Giáo dục ba chân và một… gậy

21/10/2021 10:18
Xuân Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Với thế chân kiềng dựa vào ba trụ cột mà giáo dục và đào tạo Việt Nam vẫn chưa vững thì cần thêm cái gì?

Báo điện tử Hanoimoi.com.vn số ra ngày 13/05/2021 có bài: “Giáo dục và đào tạo phải lấy học sinh làm trung tâm, nhà trường là nền tảng, giáo viên là động lực”.

Bài báo nêu 10 nhiệm vụ mà Thủ tướng Chính phủ giao cho ngành Giáo dục và Đào tạo, trong đó nhiệm vụ thứ ba là:

“Tư tưởng chỉ đạo giáo dục và đào tạo là phải lấy học sinh làm trung tâm, nhà trường là nền tảng, giáo viên là động lực. Bộ phải bám sát chỉ đạo này để hoạch định chính sách, xây dựng thể chế phù hợp để làm rõ và vận hành có hiệu quả mối quan hệ “nhà trường, học sinh và giáo viên”; đổi mới mạnh mẽ tư duy từ trang bị kiến thức sang trang bị năng lực, phẩm chất toàn diện cho học sinh”. [1]

Theo quan điểm nêu trên, giáo dục phải theo thế chân kiềng, nói nôm na là dựa vào ba chân (trụ cột) gồm: “học sinh - nhà trường - giáo viên”.

Ba tháng sau, ngày 28/8/2021, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết năm học 2020-2021, triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu ý kiến:

“Tôi đề nghị nghiên cứu thêm phương châm “lấy nhà trường làm nền tảng”, “lấy thầy giáo làm động lực” để bổ sung cho phương châm “lấy học sinh làm trung tâm”. [1]

Vì sao Thủ tướng lại đề nghị “nghiên cứu thêm phương châm lấy nhà trường làm nền tảng, lấy thầy giáo làm động lực”?

Tám năm trước, báo Giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh từng đăng bài viết: “Bàn về quan điểm giáo dục: “Lấy người học làm trung tâm”. [2]

Bài báo này cho thấy thời điểm đó, đối tượng người học bắt đầu được quan tâm và được nâng tầm trở thành “trung tâm”, cùng lúc đó quan điểm “không thày đố mày làm nên” đã được để sang bên cạnh và chưa thấy đề cập đến vai trò của nhà trường.

Vấn đề là Thủ tướng chỉ “đề nghị” còn ai hoặc cơ quan nào quyết định sắp xếp thứ tự ba phương châm nêu trên - trong đó yếu tố nhà giáo được để ở vị trí cuối cùng thì chưa rõ.

Dẫu Bộ Giáo dục và Đào tạo có tuân theo quan điểm lấy học trò làm trung tâm thì vẫn có những ý kiến nhấn mạnh vai trò quan trọng của nhà giáo, tuy nhiên bài viết này sẽ không bàn việc chọn đối tượng làm trung tâm (của hoạt động giáo dục đào tạo) mà nói về khía cạnh khác.

Thế chân kiềng được xem là thế vững chắc nhất vì Toán học đã khẳng định qua ba điểm luôn tạo được một mặt phẳng.

Vậy phải chăng dựa vào ba trụ cột “học sinh - nhà trường - giáo viên”, giáo dục Việt Nam đã có một thế đứng vững chắc?

Câu trả lời là chưa.

Với thế chân kiềng dựa vào ba trụ cột mà giáo dục và đào tạo Việt Nam vẫn chưa vững chắc thì cần thêm cái gì?

Trước khi trả lời câu hỏi này, cần điểm qua một vài sự kiện trong vòng 04 năm qua.

Gian lận điểm thi năm 2018 là vụ bê bối điểm thi chưa từng có trong các kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia. (Ảnh: Vietnamnet)

Gian lận điểm thi năm 2018 là vụ bê bối điểm thi chưa từng có trong các kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia. (Ảnh: Vietnamnet)

Năm 2018: Tỉnh ủy Quảng Bình kỷ luật khiển trách ông Đinh Quý Nhân, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh. Cùng năm, Tỉnh ủy Kiên Giang kỷ luật bà Nguyễn Thị Minh Giang, Tỉnh uỷ viên, Bí thư Đảng uỷ, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo với hình thức khiển trách.

Năm 2019: ông Hoàng Tiến Đức, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La bị cách hết mọi chức vụ trong Đảng và chính quyền; ông Bùi Trọng Đắc, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hòa Bình bị cách chức Giám đốc sở; ông Vũ Văn Sử, Tỉnh uỷ viên, Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh, Bí thư Đảng uỷ, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Giang bị khai trừ ra khỏi đảng. Cả ba người này đều liên quan đến vụ gian lận thi cử năm 2018.

Năm 2020: Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã thông báo kết quả họp kỳ thứ 3 và thứ 4, trong đó nêu rõ những vi phạm của ông Trần Trung Dũng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Tĩnh…”.

