Ngày 2/3 tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2/2024, Quyền Vụ trưởng Vụ Tiền lương Nguyễn Bích Thu (Bộ Nội vụ) cho biết, trong thời gian tới Chính phủ sẽ ban hành nghị định về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang; Quốc hội sẽ có nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chế độ tiền lương mới đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc các cơ quan của Quốc hội, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện, tòa án, viện kiểm sát, kiểm toán Nhà nước. Bên Đảng sẽ có quyết định của Ban Bí thư về chế độ tiền lương mới đối với cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan Đảng, Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.
Đồng thời sẽ có trên 10 thông tư để hướng dẫn triển khai. Bộ Nội vụ hết sức cố gắng và sẽ bảo đảm tiến độ theo kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ ban hành. [1]
Các công việc về chính sách tiền lương đang được các cơ quan, ban ngành khẩn trương và áp dụng từ thời điểm 01/7/2024.
Trong bài viết này xin được cung cấp tổng thể những điểm mới về lương cải cách từ 01/7, giáo viên nên biết.
Thứ nhất, giáo viên hưởng lương theo bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ
Trừ sĩ quan quân đội, công an,…viên chức tùy theo vị trí việc làm, nhiệm vụ đang đảm nhận sẽ được hưởng 1 trong 2 bảng lương.
Bảng lương chức vụ áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo (bầu cử và bổ nhiệm) trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cấp xã.
Hoặc bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ theo ngạch công chức và chức danh nghề nghiệp viên chức áp dụng chung đối với công chức, viên chức không giữ chức danh lãnh đạo; mỗi ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức có nhiều bậc lương.
Giáo viên, nhân viên trường học (kế toán, thủ quỹ, văn thư,..) trừ bảo vệ, tạp vụ vẫn xếp vào bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ với nhiều bậc lương khác nhau, sẽ chuyển từ lương hiện lãnh sang lương mới.
Theo tìm hiểu của người viết, bảng lương từ 01/7/2024 sẽ có nhiều bậc lương, có thể dựa vào hệ số lương hiện lãnh để chuyển sang lương mới, lương mới sẽ không còn hệ số lương, chỉ còn lượng tiền khởi động ban đầu và các khoản phụ cấp theo quy định.
Thứ hai, giáo viên được hưởng phụ cấp ra sao?
Nếu áp dụng cho đối tượng giáo viên chức thì sẽ có 08 phụ cấp trong tiền lương mới mà giáo viên được hưởng khi cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 như sau: 1. Phụ cấp kiêm nhiệm; 2. Phụ cấp thâm niên vượt khung; 3. Phụ cấp khu vực; 4. Phụ cấp trách nhiệm công việc; 5. Phụ cấp lưu động; 6. Phụ cấp ưu đãi theo nghề; 7. Phụ cấp công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; 8. Phụ cấp theo phân loại đơn vị hành chính và theo phân hạng đơn vị sự nghiệp công lập.
Theo đó, lương từ 01/7 tới, Lương = Lương cơ bản (70%) + Phụ cấp (30%).
Bên cạnh đó, Nghị quyết 27/NQ-TW, tiền thưởng sẽ chiếm khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm trong đó không bao gồm phụ cấp (nếu có).
Thứ ba, tiếp tục tăng lương sau cải cách tiền lương
Theo Cổng Thông tin Điện tử Bộ Nội vụ, vừa qua, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, trong đó có nội dung về thực hiện chính sách tiền lương từ 1/7/2024.
Một điểm đáng chú ý trong chính sách tiền lương là từ năm 2025, Chính phủ tiếp tục điều chỉnh mức lương trong các bảng lương tăng thêm bình quân khoảng 7%/năm. Tức là sau khi thực hiện cải cách tiền lương có bảng lương mới với mức lương tăng hơn so với hiện hành thì hàng năm công chức, viên chức vẫn được tăng lương thêm 7%.
Việc tăng lương thêm 7% để bù trượt giá và có phần cải thiện theo mức tăng trưởng GDP và được thực hiện cho đến khi mức lương thấp nhất của khu vực công bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất của vùng 1 của khu vực doanh nghiệp.
Thứ năm, số tiền cho các danh hiệu thi đua, khen thưởng
Hiện nay, việc thi đua, khen thưởng theo Luật Giáo dục 2022 có hiệu lực 01/01/2024, số tiền cho các danh hiệu thi đua, khen thưởng được quy định trong Nghị định 98/2023/NĐ-CP được quy định bằng hệ số x mức lương cơ sở, ví dụ Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ là 3,5 x 1,800,000 đồng là 6,300,000 đồng.
