể trong bảng lương mới.

Có thể hiểu, bảng lương mới được tính bằng lượng tiền khởi động ban đầu, giáo viên vẫn được tăng lương theo bậc lương nếu hoàn thành nhiệm vụ, mức tăng là lượng tiền tương ứng.

Bên cạnh, nếu công tác tốt thì được hưởng thêm phụ cấp tiền thưởng theo quy định.

Thứ tư, công thức tính lương giáo viên mới

Tại Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 có nêu rõ về công thức tính tiền lương giáo viên mới như sau:

Thiết kế cơ cấu tiền lương mới gồm lương cơ bản, phụ cấp và bổ sung thêm khoản tiền thưởng.

Theo đó, thu nhập của giáo viên được tính theo công thức mới như sau:

Tiền lương = Lương cơ bản + Phụ cấp (nếu có) + Tiền thưởng (nếu có)

Trong đó: Lương cơ bản (chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương) và các khoản phụ cấp (chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương)

Theo đó, quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp.

Tiền lương được xác định là khoản thu nhập chính của giáo viên, các khoản phụ cấp được xác định là phụ, không còn việc tiền phụ cấp cao hơn tiền lương.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Bùi Nam