Nghị quyết 104/2023/QH15 đã chính thức chốt ngày 01/7/2024 là ngày thực hiện tổng thể chính sách tiền lương mới theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018.
Hiện nay, thu nhập của nhiều giáo viên còn thấp chưa đủ trang trải cuộc sống, chưa tương xứng với nghề, nhiều giáo viên bỏ việc, nghỉ việc để tìm công việc khác có thu nhập khá hơn.
Đối với ngành giáo dục, giáo viên, nhân viên công tác ở các cơ sở giáo dục đào tạo đang chờ đợi đến ngày 01/7 tới để được hưởng lương mới, giải quyết những bất cập về lương hiện nay.
Tuy chưa có bảng lương chính thức nhưng với những thông tin về cải cách tiền lương mới, hàng triệu nhà giáo đang chờ đợi, kỳ vọng lớn.
Kỳ vọng nhà giáo được ưu tiên xếp lương cao nhất trong đơn vị sự nghiệp hành chính công
Khi thực hiện cải cách tiền lương, lương viên chức giáo dục có thể sẽ cao hơn so với mặt bằng chung của đội ngũ công chức và viên chức khác, vì việc thực hiện cải cách chính sách tiền lương gắn với việc thực hiện nghị quyết về phát triển căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo, y tế. Điều này được thể hiện qua Nghị quyết 29-NQ/TW năm 2013 Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phần phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo.
Theo đó Khoản 6 Mục III Phần B Nghị quyết số 29-NQ/TW đã nêu: “Có chế độ ưu đãi đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng.”
Là giáo viên, người viết cũng mong lương nhà giáo sẽ được ưu tiên xếp lương cao. Đây sẽ là yếu tố giúp giữ chân giáo viên giỏi, thu hút được sinh viên giỏi vào sư phạm, đội ngũ nhà giáo có cả chất và lượng trong thời gian tới.
Kỳ vọng giáo viên sẽ được hưởng phụ cấp ưu đãi cao nhất
Từ 01/7 tới trong nội dung cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27 đã tiến hành xây dựng, ban hành hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo thay thế hệ thống bảng lương hiện hành; chuyển xếp lương cũ sang lương mới, bảo đảm không thấp hơn tiền lương hiện hưởng, gồm 5 bảng lương:
Bảng lương 01: Bảng lương chức vụ áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo (bầu cử và bổ nhiệm) trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cấp xã
Bảng lương 02: Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ theo ngạch công chức và chức danh nghề nghiệp viên chức áp dụng chung đối với công chức, viên chức không giữ chức danh lãnh đạo
Bảng lương 03: Bảng lương sĩ quan quân đội, sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ công an (theo chức vụ, chức danh và cấp bậc quân hàm hoặc cấp hàm).
Bảng lương 04: Bảng lương quân nhân chuyên nghiệp, chuyên môn kỹ thuật công an
Bảng lương 05: Bảng lương công nhân quốc phòng, công nhân công an (trong đó giữ tương quan tiền lương của lực lượng vũ trang so với công chức hành chính như hiện nay).
Như vậy, nhà giáo sẽ xếp vào bảng lương 2 “Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ theo ngạch công chức và chức danh nghề nghiệp viên chức áp dụng chung đối với công chức, viên chức không giữ chức danh lãnh đạo”.
Như vậy, thực chất giáo viên hay các đối tượng công chức, viên chức khác sẽ được xếp vào cùng bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ, sẽ khó có một bảng lương riêng dành cho giáo viên.
Theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 hướng dẫn cơ cấu tiền lương mới khi cải cách tiền lương 2024 theo công thức tạm tính như sau: Lương thực nhận = Lương cơ bản + Phụ cấp (nếu có) + Thưởng (nếu có). Trong đó, lương cơ bản chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương; còn các khoản phụ cấp chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương. Quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp.
Các khoản phụ cấp sẽ chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương, gồm các khoản: Phụ cấp kiêm nhiệm; phụ cấp thâm niên vượt khung; phụ cấp khu vực; phụ cấp trách nhiệm công việc. Cùng với đó là phụ cấp lưu động; phụ cấp ưu đãi theo nghề; phụ cấp công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; phụ cấp theo phân loại đơn vị hành chính và theo phân hạng đơn vị sự nghiệp công lập; phụ cấp áp dụng riêng đối với lực lượng vũ trang, bỏ phụ cấp thâm niên nhà giáo.
Luật Giáo dục năm 2019 nêu "Nhà giáo được xếp lương phù hợp với vị trí việc làm và lao động nghề nghiệp, được ưu tiên hưởng phụ cấp đặc thù theo nghề theo quy định của Chính phủ" (Điều 76).
