Khi Bộ lấy ý kiến Dự thảo Quy chế đào tạo tiến sĩ, không ai góp ý?

31/07/2021 07:03
Xuân Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Liệu có khả năng Thông tư được ban hành vội vã khi chưa lấy được ý kiến đóng góp nên mới có những khiếm khuyết khiến xuất hiện nhiều ý kiến phản đối?

“Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ” (Quy chế) ban hành kèm theo Thông tư số 18/2021/TT-BGDĐT (Thông tư 18) của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo được công bố vào ngày 28/06/2021.

Có ý kiến cho rằng:

“Chuẩn tiến sĩ mới là nỗi hổ thẹn với thế giới” [1] hoặc

“Quy chế đào tạo mới là bước thụt lùi, cơ hội cho 'các lò' tiến sỹ rởm”. [2]

Vì sao Thông tư 18 lại khiến dư luận - trong đó có không ít Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ và một số cựu quan chức quản lý giáo dục bức xúc như vậy?

Xin không bàn luận về nội dung Quy chế ban hành kèm theo Thông tư 18, điều đã được các nhà khoa học mổ xẻ khá kỹ.

Bài viết này dành sự quan tâm đến khía cạnh pháp lý của việc ban hành Thông tư.

Ảnh chụp màn hình Cổng Thông tin điện tử Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 29/07/2021 cho thấy có mục “Dự thảo Thông tư Quy định quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ”. Thời hạn góp ý từ ngày 07/10/2020 đến ngày 07/12/2020 (Hình 1).

Nhấn vào mục “Xem góp ý” trên màn hình, nhận được kết quả trong Hình 2:

Hình 1: Công bố Dự thảo Thông tư 18 lấy ý kiến góp ý

Hình 1: Công bố Dự thảo Thông tư 18 lấy ý kiến góp ý

Hình 2: Kết quả “Xem góp ý” là: Không có góp ý dự thảo văn bản

Hình 2: Kết quả “Xem góp ý” là: Không có góp ý dự thảo văn bản

Vì đây là thông tin xuất hiện trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Giáo dục và Đào tạo nên khả năng Dự thảo Quy chế ban hành kèm theo Thông tư 18 không nhận được bất kỳ góp ý nào là hoàn toàn có thể.

Vì sao sau hai tháng công bố, Dự thảo Thông tư không nhận được góp ý nào nhưng ngay sau khi chính thức ban hành lại nhận được không ít lời chê bai, phản đối?

Chỉ có thể xảy ra một trong ba khả năng:

Thứ nhất, tất cả góp ý gửi về Bộ Giáo dục và Đào tạo không đúng cách nên Bộ không nhận được;

Thứ hai, bộ phận chức năng đã nhận được góp ý song “quên” tổng hợp và cập nhật;

Thứ ba, không ai muốn góp ý.

Về khả năng thứ ba, người viết cho là khó có chuyện giới trí thức, giới tinh hoa, những người tâm huyết với giáo dục đại học đều “chung ý tưởng” không muốn góp ý cho Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Khả năng có sự trục trặc chức năng tự động thống kê trên Cổng Thông tin nên các ý kiến đóng góp không được cập nhật? Nghi vấn này chỉ có thể làm rõ nếu có sự vào cuộc của Cục Công nghệ thông tin của Bộ.

Hoặc có lẽ vấn đề nằm ở chỗ các ý kiến đóng góp được đề nghị gửi về địa chỉ tiếp nhận:

“Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo (số 35 Đại Cồ Việt, Hà Nội). Email: dhchi@moet.gov.vn; Số điện thoại: 0983921818”.

Với địa chỉ tiếp nhận như trên, nếu khả năng thứ ba không tồn tại thì chỉ có thể là khả năng thứ hai bởi không thể xảy ra chuyện tất cả những người góp ý đều không viết đúng địa chỉ.

Có phải do không có góp ý từ bên ngoài nên bộ phận soạn thảo tự sửa bản gốc, cụ thể trong dự thảo viết:

“Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư quy định quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ”;

Bản công bố chính thức viết:

“Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư ban hành Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ”.

Người viết văn luôn cố tránh lặp tại từ ngữ trong cùng một câu trừ trường hợp bắt buộc, người đọc sẽ cảm nhận câu “ban hành Thông tư quy định quy chế…” hợp lý hơn, thuận tai hơn so với câu “ban hành Thông tư ban hành Quy chế…”.

Theo quy định tại khoản 2, điều 101, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì:

“Trong quá trình soạn thảo thông tư, bộ, cơ quan ngang bộ chủ trì soạn thảo phải lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản; … Tùy theo tính chất và nội dung của dự thảo thông tư, bộ, cơ quan ngang bộ có thể lấy ý kiến của các bộ, cơ quan ngang bộ khác, cơ quan thuộc Chính phủ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, các cơ quan, tổ chức khác, các chuyên gia, nhà khoa học…”.

“Đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản” (Thông tư 18) là các cơ sở giáo dục đại học (được phép đào tạo tiến sĩ), các nghiên cứu sinh và cơ quan, đơn vị quản lý nhân sự.

Ngôn từ trong luật ghi “phải lấy ý kiến đối tượng…” nên việc lấy ý kiến là bắt buộc.

Vậy bộ phận được giao nhiệm vụ soạn thảo thông tư thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo (Vụ Giáo dục đại học?) có lấy ý kiến các đối tượng (theo luật định) hay không, nếu có thì đã lấy được bao nhiêu ý kiến?

Nếu phần lớn ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học đều đồng ý với dự thảo của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học Nguyễn Thu Thủy nên công bố số liệu mà vụ này thu thập được để dư luận cùng hiểu.

Ngược lại, nếu quả thực “Không có góp ý dự thảo văn bản” nhưng Bộ trưởng vẫn ủy quyền cho Thứ trưởng ký ban hành Thông tư 18 thì có cần xem xét sự tuân thủ pháp luật của cơ quan hành pháp?

Liệu có khả năng Thông tư được ban hành vội vã khi chưa lấy được ý kiến đóng góp nên mới có những khiếm khuyết khiến xuất hiện nhiều ý kiến phản đối?

Trong khi dư luận chưa biết chính xác việc Bộ Giáo dục và Đào tạo có lấy ý kiến và có nhận được góp ý của xã hội đối với Thông tư 18 hay không thì truyền thông cho biết Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nhận được ý kiến của một số nhà khoa học, nhà giáo và Phó Thủ tướng đã có ý kiến chỉ đạo như sau:

“Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu các ý kiến góp ý trên tinh thần cầu thị, nghiêm túc, có hình thức phù hợp để trao đổi ý kiến thật sự khoa học và tiếp thu các ý kiến xác đáng nhằm nâng cao chất lượng và tiếp cận với chuẩn mực quốc tế trong đào tạo tiến sĩ. Đối với những ngành đặc thù thì có quy định cho phù hợp, đảm bảo chất lượng”.

Vậy phản hồi chính thức của Bộ Giáo dục và Đào tạo là thế nào?

Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học Nguyễn Thu Thủy khi trao đổi với báo giới đã cho rằng: Trên cơ sở các tiêu chuẩn khung này, cơ sở giáo dục ĐH căn cứ vào mục tiêu, năng lực đào tạo để đưa ra những quy định, yêu cầu bằng hoặc cao hơn cho việc đào tạo tiến sĩ của mình, đồng thời, công bố công khai, minh bạch để cơ quan quản lý, xã hội, người học biết và giám sát, thực hiện. [3]

Ở cương vị của mình, Vụ trưởng Thủy hình như rất tin vào sự tự giác của các cơ sở giáo dục đại học trong khi thực tế lại không như vậy.

Nhiều nhiệm kỳ, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo biết rõ chất lượng đào tạo tại chức rất yếu kém nhưng không thể làm gì bởi các cơ sở giáo dục đại học xem tại chức là “nồi cơm” của mình. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chịu thua các trường nhưng xã hội không chịu nên mới khiến không ít địa phương “tẩy chay” loại văn bằng (tại chức) này.

Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo chắc phải biết bao nhiêu cơ sở giáo dục đại học bị phạt, bị trừ chỉ tiêu vì không tuân thủ quy định của Bộ về chỉ tiêu tuyển sinh đại học, vậy sự tự giác của họ ở đâu?

Vụ trưởng Thủy muốn các cơ sở giáo dục đại học “công bố công khai, minh bạch” việc đào tạo tiến sĩ của mình để cơ quan quản lý – tức là Bộ Giáo dục và Đào tạo biết và giám sát.

Sau khi Bộ biết và giám sát “lò ấp thạc sĩ, tiến sĩ” tại Học viện Khoa học xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam rồi thì những người vi phạm bị xử lý thế nào?

Tuy nhiên từ ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, dư luận xã hội và những người tâm huyết với giáo dục mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo “nghiên cứu các ý kiến góp ý trên tinh thần cầu thị, nghiêm túc” để “nâng cao chất lượng và tiếp cận với chuẩn mực quốc tế trong đào tạo tiến sĩ” chứ không phải giải thích nhiều nhưng không mang lại sự an tâm cho xã hội./.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/gs-ngo-viet-trung-khong-yeu-cau-cong-bo-quoc-te-khong-the-ngan-ra-lo-tien-si-rom-755735.html

[2] https://www.vietnamplus.vn/quy-che-dao-tao-moi-la-buoc-thut-lui-co-hoi-cho-cac-lo-tien-sy-rom/726520.vnp

[3] https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/dang-bai-nghien-cuu-quoc-te-tot-hon-trong-nuoc-la-dinh-kien-can-nhin-nhan-lai-post219375.gd

Xuân Dương