Báo điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được phản ánh của một giáo viên (xin phép giấu tên) của Trường trung học phổ thông Phước Long, quận 9, Thành phố Hồ Chí Minh về việc thu chi tiền học phí của học sinh tại trường.
Học phí thu cao, chi cho giáo viên quá thấp
Cụ thể, giáo viên này cho biết, Trường Phước Long đã quyết định chi tiền học thêm trái buổi (tại trường) 7.500 đồng/tiết (60.000 đồng/môn/tháng) đối với học sinh lớp 10, 11. Tương tự, học sinh lớp 12 thu 8.750 đồng/tiết (70.000 đồng/môn/tháng).
Đối với giáo viên, Hiệu trưởng chi theo số lượng học sinh đăng ký học thực tế tại mỗi lớp. Khối 10, 11 thì trường trả 90.000 đồng/tiết (nếu dưới 30 học sinh), 120.000 đồng/tiết (nếu dưới 40 học sinh), 150.000 đồng/tiết (nếu trên 40 học sinh).
Cũng tương tự như vậy, đối với khối 12 lần lượt là 100.000 đồng/tiết (nếu dưới 30 học sinh), 130.000 đồng/tiết (nếu dưới 40 học sinh), 160.000 đồng/tiết (nếu trên 40 học sinh).
Theo giáo viên, việc chi trả thu nhập cho người đứng lớp trong trường hợp này là thấp, so với tiền thu được từ học sinh, chỉ từ 39 – 60% tiền học phí, tùy theo sĩ số của lớp học hay khối lớp.
Số tiền thực tế có thể còn ít hơn, do rất ít tháng, học sinh học đủ 4 tuần lễ (vướng các ngày nghỉ lễ, thi giữa học kỳ). Số tiền còn lại dùng vào việc gì, chi cho bộ phận nào thì không được quản lý nhà trường thông báo.
Giáo viên Trường Phước Long thắc mắc về các khoản chi cho họ của Hiệu trưởng nhà trưởng (ảnh: P.L) |
Bắt đầu từ đầu tháng 5/2017, giáo viên dạy lớp 12 bắt đầu công tác ôn tập cho học sinh dự thi trung học phổ thông quốc gia, bằng cách tăng thêm tiết ở 1 số môn học.
Vì nói tháng 5 vẫn còn là trong năm học, nên Hiệu trưởng chỉ đồng ý chi tiền tiết học tăng thêm, còn tiết học chính khóa vẫn là nghĩa vụ của giáo viên.
Tuy nhiên, đã có sự bất hợp lý trong việc thu và chi tiền học phí của học sinh. Ví dụ: Môn Toán được thông báo học 8 tiết/tuần, bao gồm 4 tiết chính khóa và 4 tiết tăng thêm, Lý và Hóa là 4 tiết/tuần, gồm 2 tiết chính khóa và 2 tiết tăng thêm.
Nhưng khi trả thù lao cho giáo viên, thì họ chỉ được hưởng 3 tiết tăng thêm, còn 5 tiết chính khóa là nghĩa vụ. Cũng giống như vậy, Lý và Hóa chỉ được trả thù lao có 1 tiết, còn 3 tiết thì tính vào tiết nghĩa vụ.
Theo thông báo của Hiệu trưởng, học sinh lớp 12 phải đóng 9.000 đồng tiết học tăng thêm đó.
Nếu dạy lớp có sĩ số 40 học sinh trở lên, giáo viên sẽ được nhận 180.000 đồng/tiết, còn ít hơn thì nhận 160.000 đồng/tiết, có nghĩa là số tiền nhận chỉ chiếm khoảng 50% số tiền thu được từ học sinh.
Sau gần 2 tháng ôn tập để học sinh đi thi, số tiền mà giáo viên nhận được là quá ít, so với công mà giáo viên bỏ ra.
Phụ huynh và học sinh thì đóng tiền quá nhiều, nhưng thù lao mà giáo viên nhận được trên thực tế là rất ít. Số tiền còn lại thì không biết đi về đâu nữa.
Bản thân các giáo viên không biết những khoản tiền này dùng vào việc gì, chi cho bộ phận nào, chi hết bao nhiêu.
Giáo viên đã bị sức ép từ nhiều phía. Cùng công tác trong một môi trường giáo dục, sao các cấp quản lý không thương giáo viên, mà lại còn tìm cách bóc lột đến như vậy?
Nhà trường đã chi đúng theo kế hoạch
Chiều ngày 26/6, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã buổi làm việc với ông Nguyễn Tiến Hỷ - Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Phước Long, quận 9 về những vấn đề mà giáo viên đã nêu ra.
Đầu tiên, ông Nguyễn Tiến Hỷ khẳng định, các phản ánh thu chi của giáo viên là chính xác.
Cụ thể, tiền học thêm trái buổi của học sinh đã được chi đúng theo tinh thần Quy chế chi tiêu nội bộ năm học 2016 – 2017, do chính giáo viên cùng toàn thể nhà trường thông qua.
Đúng là phần tiền còn dư, nhà trường dùng vào khoản phát triển sự nghiệp, tăng cường cơ sở vật chất, trả tiền điện nước hay dùng vào việc chi hỗ trợ cho các hoạt động của nhà trường.
Cũng tương tự như vậy, ông Hỷ cũng nói phản ánh của giáo viên khối 12 dạy ôn tập cho học sinh thi trung học phổ thông cũng đúng.
Thế nhưng, người đứng đầu Trường Phước Long nhấn mạnh: Việc chi này hoàn toàn đúng theo tinh thần biên bản họp với phụ huynh của khối 12 hồi cuối tháng 4/2017.
Tất cả các giấy tờ liên quan đến việc này, nhà trường đều còn lưu giữ đầy đủ, không thiếu 1 tờ nào.
Theo ông Nguyễn Tiến Hỷ, khoản tiền chi cho việc ôn tập cho học sinh khối lớp 12, còn dư thì nhà trường dùng vào việc chi hỗ trợ tiền đồng phục cho giáo viên, liên hoan 20/11 hàng năm cho trường, tiền liên hoan dịp 8/3 cũng cho cả trường…