Trung tâm của sự nghiệp đổi mới giáo dục là thày, trò hay… toa tàu? (2)

04/07/2021 06:55
Tiến sĩ Dương Xuân Thành (Ban nghiên cứu và phân tích chính sách Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam)
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Cứ mỗi đợt cải cách hoặc đổi mới giáo dục, cứ mỗi nhiệm kỳ Bộ trưởng, giáo dục Việt Nam lại có một định hướng khác nhau.

(Phần 1)

Giáo dục không có lực:

Đánh giá Bộ Giáo dục và Đào tạo không có “lực” là dựa vào phát biểu của nguyên Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ:

“Hiện nay, 20% ngân sách nhà nước cho ngành giáo dục chủ yếu phân bổ cho các địa phương cũng như các bộ ngành khác, phần ngân sách do Bộ Giáo dục và Đào tạo làm đầu mối trực tiếp quản lý thực chất chỉ chiếm khoảng 4,8% trong tổng số". [6]

Ông Phùng Xuân Nhạ đã trăn trở rất nhiều chuyện 20% ngân sách nhà nước dành cho Giáo dục và Đào tạo.

Sự trăn trở của ông Nhạ thể hiện qua Chương trình Khoa học Giáo dục cấp quốc gia 2016-2020 với đề tài “Nghiên cứu đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả, hiệu lực chi ngân sách Nhà nước cho giáo dục ở Việt Nam 2011-2017”.

Mục đích của nghiên cứu mà ông Nhạ chỉ đạo thực hiện chỉ mới dừng ở việc trả lời câu hỏi “20% ngân sách chi cho giáo dục đã đi đâu?”. [6]

Thực ra “20% ngân sách chi cho giáo dục đã đi đâu?” là tít bài do báo Vietnamnet.vn đặt chứ không phải do nhóm nghiên cứu dưới sự chỉ đạo của nguyên Bộ trưởng Nhạ đề xuất.

Tuy nhiên bằng câu nói “Hiện nay, 20% ngân sách nhà nước cho ngành giáo dục…” ông Phùng Xuân Nhạ đã mặc nhiên khẳng định ngân sách nhà nước dành cho ngành giáo dục là 20%.

Tất cả những người, cơ quan tán đồng quan điểm “ngân sách nhà nước dành cho ngành giáo dục là 20%” đều đã sai (nhưng không biết mình sai) cho đến khi đại biểu Quốc hội Bùi Thị Quỳnh Thơ trong phiên thảo luận tại hội trường Quốc hội sáng 13/06/2020 đưa ra con số:

“Chi ngân sách nhà nước liên tục nhiều năm không đảm bảo chỉ tiêu dành cho Giáo dục và Đào tạo (20%) và Khoa học Công nghệ (2%). Chi giáo dục đào tạo và dạy nghề năm 2018 bằng 14,2% tổng chi ngân sách nhà nước, năm 2019 giảm xuống còn 14,03%, quyết toán chi giáo dục đào tạo và dạy nghề chỉ đạt 96,2% dự toán”. [7]

Phát biểu của đại biểu Quốc hội Bùi Thị Quỳnh Thơ làm nảy sinh ba câu hỏi:

Thứ nhất, vì sao Nghị quyết 29-NQ/TW và Luật Giáo dục 2019 quy định ngân sách chi cho Giáo dục và Đào tạo ít nhất là 20% nhưng thực tế lại bị cắt tới gần 6%?

Thứ hai, tình trạng này diễn ra “liên tục nhiều năm” thực ra là bao nhiêu năm?

Thứ ba, đơn vị, cá nhân nào phải chịu trách nhiệm về việc làm trái Nghị quyết của Đảng và pháp luật của nhà nước, đã có hình thức xử lý gì với người, cơ quan vi phạm?

Liên tục nhiều năm bị cắt bớt kinh phí, phải chăng đây là nguyên nhân khiến ngành Giáo dục thiếu tiền sửa chữa trường lớp xuống cấp, thiếu kinh phí xây trường mới và nhất là tăng lương cho đội ngũ giáo viên?

Với thực trạng này Giáo dục và Đào tạo duy trì được sức lực để vận động đã là may mắn chứ chưa nói đến phát triển.

Bốn vị lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo gồm các nguyên Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân, Phạm Vũ Luận, Phùng Xuân Nhạ và đương kim Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đều có chung một suy nghĩ, rằng sẽ cố gắng để cải thiện đời sống của thày cô giáo, để nhà giáo sống được bằng lương,… nhưng đến năm 2021 này đó vẫn chỉ là lời nói.

Không thể trách các vị Bộ trưởng, bởi một khi không có quyền và lực thì giữ cho mái nhà không bị tốc khi mưa bão tại đã là cố gắng rồi. Lo cho nồi cơm của cả triệu nhà giáo quả là lực bất tòng tâm.

(Ảnh minh họa: theuktraining.co.uk)

(Ảnh minh họa: theuktraining.co.uk)

Giáo dục không có thế:

“Thế” chỉ có thể tạo ra bởi “quyền” và “lực”.

Quyền thấp và lực mỏng đương nhiên sẽ tạo nên thế yếu.

Cùng với Khoa học và Công nghệ, Giáo dục và Đào tạo được xem là quốc sách hàng đầu, thế nhưng vị thế của ngành giáo dục lại không khác mấy so với vị thế của tư lệnh ngành trong một số cuộc bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội phê duyệt.

