Đấu thầu thiết bị giáo dục - phép thử lòng tham của người quản lý

02/11/2021 06:55
Nguyễn Nhật Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Quản lý giáo dục, bài học ghi nhớ đầu tiên là phải bỏ chữ “tham”. Bỏ chữ “tham”, kiềm chế chữ “tham”, dù năng lực quản lý bình thường, cũng quản lý tốt giáo dục.

Chuyện hàng loạt cán bộ Sở Giáo dục và Đào tạo “dính chàm”, vướng vòng lao lý đã và đang thu hút sự quan tâm của dư luận.

Phần lớn các lãnh đạo Sở nói riêng, lãnh đạo cơ sở giáo dục nói chung vướng vòng lao lý đều do “vướng kinh tế”.

Quản lý giáo dục trường công lập có khó không?

Bậc học mầm non, tiểu học, phổ thông theo quan sát của cá nhân người viết làm quản lý các cơ sở giáo dục công lập không khó, cái gì cũng có "ba-rem" sẵn.

Mỗi năm từng đó việc, cứ “đến hẹn lại lên”, nội dung kế hoạch và báo cáo chỉ cần thay đổi … ngày tháng cho phù hợp; có gì mới thì chờ văn bản hướng dẫn của cấp trên.

Ví dụ sinh động nhất cho sự trì trệ, không dám nghĩ, không dám làm, lối cũ ta về là chuyện sử dụng hồ sơ, giáo án điện tử trong các cơ sở giáo dục.

Thông tư đã cho phép (Khoản 4 điều 21 Thông tư Số: 28/2020/TT-BGDĐT…); thế nhưng không mấy trường dám chủ động chuyển đổi số; giáo viên hàng năm vẫn phải in, nộp giáo án chỉ để kiểm tra.

Hay, Bộ Giáo dục đã có chỉ đạo, các phụ lục trong Công văn 5512 chỉ mang tính tham khảo, thế nhưng có lãnh đạo nào chỉ đạo như thế? Phần lớn đều yêu cầu giáo viên thực hiện theo phụ lục Công văn 5512 mới có chuyện các thầy cô phản ứng nhưng chẳng ăn thua trước các nhà quản lý, rồi dẫn đến các chợ giáo án mọc lên như nấm.

Vì thế, làm quản lý các cơ sở giáo dục công lập không khó, thậm chí dễ đến mức, rất nhiều trường khuyết vị trí hiệu trưởng, hiệu phó, nhiều năm liền, vậy mà nhà trường vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, chỉ tiêu năm sau đạt cao hơn năm trước!

Vì thế, “Đổi mới giáo dục, trước hết hiệu trưởng phải thay đổi cách nghĩ, cách làm”.[1]

Với các trường ngoài công lập, phải tự chủ tài chính, việc quản lý nhà trường phải nói thật rất khó, cần người có tâm, có tầm, mới có thể duy trì và phát triển nhà trường được. Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm, bất cứ việc gì người quản lý cũng phải vắt óc suy nghĩ tìm cách tối đa hóa hiệu quả theo điều kiện thực tế của trường mình và không có "ba-rem" nào để mà làm theo.

Vì thế, có giáo viên khi lên làm quản lý cơ sở giáo dục công lập, có tâm, có tầm, vì “những góc khuất nghề giáo” đã xin nghỉ hưu sớm, nghỉ việc, trở thành quản lý của trường ngoài công lập, nên có hiện tượng “chảy máu chất xám trong giáo dục” hiện nay.

Giáo viên không kiềm chế được lòng tham đừng vội ngồi ghế nóng

Có phải những người “dính chàm” trong giáo dục giỏi chuyên môn, nhưng quản lý dở, dẫn đến mang “hậu họa” không?

Ảnh minh họa: Lã Tiến

Ảnh minh họa: Lã Tiến

Có phải cán bộ quản lý giáo dục công lập “vướng vòng lao lý” vì họ không có nghiệp vụ quản lý kinh tế?

Câu trả lời, hoàn toàn không phải!

Tại sao người viết dám nói như vậy? Với “thế giới phẳng” hiện nay, muốn biết giá của một sản phẩm không khó với bất cứ ai, chỉ cần biết sử dụng điện thoại thông minh, hay máy tính để hỏi Google.

Đấu thầu thiết bị giáo dục là bài kiểm tra chính xác “lòng tham” của cán bộ quản lý giáo dục; kiểm tra tinh thần, phẩm chất của nhà giáo có xứng đáng là người lãnh đạo trong ngành giáo dục hay không.

Lãnh đạo không tham, giữ được cốt cách, phẩm giá nhà giáo thì đố nhà thầu nào dám “thổi giá” mà trúng thầu được.

Không thể có chuyện “thổi giá” mà cán bộ quản lý giáo dục công lập không biết! Cán bộ quản lý giáo dục công lập còn biết trước, họ sẽ thu lợi bao nhiêu, hình thức thanh toán như thế nào, “thổi giá” bao nhiêu %, ăn chia như thế nào … trước khi đặt bút kí duyệt hợp đồng.

Vì thế có thể thấy rằng, tất cả cán bộ quản lý giáo dục công lập “vướng vòng lao lý” vì “kinh tế”, đều do lóa mắt trước bả danh lợi, lòng tham che mờ lý trí, không thấy được hậu quả của việc mình làm, mà vi phạm pháp luật.

Vì thế, quản lý giáo dục, bài học ghi nhớ đầu tiên là phải bỏ chữ “tham”. Bỏ chữ “tham”, kiềm chế chữ “tham”, dù năng lực quản lý bình thường, cũng quản lý tốt giáo dục công lập.

Làm sao triệt tiêu chữ “tham” trong cán bộ quản lý giáo dục?

Giáo dục là “quốc sách hàng đầu”, là “máy cái” sản xuất, cung cấp nhân lực là người tử tế hay không tử tế cho cho xã hội. Vì vậy, dối trá, tham nhũng, trong giáo dục sẽ ảnh hưởng lâu dài, phức tạp, với xã hội; ảnh hưởng đến vận mệnh đất nước.

Nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu đã nói “đã tắm thì phải gội đầu”, tức là phải bắt đầu từ cấp cao nhất.[2]

Như vậy, chống tham nhũng, dối trá trong giáo dục phải bắt đầu từ cấp Bộ, cấp Sở mới làm gương cho cấp Phòng, cấp trường được.

Để triệt tiêu dối trá, tham nhũng trong giáo dục, “Bộ cần làm rõ có hay không khuất tất đấu thầu giấy in sách giáo khoa tại NXBGDVN”; không thể không xem xét thấu đáo “Vụ trưởng vừa từ chức: từng nợ tiêu chuẩn, ký giao chỉ tiêu VB2 cho ĐH Đông Đô”.

Kiên quyết xử lý mức cao nhất với cán bộ giáo dục vi phạm, vì họ thừa biết hậu quả việc làm của mình sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội lâu dài và phức tạp, biết mà vẫn cố tình làm; xử lý nghiêm, sẽ răn đe, giáo dục những cán bộ khác.

Còn “Kỷ luật “ngọt ngào” thế này thì hiệu trưởng mãi là vua con!” thì cán bộ giáo dục sẽ không giữ được phẩm chất nhà giáo.

Việc xử lý không đến nơi đến chốn, cán bộ sẽ “nhờn” pháp luật, dẫn đến vi phạm trên diện rộng ở cơ sở, ví dụ “Gia Lai: Hàng chục trường học tại thành phố chi sai hàng trăm triệu đồng”.[3] “Kết quả kiểm tra sau phản ánh của TTXVN: Có việc thu sai quy định”.[4]

Lòng tham ai cũng có, nói không có là không thật lòng; nhưng người tử tế có cách kiềm chế lòng tham; không thể vì tham lam của mình mà “cày xéo” lên bệnh nhân, lên học trò.

Cán bộ giáo dục, trước tiên phải là người tử tế; có như thế mới lan tỏa sự tử tế đến với giáo viên, học trò và xã hội.

Làm hiệu trưởng, phải biết đâu là lạm thu, đâu là thu đúng; đừng để lòng tham của mình mà tận thu, gây bất bình, bức xúc cho phụ huynh, học sinh.

Làm cấp cao hơn, phải biết đâu là điểm dừng cho phép, đừng chà đạp lên pháp luật mà thổi giá vô tội vạ để thu lợi bất chính.

Thế giới phẳng, phụ huynh, học sinh, giáo viên biết cả đấy; quả báo nhãn tiền, chẳng phải xa xôi gì đâu.

Nếu pháp luật không “sờ gáy”, cán bộ tham nhũng về hưu chỉ cần nhìn ánh mắt của giáo viên, đồng nghiệp cũ là đủ tủi nhục.

Người viết đã chứng kiến cán bộ giáo dục tham nhũng về hưu đi dự đám cưới gặp đồng nghiệp cũ chẳng ai chào, cầm ly bia chúc chẳng ai buồn cụng ly, chẳng dám “tao ngộ” lần sau với đồng nghiệp cũ; điều đặc biệt, những người ngày trước “nịnh bợ” bao nhiêu, hôm nay khinh rẻ ra mặt bấy nhiêu.

Giáo viên không kiềm chế được lòng tham “đừng ngồi vào ghế nóng”, sớm hay muộn, tham nhũng, dối trá trong giáo dục cũng bị trả giá.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://vov.vn/xa-hoi/giao-duc/doi-moi-giao-duc-truoc-het-hieu-truong-phai-thay-doi-cach-nghi-cach-lam-886908.vov

[2] https://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/tieudiem/ong-le-kha-phieu-noi-ve-viec-da-tam-thi-phai-goi-dau-664567.html

[3]https://giaoducthoidai.vn/phap-luat/gia-lai-hang-chuc-truong-hoc-tai-thanh-pho-chi-sai-hang-tram-trieu-dong-ayNgdOKng.html

[4]https://www.vietnamplus.vn/ket-qua-kiem-tra-sau-phan-anh-cua-ttxvn-co-viec-thu-sai-quy-dinh/750121.vnp

Nguyễn Nhật Minh