Giữa Thủ đô mà còn tình trạng chen nhau để giành chỗ học cho con là không được!

18/07/2023 09:08
Mộc Trà
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- "Ngay tại Hà Nội, còn có tình trạng phụ huynh phải chen nhau để giành chỗ học cho con là điều rất không được", Đại biểu Nguyễn Anh Trí nói.

Để học sinh thiếu chỗ học là không được

Vừa qua, phát biểu của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã thu hút nhiều sự quan tâm. Cụ thể, chiều 5/7, trả lời chất vấn Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội, liên quan đến việc phụ huynh xếp hàng từ sớm nộp hồ sơ cho con vào lớp 10 trường tư, ông Trần Thế Cương - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết: “Xin khẳng định rằng ở địa bàn Hà Nội, chỗ học không thiếu. Chỉ có điều, có thể có tình trạng một số trường có uy tín đào tạo tốt nên phụ huynh tin tưởng gửi gắm và xếp hàng từ rất sớm để mong muốn con có 1 suất vào trường. Đến khi công bố không được nên họ bức xúc”. [1]

Phụ huynh chờ đợi xuyên đêm trước cổng trường để giành suất học cho con. Ảnh: Thanh Thủy.

Phụ huynh chờ đợi xuyên đêm trước cổng trường để giành suất học cho con. Ảnh: Thanh Thủy.

Trước đó, sáng 1/7, phát biểu tiếp thu giải trình tại buổi tiếp xúc với cử tri sau kỳ họp thứ 5, Quốc Hội khóa XV, ông Đinh Tiến Dũng - Bí thư Thành ủy Hà Nội, cho biết Hà Nội là điển hình thiếu trường, lớp công. “Trong quá trình phát triển với dân cư tăng rất nhanh, phần lớn là gia tăng dân số cơ học, nên lúc nào chúng ta cũng trong tình trạng thiếu trường, thiếu lớp” - Bí thư Thành ủy Hà Nội nói. [2]

Quay ngược thời gian về năm 2022, dư luận có thể vẫn chưa quên câu chuyện bốc thăm may rủi vào trường mầm non công lập ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) xảy ra trong mùa tuyển sinh.

Vào thời điểm đó, trả lời trên báo chí, ông Trần Quý Thái - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Quận Hoàng Mai cho biết, đây là tình huống bắt buộc phải làm và không còn cách nào khác.

Chỉ một vài hình ảnh đã cho thấy phần nào sự “khốc liệt” trong câu chuyện tuyển sinh đầu cấp - vốn vẫn luôn là chủ đề nóng bỏng bức xúc của rất nhiều gia đình ở thành phố Hà Nội...

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư, Tiến sĩ, Anh hùng lao động Nguyễn Anh Trí - Đại biểu Quốc hội đoàn thành phố Hà Nội nhìn nhận: “Trước tiên, về quan điểm, tôi cho rằng, học sinh trong độ tuổi từ lớp 1 đến lớp 12 đều có quyền được đi học. Và việc đảm bảo trường lớp đáp ứng nhu cầu này là nhiệm vụ của các cơ quan quản lý liên quan.

Chính vì lẽ đó, chúng ta phải hết sức tạo điều kiện để “ai cũng được học hành”. Hay nói cách khác, trong quản lý xã hội, phải có giải pháp để đảm bảo đáp ứng đủ trường lớp, phải có cơ chế, chính sách đảm bảo các điều kiện khác cho mỗi học sinh được học tập, từ kinh phí, đồ dùng, dụng cụ học tập, đến điều kiện đi lại,...”.

Giáo sư, Tiến sĩ, Anh hùng lao động Nguyễn Anh Trí - Đại biểu Quốc hội đoàn thành phố Hà Nội. Ảnh: cand.com.vn

Giáo sư, Tiến sĩ, Anh hùng lao động Nguyễn Anh Trí - Đại biểu Quốc hội đoàn thành phố Hà Nội. Ảnh: cand.com.vn

“Soi chiếu lại, để học sinh ở một địa phương, nhất là ở các thành phố lớn, đặc biệt như tại Thủ đô thiếu trường, thiếu lớp... về mặt quản lý xã hội như vậy là không được.