Người viết cho rằng chuyển bất kỳ vị Bộ trưởng nào (đang có phiếu tín nhiệm cao rất nhiều) sang làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thì kết quả bỏ phiếu tín nhiệm sau đó tại Quốc hội cũng sẽ cho con số ngược lại.

Vì đã phân tích rất kỹ thế yếu của giáo dục trong loạt 04 bài “Giáo dục: “Quyền rơm, vạ đá” ” đăng trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam từ tháng 02/2019 nên phần này xin không đề cập.

Giáo dục thay đổi định hướng theo nhiệm kỳ:

Cứ mỗi đợt cải cách hoặc đổi mới giáo dục, cứ mỗi nhiệm kỳ Bộ trưởng, giáo dục Việt Nam lại có một định hướng khác nhau.

Có vị cho rằng đổi mới giáo dục là một “trận đánh lớn”, lại có ý kiến ngược lại, rằng “giáo dục không phải là một trận đánh, giáo dục là con người”.

Hiện tại không ít người cổ xúy cho quan điểm lấy học sinh làm trung tâm, chẳng hạn một bài báo có tít: “Giáo dục và Đào tạo phải lấy học sinh làm trung tâm, nhà trường là nền tảng, giáo viên là động lực”.

Tuy nhiên cố Giáo sư Hoàng Tụy, một nhà khoa học, nhà giáo nổi tiếng lại cho rằng:

“Vai trò quyết định đối với chất lượng giáo dục vẫn thuộc về các yếu tố có liên quan trực tiếp tới người thầy”.

Có một “định hướng” mô tả 22 triệu thày trò là hành khách trên “đoàn tàu đổi mới giáo dục” và đó là đoàn tàu chạy trên đường ray.

Phát biểu của vị nguyên Bộ trưởng cho rằng thày trò cùng ngồi trên toa tàu với vai trò như nhau là “Hành khách”, vậy thày là trung tâm, trò là trung tâm hay… toa tàu là trung tâm của sự nghiệp giáo dục?

Phải chăng chính vì Giáo dục Việt Nam không có hướng đi rõ ràng, không tìm thấy Triết lý giáo dục phù hợp với thời đại mới nhưng lại vội vã vứt bỏ triết lý giáo dục người xưa để lại nên Giáo dục mới trở nên yếu kém khiến chính người Việt phải ruồng bỏ.

Nhận định trên không phải của người viết mà là tít một bài báo: “Chi 3-4 tỉ USD đi du học, người Việt mất niềm tin giáo dục trong nước”. [8]

“Người Việt mất niềm tin giáo dục trong nước” không phải là nhận định vô căn cứ, nhưng cần phải làm rõ người Việt mất niềm tin vào nhà giáo, nhà trường hay chính sách?

Quản lý nhà nước về giáo dục là Bộ Giáo dục và Đào tạo thế nhưng hiếm có bộ nào ở Việt Nam bị chia tách, sáp nhập nhiều như Bộ Giáo dục.

Giai đoạn 1945-1954, Việt Nam có Bộ Quốc gia Giáo dục (sau này đổi thành Bộ Giáo dục). Tháng 10/1965, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn việc tách một phần Bộ Giáo dục thành lập Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp.

Năm 1990 Chính phủ quyết định thành lập Bộ Giáo dục và Đào tạo trên cơ sở sáp nhập Bộ Giáo dục, Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp và Dạy nghề.

Năm 1969 thành lập Tổng cục đào tạo công nhân kỹ thuật trực thuộc Bộ Lao động.

Năm 1978 tách Tổng cục đào tạo công nhân kỹ thuật khỏi Bộ Lao động và đổi tên là Tổng cục Dạy nghề trực thuộc Hội đồng Bộ trưởng (Chính phủ).

Giai đoạn 1987 - 1990 Tổng cục Dạy nghề sáp nhập vào Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp.

Đến năm 1998 chuyển giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về giáo dục đào tạo nghề từ Bộ Giáo dục và Đào tạo sang Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Năm 2014 Quốc hội ban hành Luật Giáo dục nghề nghiệp, quyết định chuyển giáo dục nghề nghiệp từ Bộ Giáo dục và Đào tạo về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Năm 2021, có ý kiến đề xuất thành lập lại Bộ Giáo dục, chuyển nhiệm vụ đào tạo từ Bộ Giáo dục và Đào tạo và nhiệm vụ dạy nghề từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về Bộ Khoa học và Công nghệ.

Người Việt có câu: “Ba lần chuyển nhà bằng lần cháy nhà”, người Anh cũng có câu tương tự: “Three removals are as bad as a fire”.

Vậy giáo dục Việt Nam sau từng ấy lần chia tách, sáp nhập chuyền đi, chuyển lại liệu có nghiệm đúng như lời cổ nhân?

Đối với nhà giáo và nhà trường, thực tế cho thấy sự kính trọng, niềm tin gửi gắm nơi người thày và ngôi trường đã giảm sút nghiêm trọng, tuy nhiên lỗi của thày cô và nhà trường không tách khỏi những bất cập của cơ chế, chính sách.

(Còn nữa)

Tiến sĩ Dương Xuân Thành (Ban nghiên cứu và phân tích chính sách Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam)