Giáo viên trực trường 30/4, 1/5 được hưởng chế độ như thế nào?

28/04/2019 07:58
Sơn Quang Huyến
(GDVN) - Làm việc thêm, ngoài quy định số tiết theo các bậc học, giáo viên phải được thanh toán tiền tăng giờ theo đúng quy định của pháp luật.

LTS: Liên quan đến chế độ của giáo viên khi làm công tác trực trường vào dịp lễ 30/4 - 1/5, thầy giáo Sơn Quang Huyến đã tham khảo nhiều tài liệu và có bài viết nhằm giải đáp cho thắc mắc của nhiều giáo viên.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Giờ này, phần lớn các trường đã có danh sách phân công trực trường trong dịp lễ 30/4, 1/5/2019.

Hiệu trưởng ký quyết định phân công, giáo viên phải làm; nhưng không ít nơi giáo viên “ấm ức”, không được trả thù lao đúng chế độ được luật pháp quy định, chỉ vài chục ngàn tiền “xăng xe”; có nơi còn “không có gì”, giáo viên trực lễ chỉ là “cống hiến”!

Khoản 1 Điều 70 Luật Giáo dục quy định: "1. Nhà giáo là người làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục trong nhà trường, cơ sở giáo dục khác".

Thế nhưng không ít trường vẫn phân công giáo viên trực trường vào dịp nghỉ hè, nghỉ Tết Nguyên đán và các ngày lễ trong năm.

Trực trường là lao động ngoài giờ, tăng giờ của giáo viên.

Làm việc thêm, ngoài quy định số tiết theo các bậc học, giáo viên phải được thanh toán tiền tăng giờ theo đúng quy định của pháp luật. Hiệu trưởng điều động giáo viên đi trực trường dịp nghỉ hè, nghỉ tết mà không trả chế độ tăng giờ cho giáo viên là vi phạm pháp luật.

Ảnh minh họa: Thanhtra.com.vn
Ảnh minh họa: Thanhtra.com.vn

Theo quy định của Luật Lao động năm 2012, mức lương của giáo viên (người lao động) khi đi làm vào ngày 30/4, 1/5 sẽ được tính tiền tăng giờ như thế nào?

Cụ thể, Điểm đ Khoản 1 Điều 115 Bộ luật Lao động 2012 quy định: Người lao động sẽ nhận được nguyên lương 1 ngày làm việc như trong quy định trong hợp đồng lao động.

Theo quy định của Điểm c, Khoản 1, Điều 97 của Bộ luật Lao động 2012, người lao động sẽ nhận thêm một khoản tiền lương tiếp theo với mức tối thiểu bằng 300% so với mức lương làm việc trong ngày đó.

Như vậy, trường hợp làm việc vào những ngày trên, người lao động (giáo viên) sẽ nhận được mức lương tối thiểu bằng 400% mức lương làm việc ngày thường.

Giáo viên có phải bắt buộc trực trường trong thời gian nghỉ hè?

Trong đó đã có một ngày người lao động (giáo viên) đã nhận trong lương hàng tháng; tiền tăng giờ sẽ nhận thêm ba ngày lương nữa.

Trường hợp người lao động làm việc vào ban đêm, Thông tư 23/2015/TT-BLĐTBXH quy định: Người lao động sẽ được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc của ngày làm việc bình thường.

Thông báo số 3238/TB-LĐTBXH 2018 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, nghỉ lễ, Tết năm 2019 đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động: Công chức và viên chức sẽ có 5 ngày nghỉ trong dịp Lễ 30/4 và 1/5, gồm: 2 ngày nghỉ chính lễ, 1 ngày nghỉ bù và 2 ngày nghỉ cuối tuần liền kề.

Căn cứ quy định của pháp luật, pháp luật được thực thi đúng, góp phần xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Trong trường học, pháp luật phải được thực thi đúng để an lòng thầy cô giáo, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

Tài liệu tham khảo:

https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Lao-dong-Tien-luong/Bo-Luat-lao-dong-2012-142187.aspx

https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Luat-Giao-duc-2005-38-2005-QH11-2636.aspx

https://luatvietnam.vn/can-bo/thong-bao-3238-tb-ldtbxh-2018-nghi-le-tet-nam-2019-165768-d6.html#tomtat

Sơn Quang Huyến