Cuộc sống phố cổ thú vị của Hoa khôi ĐH Lao động

24/11/2011 14:01
Theo Bưu điện VN
Cô gái trẻ cho biết, việc trở thành hoa khôi của một trường đại học như là một hoạt động ngoại khóa giúp mình học hỏi được nhiều điều.

Chưa một lần oán trách sự đổ vỡ trong hôn nhân của bố mẹ, cô gái xinh đẹp của trường ĐH Lao động và Xã hội còn rất gắn bó với phố cổ, cô mong muốn sau này khi lấy chồng vẫn được sống yên bình ở đây.

So với một số nữ sinh đăng quang hoa khôi ở các trường đại học phía Bắc, khi không có lớp son phấn trang điểm, quần áo lộng lẫy... Thu Nga vẫn giữ nguyên vẻ đẹp nhẹ nhàng, thanh mảnh ở đời thường.

Cũng từng sốc khi vào đại học

Sinh năm 1992, Đỗ Thu Nga là cựu học sinh của trường THPT Phan Đình Phùng, Hà Nội. Cô quyết định học ngành kế toán với sự động viên của mẹ, dù trước đó, Nga khá yêu thích lĩnh vực ca hát.

Thế nhưng, những năm đầu của thời sinh viên, việc học không như cô tưởng: "Em hơi sốc, vì mọi thứ quá khác. Môi trường, cách học thay đổi không phải là vấn đề khiến em bất ngờ, mà em cảm thấy khá căng thẳng với những môn học khá khô khan".

Phải mất một học kỳ, Nga mới thiết lập lại cách học để phù hợp hơn với môi trường mới. Ngoài việc học trên trường, cô đi học thêm tiếng Anh, học những kỹ năng mềm về cuộc sống. Cho đến thời điểm này, khi bước vào kỳ học mới, sự nghiệp học hành của Nga mới thú vị hơn với việc thực hành, đó là đến các doanh nghiệp để thu thập, xử lý số liệu, cũng như tìm hiểu đời sống công sở.

Cuộc sống phổ cổ thú vị của Hoa khôi ĐH Lao động
Đỗ Thu Nga duyên dáng trong tà áo dài.

Không may mắn có hạnh phúc trọn vẹn như nhiều bạn bè khác, hoa khôi trường ĐH Lao động Xã hội sống với bố từ nhiều năm nay, mẹ của em đã kết hôn với người khác và có một bé trai đã học lớp 3.

Nga kể: "Bố mẹ em chia tay khi em còn bé, em buồn thì cũng có buồn, nhưng sau này lớn lên, em thấy hai người tách nhau ra mà vẫn tìm được hạnh phúc mới thì đó không phải là giải pháp tồi. Mẹ em đã kết hôn với một người đàn ông tốt bụng và sống hạnh phúc. Có em trai, em thấy vui lắm. Hiện tại, mẹ làm việc ở gần trường em nên trưa nào hai mẹ con cũng đi ăn với nhau, thỉnh thoảng còn đi mua sắm, đi chơi...".

Tuy nhiên, cũng vì sự đổ vỡ của bố mẹ mà ở tuổi 19, cô gái trẻ là trụ cột của gia đình gồm ông nội, bố và một người anh họ. Vẻ bề ngoài thì mỏng manh là vậy, nhưng Nga lại là trụ cột của gia đình, từ việc quản lý ngân sách, chăm sóc sức khỏe cho các thành viên.

"Hầu như em phải quyết định mọi thứ, từ việc lựa chọn mục tiêu sống, chọn bạn bè, và thường thì khi quyết định rồi em mới chia sẻ với mọi người trong gia đình. Như thi hoa khôi ở trường là một ví dụ, lúc em đăng ký em không nói với ai cả, và khi vào chung kết em mới nói, để rồi mẹ và mọi người đã đến cổ vũ cho em."

Tại trường ĐH Lao động Xã hội, sinh viên không có nhiều các CLB, các hoạt động ngoại khóa như ĐH Ngoại thương, ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn... Chính vì thế, cuộc thi hoa khôi như là một sân chơi mới giúp các bạn trẻ chứng tỏ sự tự tin của mình, và thực sự là cô đã thể hiện sự nhẹ nhàng, giàu tình cảm của một thiếu nữ giữa cuộc sống đầy nhộn nhịp của giới trẻ.

