Giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Bình Thuận bị nợ lương tháng 12/2020

18/08/2021 06:23
Việt Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Cho tới nay, giáo viên của Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh Bình Thuận vẫn còn bị nợ lương tháng 12/2020 chưa được nhận.

Một giáo viên của Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh Bình Thuận (huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận) vừa gửi phản ánh tới Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam cho biết, lương của giáo viên toàn trường trong tháng 12/2020 cho tới nay vẫn chưa được nhận.

Giáo viên bức xúc vì bị nợ lương

Theo giáo viên này cho biết, dù đã trải qua hơn nửa năm, lương từ tháng 1 đến tháng 8/2021 giáo viên vẫn nhận đủ, nhưng lương tháng 12 từ năm ngoái, trường vẫn chưa chi trả cho giáo viên.

Theo phản ánh của giáo viên nêu: Trong thông báo của lãnh đạo nhà trường gửi toàn thể giáo viên hồi tháng 6/2021 nêu, thực hiện tinh thần chỉ đạo của Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận về việc giải quyết đề nghị của Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh về kinh phí chi trả lương giáo viên năm 2019, 2020, Sở Nội vụ, Sở Tài Chính và Sở Giáo dục, Đào tạo đã có cuộc họp trao đổi, thống nhất hướng giải quyết việc bố trí kinh phí trả lương thiếu của năm 2019, 2020 của trường.

Tuy nhiên, không có cách giải quyết nào khác được đưa ra để thống nhất tại cuộc họp của liên Sở. Liên Sở đã đề xuất phương án: Nhà trường cân đối từ nguồn kinh phí chi thường xuyên được giao cho trường hàng năm (kể từ năm 2021 trở về sau) chi trả dần kinh phí lương thiếu của năm 2019, 2020.

Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận (ảnh: FB trường)

Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận (ảnh: FB trường)

Ngày 7/6, Ban Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo đã họp với hiệu trưởng, kế toán trường. Tại cuộc họp này, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo, hướng dẫn nhà trường thực hiện phương án cân đối, tiết kiệm từ nguồn kinh phí chi thường xuyên được giao cho trường hàng năm (kể từ năm 2021 trở về sau) chi trả dần phần kinh phí lương thiếu 861 triệu đồng của năm 2019, 2020.

Nhà trường phải xây dựng phương án thực hành tiết kiệm, cắt giảm nhiều nội dung chi tiêu, thông báo cho giáo viên và nhân viên biết, đưa vào Quy chế chi tiêu nội bộ để thực hiện.

Việc thực hiện được xây dựng theo lộ trình như sau: Trường lập tờ trình xin chủ trương để Sở Giáo dục và Đào tạo báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận để xin phép thực hiện (kèm phương án thực hành tiết kiệm chi thường xuyên hàng năm).

Triển khai thực hiện khi có ý kiến đồng ý của liên Sở, Ủy ban nhân dân tỉnh.

Phương án thực hành tiết kiệm từ nguồn chi thường xuyên của đơn vị để trả lương thiếu của năm 2019, 2020 sẽ dẫn đến tình trạng nhiều hoạt động của nhà trường gặp rất nhiều khó khăn trong thời gian dài.

Hai năm, trường dôi dư 18 giáo viên

Theo hồ sơ do giáo viên cung cấp, tại văn bản 780/SNV-TCCC, do Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bình Thuận – ông Đỗ Thái Dương ký, đóng dấu ngày 26/4/2021 cho biết, vào năm 2019, căn cứ Quyết định 3552/QĐ-UBND ngày 21/12/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh về phân bổ biên chế hành chính sự nghiệp, Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh Bình Thuận được giao tổng số giáo viên, nhân viên là 84 người (giáo viên 67 người, giáo viên xử lý dôi dư là 6 người, nhân viên 11 người). Tổng số giáo viên, nhân viên hiện có mặt tại thời điểm 31/12/2018 là 84 người (trong đó giáo viên 67 người, giáo viên dôi dư 11 người, nhân viên 6 người).

Năm 2020, căn cứ Quyết định 351/QĐ-UBND ngày 14/2/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh về điều chỉnh chỉ tiêu biên chế giao năm 2020, Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh Bình Thuận được giao tổng số giáo viên, nhân viên là 83 người (trong đó giáo viên là 70 người, giáo viên xử lý dôi dư là 2 người, nhân viên 11 người). Tổng số giáo viên, nhân viên tại thời điểm 31/12/2019 là 83 người (trong đó giáo viên là 70, giáo viên dôi dư 7 người, nhân viên 6 người).