Năm 2021: Sở Nội vụ thành phố Cần Thơ đang xem xét xử lý đối với bà Trần Hồng Thắm, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy theo đề nghị Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ.

Trong năm 2021, cơ quan chức năng đã bắt tạm giam các ông, bà:

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên Nguyễn Văn Kiên;

Nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh Vũ Liên Oanh;

Nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa Phạm Thị Hằng,…

Rõ ràng là đã có một số Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh bị kỷ luật Đảng hoặc bị bắt giam vì phạm tội hình sự,…

Những thống kê nêu trên chỉ mới dừng ở chức vụ Giám đốc sở, nếu mở rộng xuống các chức vụ thấp hơn (Phó Giám đốc sở, trưởng phòng,…) thì số lượng không biết sẽ thế nào.

Với thực trạng một bộ phận cán bộ quản lý giáo dục bị kỷ luật, truy tố như vậy, chuyện tồn tại yếu kém của ngành giáo dục mà hàng loạt tờ báo đề cập không có gì là khó hiểu.

Và điều này cho thấy nếu giáo dục Việt Nam chỉ quan tâm đến ba trụ cột là học sinh, nhà trường và nhà giáo mà bỏ quan đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục từ Bộ xuống địa phương thì khó mà đạt được những mục tiêu đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo như Nghị quyết 29-NQ/TW đề ra.

Phải chăng chính vì điều này nên yêu cầu thứ tư mà Thủ tướng Chính phủ đặt ra với Bộ Giáo dục và Đào tạo là:

“Tăng cường công tác xây dựng Đảng, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong quản lý Nhà nước và trong quản trị cơ quan Bộ. Hầu hết các trường hợp bị xử lý kỷ luật trong thời gian qua đều có vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ tại cơ quan, đơn vị. Đây là bài học sâu sắc cần được các cấp ủy nghiêm túc rút kinh nghiệm”. [1]

Không phải ngẫu nhiên Thủ tướng Chính phủ phải nói đến kỷ luật, kỷ cương trong quản trị “cơ quan Bộ”?

Nhắc nhở của Thủ tướng Chính phủ liệu có cho thấy điều gì đó chưa ổn trong hoạt động của cơ quan đầu não về giáo dục và đào tạo nước nhà?

Liệu chỉ cần chú ý đến “nguyên tắc tập trung dân chủ tại cơ quan, đơn vị” hay còn khá nhiều lĩnh vực khác cũng phải chú ý, chẳng hạn:

Hội đồng Quốc gia thẩm định sách giáo khoa có vi phạm gì không khi để lọt hàng loạt sai sót trong nhiều đầu sách giáo khoa mới phát hành?

Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có sai phạm gì không trong việc đấu thầu giấy in, liên kết in ấn, phát hành sách giáo khoa?

Bao giờ thì Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có đánh giá, tổng kết về đổi mới chương trình, sách giáo khoa, đặc biệt là chuyện hình thành các môn tích hợp?

Chất lượng giảng dạy sẽ thế nào nếu tới đây, một giáo viên sẽ phải dạy hai phân môn trong môn Nghệ thuật, môn Lịch sử và Địa lý, hoặc phải dạy ba phân môn Vật lý, Hóa học, Sinh học trong môn Khoa học tự nhiên?

Không chỉ Thủ tướng đương nhiệm nhắc nhở, Thủ tướng nhiệm kỳ trước cũng từng yêu cầu “Làm rõ những sai phạm liên quan của các đơn vị, cá nhân thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo trong vụ án “Giả mạo trong công tác” xảy ra tại Trường Đại học Đông Đô”. [3]

Mới nhất, Cơ quan tố tụng cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm quản lý việc thực hiện quy chế tuyển sinh, đào tạo, chưa chỉ đạo kịp thời công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động đối với Đại học Đông Đô đúng quy định.

Đến đây thì đã đủ tư liệu để trả lời câu hỏi ngoài ba trụ cột “học sinh – nhà trường – nhà giáo” giáo dục Việt Nam cần thêm cái gì?

Đó là cần thêm chiếc gậy.

Chiếc gậy không phải để chống thêm cho ba chân kiềng.

Chiếc gậy để răn đe những ai nhăm nhe thò tay vào các vụ mua sắm vật tư giáo dục.

Chiếc gậy để trừng phạt những ai vi phạm pháp luật, để giữ cho môi trường giáo dục thực sự trong sạch./.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Giao-duc/999272/giao-duc-va-dao-tao-phai-lay-hoc-sinh-lam-trung-tam-nha-truong-la-nen-tang-giao-vien-la-dong-luc

[2]https://www.giaoduc.edu.vn/ban-ve-quan-diem-giao-duc-lay-nguoi-hoc-lam-trung-tam.htm

[3] https://kiemsat.vn/bang-gia-tai-dai-hoc-dong-do-thu-tuong-yeu-cau-xu-ly-nghiem-theo-quy-dinh-phap-luat-60685.html

Xuân Dương