LTS: Chia sẻ câu chuyện của một nữ đồng nghiệp, tác giả Sông Mã phản ánh tình trạng thành tích ảo tại các trường chuẩn quốc gia hiện nay.
Theo đó, để đảm bảo chỉ tiêu, thành tích, các thầy cô đành phải đưa học sinh học yếu kém lên lớp.
Chỉ một số ít giáo viên dám dứt khoát cho học sinh ở lại lớp bởi đó cũng là cách giúp học sinh không bị mù chữ.
Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Thủy, cô em đồng nghiệp dạy ở nơi xa về thăm nhà. Chị em lâu ngày gặp lại nên hàn huyên đủ thứ chuyện. Loanh quanh mãi cũng trở lại với chuyện nghề dạy học của mình.
Cô em hồ hởi đã kể cho tôi nghe câu chuyện mình mới được phụ huynh đến thăm và cám ơn vì cách đây vài năm đã cho cậu con trai của họ ở lại lớp.
Người ngoài có lẽ thắc mắc “sao ở lại lớp mà phải cám ơn?” Nhưng người trong nghề như chúng tôi lại thấy bình thường vì bây giờ lên lớp thì quá dễ mà ở lại lớp lại chẳng đơn giản chút nào.
Đang hào hứng kể, giọng Thủy bỗng chùng xuống “vì chuyện này, em bị cắt thi đua cuối năm, bị nhận xét chưa có phương pháp dạy học phù hợp với học sinh yếu. Biết là bất công với mình nhưng bây giờ em thấy vui vì mình đã quyết định đúng”.
Bệnh thành tích khiến học sinh buộc phải ngồi nhầm lớp. (Ảnh minh hoạ: Báo Người Lao động) |
Câu chuyện về cậu học trò được ở lại lớp đã tái hiện lên sinh động qua lời kể của cô em tôi. Thắng là cậu học trò lớp 2 do Thủy làm chủ nhiệm.
Khi nhận lớp, giáo viên chủ nhiệm lớp 1 của em đã lưu ý “Thắng là học sinh cá biệt của lớp. Trông thì lanh lẹ nhưng lười học và phụ huynh ít quan tâm nên khó yêu cầu gia đình hợp tác”.
Cô Phó hiệu trưởng cũng căn dặn thêm: “Em lưu ý trường hợp của Thắng, cố gắng kèm cặp cho nó. Nếu vẫn không tiến bộ cũng khó cho ở lại lớp vì sẽ ảnh hưởng đến nhiều chỉ tiêu của nhà trường”.
Mới nghe thế, Thủy nói mình thấy hoa mặt chóng mày. Qua khảo sát, Thắng chưa biết đọc, chưa thuộc hết âm vần.
Theo kinh nghiệm giảng dạy nhiều năm của Thủy, để dạy cho Thắng biết đọc không phải đơn giản chút nào.
Nếu Thắng được lưu ban ngay năm lớp 1 thì có lẽ giờ em đã biết đọc. Không biết chữ mà cho lên lớp 2 giáo viên có nỗ lực kèm cặp cũng khó mà tiến bộ.
Tại sao con không đi học mà đi bán vé số? |
Đã thế lại lười và không được sự quan tâm của gia đình. Nhưng biết làm sao ngoài việc phải tự mình nỗ lực hết sức.
Thế rồi, một kế hoạch kèm cặp Thắng được Thủy lên chi tiết.
Thủy mượn một bộ sách lớp 1 lên lớp để bất kì khi nào rảnh là kèm cho Thắng đọc.
Sợ ngồi chung trong nhóm ảnh hưởng đến các bạn khác, Thủy xếp Thắng ngồi ngay sát bàn giáo viên.
Thắng cũng được miễn học một số môn chỉ để tập trung rèn tiếng Việt, Toán. Ngoài chuyện quan tâm đặc biệt trong các tiết học.
Thủy sắp xếp kèm thêm cho Thắng vào đầu giờ, 15 phút chuẩn bị bài buổi chiều, một số tiết học chuyên mà Thủy được nghỉ.
Thế rồi, hàng ngày thầy cô trong trường đều thấy hình ảnh một giáo viên nhẫn nại ngồi bên cạnh một cậu học trò đang tập đọc ê a.
Thế nhưng “giờ thì đọc như thế, sáng mai hỏi lại chẳng nhớ đó là tiếng gì, đọc như thế nào”, Thủy buồn rầu phân trần.
