Gánh tò he ngày Tết
Vào vụ Tết từ tờ mờ sương, ngày nào nghệ nhân Đặng Văn Hậu cũng tay thúng, tay mẹt kẽo kẹt chở gánh tò he từ làng Xuân La (huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội) vào trong nội đô.
Không khí Tết đến Xuân về gõ cửa từng căn nhà, góc phố. Bên một góc đường Hậu ngồi lọt thỏm với gánh tò he nhỏ xinh của mình.
Trước đây nghề làm tò he còn thịnh, người dân làng Xuân La tản mát khắp mọi nơi thổi hồn Tết vào trong những hình thù dung dị và gần gũi.
Nước có nguồn, cây có cội, dù đi xa vạn đỗi, không phai nhoà nguồn cội Rồng Tiên |
Bây giờ, trẻ con thành phố mấy ai còn chơi tò he.
Chúng bận dán mắt vào màn hình những chiếc iphone, ipad... vì thế nghề làm tò he cũng mai một đi nhiều.
Thi thoảng một vài du khách nước ngoài tò mò dừng lại trước gánh tò he của anh Hậu.
Họ chỉ trỏ và nói với nhau bằng ngôn ngữ mà anh không hiểu được. Thấy khách anh ngước nhìn rồi nhoẻn miệng cười:
"Khách nước ngoài họ chú ý đến gánh tò he của tôi đa phần vì họ tò mò và muốn tìm hiểu chứ chẳng mấy khi họ mua.
Năm nay là năm Kỷ Hợi cho nên bên cạnh những mặt hàng và tạo hình truyền thống tôi cũng cố gắng tái hiện hình ảnh của những chú lợn trong tranh dân gian Đông Hồ hoặc làng tranh Kim Hoàng".
Gánh tò he của anh Hậu thu hút sự quan tâm và ánh nhìn của nhiều khách du lịch (Ảnh: Vũ Ninh) |
Giữa cái lạnh se sắt của Hà Nội ngày đông, phố phường ồn ào và đầy màu sắc, gánh tò he của anh Hậu mang một phong vị rất riêng.
Đó là hồn cốt dân tộc được nhào nặn bởi đôi bàn tay của người nghệ nhân.
Anh Hậu cẩn thận và chăm chút trong từng động tác vê bột, tỉa bột cho đến tạo hình.
Những chú ỉn nhiều màu sắc như đốm lửa hồng nhỏ vơi đi cái rét của ngày dài u ám.
Lưng chú cong, cái bụng phệ xuống tai xoáy hình ốc, mắt, mũi, lông mi viền trắng đầy sinh động, ngộ nghĩnh.
Nhìn chú ỉn tò he này, dù Hậu không giới thiệu thì tôi vẫn có thể nhận ra nó là "nhân vật chính" của dòng tranh Kim Hoàng xưa; bởi anh tái hiện "chuẩn" quá:
Tạo hình phóng túng, không hoàn toàn mô phỏng tự nhiên, những nét hai bên thân như một sự ngẫu hứng, vui vui.
Theo ông nội đi bán tò he từ nhỏ đối với anh Hậu, gánh tò he không chỉ là nghề mưu sinh mà còn là nghiệp của gia đình.
"Gánh tò he như sinh mệnh và linh hồn của gia đình tôi, làng của tôi.
Mặc dù hiện nay ít người chơi tò he nhưng tôi vẫn cố gắng duy trình gánh tò he như một bản sắc của gia đình.
Qua mỗi năm mình lại tìm tòi các chủ đề và tạo hình sao cho phù hợp.
Chẳng hạn như năm nay là năm Kỷ Hợi tôi cố gắng tạo hình và phục dựng hình ảnh chú lợn trong các dòng tranh dân gian như tranh Đông Hồ, tranh Kim Hoàng".
Những chú ỉn tò he theo nguyên mẫu của dòng tranh dân gian Đông Hồ và Kim Hoàng (Ảnh: Vũ Ninh) |
Những năm gần đây nghề nặn tò he cũng ít nhiều bị ảnh hưởng bởi các yếu tố văn hóa ngoại quốc.