Đối với giáo viên dôi dư vượt số chỉ tiêu được Ủy ban nhân dân tỉnh giao, trường đã có cân đối, phân công bố trí thực hiện công tác của nhân viên trường học còn thiếu (chưa có người thực hiện) nhằm đảm bảo sử dụng có hiệu quả, tiết kiệm nguồn nhân lực và kinh phí thực hiện tại đơn vị.

Tuy nhiên, khi thực hiện xây dựng dự toán quỹ tiền lương chi trả, đối với số giáo viên dôi dư được phân công bố trí thực hiện công tác của nhân viên trường học, trường không xây dựng dự toán của 5 biên chế nhân viên theo tiền lương thực tế của 5 giáo viên (bằng hệ số lương hiện hưởng * mức lương tối thiểu/người) được phân công đảm nhiệm công việc của nhân viên, mà lại theo định mức biên chế trống, chưa có người làm việc (bằng 2,34 mức lương tối thiểu/người) dẫn đến có sự chênh lệch dự toán, thiếu kinh phí chi trả tiền lương so với số tiền lương thực tế.

Do đặc thù Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh Bình Thuận là trường được ngân sách đảm bảo toàn bộ, nên không có khả năng cân đối nguồn kinh phí để bù đắp phần chênh lệch tiền lương nói trên.

Việc này là do trường chưa thực hiện đảm bảo công tác xây dựng dự toán kinh phí, thiếu chủ động trong tính toán xử lý giáo viên vượt định mức bố trí, để sử dụng hiệu quả nguồn lực và kinh phí tại đơn vị.

Khi sự việc xảy ra, trường không kịp thời báo cáo ngay cho các cơ quan có thẩm quyền để rà soát, xử lý mà tự ý tạm ứng dự toán năm 2020 để chi trả lương cho năm 2019 (sự việc xảy ra từ đầu năm 2019 nhưng đến ngày 9/10/2019 thì trường mới có tờ trình số 99 báo cáo Sở Giáo dục và Đào tạo xem xét, giải quyết).

Bên cạnh đó, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng chưa chỉ đạo quyết liệt để đề xuất giải quyết các khó khăn và vướng mắc của đơn vị, dẫn đến sự việc tồn đọng, kéo dài.

Cũng theo văn bản này, việc thiếu kinh phí chi trả lương, tiền lương của Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh là đúng với tình hình thực tế, hiện nay, viên chức và người lao động của trường chưa nhận được lương tháng 12/2020.

Tuy nhiên, tại thời điểm hiện nay, việc điều chỉnh biên chế sự nghiệp mà Ủy ban nhân dân tỉnh đã giao trong năm 2019, 2020 và việcđiều chỉnh dự toán kinh phí của năm 2019 là không thể thực hiện được (đã quyết toán kinh phí).

Do đó, để giải quyết đề nghị của trường, Sở Nội vụ tỉnh báo cáo, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh có văn bản cho chủ trương trích kinh phí từ nguồn ngân sách tỉnh, để bổ sung 861 triệu đồng kinh phí chi trả tiền lương đối với nhà trường trong năm 2019, 2020.

Giáo viên bị nợ tháng lương 12/2020

Nhằm để thông tin thêm về sự việc này, ngày 16/8, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với thầy Lương Đào Quốc Dũng – Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh.

Thầy Dũng xác nhận có việc giáo viên của trường chưa nhận được lương tháng 12/2020.

Nhà trường đã làm văn bản, hồ sơ gửi Sở Giáo dục và Đào tạo và một số Sở có liên quan, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh rồi.

Các ngành chức năng của tỉnh cũng đã họp nhiều lần, trường cũng đã báo cáo đi báo cáo lại vài lần, sự việc cũng có khó khăn, vướng nhiều chế độ chính sách, nên các ban ngành của tỉnh cũng vẫn đang tìm cách giải quyết cho trường.

Thầy Lương Đào Quốc Dũng cũng giải thích: Sự việc này xảy ra là do tinh toán bị sai lệch con số vào thời điểm ngay lúc đó, chứ không phải xảy ra chuyện “thụt két” gì cả, nên đã xảy ra chuyện dôi dư giáo viên.

Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam cũng đã nhiều lần liên hệ qua điện thoại với ông Phan Đoàn Thái – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Thuận để nắm thêm thông tin vụ việc này. Tuy nhiên, đáng tiếc là ông Phan Đoàn Thái không nghe máy.

Việt Dũng