Nhiều thầy cô vào dạy lớp ấy cũng có phản ánh lại: “Nó chẳng chịu học gì chị ơi! Vào tiết học cứ ngó lơ mơ đi đâu ấy.
Mình còn tới dăm chục học sinh có phải dạy mỗi mình nó đâu. Cứ đi qua bàn khác, nó lại ngồi chơi và chọc phá bạn”.
Hết học kì 1, lực học của Thắng vẫn chẳng có sự biến chuyển nhiều.
Ban giám hiệu đã mời Thủy lên hỏi: “Em xem tình hình năm nay Thắng có lên lớp được không?
Nếu không khả quan thì động viên cho gia đình xin chuyển trường cho nó. Học ở trường này (trường chuẩn quốc gia) thì không thể lưu ban”.
Thủy nói mình sẽ cố gắng và cô đã tìm đến nhà Thắng mong muốn gặp phụ huynh để cùng hợp tác.
Đến nơi mới biết hoàn cảnh em cũng thật đáng thương. Cha mẹ bỏ nhau, mẹ lên Tây Nguyên làm thuê gửi Thắng cho bà ngoại. Bà thì già, vài ba tháng mẹ mới về thăm một lần.
Đừng im lặng, hãy cùng lên tiếng! |
Sợ con buồn nên mẹ đã mua cho Thắng một cái Ipad. Thế là đi học về đến nhà Thắng lại miệt mài ôm Ipad chơi đến khuya.
Nhiều hôm bà phải giục mãi cậu mới chịu đi ngủ.
Thương Thắng, Thủy nói mình nỗ lực kèm nhiều hơn. Cuối năm, em cũng đã biết đánh vần được các tiếng nhưng vẫn còn rất chậm.
Nếu để em lên lớp 3, chương trình nặng hơn chắc chắn em không thể nào theo nỗi, nguy cơ tái mù sẽ rất cao. Nhưng để em ở lại, cô sẽ gặp rắc rối với nhà trường. Suy nghĩ, đắn đo hoài chưa biết xử trí ra sao.
Bất ngờ mẹ Thắng bước vào lớp nói với giọng rất thiết tha: “Tôi xin cô cho nó ở lại năm nay vì nó học còn yếu lắm. Năm ngoái, tôi cũng có xin mà không được.
Giá nó được ở lại ngay từ lớp 1 thì đã biết đọc rồi chứ đâu khổ như thế này”.
Nhìn người phụ nữ lam lũ cất giọng như oán trách, như van lơn, Thủy nói mình không thể cầm lòng và đã quyết định để em ở lại lớp.
Ngay sau khi kết quả báo lên trường, Thủy đã được Ban giám hiệu mời gặp riêng.
Mở đầu cuộc nói chuyện. Phó hiệu trưởng mắng phủ đầu “Học kì 1 nhà trường hỏi nếu không lên được lớp thì cho chuyển trường. Cô hứa chắc chắn lắm, sao giờ lại thế?”.
Hiệu trưởng tiếp lời “Năm trước khối 1 đã có hai học sinh lưu ban, nếu năm nay cho Thắng ở lại thì 3 năm sau trường mình sẽ vướng chỉ tiêu hiệu quả 5 năm đào tạo.
Phải tính xa cho những năm tới, chứ không thì nhà trường sẽ mất chuẩn luôn”.
Nói rồi, Hiệu trưởng nhẹ giọng “mình cũng vì cái chung thôi em”.
Thủy biết, cô giáo lớp 1 của Thắng năm ngoái cũng vì áp lực như thế này nên phải đành cho em lên lớp khi em chưa biết chữ.
Chính lúc Thủy sẽ phải đưa ra quyết định thì câu nói của vị phụ huynh cứ văng vẳng bên tai “cô làm ơn cho con tôi ở lại lớp”.
Thủy lấy bình tĩnh và can đảm trả lời: “Em Thắng chưa đủ kiến thức để lên lớp 3. Nếu buộc phải lên thì quyền quyết định là của Ban giám hiệu”.
Những năm về sau, Thủy vẫn theo dõi em, nghe cô chủ nhiệm nói em đã tiến bộ nhiều nên Thủy cũng rất vui.
Giờ thì Thắng đã hoàn thành chương trình tiểu học. Dù học chưa học tốt nhưng em đã đọc thông viết thạo. Thủy nói nếu năm đó mình cứ cho em lên lớp, có lẽ giờ đây Thắng vẫn không viết nổi tên mình.
Bài viết là câu chuyện, nhận thức và quan điểm của riêng tác giả.