Để đáp ứng nhu cầu cũng như thị hiếu của khách hàng các nghệ nhân làm tò he sáng tạo các tác phẩm theo kịp thời đại như hình ảnh siêu nhân, siêu anh hùng...
Điều này ảnh hưởng không ít đến giá trị văn hóa truyền thống và nghề làm tò he truyền thống.
Nặng lòng với gánh tò he truyền thông
Gánh tò he của anh Hậu ngày nào cũng chào đón một vị khách đặc biệt đó là nhà nghiên cứu văn hóa Trịnh Bách.
Dưới tán đa già góc phố,hai mái đầu hoa râm, một già, một trẻ chăm chú tạo hình một chú lợn tươi đỏ đặc trưng của dòng tranh Kim Hoàng.
Trên tay nhà nghiên cứu Trịnh Bách là hình vẽ chú lợn bằng chì, trong tay anh Hậu là những vê bột đang tạo hình cho chú lợn tò he.
Vừa nặn anh Hậu vừa chăm chú lắng nghe những lời hướng dẫn của ông Bách, chốc chốc lại lướt smartphone để tìm lại hình ảnh cũng như màu sắc của chú ỉn trong bức tranh Kim Hoàng xưa.
Hơn 10 năm trước, lần đầu tiên ông Bách gặp anh Hậu trong một quán gánh tò he của ông ngoại Hậu.
Cậu bé nhỏ nhắn và khéo tay ngay lập tức thu hút sự chú ý của ông.
Linh tính của một người làm nghiên cứu văn hóa lâu năm mách bảo đây chính là người mình cần tìm.
Ngoài năng khiếu và hoa tay ông Bách còn đặc biệt quý anh Hậu bởi Hậu là người quý trọng văn hóa cha ông.
Năm Nhâm Thìn lần đầu tiên hai người kết hợp để cho ra mẫu tạo hình rồng đuôi nở Hậu nhà Nguyễn và có cả cặp long giáng, long thăng, đôi rồng tò he đã phổ biến từ đó đến nay.
Năm nay nung nấu của ông Bách là khôi phục hình ảnh của những chú ỉn trong tranh dân gian Đông Hồ và tranh Kim Hoàng.
Những chiếc tò he có giá chỉ khoảng 10.000 đồng, nhỏ xinh lại chứa đựng một ý nghĩa và tâm nguyện vô cùng lớn của hai con người mong muốn lưu giữ văn hóa truyền thống trong gánh tò he.
Nhà nghiên cứu Trịnh Bách giải thích: "Nếu tranh Đông Hồ là in, tranh Hàng Trống là in và tô màu bằng phẩm; thì tranh Kim Hoàng (tên khác là tranh đỏ vì dùng loại giấy màu hồng điều hoặc vàng tàu) lại là sự kết hợp giữa in, tô và vẽ.
Kỹ thuật ấy đã khiến tranh Kim Hoàng uyển chuyển về nét vẽ, phong phú về tạo hình.
Và vì là vẽ trên những bức tranh để đưa ra chợ nên những người thợ Kim Hoàng vẽ rất nhanh, linh hoạt kiểu quen tay như vẽ trên đồ gốm sứ".
Nhà nghiên cứu Trịnh Bách và nghệ nhân Đặng Văn Hậu nặng lòng với gánh tò he truyền thông (Ảnh: Vũ Ninh) |
Gánh tò he càng về trưa càng đông người qua lại, họ chỉ trỏ, ngắm nghía những chú ỉn bụng phệ, lưng cong, tay xoáy ốc, mắt mũi lông mi viền trắng sinh động.
Ông Bách đưa cả bức vẽ chì, cả hình chú ỉn trong tranh cổ lẫn chú ỉn tò he ra giới thiệu, giải thích với họ bằng cả tiếng Pháp và tiếng Anh.
Gánh tò he anh Hậu cứ thế rạo rực và rôm rả, sắc màu rực rỡ sáng cả một góc Hồ dường như báo hiệu: Hình như Tết đã về!