Từ 01/7 tới, sẽ không còn mức lương cơ sở nên sẽ có những thay đổi về quy định về mức tiền khen thưởng cho các danh hiệu thi đua, khen thưởng trong thời gian tới, có thể quy định bằng mức tiền cụ thể.
Thứ sáu, cán bộ quản lý được phụ cấp, trợ cấp ra sao?
Hiện nay, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, tổ trưởng, tổ phó chuyên môn được hưởng phụ cấp chức vụ hàng tháng bằng hệ số phụ cấp chức vụ x mức lương cơ sở.
Ví dụ trường trung học cơ sở có 28 lớp trở lên thì được hưởng phụ cấp chức vụ 0,55 x mức lương cơ sở hiện nay là 1,800,000 đồng.
Từ 01/7/2024, sẽ không còn mức lương cơ sở (cũng không còn phụ cấp chức vụ theo tinh thần Nghị quyết 27/NQ-TW) nên sắp tới sẽ có những điều chỉnh về chế độ cho những người giữ chức vụ cán bộ quản lý trường học.
Thứ bảy, tăng mức đóng bảo hiểm xã hội
Căn cứ theo điểm c khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 có quy định như cán bộ, công chức, viên chức là đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Theo đó, công chức, viên chức là những người hưởng chế độ tiền lương do Nhà nước quy định nên theo khoản 1 Điều 89 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội hằng tháng của đối tượng này được xác định như sau:
Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội = Tiền lương theo ngạch, bậc + Các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (nếu có).
Trong đó: Tiền lương theo ngạch, bậc = Hệ số lương x Mức lương cơ sở
Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội tối đa của công chức, viên chức = 20 x Mức lương cơ sở
Người nào có thu nhập tính đóng bảo hiểm xã hội cao hơn 20 lần mức lương cơ sở thì cũng chỉ tính đóng bảo hiểm xã hội theo mức lương tối đa là 20 lần mức lương cơ sở.
Từ 01/7 tới, dự kiến lương, thu nhập giáo viên sẽ tăng khoảng 30%, nhiều khoản phụ cấp được đưa vào lương, nên mức đóng bảo hiểm xã hội sẽ tăng đáng kể.
Tiền lương đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp của lao động khu vực công dự kiến tăng gần 54,9% so với năm 2023 khi cải cách tiền lương. Từ ngày 1/7, cán bộ, công chức, viên chức sẽ được trả lương theo vị trí việc làm thay vì hệ số cào bằng hiện nay. [2]
Thứ tám, dự kiến tăng lương hưu cho người nghỉ hưu
Ngoài việc tăng lương, cải cách tiền lương, từ ngày 01/7/2024, thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương sẽ điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công; thay đổi mức đóng bảo hiểm y tế.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, khai xuân trong ngày làm việc đầu tiên của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sau kỳ nghỉ Tết, diễn ra sáng 15/2, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết lương hưu có thể tăng lên 15% nếu mức lương của cán bộ công chức viên chức tăng 23,5%. [3]
Thứ chín, lương giáo viên có thể xếp cao nhất đơn vị hành chính sự nghiệp
Theo Nghị quyết 29/NQ-TW lương nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong khối hành chính sự nghiệp.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, trong thời gian tới đây, khi thực hiện các chính sách tiền lương, Bộ Nội vụ sẽ căn cứ theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018, đặc biệt là quán triệt tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW năm 2013 của Ban Chấp hành Trung ương, đó là lương nhà giáo được ưu tiên xét theo thang, bảng lương cao nhất trong hệ thống hành chính sự nghiệp và điều này là nhất quán. [4]
Theo đó, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát lại các quy định về tiền lương, nhất là tiền lương mới và các phụ cấp về dự kiến phụ cấp ưu đãi nghề cao nhất đối với nhà giáo để trình cấp có thẩm quyền xem xét và quyết định.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://giaoduc.net.vn/bo-noi-vu-thong-tin-tien-do-xay-dung-van-ban-trien-khai-cai-cach-tien-luong-post241220.gd#241220|home-timeline|0
[2] https://vnexpress.net/tien-dong-bao-hiem-tang-the-nao-khi-cai-cach-luong-tu-1-7
[3] https://thuvienphapluat.vn/lao-dong-tien-luong/tang-luong-huu-len-15-tu-0172024-cho-02-doi-tuong-cong-chuc-vien-chuc-nao-khi-cai-cach-tien-luong-18080.html#google_vignette
[4] https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/tien-luong-nha-giao-se-nhu-the-nao-khi-cai-cach-tien-luong-119231107125852138.htm
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.