Nga chia sẻ: "Em nhớ lúc em là người cuối cùng trả lời thì trời đổ mưa, đa số mọi người vào trong trú, nhưng dưới sân trường vẫn còn những bạn đứng nghe em nói. Vậy là, về việc ai là người quan trọng nhất trong cuộc đời em, em trả lời rằng, đó không phải là một vài người mà rất nhiều người, bố, mẹ, ông, em trai, bạn thân... mỗi người đều có những ý nghĩa riêng với em trong suốt những năm tháng qua và cả chặng đường sắp tới".

Cuộc sống phổ cổ thú vị của Hoa khôi ĐH Lao động
Xinh xắn trong chiếc váy trắng.

Từ hàng chục năm qua, cuộc sống vẫn vậy

Nhà Nga ở phố Quán Thánh, ngay gần đường Thanh Niên. "Khu nhà em ở mọi người chơi với nhau từ xưa, từ cái thời mà các ông bà của chúng em cùng làm việc với nhau". Thậm chí, ở đây, nhiều người cùng thời với bố mẹ Nga đi học ở Nga nhiều, nên sinh con gái ra toàn đặt tên là Nga, như cô là một ví dụ. Và với cô, từ hàng chục năm nay, cuộc sống nơi đây vẫn vậy.

Cuộc sống phổ cổ thú vị của Hoa khôi ĐH Lao động

Thu Nga bật khóc khi được xướng tên là hoa khôi ở trường đại học.

"Người ta thường bảo cuộc sống thay đổi, con người thay đổi, trẻ con cũng thay đổi. Nhưng ở chỗ em thì em vẫn thấy như vậy thôi. Ngày xưa, các bà, mẹ của chúng em, cứ đến buổi chiều là mang rau ra cửa nhặt và trò chuyện với nhau, bây giờ vẫn vậy. Ngày xưa, chúng em chơi trốn tìm, chơi đồ hàng... thì bây giờ các bé con của các anh chị cũng chơi những trò đó" - Nga kể.

Cuộc sống quây quần của phố cổ, với sự thân thiết nhau qua nhiều thế hệ đã giúp cô giàu tình thương và lối cư xử nhẹ nhàng với những người xung quanh. Nga sống giản dị, ra đường để mặt mộc chứ không son phấn lòe loẹt, cô cũng không mải miết đi làm thêm, kiếm tiền mà dành thời gian cho việc học.

Với nhiều người, điều đó có vẻ như nhạt nhẽo, nhưng Nga lại thấy bằng lòng với cuộc sống của mình. "Ở trường em không có nhiều hoạt động, các câu lạc bộ như trường khác, mỗi mùa hè đến cũng khó "chen chân" vào đội tình nguyện vì các bạn đăng ký rất đông, mà số lượng có hạn. Cho nên em dành tâm sức của mình vào các hoạt động ở phường" - Nga cho biết.

Vậy là, từ nhiều năm nay, vào dịp Trung thu, lễ Tết... Nga lại tham gia ca hát ở phường, rồi còn dạy các em nhỏ múa, hát, các trò chơi. Những hoạt động này, không được ghi vào bảng vàng thành tích nhưng nó rất ý nghĩa với cô: "Cảm giác mình cùng lớn lên với mọi người, rồi cùng múa hát với con cái của các anh chị, cháu của ông bà là bạn của ông bà mình... rất dễ thương. Kiểu như những thế hệ sau nối tiếp thế hệ trước, như một mạch sống rất bình yên vậy".

"Nếu sau này lấy chồng mà phải rời xa phố, chắc em rất buồn, từ khi sinh ra đến giờ em đã quen với từng ô cửa, từng giọng nói, từng nhịp sống nơi đây, cho nên em mong muốn mình sẽ được mãi sống trong ngôi nhà của mình" - cô gái trẻ chia sẻ thêm.

Cuộc sống phổ cổ thú vị của Hoa khôi ĐH Lao động
Theo Bưu điện VN