Teen và tâm lý sợ tiếng “nghèo”

28/12/2011 08:20
Theo Dan tin
Sợ bạn bè chê nghèo teen sẵn sàng nói dối về gia cảnh, thậm chí là trách móc bố mẹ vì không kiếm được nhiều tiền.
Bố Ngân Hà chạy xe ôm, mẹ bán hoa quả ngoài chợ Nghĩa Tân (Hà Nội), gia đình không dư dả gì. Nhưng được mỗi cô con gái học giỏi, nên dù khó khăn đến mấy bố mẹ Hà cũng cố cho con theo học tại một trường tư thục có tiếng ở Hà Nội.
Tiền học phí đắt đỏ, cộng với tiền học thêm, rồi bao nhiêu khoản phát sinh như quĩ lớp, sinh nhật bạn… đều từ những chuyến chạy xe vất vả của bố, giọt mồ hôi của mẹ. Đúng với mong muốn của bố mẹ, Hà luôn nằm trong top những học sinh “đỉnh của đỉnh” trong lớp. Tuy nhiên, cách xài tiền của Ngân Hà lại khiến cho nhiều người phải ái ngại.
Trong con mắt bạn bè, Hà là người "thoáng tính", sẵn sàng chi cả tiền triệu bao hết bạn bè ăn chơi nhân dịp sinh nhật. Ai nhìn vào cũng tưởng Hà là tiểu thư con nhà dư dả bởi chiếc xe tay ga sành điệu, quần áo diện trên người bao giờ cũng là hàng hiệu. Hà bộc bạch: “Phải tiêu tiền như thế mình mới cảm thấy tự tin được. Nếu để bạn bè chê nghèo thì còn mặt mũi nào nữa.”
Còn Lan Phương (THCS Giảng Võ) thì không bao giờ chịu để bố chở đến cổng trường. Vì chiếc Honda Dream của bố Phương chạy vừa cũ kỹ, xấu xí lại không thời thượng. Phương không muốn bạn bè thấy mình đi trên chiếc xe lạc hậu ấy. Thế nên bao giờ Phương cũng lấy lý do để xuống xe đi bộ cả cây số.
Không chỉ thế, cô nàng còn thường xuyên khó chịu, trách móc bố mẹ sao không kiếm nhiều như những nhà khác, không có ô tô để đưa đón con đi học?
Đừng để tiền ám ảnh bạn (ảnh minh họa)
Đừng để tiền ám ảnh bạn (ảnh minh họa)
Ước muốn nhà giàu có nhiều tiền luôn ám ảnh Phương. Tuy nhiên thay vì suy nghĩ làm sao giúp đỡ việc trong nhà để bố mẹ chuyên tâm làm việc thì Phương lại ưa than thở, thậm chí còn nói dối mọi người về gia cảnh nhà mình với nhà lầu xe hơi, người giúp việc, lái xe…
Ở độ tuổi mới lớn, teen thường có thói quen mặc cảm tự ti, so sánh mình với mọi người. Đừng so bì để rồi co mình lại, hay phải giả vờ, nói dối, tô hồng cho gia đình và bản thân khi thấy mình không bằng người khác.
Hãy nhìn vào mặt tích cực của tâm lý so sánh này, đó là việc bạn nhận ra được mình thiếu cái gì, người khác có cái gì để mà phấn đấu, đặt mục tiêu cho bản thân. Đây cũng là động lực thúc đẩy sự vươn lên của con người, đặc biệt là tuổi mới lớn đấy teen ạ!
Theo Dan tin