Kỳ vọng khi cải cách tiền lương, nhà giáo sẽ được ưu tiên được hưởng phụ cấp ưu đãi ở mức cao tương xứng với tính chất nghề nghiệp.
Kỳ vọng sẽ có sự ưu tiên cho giáo viên mầm non
Có thể khẳng định rằng, giáo viên mầm non là bậc học vất vả nhất, áp lực nhất, cường độ và thời gian làm việc cao.
Nhiều đề xuất về lương, nghỉ hưu cho giáo viên mầm non nhưng chưa thành hiện thực.
Cải cách tiền lương từ 01/7 tới, giáo viên mầm non được tuyển dụng ở hạng III hiện nay có hệ số lương 2,1-4,89, nếu chuyển sang lương mới sẽ có phần thiệt thòi so với giáo viên phổ thông (tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông) hạng III đều có hệ số lương 2,34-4,98.
Do đó, khi cải cách tiền lương từ 01/7 tới, mong có sự ưu tiên cho giáo viên mầm non như khi tuyển dụng được hưởng ở bậc 2, khi chuyển từ lương cũ sang lương mới được chuyển sang 1 bậc cao hơn liền kề,...để có sự ưu tiên cho giáo viên mầm non, giúp họ có thêm động lực gắn bó với nghề.
Kỳ vọng lương nhân viên trường học sẽ được cải thiện
Theo Thông tư 19,20/2023/TT-BGDĐT về vị trí việc làm giáo viên mầm non, phổ thông, vị trí việc làm nhân viên kế toán, văn thư, thủ quỹ,...sẽ được xếp ngạch viên chức, sẽ được xếp vào bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ.
Tuy nhiên, do hiện nay họ đa số chỉ hưởng lương trung cấp (hệ số lương 1,86-4,06) hoặc cao đẳng (hệ số lương 2,1-4,89) nên khi chuyển xếp lương mới họ cũng sẽ gặp nhiều thiệt thòi.
Bên cạnh đó, họ hầu như không được hưởng phụ cấp nên thu nhập của họ cũng rất thấp.
Kỳ vọng từ 01/7 sẽ có những chính sách ưu tiên cho nhân viên trường học, kỳ vọng họ sẽ được hưởng các khoản phụ cấp giống như giáo viên để giúp họ yên tâm bám nghề.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị nhân viên trường học được hưởng mức phụ cấp ưu đãi bằng 25% và khi được tuyển dụng mới, sau khi hoàn thành tập sự, nhân viên trường học được bổ nhiệm và xếp lương ở bậc 2 trong thang bảng lương của ngạch viên chức tương ứng khi thực hiện cải cách tiền lương từ 01/7/2024.
Mong rằng, đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo về chế độ cho nhân viên trường học sớm thành hiện thực.
Mong không còn phụ cấp thâm niên, nhưng tổng thu nhập giáo viên vẫn tăng
Thực hiện cải cách tiền lương là chính sách đúng đắn, xóa bỏ một số bất cập về lương hiện nay, bên cạnh nhiều ý kiến đồng tình, việc bãi bỏ phụ cấp thâm niên nghề giáo theo chính sách tiền lương mới cũng là điều khiến một số giáo viên tâm tư.
Người viết mong rằng lần cải cách này, tổng thu nhập của giáo viên sẽ tăng đáng kể, nếu tính tổng thu nhập hiện nay của giáo viên cộng với các khoản phụ cấp (ưu đãi, thâm niên, trách nhiệm,...) nếu chuyển sang lương mới khi bỏ phụ cấp thâm niên vẫn có tổng thu nhập xứng đáng gắn với hiệu quả, chất lượng và vị trí việc làm đang đảm nhận.
Sẽ chấm dứt việc chia hạng nhà giáo tồn tại bất cập
Theo tìm hiểu của người viết, khi cải cách tiền lương từ 01/7, giáo viên được xếp vào nhóm lương chuyên môn, nghiệp vụ, chia thành nhiều nhóm lương (mỗi nhóm ngạch có nhiều bậc lương khác nhau), có nghĩa là không còn dùng khái niệm, tên gọi giáo viên hạng I, II, III như hiện nay.
Nhà giáo là lao động đặc thù, cũng làm công việc như nhau, cùng thi đua, khen thưởng như nhau,...chia làm các hạng, nhà giáo giỏi ở hạng thấp là khập khễnh, không phù hợp.
Nên kỳ vọng từ 01/7/2024 sẽ chính thức bỏ chia hạng nhà giáo.
Tuy nhiên, gần đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành dự thảo thăng hạng chức danh nghề nghiệp khiến nhiều người lo lắng rằng việc chia hạng giáo viên từ 01/7 vẫn tiếp tục.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.