Học sinh từ bậc mầm non, tiểu học, trung học cơ sở đến trung học phổ thông đều phải được tạo mọi điều kiện đi học, nếu không sẽ vô cùng tai hại, tai hại trong chăm sóc, tai hại trong bảo vệ sức khỏe, tai hại trong suốt quá trình trưởng thành về sau này...

Vì thế, thành phố phải có trách nhiệm giải quyết những vấn đề khó khăn, đang cản trở quyền được tiếp cận với giáo dục của bất kỳ học sinh nào. Phải đảm bảo có trường, có lớp, đồng thời, phải có cơ chế hỗ trợ kinh phí để học sinh được đi học.

Trước đây, khoảng những năm 1993-1994, khi tôi tu nghiệp ở Nhật, tất cả các cháu trong độ tuổi đi học phổ thông thì đều phải đi học và chính quyền phải tạo mọi điều kiện, kể cả kinh phí để các cháu được đến trường đi học. Nếu có trẻ trong độ tuổi đến trường mà không đi học, thì chính quyền địa phương sẽ đến từng nhà tìm hiểu nguyên nhân và tìm cách tháo gỡ, giúp đỡ để đứa trẻ đó đi học. Tôi cho rằng, ở Việt Nam cũng nên như thế!” - Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Anh Trí chia sẻ thêm

Từ đó, vị đại biểu nhấn mạnh: “Ngay tại Hà Nội, còn có tình trạng phụ huynh phải chen nhau để giành chỗ học cho con, vì lo lắng không thể cho con đi học, là điều rất không được, dù có bất kỳ lời giải thích nào.

Về vấn đề này Giáo sư Nguyễn Anh Trí nói: Theo tôi, nguyên nhân của chuyện này rất có thể do thiếu trường học, có thể là vì thiếu trường công lập, thiếu trường có chất lượng.

Chính quyền thành phố cũng như ngành giáo dục thành phố phải tạo mọi điều kiện để đáp ứng đủ trường cho học sinh đi học, dù là trường công hay trường tư.

Một vấn đề rất quan trọng là dù trường công hay tư thì chất lượng đều phải tốt. Vì vậy, cơ quan quản lý giáo dục cần hết sức lưu ý vấn đề đảm bảo chất lượng. Đó cũng là một trong những điều quyết định để giảm bớt sự chạy trường, chạy lớp, chen chúc giành suất vào một số trường nào đó.

Thứ hai, vấn đề về học phí: Vì trường công lập đã được đầu tư chuẩn bị điều kiện về quỹ đất, được đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ... còn với trường tư, do phải tự túc nên học phí trường tư thường sẽ cao hơn, đó là điều thường gặp trong nền kinh tế thị trường. Những nhà quản lý cần thấy rõ việc này để tìm cách giảm bớt sự chênh lệch quá nhiều kinh phí phải đóng khi học trường tư, mà điều này thực sự là “gánh nặng”, đặc biệt ở những gia đình đông con đi học.

Nên chăng, cần xem xét các khoản mà học sinh đi học được hưởng từ các hỗ trợ của Nhà nước, thì học sinh trường công và trường tư đều được hưởng như nhau. Học sinh trường tư chỉ nộp thêm những khoản hợp lý do nhà đầu tư bỏ kinh phí ra để xây dựng trường, tổ chức học,… Như vậy, sẽ đỡ đi “gánh nặng” cho gia đình học sinh trường tư, vì bản thân các em đã “thiệt đơn thiệt kép”.

Thứ ba, tôi cho rằng, đối với học sinh từ lớp 10 trở xuống, không nên thi cử quá nặng nề, mà nên tổ chức kỳ thi hết sức nhẹ nhàng, vì chúng ta phải tạo mọi điều kiện để học sinh được đi học đầy đủ nhất. Có cần phải tổ chức kỳ thi tuyển sinh vào 10 “nặng” như thế không? Theo tôi, đó chỉ nên là một bài kiểm tra “nhẹ nhàng”, cốt để nhắc nhủ các em học hành, và nếu có thể thì lọc ra được những em quá yếu để phụ đạo thêm trước khi các em đó vào học lớp mới cao hơn.

Mà việc thi nhẹ nhàng như vậy cũng nên áp dụng cả với kỳ thi tốt nghiệp phổ thông. Trong khi đó cần tổ chức kỳ thi vào đại học theo cách khác: chặt chẽ, nghiêm túc và đủ khó để lựa chọn được học sinh vào học các trường đại học phù hợp. Tôi mong Quốc hội sẽ xem xét sửa đổi luật để có thể làm được như vậy.

Cuối cùng, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí gửi gắm: “Mong sao, chính quyền và ngành giáo dục thành phố hết sức quan tâm và có những điều chỉnh hợp lý, phù hợp với tinh thần mỗi học sinh đều được đến trường”.

Phụ huynh, học sinh mong muốn có môi trường học tập tốt là một nhu cầu chính đáng

Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Chương - nguyên Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Lộc Phát (Lâm Đồng) cũng cho rằng: “Trước hết, phụ huynh học sinh mong muốn có môi trường học tập tốt là một nhu cầu chính đáng, và nhu cầu đó trong bối cảnh hiện nay cũng rất đa dạng. Vai trò quản lý Nhà nước phải làm sao đáp ứng ngày càng tốt nhất nhu cầu chính đáng của phụ huynh cũng như học sinh.

Vì vậy, nói là “không thiếu chỗ học”, tôi cho rằng chưa thực sự gắn với lợi ích chính đáng của phụ huynh và học sinh. Có lẽ, phát biểu của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hà Nội chưa thực sự xác đáng, qua đó dư luận có ý kiến trái chiều và dường như số đông không đồng tình.

Trước đó, giải trình với cử tri, người đứng đầu Đảng bộ thành phố Hà Nội đã thừa nhận thiếu lớp, thiếu trường công lập là một điển hình của thành phố Hà Nội. Tôi cho đó vừa là quan điểm cá nhân, vừa là đánh giá của Đảng bộ thành phố về hiện tượng gần đây, phụ huynh hết sức vất vả trong các mùa tuyển sinh".

Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Chương - nguyên Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Lộc Phát (Lâm Đồng). Ảnh: FBNV.
Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Chương - nguyên Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Lộc Phát (Lâm Đồng). Ảnh: FBNV.

Ngoài ra, phân luồng sau trung học cơ sở là một giải pháp cần sự tác động của quản lý để giải quyết “bài toán” phát triển. Chủ trương phân luồng sau trung học cơ sở là đúng, nhưng cần phải có sự cộng hưởng giữa chủ trương và ý dân. Tất nhiên, công tác tuyên truyền, tư vấn là quan trọng, để một bộ phận phụ huynh, học sinh chủ động, tự giác phân luồng, nhưng quan trọng hơn cả là chất lượng của quá trình đào tạo, cơ hội việc làm, chất lượng cuộc sống của những học viên đi ra từ trường nghề.

Từ những đánh giá trên, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Chương đề cập đến một số giải pháp trước mắt và lâu dài: “Thứ nhất, phải công khai, minh bạch, thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về quy định thời gian, khu vực nộp hồ sơ, phân bổ chỉ tiêu phù hợp để tỉ lệ học sinh của từng địa bàn có thể công bằng hơn... để gỡ được “nút thắt” phụ huynh phải xếp hàng đêm hôm tranh giành.

Bên cạnh đó, để nhiều học sinh được đi học trường công, phải thực hiện tổng hòa nhiều giải pháp để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên; bố trí quỹ đất... và tạo sự thu hút của toàn xã hội đối với giáo dục phổ thông, có thể phát triển với mô hình trường học phi lợi nhuận, để “chia lửa” với hệ thống trường công lập, đáp ứng đủ nhu cầu của người học”.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://tuoitre.vn/phu-huynh-xep-hang-qua-dem-gianh-suat-hoc-cho-con-lanh-dao-so-noi-khong-thieu-cho-hoc-20230705163444599.htm

[2]https://tuoitre.vn/bi-thu-dinh-tien-dung-ha-noi-la-dien-hinh-thieu-truong-lop-cong-20230701132836979.htm

Mộc Trà